Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

DU LỊCH HUẾ CỨ " ÊM RỨA " RỒI SẼ KHÁC (!?)


Vì sao một cố đô "thừa mứa" tiềm năng và "no nê" các danh hiệu từ "di sản văn hoá thế giới" cho tới "vịnh đẹp thế giới"... như Huế, nhưng ngành du lịch, dịch vụ Huế bao nhiêu năm nay lại phát triển èo ọp?
Chúng tôi đã hỏi từ các ban ngành liên quan cho tới Chủ tịch tỉnh. Và kết luận thu được là có những chuyện không tài nào lý giải được (!).

Thừa tiềm năng và danh hiệu
Nguyễn Tiến Quang - Việt kiều Pháp - trở về Huế lần đầu tiên sau hơn 30 năm xa quê đã há hốc mồm, không kìm được sự ngạc nhiên khi nghe chúng tôi thống kê: Huế đang thừa tiềm năng du lịch với hơn 900 di tích lịch sử, trong đó 103 di tích xếp hạng quốc gia. Huế đang sở hữu một cố đô với 16 điểm di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại. Rồi nhã nhạc cung đình Huế cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.Huế cũng đang sở hữu một di sản thiên nhiên cũng “chẳng nơi nào có được” từ con sông Hương – dòng sông di sản đang được đề cử bổ sung cho danh hiệu di sản văn hoá phi vật thể nhân loại (cùng với hệ thống kinh thành Huế). Một vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn nhất Đông Nam Á (21.594ha, dài 67km, rộng hơn 4km, gồm 1 phá và 4 đầm). Một tam giác Lăng Cô - Cảnh Dương - Bạch Mã, được Chính phủ xác định là một trong bốn vùng du lịch trọng điểm của quốc gia, riêng vịnh Lăng Cô vừa được Câu lạc bộ các Vịnh biển đẹp Bãi biển Lăng Cô vừa được công nhận là vịnh đẹp thế giới
nhất thế giới (World Bays), chính thức công nhận là một trong 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới...Rồi Huế là “thành phố festival đặc trưng của Việt Nam” quanh năm hội hè. Đó là chưa nói đến những lễ hội nhỏ hơn được tổ chức thường niên như: Lễ tế Xã Tắc; Quang Trung lên ngôi; lễ hội đền Huyền Trân...“Tiềm năng như vậy thì người Huế mình chỉ cần ngửi hơi khách du lịch thôi cũng đã giàu to rồi” - Quang đoán có chút tự hào. Nhưng rồi nét mặt anh lập tức chuyển qua trạng thái thất vọng khi nghe một thống kê khác: Bao nhiêu năm nay, ngành du lịch dịch vụ Huế vẫn phát triển trong tình trạng còi cọc với bình quân lưu trú chưa vượt ngưỡng 2 đêm/khách. Trung bình mỗi năm đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó hơn một nửa là khách quốc tế. Doanh thu của toàn ngành trung bình năm trong nhiều năm gần đây dao động từ 700 - 800 tỉ đồng và mức đóng góp cho ngân sách địa phương cũng chỉ dao động trên dưới 30 tỉ đồng/năm.


Miếng bánh chưa hấp dẫn
Sự yếu kém của ngành du lịch Huế, không phải chỉ là sự “nhìn xoi mói” của “người ngoài” như chúng tôi, mà ngay chính “người trong nhà” cũng thừa nhận. Ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế - nói trong một hội nghị mới đây: “Các hoạt động xúc tiến quá yếu, lại phân tán cả về nội dung lẫn thị trường; lạc hậu về công nghệ, kỹ năng và thiếu chuyên nghiệp... do chưa có một cơ quan chuyên trách về thông tin và xúc tiến. Năng lực cạnh tranh điểm đến và năng lực cạnh tranh DN còn thấp. Các DN lữ hành Thừa Thiên - Huế nhìn chung chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng và phát triển sản phẩm, thụ động, thiếu chắc chắn về thị trường nên thường phụ thuộc vào nguồn khách chính của các hãng lớn ở TPHCM và Hà Nội. Sản phẩm du lịch quá đơn điệu, mới dựa chủ yếu vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, không thể hiện ưu thế trên thị trường. Giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp so với mức trung bình của thế giới...”.
Ngành du lịch Huế đang “no nê” danh hiệu
Festival Huế - một sản phẩm du lịch độc đáo, được tổ chức thường niên trong mùa vắng khách (tháng 6) đến nay đã 5 kỳ với quãng thời gian tròn 10 năm vẫn chưa thu được hiệu quả (chỉ nói về mặt hút khách du lịch) như mong muốn. Lâu nay, những người tổ chức luôn phàn nàn rằng chúng tôi tổ chức lễ hội là để kéo khách du lịch đến Huế, nhưng các DN kinh doanh du lịch trên địa bàn lại luôn thờ ơ, coi như festival là chuyện của ai đó.Đáp lại, một DN không muốn nêu tên nói: “Đúng là chúng tôi có thờ ơ thật, nhưng mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó. Nói thật sau 10 năm tổ chức, Festival Huế đối với những người làm du lịch vẫn chưa phải là một chiếc “bánh ngon”. Nếu ngon thì chúng tôi đã nhảy vào để “tranh ăn” rồi, không đợi đến những người tổ chức phải nhắc và trách. Bằng chứng là đến thời điểm này (giữa cuối tháng 5.2010), chỉ còn hơn hai tuần nữa là khai mạc lễ hội, nhưng khách sạn của chúng tôi và chắc chắn là nhiều khách sạn lớn khác trên địa bàn thành phố, vẫn không có một hãng du lịch nào đặt phòng cho khách du lịch quốc tế đến Huế trong dịp này, ngoài một số đoàn khách Thái Lan”.Ọp ẹp như vậy, nhưng bao nhiêu năm nay, UBND tỉnh chưa bao giờ đầu tư để có một chiến lược xúc tiến quảng bá ở những thị trường lớn đúng nghĩa. Lâu nay ở những hội chợ du lịch lớn ở nước ngoài các DN du lịch Huế đều tự bỏ tiền túi để đi và do không có nhiều tiền nên chỉ... phát tờ rơi ở ven ven ngoài nên hiệu quả gần như bằng không. “Trách nhiệm xúc tiến, quảng bá du lịch là của UBND tỉnh. Tại sao ở những hội chợ như vậy, tỉnh không cùng chúng tôi chia sẻ kinh phí theo kiểu 50 - 50 để cùng làm?” - một DN đặt vấn đề.


Yếu từ những chuyện rất nhỏ...
Trong lần trò chuyện với người viết bài này, ông Paul Shuttenbelt - GĐ Châu Á của Cty tư vấn giải pháp đô thị của Hà Lan (Urban Solutions), đơn vị đang phối hợp với Trung tâm BTDTCĐ Huế lập kế hoạch quản lý di sản Huế - kể một câu chuyện mà ông cho là “rất vui”: “Trong quá trình thực hiện dự án này, tôi khẳng định với giám đốc một khách sạn lớn ở Huế mà tôi không tiện nêu tên rằng, quần thể di tích Huế (đã được UNESCO công nhận) có 16 điểm di tích. Nhưng ông ta đã cãi tôi, nói hình như chỉ có hai hay ba điểm gì đó” (!?). Ông Paul Shuttenbelt ngạc nhiên: “Với kiểu nhớ như vậy mà ông ta cung cấp thông tin cho khách du lịch thì cực kỳ nguy hiểm. Rõ ràng là ở Huế, công tác tuyên truyền và sự nhận thức về di sản của người dân, cán bộ... đang có vấn đề”.Elena - một du khách Hà Lan - than phiền về một “chuyện nhỏ” khác: “Các nhà vệ sinh ở các điểm tham quan di tích của các bạn quá bẩn khiến du khách, đặc biệt là khách nước ngoài như chúng tôi không thể nào chịu được”. Ông Nguyễn Thành Lưu - GĐ Chi nhánh SaiGon Tourist tại Đà Nẵng nói: “Nhiều người cho rằng đó là chuyện nhỏ, nhưng tôi cho rằng nó không nhỏ bởi nó đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch Huế, bởi chắc chắn không có du khách nào dám quay lại những di tích với những nhà vệ sinh kinh hoàng như vậy”.


Vĩ thanh
Còn nhớ cách đây 2 năm, tân Chủ tịch UBND tỉnh lúc ấy là ông Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu rất dứt khoát: “Nếu như trước đây Thừa Thiên - Huế còn lấn cấn giữa công nghiệp và dịch vụ trong việc xác định ngành kinh tế mũi nhọn, thì đến thời điểm này chúng tôi đã xác định: Dịch vụ du lịch là mũi nhọn và là mũi nhọn duy nhất...”. Mới đây, chúng tôi tìm đến Sở VHTTDL để hỏi xem hai năm qua, tỉnh và sở đã làm gì, đầu tư như thế nào... để ngành du lịch, dịch vụ trở thành mũi nhọn duy nhất. Và câu trả lời là... chưa hề có động thái gì mới. Điều này có nghĩa là ngành du lịch, dịch vụ Thừa Thiên - Huế mới chỉ nhọn ở... quyết tâm của lãnh đạo! Người Huế có câu cửa miệng rất hay là “êm rứa”. Nghĩa là cứ bình tĩnh, không có việc gì lớn đến mức phải hoảng lên. Và nhìn những bước đi của ngành du lịch, động thái của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua, không còn cách nào khác đành phải AQ rằng: Cứ “êm rứa” rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Hiện ngành du lịch Huế đang có vài trục trặc, nhưng không có gì phải hoắng lên cả (!?).

HOÀNG VĂN MINH
Báo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét