Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

THƠ VIẾT TRONG BỆNH VIỆN - NGUYỄN MIÊN THẢO


Nằm nhìn con dán bò
Tưởng ở trong cổ mộ
Máu cứ chảy bất ngờ
Thơ không cầm được huyết
o
Ta chỉ biết một điều
Đang nhớ em da diết
NMT

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 60)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

601 - Ngô Pang Thu Thái
TÌM CHA HÀN QUỐC
Thường dân sinh 1975 tại Khánh Hòa. Sống ở Khánh Hòa (2011).

Trước 75 mẹ làm thông dịch viên cho hãng đóng tàu Vinnel của Hàn Quốc do Mỹ đặt hàng ở Cam Ranh qua đó gặp và chung sống từ năm 1970 với một kỹ sư Hàn Quốc làm cho hãng này mà không biết ông ta đã có vợ bản xứ và 2 con rồi. Sinh được 3 con gái (mình là con út) thì đầu năm 1975 ông này về nước rồi mất tin tức luôn.
Ba cô con gái lớn lên tìm mọi cách truy tìm tông tích cha qua những nhóm cựu chiến binh Hàn Quốc trở lại đi du lịch VN đến Khánh Hòa nơi trong thời chiến tranh họ từng lưu lại một thời gian. Nhưng tất cả đều không kết quả.
Đến năm 2004 một công ty do một người con lai Hàn Quốc thành lập ở TPHCM chuyên hỗ trợ công việc tìm thân nhân Việt – Hàn đã nhận thông tin từ 3 chị em để tiến hành tìm kiếm. Mãi đến năm 2007 mới dò ra tin tức về người cha mới gọi 3 chị em vào TPHCM chờ nghe điện thoại qua Hàn Quốc nhưng rốt cuộc liên lạc không gặp được người cha. Thất vọng, 2 người chị ra về, riêng bản thân mình vẫn linh cảm một niềm tin trực giác mơ hồ nên vẫn ở lại một mình chờ tin tức.
Và may mắn là hôm sau thì bắt liên lạc được với người cha bấy giờ đang ở Uùc làm ăn. Nhưng khi đã nhận ra nhau rồi thì cả 2 cha con đều khóc nghẹn ngào không nói nên lời đến nỗi phải…. ngưng lại hẹn ngày mai gặp lại, bình tĩnh rồi mới nói chuyện được!
Sau đó người cha và cả bà vợ đầu cùng 2 con trai bay qua VN nhận lại “một nửa gia đình” của mình. Cả bà vợ đầu cùng 2 anh trai đều đối xử với 3 cô con gái đời sau này rất tốt đúng theo lễ giáo đạo Nho mà Hàn Quốc cũng như VN đều chịu ảnh hưởng sâu đậm. Người cha kể “Tối nào cha cũng cầu nguyện mong tìm gặp được 3 con”, còn người anh cả nói “Một đại gia đình thì không thể chia lìa nhau được.”

602 - Nguyễn Hữu Khi
GIÁO VIÊN CHĂN TRÂU DẠY HỌC MIỄN PHÍ
Bộ đội về hưu sinh 1931 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2011).
Nhà nghèo quá nên mới lên lớp 5 phải bỏ học đi chăn trâu rồi xin đi làm công nhân. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào bộ đội chiến đấu.
Năm 1954 được phục viên về làm công nhân mới bắt đầu học lại, tự học lên cấp 2 rồi cấp 3 song lại không được cho đi thi vì thiếu giấy tờ học bạ.
Năm 1965 khởi phát chiến tranh chống Mỹ liền đầu quân tái ngũ được đưa vào chiến trường Quảng Trị điểm nóng thời đó. Tại đây 2 lần bị thương nên được chuyển về hậu phương miền Bắc làm công tác hành chính.
Có thời gian rảnh rỗi hơn mới tiếp tục đeo đuổi việc học bổ túc văn hóa từ năm 1970 nhưng mãi đến năm 1974 mới được thi tốt nghiệp trung học phổ thông lúc đã 40 tuổi. Từ đó bắt đầu làm thêm nghề dạy kèm miễn phí cho công nhân quen biết ở chung quanh.
Sau 75 về hưu về quê nhà sinh sống tiếp tục đi tìm đối tượng để mình dạy miễn phí từ học sinh nghèo đến dân quê, bên cạnh đó rảnh rỗi lại quay về nghề cũ chăn trâu thời thơ ấu gọi là làm cho… đỡ buồn! Nhưng nhờ đó đã rủ rê được vô số trẻ chăn trâu – kể cả thanh niên trai tráng trong làng – theo học mình miễn phí. Thậm chí học trò còn tình nguyện sẵn sàng chăn trâu…. giùm để thầy có thì giờ dạy chữ cho mình!
Cứ thế gần 40 năm nay đã hành nghề giáo viên cấp 2- cấp 3 (môn chính toán lý hóa) miễn phí ngoài biên chế. Với lịch dạy kín cả tuần, dạy ở nhà không đủ chỗ phải mượn nhà hàng xóm. Còn lấy tiền hưu ra mua tặng học sinh nghèo tập vở, bút mực.
Đã 80 tuổi mà vẫn đều đặn học thêm chuyên môn từ VTV2 để cho học trò mình “không lạc hậu”…

603 - Nguyễn Sỹ Hồ
NGƯỜI CHỤP ẢNH BIA MỘ NHIỀU NHẤT
Giáo viên. Sống ở Bình Dương (2011).
Mất mẹ năm 1972 trong một trận bom Mỹ, anh trai đi kháng chiến hy sinh không tin tức.
Sau 75 làm giáo viên toán ở huyện Tân Uyên, Bình Dương. Trong lòng vẫn đau đáu nỗi lòng chưa tìm được hài cốt anh nên đã nhiều lần ra Quảng Trị chiến trường cũ của anh để tìm mộ hoặc dấu tích nhưng không kết quả. Thế nhưng may thay cuối cùng nhờ đồng đội cũ của anh giúp đỡ mới tìm được mộ anh thì ra đã được quy tập trong một nghĩa trang liệt sĩ ở Long An.
Qua hành trình đi tìm mộ anh quá gian nan vất vả mới thấy thực tế có rất nhiều mộ liệt sĩ đã được đưa về nghĩa trang miền Nam có tên tuổi đàng hoàng vậy mà vẫn không có người thăm viếng chẳng qua vì thân nhân – hầu hết ở miền Bắc - không biết, không có thông tin. Từ đó mới nảy sinh ra ý tưởng đi chụp ảnh những bia mộ “cô đơn” đó làm bằng chứng thuyết phục rồi tìm cách đưa lên mạng để phổ biến rộng rãi khắp cả nước cho mọi người được biết, hy vọng qua đó thông tin sẽ đến với thân nhân liệt sĩ.
Thế là từ năm 2008 tận dụng thì giờ rảnh xách xe máy đi khắp các nghĩa trang ở tỉnh nhà Bình Dương rồi qua các tỉnh lân cận – Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh… - chụp hàng ngàn bức ảnh về hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa được thân nhân nhận biết. Làm việc này một cách không công, không đòi hỏi gì dù hoàn cảnh sống giáo viên quèn của mình cũng chẳng khấm khá gì.
Sau đó lập một blog trên mạng để đưa tất cả ảnh bia mộ đó lên nhờ Internet chuyển tải đi khắp nước và cả thế giới – địa chỉ:nguyensyho.wordpress.com hoặc teacherho.vnweblogs.com.
Không chỉ thế, dựa trên địa chỉ quê quán trên bia mộ còn chịu khó cặm cụi gửi thư cho thân nhân thông báo riêng.
Nhờ đó đã có hàng trăm gia đình, thân nhân liệt sĩ có thông tin để lần đầu khăn gói vào Nam thăm mộ, một số có điều kiện thì làm thủ tục xin đưa di hài về quê.
Đạt được kết quả như thế là thỏa mãn tấc lòng lắm rồi nên mỗi lần có thân nhân tìm đến nhờ đưa đi tìm mộ đều hăng hái tháp tùng chỉ dẫn rồi cũng quỳ vái trước mộ. Lầm rầm khấn vái như lời cảm tác triết lý ghi trên giao diện blog “Bia mộ” bên cạnh hàng hàng lớp lớp ảnh mộ bia: “Cuộc đời vốn thế, một khi tiếng đập trống rỗng của những chiếc dạ dày tạm lắng xuống thì tiếng động thì thầm của những giá trị nguồn cội lại vang lên.”

604 - Phạm Ngọc Mỹ
CON NUÔI “HOÀNG ĐẾ ĐĨA NHỰA”
Việt kiều Mỹ sinh 1970 tại Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2011).
Con lai Mỹ nên vừa sinh ra đã bị mẹ bỏ rơi ở bệnh viện. Tình cờ may mắn lại gặp được một người cha nuôi tốt bụng cưu mang.
Đó là diễn viên cải lương Tấn Tài rất nổi tiếng ở miền Nam thập niên 60-70, được mệnh danh là “Hoàng đế đĩa nhựa” với thành tích ca cải lương, vọng cổ thu đĩa nhiều nhất với hơn 400 đĩa (có ngày thu liên tục 5-6 đĩa) nhờ giọng ca luyến láy ngọt ngào. Còn trên sân khấu thì ăn khách qua loạt vở tuồng viết theo truyện chưởng Kim Dung (vai Trương Vô Kỵ).
Tấn Tài trước đó từng đi dạy học ở quê rồi bị kêu đi lính nên bỏ trốn lên Sài Gòn bắt đầu theo nghiệp kép hát cải lương (bởi vậy dù mang họ Lê song sinh con đều đặt theo họ mẹ - họ Phạm - để tránh bị truy tông tích).Tuy chán ghét chiến tranh nhưng khi vợ sinh con cùng bệnh viện biết tình cảnh đáng thương của cô bé lai Mỹ bị mẹ bỏ rơi, ông vẫn sẵn lòng xin nhận làm con nuôi xem như mình có con… sinh đôi vậy. Và đặt tên Mỹ như muốn nhắc nhở cho con nuôi biết nguồn cội của mình.
Nhưng cũng vì chuyện nhận con nuôi kể trên mà sau đó gia đình cha nuôi từng bị nhiều người ghen ghét xoi mói cho rằng vợ ông sinh đứa con lai này là do… lấy Mỹ! Tuy vậy cô gái lớn lên vẫn được cha mẹ nuôi yêu thương, dạy dỗ hết lòng như con ruột (3 con ruột).
Năm 1990 khi có chính sách cho con lai Mỹ đi Mỹ, cha mẹ nuôi đã đứng ra lo liệu thủ tục cho con gái nuôi qua Mỹ sinh sống để bảo đảm tương lai hơn chứ ở lại trong nước thời gian này cuộc sống rất khó khăn, nhất là đối với giới nghệ sĩ “cũ” như Tấn Tài.
Nhờ hưởng chế độ con lai nên cuộc sống nơi xứ người dần ổn định, lấy chồng sinh được 3 con. Và đã dùng những đĩa hát của “Hoàng đế” cha nuôi để dạy con… học tiếng Việt.
Không bao giờ dám quên công ơn dưỡng dục của vợ chồng “Hoàng đế đĩa nhựa”, 20 năm ra đi đã hơn 11 lần trở về thăm cha mẹ anh chị em nuôi. Kể cả khi “Hoàng đế” bệnh già sau giải phẫu bị nhiễm trùng “băng hà” đầu năm 2011, để lại cho đứa con nuôi bài học cuộc sống: “Cha tôi vượt qua biết bao thăng trầm của nghề hát nhưng vẫn sống thanh thản, đó là gia sản quý giá mà ông để lại cho chúng tôi trong cuộc sống này.”

605 - Thanh Tuyền
VƯỢT BIÊN TÌM CHỒNG
Nữ ca sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Phạm Như Mai sinh 1949 tại Đà Lạt. Sống ở Mỹ (2011).
Trước 75 được xem là một giọng ca nữ cực kỳ ăn khách trong loại ca khúc bị gọi là “nhạc sến”, đơn ca các bài hát nổi tiếng như “Nỗi buồn hoa phượng”, “Lối về xóm nhỏ”, “Chuyến tàu hoàng hôn” hoặc song ca cùng Chế Linh.
Khi xảy ra biến cố lịch sử 30.4.75, chồng đã một mình đi di tản bỏ lại vợ và 3 con nhỏ dại (6 tuổi, 3 tuổi và mới 1 tháng tuổi), sau đó không thấy có tin tức gì cả. Một mình nuôi 3 con nhờ đi hát theo đoàn kịch Kim Cương vốn được chế độ mới chấp nhận ưu ái.
Đến năm 1979 quyết định ôm 3 con vượt biên qua Mỹ để “tìm cha cho các con”. Qua Mỹ quả là tìm được chồng – cha của các con – nhưng than ôi sự đời thay đổi bể dâu quá biết đâu mà ngờ, đến lúc này mới thấy sự rạn vỡ gia đình đã hiện hình rõ ràng khi người chồng cũ quay lưng bội bạc. Thế là đôi bên chia tay!
Trên xứ người một lần nữa lại phải làm người mẹ đơn thân nuôi con bằng nghề… công nhân đứng máy in. Buồn đau, chán nản chuyện gia đình cộng thêm mệt mỏi công việc lao động chân tay khiến rơi vào khủng hoảng tâm lý tới mức có lần suýt tự tử!
May thay từ cuộc đi tìm người cha “thật” của các con cuối cùng kết quả tìm được mà đoàn tụ lại không thành ấy thì trong chuyến vượt biên ấy có tháp tùng một người bạn cũ sau đó lại trở thành người… cha kế của các con! Tình yêu trở lại cùng niềm tin yêu cuộc đời cộng thêm lời mời đi hát sô hải ngoại giúp dần dà ổn định cuộc sống.
Sinh thêm một con trai nữa. Nuôi dạy các con nên người trong đó con trai đầu làm sĩ quan không quân Mỹ lấy vợ là nữ diễn viên cải lương Ngọc Huyền Nghệ sĩ Ưu tú đã chuyển qua Mỹ định cư luôn và một con gái Shayla theo nghề mẹ.
Năm 1995 trở về quê hương lần đầu tiên thọ tang mẹ (gia đình vẫn còn ở Đà Lạt), sau đó nhiều lần về cùng các đồng nghiệp cũ đi làm từ thiện chứ chưa chịu hát lại như bao bạn cũ có lẽ vì còn e ngại và sợ tuổi tác không giữ được nét xưa.
Đến cuối năm 2009 mới chịu xuất hiện trở lại trên sân khấu, diễn ngay cả ở Hà Nội trong những chương trình ca nhạc có mục đích quyên góp từ thiện đúng như tâm nguyện của mình: “Khi mình có bát cơm đầy thức ăn thì nên nghĩ đến những người vẫn đang ăn bát cơm chỉ có vài cọng rau muống. Chỉ cần làm bằng tất cả tấm lòng chân thành thì mọi khổ đau sẽ được đẩy lùi thôi.”

606 - Trần Hữu Thanh
TỪ BỎ CHÍNH TRỊ QUAY VỀ VỚI CHÚA
Tu sĩ đạo Thiên Chúa sinh 1915 tại Quảng Trị – Mất ở Hà Nội 2007 (93 tuổi).
Thời trẻ từng ra Hà Nội tu học, 1954 vào Sài Gòn làm linh mục.
Trước 75 đã nổi lên trong phong trào Công giáo chống tham nhũng chế độ Thiệu – Kỳ. Nhắm mục tiêu làm “trong sạch hóa chế độ” để chống Cộng hữu hiệu hơn, vì thế tham gia bộ phận tuyên úy quân đội, giảng đạo cho sĩ quan binh lính VNCH.
Bởi vậy sau 75 bị bắt giam 3 năm ở nhà tù Chí Hòa rồi đưa ra Hà Nội, sau đó chuyển về quản chế 9 năm tại Hải Dương.
Năm 1988 trong thời Đổi mới được trả tự do nhưng bấy giờ sau thời gian sống ở Hải Dương nhận thấy tình hình đạo kém phát triển ở đây nên đã tình nguyện… ở lại luôn để góp phần giúp giáo phận Hải Dương tinh tiến mục vụ.
Uy tín trong giáo dân ngày càng cao nên năm 1993 còn được giáo phận Hà Nội cử kiêm luôn chức bề trên tu viện dòng Chúa Cứu thế giúp đào tạo thế hệ tu sĩ trẻ của Hà Nội.
Năm 2001 mắc bệnh nên được đưa về Hà Nội chữa bệnh song vẫn ngồi xe lăn đi giảng đạo.
Mất vì bệnh già với ý nguyện được chôn tại Hải Dương, nơi bản thân đã trải qua bao năm tháng mang thân phận tù đày biệt xứ.

607 - Trần Lâm
NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH “KIỆN TƯỚNG XIN TIỀN”
Cán bộ về hưu sinh 1941 tại Kiên Giang. Sống ở Kiên Giang (2011).
Tham gia hoạt động chống Mỹ ở quê nhà nên sau 75 giữ nhiều chức vụ chính quyền quan trọng tại Kiên Giang.
Năm 1995 đang làm Phó Chủ tịch tỉnh thì bị mắc căn bệnh nặng buộc phải xin nghỉ hưu non để điều trị. Bệnh viêm gan siêu vi C được bác sĩ chẩn đoán rất nặng giỏi lắm chỉ sống được một năm.
Trong thời gian chữa bệnh đã tìm thú vui giúp giải khuây đồng thời tiếp thêm nghị lực sống là tập tành chụp ảnh nghệ thuật. Chụp ảnh về bạn bè đồng đội, về đất nước quê hương, nhất là Kiên Giang nơi chôn nhau cắt rốn. Chụp ảnh như một niềm an ủi gửi gắm tâm tình trước khi ra đi.
Không ngờ cái nghề tay trái này đã giúp lành bệnh như một phép lạ cả bác sĩ cũng không ngờ. Thế là từ đó càng hăng say chụp ảnh “Coi như sống thêm được ngày nào là lời ngày ấy!”. Và lại không ngờ thú vui đó lại đạt bước thành công lớn về chuyên môn giành nhiều giải thưởng trong nước lẫn nước ngoài, được phong nghệ sĩ nhiếp ảnh VN và quốc tế.
Năm 2000 bác sĩ lại phát hiện trong phổi có 2 khối u nghi ung thư. Thế là lại vừa chữa bệnh vừa lao vào chụp ảnh tiếp tục. May sao rồi cơn bệnh ngặt nghèo cũng qua đi.
Năm 2007 thực hiện bức ảnh “Mặt trời trong lăng sáng tỏ” đạt thành tựu nổi tiếng rồi qua năm sau gây tiếng vang cả nước khi ảnh được bán đấu giá đạt 1 triệu USD thành kỷ lục “Bức ảnh đắt giá nhất”.
Số tiền trên cũng như toàn bộ tiền bán ảnh qua triển lãm của mình đều được góp hết cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang – làm theo mô hình hội của TP HCM do cố Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Vĩnh Nghiệp sáng lập - do chính mình đứng ra vận động thành lập năm 2003.
Không chỉ góp tiền bán ảnh mà bản thân còn không ngại khó khăn vất vả đi xin tiền khắp nơi – doanh nghiệp, mạnh thường quân, cơ quan ban ngành… - ủng hộ tính đến nay hơn 300 tỉ đồng. Dù chuyện xin tiền không đơn giản: “Lắm lúc cũng buồn, vừa mở miệng xin tiền đã bị từ chối, có người còn dè bỉu “trốn” luôn… Nhưng vì người nghèo, nghĩ đến bà con tôi thấy mình như người cùng trong cảnh ngộ nên gạt qua mặc cảm mà làm thôi… Vì không ai có thể nghĩ được đến thế kỷ này rồi mà người dân còn khổ đến như thế…”.
Bởi vậy đã đặt ra một nguyên tắc rặt chất Nam bộ là ai vào hội tham gia làm việc này đều phải “thề độc” không được lợi dụng làm chuyện bậy bạ.
Từ nguồn tiền trên, cùng hội đã tiến hành nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ đồng bào nghèo cả tỉnh nhà đến khắp đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, ra miền Bắc, qua nước bạn Campuchia như xóa mù (mắt), mổ tim, điều trị bệnh u xơ cho phụ nữ, tặng xe lăn, xây cầu xây trường, xây trung tâm y học cổ truyền xây bệnh viện khám chữa bệnh miễn phí, xây nhà tình thương, đào giếng giùm, cấp học bổng và tặng xe đạp cho học sinh nghèo…
Từ đó được người dân tặng cho biệt danh “Ong Bảy từ thiện” và phong danh hiệu không chính thức “Kiện tướng xin tiền”!
Năm 2008 trên thân thể lại nổi một số cục u gây đau nhức. Nhưng vẫn không chịu nghỉ làm vì “Mình luôn xác định mình là người mắc nợ nhân dân, mình làm việc để mong được trả hết nợ mà thôi… Nếu ngừng làm việc tôi chết ngay”!

608 - Trần Lý
LIỆT SĨ TÊN SAI CHÍNH TẢ!
Bộ đội sinh tại Hà Tĩnh, hy sinh ở Quảng Trị trước 1975.
Sau 75 gia đình không biết tin tức gì hết thì năm 2000 may thay nghe được Đài Tiếng nói VN thông tin mộ đã được đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ ỡ xã Vĩnh Giang, Quảng Trị. Thế là người anh trai tức tốc chạy xe 200km vào Quảng Trị tìm mộ em.
Nhưng đến nơi mới được người đưa tin đính chính rằng tên liệt sĩ là Trần Ly song phát thanh viên đọc sai thành Trần Lý!
Tuy nhiên như có linh cảm gì đó mà người anh vẫn cất công đến tận nghĩa trang xin xác minh kỹ. Và sau cả ngày trời lần dò tra cứu bao nhiêu sổ sách ố vàng gần mục nát rồi mới phát hiện tên trên danh sách gửi ra cho nhà đài đã bị đánh máy… thiếu dấu sắc nên đúng là Trần Lý thì danh sach ghi là Trần Ly, còn phát thanh viên thay vì đọc Trần Ly thì đọc chệch thành Trần Lý… té ra mới là đúng thật!
Nhờ đó mà cuối cùng liệt sĩ cũng đã tìm được đường về quê.

609 - Trần Minh Thuận
KHÔNG CÒN NƯỚC MẮT CHO NGƯỜI MÙ
Thương binh sinh 1947 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2009).
Bộ đội chiến đấu trên chiền trường miền Trung năm 1969.
Năm 1971 trúng mìn ở Quảng Trị, bác sĩ chữa trị tại chỗ phải mổ lấy cả đôi mắt ra mới cứu sống được. Trong thời gian nằm viện đã viết thư về quê cho người yêu biết và khuyên cô hãy quên mình mà đi lấy chồng khác.
Nhưng người con gái son sắt kia vẫn một lòng chung thủy không chịu, cuối cùng vẫn quyết làm đám cưới năm 1973. Từ đó vợ đi làm hợp tác xã còn chồng ở nhà mày mò tách những sợi gai đan võng cho vợ sắp sinh con đầu lòng.
Vậy mà tai uơng vẫn chưa dứt, đứa con trai đầu ra đời dị dạng – tóc vàng, da trắng lốp, mắt lồi ra, mũi đỏ hoe, mình đầy lông lá… - vì bố nhiễm CĐDC, được vài ngày thì mất. Đứa con trai thứ hai cũng vậy may mà sống được tuy thường xuyên ốm đau. Đến đứa con thứ ba – con gái – sinh năm 1983 bình thường như bao đứa trẻ sơ sinh khác song hai vợ chồng vui mừng chỉ được một thời gian bởi sau đó khi lớn lên em lại mắc chứng động kinh nặng thỉnh thoảng ngã lăn ra sùi bọt mép, mắt trợn trắng, còn không thì hay la hét khóc cười bất chợt như kẻ tâm thần. May mà đứa con trai út tình trạng sức khoẻ và trí tuệ đỡ hơn một chút.
Không biết làm gì hơn là đành chấp nhận định mệnh tàn khốc, ngày ngày ở nhà lọ mọ chăm sóc con gái, nấu cơm nước phụ vợ. Nỗi buồn đau giữ kín trong lòng, chỉ thố lộ qua tiếng sáo trúc tự mình thổi lên ai oán những khi rảnh rỗi.
Hỡi ôi trời cũng chưa buông tha, một ngày nọ vợ bị phát hiện… ung thư!
Năm 2004 vợ mất nhưng trước khi mất, người phụ nữ đáng phong làm “Thánh” này đã có một hành động cuối cùng nhằm cứu vớt gia đình là năn nỉ người em gái góa chồng đang làm ăn ở xa trở về thay mình lo… cáng đáng giùm chồng con mình! Thế mà người em gái kia chấp nhận, nhờ đó mái ấm gia đình bốn cha con tật nguyền được giữ cho khỏi đổ vỡ.
Đến đó có thể nói Thần May mắn mới chịu mỉm cười với họ: Thêm 2 người phụ nữ lành lặn khác chịu đến làm dâu nhà này dù hai người con trai mang dị tật không làm lụng gì được. Hai đám cưới đều bị nhà gái phản đối nhưng rốt cuộc đành bó tay, lễ cưới chỉ làm giấy đăng ký kết hôn mà không có tiền để làm cỗ mời bà con họ hàng làng xóm.
Và nay thì đã có đứa cháu nội đích tôn mạnh khoẻ như một sự đền bù dẫu muộn màng cho số phận bi đát không còn nước mắt để khóc nữa trên đôi mắt mù.

610 - Trần Ngọc Giao
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 26
Cựu chiến binh sinh 1925 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2009).
Tham gia đánh Mỹ nên năm 1954 tập kết ra Bắc để lại quê nhà vợ và con trai còn nhỏ.
Năm 1966 trở lại chiến trường miền Trung bí mật về thăm gia đình rồi đưa con theo vào chiến khu vì ở nhà luôn bị địch tìm đủ mọi cách truy bức 2 mẹ con. Vài ngày sau mới viết một lá thư cho vợ báo tin 2 cha con về lại căn cứ an toàn.
Lá thư giao cho một ngưòi giao liên đem đi phải 6-7 ngày mới có thể đến tay vợ được. Không ngờ trên đường đi ngươì giao liên bị lộ, bị quân Mỹ bắn chết. Một người lính Mỹ lục tìm thấy lá thư mới giữ lại xem như một kỷ vật chiến tranh rồi khi mãn hạn đi lính mang theo về Mỹ. Sau đó tặng lại lá thư cho thư viện trường ĐH Massachussets để trường này trưng bày như một tài liệu về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ đã qua.
Năm 1989 nhà văn Nguyễn Quang Sáng được trường đại học trên mời qua Mỹ giao lưu nghiên cứu hậu quả chiến tranh Việt - Mỹ mới thấy được lá thư trên trong thư viện – dài 6 trang được phóng to kèm theo lời dịch ra tiếng Anh, có ghi tên tuổi người viết thư đàng hoàng (lấy trong nội dung thư) -- liền xin bản photo đem về nước.
Đinh ninh rằng tác giả lá thư đã hy sinh nên nhà văn viết một bài báo cảm động – “Xin đưa hồn anh về Tổ quốc” – với hy vọng tìm được người vợ nhắc đến trong thư để “trao lại” lá thư của người chồng liệt sĩ sau 22 năm 6 tháng lưu lạc qua tới đất Mỹ.
Không ngờ “liệt sĩ” đó là một đại tá đang nằm dưỡng bệnh ở Đà Nẵng với vợ bên cạnh chăm sóc! Thế là diễn ra một cuộc trùng phùng cười ra nước mắt giữa ba bên: Lá thư – 2 vợ chồng – nhà văn.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

THƠI VẮNG NHỮNG NHÀ VĂN HÓA LỚN - TRẦN HỮU DŨNG

Trong một lần gặp gỡ một nhóm sinh viên trẻ ở Hà Nội vài năm trước, tôi hỏi các em: Trong xã hội Việt Nam ngày nay, đặc biệt là trong lãnh vực văn hoá, các em ngưỡng mộ ai nhất? Và tôi ngạc nhiên khi chẳng em nào trả lời tôi được! Nhớ lại hồi còn trẻ, tôi có thể kể năm bảy người mà tôi ngưỡng mộ, những Đào Duy Anh, những Nguyễn Mạnh Tường, những Trần Đức Thảo, những Hoàng Xuân Hãn, những Nguyễn Hiến Lê... Còn ngày nay? Có thể chăng chúng ta đang sống trong thời vắng những nhà văn hoá lớn?

1
Thế nào là một nhà văn hoá lớn? Tất nhiên, xã hội nào cũng có những trí thức, những người tham gia (có thể rất tích cực) vào hoạt động văn hoá trong lãnh vực này hoặc lãnh vực nọ... Song, những nhà văn hoá lớn có một vai trò vượt trội những trí thức khác, và không phải bất cứ xã hội nào, lúc nào cũng có những nhà văn hoá như thế. Đó là những người mà sự uyên thâm và nhất là tính kiên trì nghiên cứu (nhiều khi lặng lẽ), năng suất làm việc phi thường (hàng mấy chục quyển sách, hàng trăm bài báo, chằng hạn) hầu như là huyền thoại trong dân gian. Chính tư tưởng của họ “định nghĩa” tính thời đại của một nền văn hoá. Nhà “văn hoá lớn”, nói cách khác, là người có những suy nghĩ vừa sâu vừa rộng, đưa ra những khám phá, lập luận, có tính tổng hợp, liên ngành (ví dụ như lịch sử và văn học, triết học và nhân chủng học), không bị giới hạn trong một ngành chuyên môn nào. Nhà văn hoá lớn là người có những ý tưởng độc đáo, hoặc có biệt tài tổng kết nhiều luồng tư tưởng khác nhau, từ nhiều lãnh vực khác nhau. Người ấy luôn luôn bám chặt vào những tiêu chuẩn học thuật cao nhất. Qua công việc nghiên cứu của họ, họ khơi dậy sự quan tâm, nâng cao trình độ thảo luận về những vấn đề lịch sử, xã hội, văn minh... nói chung là văn hoá.Một nhà văn hoá lớn còn phải là một nhà văn hoá dấn thân, nghĩa là, dù tư tưởng của họ có trừu tượng đến mấy, sự chọn lựa chủ đề của họ, hoặc cách tiếp cận chủ đề ấy, luôn luôn có một khiá cạnh nhân bản, hoặc là xuất phát từ những sự trăn trở đối với những vấn đề căn bản của xã hội, của con người (đặc biệt là, nếu hoàn cảnh bắt buộc, những vấn đề liên hệ đến tự do và nô lệ, đến chiến tranh và hoà bình). Nếu đã được đào luyện như là nhà khoa học, một nhà văn hoá lớn có trách nhiệm suy nghĩ về tính nhân văn, tính xã hội của ngành khoa học ấy. Văn hoá, tự thân, là một hiện tượng công cộng. Nhà văn hoá lớn có khả năng khuếch trương tính công cộng của khoa học mà không hi sinh chuẩn mực học thuật. Một nhà văn hoá lớn cống hiến cho xã hội một hệ tư tưởng, nhất là trong lãnh vực xã hội và nhân văn, có khả năng khuấy động những trao đổi, đóng góp của những người khác trong lãnh vực ấy, và qua đó, làm giàu cho sinh hoạt tư tưởng của xã hội.Nhà văn hoá lớn ngày nay cần phải theo dõi khít khao các luồng tư tưởng về văn hoá, chính trị, kinh tế... thế giới, bởi thế khả năng ngoại ngữ là cần thiết. Tuy nhiên, một nhà văn hoá lớn Việt Nam phải là người nhìn những luồng tư tưởng ấy qua lăng kính dân tộc và văn minh của người Việt Nam. Nói khác đi, một nhà văn hoá lớn phải đặt vấn đề văn minh của dân tộc (dù chỉ để phủ nhận nó, nếu muốn!) làm một trọng điểm của ý thức. Kiến thức là thiết yếu, nhưng một nhà văn hoá lớn phải đem kiến thức ấy phục vụ mục đích nhân văn. Nhà văn hoá lớn ngày nay phải thấm nhiễm tư duy “toàn cầu hoá” nhưng cũng phải có một thái độ rạch ròi về hậu quả của hiện tượng này đến những vấn đề quốc gia và dân tộc.Những nhà văn hoá lớn là những ngôi sao đặc biệt sáng ngời trong bầu trời có thể đã rất nhiều sao. Những nhà văn hoá lớn không nhất thiết là những thiên tài bẩm sinh (thậm chí, họ càng đáng nễ phục, càng nhiều ảnh hưởng, nếu công trình văn hoá của họ là do sự kiên trì nghiên cứu, tự học...). Một nhà khoa học xuất chúng có thể đáng ngưỡng mộ nhưng chưa chắc đã là một nhà văn hoá lớn theo nghĩa ở đây.

2
Nếu định nghĩa những nhà văn hoá lớn theo cách đó thì rõ ràng là chúng ta, hiện nay, rất thiếu những nhà văn hoá lớn. Tại sao như thế?Nhiều người sẽ đổ lỗi cho xã hội. Xã hội không bồi dưỡng những nhà văn hoá nói chung thì làm sao có những nhà văn hoá lớn? Sự thiếu tôn vinh này quả là đáng tiếc nhưng chưa đủ để giải thích sự thưa vắng những nhà văn hoá lớn, vì sự thực là, như lịch sử cho thấy, đại đa số những ngưòi này không làm việc vì tiền, hay để được xã hội tôn vinh, khen ngợi. Họ cật lực suy nghĩ, viết lách, giảng dạy... vì một sự thôi thúc nội tâm, không phải vì những phần thưởng từ bên ngoài. Thậm chí, nhiều người hãnh diện vì đời sống “khổ hạnh” của mình.Giả thuyết thứ hai, liên hệ đến giả thuyết thứ nhất, nhưng có vẻ thuyết phục hơn. Dường như ngày càng nhiều phát giác những vụ đạo văn, những vụ lừa bịp, nói chung là những hành động thiếu đạo đức của một số người đã có thời được xem là những “đại thụ văn hoá”. Có thể giải thích rằng những hành động thiếu đạo đức ấy là sự sa ngã do cám dỗ của một xã hội quá trọng vật chất. Những người đáng lẽ là “anh hùng” té ra lại có những cặp chân bằng đất sét.Bởi vậy, sự thiếu vắng những nhà văn hoá lớn, tôi nghĩ, chỉ phần ít là lỗi của xã hội, mà phần lớn là nhược điểm của chính cộng đồng trí thức (là vườn ươm những nhà văn hoá lớn). Oái oăm là, như vẫn thường nói, “thời thế tạo anh hùng”, thì “thời thế” ngày nay không đến nỗi quá bức xúc để anh hùng “đứng lên”. Cái “lỗi” của xã hội hiện tại không phải vì nó tích cực trù dập những hạt giống văn hoá lớn, nhưng ở sự làng nhàng, sự tầm thường tẻ nhạt cuả nó. Các vấn đề căn bản của xã hội, của con người, đòi hỏi những công trình văn hoá dài hạn, song những “khích lệ” cho các công trình văn hoá trong xã hội ngày nay, nếu có, lại có tính ngắn hạn. Có một sự so le giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng văn hoá.Nhiều người sẽ cho rằng sự thiếu vắng những trí thức lớn còn có một nguyên do khác, rằng một người trí thức “công cộng” phải được phép tự do phát biểu. Một việc còn rất hạn chế trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng theo tôi, yếu tố thật cần là những cuộc tranh luận, nghĩa là cần những nhà văn hóa lớn khác, và những cuộc tranh luận đó phải bình đẳng, tôn trọng những tiêu chuẩn học thuật phổ quát. Trong tranh luận văn hoá, không ai được quyền dựa vào một thế lực nào ngoài văn hoá.Có thể rằng, là một nhà văn hoá lớn ngày nay cần có những kiến thức, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ và kiến thức về sinh hoạt văn hoá toàn cầu, hơn bao giờ hết. Nhưng không hẳn là như vậy: có cả vạn người, hàng ngày luớt web khắp thế giới, nhưng chưa bao giờ thực sự là nhà văn hoá. Những thông tin họ biết là hời hợt, nông cạn. Bởi vậy, cái nghịch lý của nhà văn hoá lớn ngày nay là phải vừa biết nhiều, nhưng không cần biết hết, mà phải biết sâu. Phải biết tổng hợp những điều mình nghe thấy với những suy nghĩ của riêng mình. Đây cũng có thể là một lý do của sự thưa vắng những nhà văn hoá lớn, tuy số “trí thức khoa bảng” thì ngày càng nhiều: Với sự chuyên biệt hóa ngành học, ngày càng hiếm đi những người thông thạo nhiều ngành khác nhau, có đủ sức tổng hợp thành một hệ thống tư tưởng độc sáng.

3
Xác nhận sự thiếu vắng những nhà văn hoá lớn là một việc, kết luận rằng đó là một sự kiện đáng quan ngại lại là một việc khác! Bởi, có người sẽ hỏi: tại sao chúng ta cần những nhà văn hoá lớn? Chúng ta có rất nhiều nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư mọi ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước (và chúng ta không bao giờ thiếu những nhà thơ, nhà văn!). Như vậy không đủ sao? Tôi nghĩ là không đủ. Đúng là chúng ta cần phát triển kinh tế, cần cơm ăn áo mặc, cần một đời sống văn hoá không đến nỗi nghèo nàn... Nhưng chúng ta cũng cần những tinh hoa vượt trội. Dù bầu trời đã lấp lánh muôn sao, chúng ta vẫn cần những ngôi sao thật sáng. Đó là những ngôi sao chỉ đường, bởi lẽ một xã hội phải biết hướng tiến cho văn hoá của xã hội ấy.Nhưng tầm vóc của một nhà văn hoá không phải ngày một ngày hai mà có đuợc. Hãy hi vọng rằng ngay giờ phút này đây đang có những nhà văn hoá trẻ miệt mài xây dựng sự nghiệp văn hoá của mình. Cho những ngưòi trẻ này, vào những ngày xuân hôm nay, chúng ta nâng ly chúc mừng và chúc các bạn kiên trì, may mắn, cho bạn, mà cũng cho chúng ta.

T H D
Tháng 12, 2010
(Thời báo Kinh tế Sài GònXuân Tân Mão)

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

NẮNG MƯA LÀ CHUYỆN CỦA TRỜI - NGUYỄN MIÊN THẢO


Sài Gòn nắng cũng như mưa
Huế chờ đắng họng mà chưa thấy về
Mưa ơi buốt những não nề
Ngày xuân vây giữa bộn bề cô đơn

Thèm nghe một tiếng dỗi hờn
Dù rằng em đã không còn ... yêu anh!

NMT

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 59)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

591 - Đặng Quí Địch
“ĐỨA CON BỊ TỪ CHỐI” CỦA BÌNH ĐỊNH
Nhà nghiên cứu văn hóa sinh 1938 tại Bình Định. Sống ở Bình Định (2011).
Trước 75 vùa đi dạy học ở Quy Nhơn vừa tranh thủ giờ rảnh nghiên cứu viết lách về các đề tài văn hóa quê nhà Bình Định. Làm rất bài bản nhờ có vốn tự học Hán văn và phương pháp khảo chứng khoa học qua đi điền dã thu thập tư liệu tại chỗ, từ đó đã in 2 tác phẩm “Phong cảnh và sản vật Bình Định” 1969, “Nhân vật Bình Định” 1971.
Nhưng sau 75 có lẽ cũng do tiếng tăm là nhà “Bình Định học” có tiếng ở địa phương mà không có dây mơ rễ má gì với cách mạng nên được cách mạng cho… nghỉ dạy về làm dân lao động tay làm hàm nhai! Thế là đành về quê vợ ở huyện Hoài Nhơn mọ mạy làm ruộng rồi sau dân làng thấy là người có học thất cơ lỡ vận tội nghiệp mới đưa vào làm hợp tác xã sản xuất gạch ngói.
Tuy nhiên vẫn không quên mối đam mê nghiên cứu ngày xưa nên ngày làm lụng vất vả song đêm về dần dà lại tìm cách tiếp tục những công việc tìm hiểu phục hồi và khai phá bao giá trị văn hóa cổ truyền của con người và xứ sở đất võ Bình Định còn dang dở. Để rồi đến năm 1985 mới thầm lặng cầm bút lại viết, dịch những công trình đó một cách “không công”, viết chỉ “để đó” không ai trả tiền mà ngược lại còn phải nhờ vợ con buôn bán hỗ trợ. Bởi trong thâm tâm mình vẫn nghĩ rồi một này nào đó “trời lại sáng”, những việc mình làm rồi sẽ có chỗ dùng thôi.
Đúng như vậy, đến năm 1998 hai cuốn “Đào Duy Từ khảo biện” và “Cố sự Quỳnh Lâm” (dịch) được chính thức xuất bản. Nhưng ở đây có điều oái oăm thay tác phẩm của một người con Bình Định viết về nhân vật lịch sử Bình Định đã được Nhà nước công nhận vậy mà bị nhà xuất bản tỉnh nhà từ chối in với lý do vẫn là “bổn cũ soạn lại” chậm tiến theo chủ nghĩa lý lịch mà thôi. Tuy nhiên quê nhà từ chối thì có tỉnh khác chấp nhận in mà lại là địa phương “cách mạng” lâu năm hơn nhiều (Thanh Hóa). Địa phương “bảo hoàng hơn vua” chê thì in ở các nhà xuất bản… Trung ương!
Từ đó có thêm nguồn động viên, điều kiện vật chất để say mê viết tiếp (viết tay đã quen lâu nay) dù phải một mình ở riêng lụi hụi tự lo cơm nước khỏi làm vướng bận vợ con lo buôn bán. Dù tuổi già thêm bệnh rối loạn tuần hoàn não và thấp khớp, lúc cao điểm bệnh vẫn cố gắng viết được ít nhất 3 trang.
Đến nay tổng cộng đã in 17 cuốn trong đó hơn 3/4 đêu chuyên đề Bình Định gồm dịch di cảo Đào Tấn, di cảo Đào Phan Duân, di cảo văn nhân tiền bối Bình Định, “Chuyện cũ nhà sư Bình Định”… Đều là những công trình quy mô về số lượng như “Văn thi liệu tầm nguyên tự điển” 3.000 trang, “Kinh Thi diễn ca” 2.000 trang, “Chuyện cũ nhà sư Bình Định” 3 tập... Đã hoàn tất và đang khởi công nhiều bộ sách lớn nữa như “Bình Định tam Đào”, Bình Định lưỡng Tấn”, 28 bổn tuồng hát bội Bình Định (dịch), thơ văn Đào Tấn (còn lại)…
Toàn là chuyện Bình Định, nơi mình từng bị “quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”. Chẳng sao, “Ông trời cho mình sống để mình làm cái điều cần làm cho quê mình mà”!

592 - Mai Thảo
NGƯỜI LANG THANG TRÊN ĐƯỜNG BOLSA
Nhà văn Việt kiều Mỹ tên thật Nguyễn Đăng Quý sinh 1927 tại Nam Định – Mất 1998 ở Mỹ (72 tuổi).
Thời trẻ từng tham gia kháng chiến chống Pháp, bắt đầu bước vào sáng tác văn chương nhưng bị đánh giá “tiểu tư sản” khó hòa nhập được với cộng sản nên năm 1954 di cư vào Nam.
Tại Sài Gòn, được sự hỗ trợ của chính quyền Ngô Đình Diệm và cơ quan viện trợ văn hóa Mỹ đã quy tụ các nhà văn miền Bắc di cư thành lập nhóm Sáng Tạo – còn gồm Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Thái Tuấn, Duy Thanh… - ra tạp chí văn học cổ vũ cho việc xây dưng một nền văn nghệ mới ở miền Nam vừa thoát ly trào lưu Tiền chiến vừa tách biệt chống lại văn hóa cộng sản ở miền Bắc.
Bản thân được xem là một thủ lĩnh nhóm này chuyên viết văn xuôi thể loại tùy bút - bút ký ít nhiều ảnh hưởng phong cách Nguyễn Tuân sáng tác thiên về hình thức ngôn ngữ trau chuốt, chú trọng chữ nghĩa giàu hình ảnh và nhạc điệu với tác phẩm thành tựu nhất vào thời Hậu – Di cư “Đêm giã từ Hà Nội” và “Tháng giêng cỏ non”.
Tuy nhiên ấy là do thời thế đưa lên chứ thật ra tư tưởng lẫn hành văn vẫn nặng chất lãng mạn cổ điển kiểu Tiền chiến thôi, ý thức đổi mới theo hướng nào còn khá mơ hồ. Phong cách sống cũng thế vừa mang chất “kẻ sĩ Bắc hà” vừa ăn chơi phóng túng kiểu văn nghệ sĩ Tiền chiến, một thời đóng đô vũ trường uống rượu Tây cặp kè người đẹp.
Từ đó cái lý tưởng “sáng tạo” nên một nền văn hóa mới “phi cộng sản” cho miền Nam nhanh chóng tan tác, nhất là khi mất sự hỗ trợ tài chính phía sau từ chính quyền hoặc người Mỹ. Dù đã cố gắng vận động xoay xở chuyển từ “Sáng tạo” qua một vài bảng hiệu tạp chí khác – kết hợp với các nhóm văn hóa – chính trị khác -- song cuối cùng đành từ giã giấc mộng văn chương lý tưởng hóa, văn chương đóng góp vào thời cuộc. Chỉ còn làm được việc đóng góp cho lĩnh vực văn chương thuần túy, điển hình như qua nắm tạp chí Văn từ năm 1974.
Bên cạnh đó chuyển qua dần trở thành nhà văn chuyên nghiệp hiếm hoi sống hoàn toàn bằng ngòi bút, viết tiểu thuyết đăng báo hàng ngày kiếm sống. Viết rất nhiều kiểu truyện tình thời thượng thường vay mượn từ phim ảnh hoặc tiểu thuyết nước ngoài, mỗi ngày có thể viết vài ba truyện như vậy cùng lúc.
Nhưng có lẽ thâm tâm vẫn ấp ủ lý tưởng văn nghệ một thời nên khi xảy ra biến cố 30.4.75 đã cùng với 2 nhà văn “Bắc di cư” khác là Thanh Tâm Tuyền và Dương Nghiễm Mậu tuyên bố là văn nghệ sĩ phải gắn bó với quê hương thề không đi di tản.
Tuy nhiên thực tế khắc nghiệt không cho phép như thế khi 2 đồng nghiệp đồng huơng kia phải đi cải tạo, do vậy cuối năm 1977 đã vượt biên đến Malaysia. Chờ đến năm 1979 qua Mỹ.
Ở Mỹ lại tiếp tục sự nghiệp nhà văn chuyên nghiệp sống bằng ngòi bút, viết hồi ký (“Chân dung 15 nhà văn nhà thơ Việt Nam” 1985), giữ mục “Sổ tay” trên báo hải ngoại… Ngoài ra đã làm lại tờ “Văn” từ năm 1982 tồn tại đến năm 2007 được xem là tạp chí văn học sống lâu nhất 26 năm (10 năm cuối giao cho Nguyễn Xuân Hoàng mới qua sau trông nom).
Đặc biệt điều bất ngờ nhất là bấy giờ lại tỏ ra rất thích nói, viết lẫn mê… làm thơ! Và đã cho in tập thơ đầu tiên cũng là duy nhất năm 1989 mang tựa đề “Ta thấy hình ta những miếu đền”.
Chất lượng, giá trị tập thơ thực chất không có gì mới với nội dung vẫn ảnh hưởng chất lãng mạn bay bướm cổ điển, nghệ thuật kiểu văn hoa chơi chữ kiêu sa của dòng văn xuôi tùy bút trước đây. Nhưng qua đó cũng hé lộ cho thấy đôi chút tâm sự đau buồn lặng lẽ của một thế hệ “lưu vong 2 lần” chấp nhận thua cuộc:
“… Ta thấy rèm nhung khép lại rồi
Hạ màn. Thế kỷ hết trò chơi.”
(Ta thấy hình ta những miếu đền)
Và:
“… Đôi lúc những hồn ma thức giấc
Làm gió mưa bão táp trong lòng.
Ngậm ngùi bảo những hồn ma cũ
Huyệt đã chôn rồi, lấp đã xong.”
(Quá khứ)
Những điều đó ngoài đời ít khi nào đề cập tới, ngược lại hễ thấy ai nói chuyện chính trị là than “nghe chán chết đi được!” Thi thoảng chỉ có công nhận sự nghiệp khởi xướng cái mới ngày xưa của mình: “Trong bọn chúng tôi không ai tới đích cả nhưng quan trọng nhất là chúng tôi đã thúc giục mọi người ra đi (hướng về sáng tạo cái mới).”
Trong quãng đời tha hương đất Mỹ còn để lại một giai thoại về “Người đàn ông lang thang trên đường Bolsa” cũng là “Người bị cảnh sát giao thông Mỹ phạt… nhiều nhất”!
Nguyên do cho đến chết vẫn sống độc thân dù trong đời luôn có quan hệ tình cảm với nhiều người đẹp ngôi sao văn nghệ như ca sĩ Hà Thanh, Thái Thanh, diễn viên Kiều Chinh, các nhà văn nữ hải ngoại… Sống một mình buồn nên mỗi buổi sáng từ chỗ ở tại Quận Cam thường đi bộ (theo thói quen ở Sài Gòn xưa hay đi bộ hoặc đi cyclo) trên quảng đường Bolsa dẫn đến khu Phước Lộc Thọ tìm bạn bè. Cứ đi chậm rãi, lửng thửng, lừng khừng như thế với đầu óc như thể để đâu đâu, khi gần đến nơi liền băng đại qua đường bất chấp ô tô chạy vù vù trên đường cao tốc!
Cả cảnh sát Mỹ thấy cũng hoảng hồn phải thổi phạt nhưng phạt liên miên vẫn “bổn cũ soạn lại” lãnh giấy phạt đều đều tới mức cảnh sát trưởng TP Westminster cũng biết tiếng.
Một kỷ lục cười ra nước mắt về nỗi cô đơn của một người con xa xứ.

593 - Nguyễn Thanh Thu
TỪ “TIẾC THƯƠNG” ĐẾN “CỬU LONG ĐƯỢC MÙA”
Nhà điêu khắc Việt kiều Mỹ sinh 1934 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2011).

Học nghề điêu khắc rồi bị gọi đi lính VNCH vào trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường chuyển về ngành quân nhu rồi cuộc đời đưa đẩy đến công việc làm “quản trang” ở Nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Tại đây đã thực hiện tượng đồng mang tên “Tiếc thương” nổi tiếng dựng năm 1966 trước cổng vào nghĩa trang (ảnh).
Bức tượng trên tượng hình mô phỏng theo một nguyên mẫu người lính dù mà tác giả tình cờ gặp trong quán nước đang ngồi uống rượu thương nhớ đồng đội vừa tử trận. Hình ảnh được tác giả thể hiện qua bức tượng đầy cảm xúc sâu lắng, bi hùng gây xúc động cho bất cứ ai nhìn thấy tới mức từ đó đã thêu dệt biết bao giai thoại “ma” tử sĩ tìm về quanh bức tượng và nghĩa trang này.
Nhưng bản thân tác giả thì vì vậy mà nhiều lần phải mang vạ vào thân sau 75 khi bị bắt đi cải tạo ngoài Bắc (hàm thiếu tá). Bị đánh làm điếc cả 2 tai, bị giam cách ly, thậm chí suýt bị lãnh án tử nữa.
Năm 1983 được trả tự do về Sài Gòn sống với vợ con. Năm 1987 quyết định một mình vượt biên theo đường bộ qua Campuchia, đến Thái Lan rồi Philippines. Đến cuối năm 1989 mới được nhận qua Mỹ.
Trên đất Mỹ tiếp tục làm nghề điêu khắc nhưng không đi đến đâu do không được ai giúp đỡ, hỗ trợ mà công việc, tác phẩm loại này rất tốn tiền.
Năm 2004 quay lại quê hương định tìm cách đưa vợ con (có đến 7 con) qua Mỹ luôn với mình nhưng vợ con lại… không chịu đi vì bấy giờ cuộc sống cũng tạm ổn nhờ sống dựa vào mảnh đất khá lớn do cha mẹ để lại gần trung tâm Sài Gòn, lấy nơi đó mở quán cà phê sống qua ngày, con cái cũng có công ăn việc làm tương đối. Thế nên đành ở… lì, ở liều lại luôn tới đâu hay đó!
Sửa sang lại quán cà phê đặt tên Cà phê Tượng đá làm chỗ gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp cũ. Đồng thời biến khoảnh đất thừa kế nơi đây làm một xưởng điêu khắc cho mình thỏa thích thi thố nghề cũ.
Từ đó đã làm phác thảo hoặc thực hiện khoảng hơn bức tượng nhỏ chờ có điều kiện mới phát triển thành tượng lớn. Trong số này tâm đắc nhất là tượng “Cửu Long được mùa” tượng hình một cô thôn nữ miền Nam tay ôm bó lúa đứng bên trên “9 đầu rồng” phun nước lên ruộng đồng. Một bức tượng với hình thể, ý nghĩa ca ngợi hòa bình hồi sinh khác xa một trời một vực với tượng “Tiếc thương” khóc than chiến tranh chết chóc: “Đây là bức tượng nói về đời sống tươi đẹp của người dân đồng bằng sông Cửu Long, là hoài bão tôi ấp ủ từ lâu rồi. Đó là hình tượng rất VN, nó tượng trưng cho người dân Việt của tất cả mọi thời đại chứ chẳng riêng thời nào. Đó cũng là ước mơ của tất cả người Việt chúng ta”.
Còn “Tiếc thương” nay không biết bị vứt lăn lóc lưu lạc về đâu hay đã… nấu chảy ra lấy đồng rồi (cũng như bức tượng tương tự “Chiến sĩ vô danh” cùng tác giả đặt tại Nghĩa trang Quân đội VNCH cũ ở Gò Vấp)?
Với tác giả nó hầu như chỉ còn trong hoài niệm, còn lưu lại mô hình trong bộ sưu tập của mình mà thôi: “Người nghệ sĩ chỉ sáng tạo một lần, lần thứ hai không thể làm như lần thứ nhất. Nhưng nó sống được trong lòng mọi người thì tự nó còn mãi. Tôi tự hào vì nó nhưng dựng lại là một điều chẳng hay ho gì. Nó sống trong lòng mọi người là đủ.”
Thực tế thì hiện còn một tác phẩm ít ai biết cùng tác giả nay vẫn còn được phép tồn tại hiên ngang giữa trời là tượng An Dương Vương ở ngả 6 Chợï Lớn – TPHCM.

594 - Trần Bồng Sơn
NHÀ TIÊN PHONG TÌNH DỤC HỌC
Bác sĩ tên thật Nguyễn Tấn Trung sinh 1941 tại Quảng Nam – Mất 2004 ởi TPHCM (64 tuổi).
Tốt nghiệp ĐH Y Sài Gòn trước 75, đi theo con đường của bậc thầy khả kính cố GS Ngô Gia Hy đều chấp nhận ở lại đất nước đóng góp trong lĩnh vực của mình.
Đặc biệt chuyên tâm nghiên cứu, khai phá và tìm mọi cách phổ biến kiến thức về ngành tình dục học từ những năm 80 dù bấy giờ ấy còn là một đề tài “cấm kỵ” ở trong nước. Bởi quan điểm lạc hậu phi khoa học của chế độ mới xem đây là vấn đề đi ngược truyền thống đạo đức dân tộc, một quan điểm tự mâu thuẫn bởi ấy chính là luân lý đạo Nho mà chế độ cộng sản từ lâu đã bài xích triệt để.
Vì thế nhà bác sĩ tình dục học đầu tiên thời này phải làm công việc mở đường một cách âm thầm bằng cách tham gia viết “lách” qua chữ nghĩa với giọng điệu, giọng văn bình dân hài hước hóa giúp người đọc làm quen dần đồng thời né cán bộ kiểm duyệt. Một công việc thầm lặng ít ai biết cũng ít ai dám công khai cổ xúy song đã đặt những viên đá lót đường cho đến thập niên 90 vấn đề mới dần dần được chấp nhận.
Đáng tiếc vào lúc chứng kiến công sức mình đã thành công thì ông đã vội ra đi chưa kịp được hưởng thành quả công việc mình làm. Trớ trêu thay là bác sĩ song bản thân lại đột ngột qua đời vì bệnh xuất huyết não không chút đề phòng ngay trước mắt vợ vốn cũng là một… bác sĩ!

595 - Trần Canh
“ÔNG GIÀ HÂM” LÀNG CHUÔNG
Thợ thủ công sinh khoảng 1940 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2009).
Trở về từ cuộc chiến với thương tật 2/4 mất một chân.
Trở lại với cuộc sống nông dân tại làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vốn nổi tiếng một thời về nghề làm nón quai thao cổ truyền nay đang bị đe dọa thất truyền. Từ đó mơ ước phục hồi nghề này vì danh dự quê nhà đồng thời cũng là một cách phát triển kinh tế cho thôn làng thời đổi mới hội nhập.
Năm 1998 bắt đầu vào cuộc làm 2 chiếc nón khổng lồ (đường kính 2m) theo đơn đặt hàng của khách nước ngoài đem đi triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ quốc tế ở Czech và Đức. Làm rất gian nan vì nay khó kiếm ra mẫu cũ, phải dựa vào trí nhớ bổ sung trong khi mình thì tàn tật chống nạng gỗ. Lại chưa bao giờ… làm kiểu nón này cả khiến làm không quen bị kim, tre nứa đâm trầy xước cả tay do kích cỡ nón quá lớn phải treo lên trần nhà mà làm! Vì vậy bị gọi là “Ông già hâm”.
Rồi cũng hoàn thành sau 20 ngày đêm vất vả một mình, từ đó có được “thương hiệu” mới cho nón làng Chuông: “Đời lính đánh giặc khó khó vậy mà còn làm được thì có gì không làm được?”. Vì công việc này mà từ chối đi nghỉ dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Bắc Ninh.
Bù lại sau đó lớp trẻ bắt đầu theo học để cho ra đời chiếc nón kỷ lục có đường kính 3,6m đưa ra triển lãm nhân Hội nghị APEC tại Hà Nội năm 2003. Hiện trung bình mỗi ngày lớp trẻ làng Chuông làm được 7.000 chiếc nón quai thao cổ truyền bán trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài. Đạt nguyện vọng “Cả thế giới bây giờ đã biết đến làng Chuông rồi…”
Còn trích tiền làm nón ra ủng hộ làng xây nhà trẻ, giúp đỡ học sinh nghèo trong vùng…

596 - Trần Duy Tung
“TÔI VỀ THĂM LẠI MỘ TÔI”
Cán bộ về hưu sinh 1950 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2007).
Bộ đội dịa phương trong chiến tranh chống Mỹ ở Tam Kỳ bị bom đánh sập công sự chiến đấu tưởng đã vùi chết cùng 2 đồng đội nhưng khi tỉnh lại thấy mình còn sống đã tự cào bới đất đá để thoát ra.
Sau 75 là thương binh còn mảnh bom dính trong đầu phải xuất ngũ chuyển ra Đà Nẵng làm Hội Nông dân. Năm 1979 tìm về lại địa điểm công sự nơi mình suýt chết thì không tìm ra dấu tích thi thể 2 đồng đội cũ nữa.
Năm 1992 về hưu về sống ở quê vợ Bình Định nhưng lòng vẫn không yên vì “món nợ đồng đội”. Vì thế năm 2003 quyết định đem vợ con trở lại quê cũ Tam Kỳ sống để lo trả món nợ tình nghĩa này. Tự tay tôn tạo lại ngôi mộ cũ và lo liệu việc hương khói tưởng niệm dù chỉ là mộ rỗng không còn xác ai.
Mỗi lần đi thăm mộ đều làm một bài thơ. Nhưng những bài thơ đó “không dám đọc về đêm vì cứ đọc là khóc không ngủ được và sợ vợ con biết trằn trọc theo…” Những bài thơ như:
“ Tôi về thăm lại mộ tôi
Nằm trên đỉnh núi cuối Dương Đá Bầu.
Bên hòn đá cũ sẫm màu
Dưới hầm công sự mình đào năm xưa…”

597 - Trần Đình Ninh
CỨU NGƯỜI, NGƯỜI CỨU
Lao động nghèo sinh 1946 tại Quảng Ngãi. Sống ở TPHCM (2007).
Sĩ quan quân đội Sài Gòn cũ vào năm 1972 trên chiến trường Quảng Nam được lệnh thủ tiêu 3 tù binh Việt Cộng nhưng đã tìm cách tha họ, dẫn vào một căn lều vắng nơi bìa rừng rồi dặn “Vì tình người với nhau tôi phải cứu các anh. Các anh cứ nằm đây, tối tìm cách… thoát thân…”
Sau 75 đi học tập ở Quảng Nam được một năm thì bất ngờ cả ba tù binh cũ kể trên (2 cán bộ, 1 bộ đội) bỏ nhiều tháng trời lặn lội đi dò la tông tích ân nhân cũ khắp nơi mới tìm được anh cám ơn và làm đơn bảo lãnh ra trại sớm. Từ đó cả ba kết nghĩa như anh em một nhà khởi từ một “tấn tuồng bi hùng kịch trong thời chiến”.
Hiện hành nghề xe ôm nhưng “Hiện tại tôi cảm thấy vui sướng vô cùng. Tâm hồn tôi rất thanh thản, sự thanh thản tâm hồn nằm trong thể xác của một con người có một thời súng đạn trong tay…”

598 - Trần Đình Trường
TRÙM KHÁCH SẠN MỸ
Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1932 tại Hà Tĩnh. Sống ở Mỹ (2011).

Trước 75 là chủ đội tàu biển lớn nhất miền Nam, làm giàu nhờ chuyên chở vũ khí, trang bị cho quân đội Mỹ vào miền Nam đánh cộng sản.
Đến biến cố 30.4.75 đã cùng vợ con (1 con trai, 2 con gái) di tản qua Mỹ. Trong cuộc biến động lịch sử này tự nhận đã dùng đội tàu biển 24 chiếc của mình để chở người di tản – cả dân Việt lẫn Mỹ – qua Mỹ, đến hơn 8.500 người. Tuy nhiên sau đó có người phản bác nói thực sự không phải như vậy mà ông chỉ nhân đó đem theo cả một “núi” vàng qua Mỹ!
Trên đất Mỹ chuyển qua kinh doanh khách sạn tại New York và nhanh chóng trở thành một trùm khách sạn tên tuổi, chuyên mua những khách sạn cũ xuống cấp giá rẻ để tân trang lại phát triển cả một chuỗi khách sạn. Còn xây một trung tâm thương mại VN tại Philadelphia. Trở thành một trong số ít Việt kiều giàu nhất Mỹ với tài sản ước tính khoảng hơn 1 tỉ USD.
Nhưng trong việc làm ăn này cũng từng mắc tai tiếng là sử dụng khách sạn để chứa chấp tệ nạn xã hội như bọn buôn ma túy, gái mại dâm. Từ đó thỉnh thoảng lại bị cảnh sát nhòm ngó, kiểm tra, thậm chí còn đưa ra tòa nữa. Dù vậy ra tòa lần nào cũng thoát nạn, có lần bị tuyên án 20 ngày tù song kháng án được chấp nhận vô tội. Lý lẽ biện minh là do mình có cho một số dân nghèo không nơi cư trú ở khách sạn không lấy tiền nên bị hiểu lầm, rằng mình bị cảnh sát Mỹ kỳ thị chủng tộc…
Năm 2001 sau vụ khủng bố 11.9 đã tặng Hội Chữ thập đỏ Mỹ 2 triệu USD đồng thời còn cho các tình nguyện viên làm công tác dọn dẹp đống đổ nát 2 tòa tháp bị máy bay khủng bố đâm sập ở khách sạn miễn phí. Những khi người Việt tụ tập về New York họp hành, gặp mặt hội hè đều sẵn lòng tiếp đón, hỗ trợ. Năm 2004 được nhận giải thưởng vinh danh trong cộng đồng Việt kiều Mỹ.
Bí quyết thành công trong sự nghiệp kinh doanh từ VN đến Mỹ: “Tất cả chỉ tập trung vào 2 chữ cố gắng. Cố gắng làm việc thì tất yếu dẫn tới thành công. Tầng lớp nào, nghề nghệp nào cũng vậy thôi. Vừa cố gắng làm việc vừa học hỏi tiến bộ…” Áp dụng thực tế với nhà tỉ phú Việt kiều này ấy còn là sự khôn ngoan, nhạy bén biết “nhập gia tùy tục” đặc biệt là phải nắm luật (Mỹ) để có thể “lách” luật.

599 - Trần Độ
58 TUỔI ĐẢNG BỊ KHAI TRỪ!
Cựu cán bộ lãnh đạo cao cấp tên thật Tạ Ngọc Phách sinh 1923 tại Thái Bình – Mất ở Hà Nội 2008 (86 tuổi).
Một nhân vật văn võ toàn tài hàm trung tướng quân đội kèm nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội, hội viên Hội Nhà văn VN.
Trong chiến tranh chống Mỹ từng bị thương trên đường phố Chợ Lớn trong chiến dịch Mậu thân 1968 quân cộng sản đánh vào tận trung tâm Sài Gòn. Sau 75 trong thời Đổi mới được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tin dùng trong vai trò lãnh đạo ngành tư tưởng văn hóa.
Tuy nhiên sau thời Nguyễn Văn Linh -- Hậu Đổi mới – dần dần bị thất sủng, bị các thế lực bảo thủ đánh rớt khỏi vũ đài chính trị. Nhưng vẫn kiên trì theo đuổi con đường đổi mới tới cùng, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ, nhất là trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng: “Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp…”
Thái độ, lập trường chống đối nội bộ ngày càng quyết liệt không thỏa hiệp nên cuối cùng năm 1999 bị khai trừ Đảng (đưa về giao quyền khai trừ cho chi bộ… phường, nơi sinh hoạt cán bộ về hưu!) dù lúc đó đã 58 tuổi Đảng vào hàng đảng viên công thần kỳ cựu nhất còn sống.
Mất vì bệnh già, để lại cuốn “Hồi ký Trần Độ”.

600 - Trần Hữu Kham
DỊCH GIẢ MÙ
Dịch giả sinh tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2006).
Quê gốc Quảng Trị, bố theo kháng chiến chống Pháp bị bắt đi đày biệt xứ nên các mẹ con phải bỏ quê vào Sài Gòn.
Lớn lên học ĐH Nông Lâm Súc Sài Gòn nhưng lên năm thứ ba do tham gia chống Mỹ – Thiệu nên bị bắt đưa ra tòa xử lưu đày Côn Đảo.
Sau Giải phóng trở về TPHCM làm công tác chính quyền rồi công tác Đoàn. Nhưng vẫn còn nguyện vọng tiếp tục theo đuổi việc học còn dở dang nên năm 1979 xin nghỉ làm để vừa học lại ĐH Nông Lâm Súc vừa theo học thêm tiếng Anh ở ĐH Khoa học Nhân văn.
Năm 1983 chuẩn bị tốt nghiệp ĐH Nông Lâm Súc thì bị… mù một mắt do di chứng bệnh tật bị tra tấn hành hạ thời tù đày cộng thêm sau này học hành quá sức.
Dù vậy vẫn gắng gượng đi dạy tiếng Anh cho trường mù ở TPHCM song đến năm 1993 thì mù luôn mắt còn lại cùng lúc phát bệnh khớp nặng buộc phải nghỉ dạy.
Nhưng vẫn không bỏ cuộc buông xuôi cho số phận mà nhờ vốn liếng sinh ngữ mới học sau này nên nằm nhà tìm cách “cứu” mình là tập dịch truyện cổ tích nước ngoài bằng phương pháp sau: Tập đánh vi tính với phần mềm đặc biệt dành cho người mù, sau đó nhờ vợ đọc nguyên bản tác phẩm truyện cổ vào băng ghi âm rồi phát lại để nghe, tiếp đó mới dịch rồi mày mò đánh trên máy vi tính. Một “Paven VN” khác nữa!
Kết quả từ năm 2003 đã xuất bản được 20 tập truyện cổ dành cho thiếu nhi – nguồn động lực để sống và chiến đấu trên một mặt trận mới: “Tôi không còn đôi mắt để nhìn thấy ánh sáng nhưng có một thứ ánh sáng tuyệt đẹp mà tôi cảm nhận rất rõ rệt là ánh sáng của tri thức từ kho báu bất tận của nhân loại khi ta dành toàn bộ niềm đam mê cho công việc khám phá nó. Tôi không hề cảm thấy mình là người khuyết tật bởi vì lúc nào mình cũng nhìn ra vẻ đẹp hoàn hảo của đời sống.”
Chẳng những thế còn… tạ ơn đời nữa: “Hiểu biết là con đường ngắn nhất để nhận ra giá trị bản thân mình. Hiểu biết cũng giúp ta biết cảm ơn cuộc đời mỗi ngày ta đang sống dù phải trải qua bao khó khăn mất mát…”
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

BƯƠC LÙI CỦA NGÀNH ĐƯỜNG SẮT - TUY SON

Tôi quê miền Trung, trước đây mỗi dịp về quê tôi thường chọn tàu hỏa làm phương tiện đi lại. Những năm gần đây, kinh tế khá hơn tôi hay đi lại bằng máy bay. Tết Tân Mão vừa qua, để tìm lại không khí của ngày xưa tôi quyết định chọn đường sắt làm phương tiện về quê
Nước uống trong phòng vệ sinh trên tàu
Sau một thời gian nhờ cậy chỗ quen biết, tôi cũng có được cặp vé tàu TN6 với giá 700.000 đồng/vé (giá chính thức 460.000 đồng/vé), khởi hành ngày 28-1-2011(25-12 âm lịch).
Theo quy định của ngành đường sắt, chỉ những người có vé trùng với tên và số CMND mới được vào ga lên tàu. Tuy nhiên theo tôi quan sát thấy được không ít hành khách lên tàu mà không cần có vé.
Những người này được nhân viên trên mỗi toa tàu bố trí ngồi trong phòng nhân viên, hoặc trên các ghế nhựa ở điểm nối hai toa tàu. Đổi lại những hành khách này phải trả bằng tiền mặt số tiền không hề thua kém vé chính thức cho nhân viên trên mỗi toa.
Trước đây, ngành đường sắt có phục vụ ăn uống trên tàu (kèm theo giá vé). Tuy nhiên từ năm 2008, ngành đường sắt đã bỏ chuyện phục vụ ăn, tuy nhiên vẫn còn phát nước uống cho hành khách đi tàu.
Điều đáng nói trên chuyến tàu hôm ấy, nước uống cho hành khách được chứa trong các bình nhựa 20 lít không nhãn mác kèm theo một chiếc cốc nhựa cho mọi người dùng chung. Trên một số toa tàu các bình nước này lại được đặt trong nhà vệ sinh, nhìn thấy mà hãi hùng.
Trước đây trên các đôi tàu Thống Nhất, ngành đường sắt cấm triệt để hàng rong lên tàu, việc làm này nhằm tránh gây mất trật tự trên tàu cũng như để bảo vệ tài sản cho người đi tàu.
Tuy nhiên trên chuyến tàu TN6 hôm ấy, khi đến Phan Rang thì có người bán nho, thanh long; đến Nha Trang thì mực, xôi; đến đèo Hải Vân thuộc địa phận Thừa Thiên - Huế thì bánh lọc, đồ trang sức bằng đá...
Họ đua nhau trèo qua cửa sổ, ngang nhiên lên tàu buôn bán ngày trước mặt các nhân viên đường sắt. Có trường hợp xảy ra cãi cọ giữa hành khách và người buôn bán.
Sau kỳ nghỉ tết trở vào Nam, dù có vé đi tàu Thống Nhất ngày 8-2-2011 nhưng tôi cũng quyết định bỏ vé và chọn phương tiện hàng không để đi lại.
Thiết nghĩ, lãnh đạo ngành đường sắt cần xem lại thái độ phục vụ và những gì đang xảy ra trong ngành mình.
TUY SON


ĐƯỜNG SẮT BẨN THỈU

Tưởng gì chứ tôi đi tàu 11 năm nay , càng ngày càng xuống cấp. Cơm nước thì ôi thôi tệ hại hơn hồi trước nhiều. Có lần tôi ăn chả cá có nguyên cọng kẽm trong đó. Tôi hay đi SE1-4 nhưng tàu này giờ tệ hơn hồi mới xuất xưởng nhiều vừa ồn vừa bẩn thỉu. Tôi đi tuyến Bình Định Huế Đà nẵng nên đi tàu cho tiện chứ không phải vì không có tiền mà không đi máy bay, nếu đi máy bay tiện lợi tôi sẽ đi máy bay chứ không đi tàu.
Do đó tôi phản đối dự án tàu cao tốc không phải vì vấn đề dự án này mà vì vấn đề thiếu lòng tin trầm trọng vào ngành đường sắt VN. Tôi thiết nghĩ chính phủ hãy xem lại vấn đề độc tài của ngành đường sắt, tại sao hàng không làm rất tốt, cũng là dịch vụ mà đường sắt lại quá tệ như vậy, hãy xem ngành đường sắt Nhật đã làm thế nào. Cần phải cải tổ gấp. Ghế ngồi cho đến nhà vệ sinh đều bẩn thỉu. Vậy thì đang kinh doanh cái gì đây.
MINH NG
( TTO)

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

GIẤC MƠ HẠ THẢO - HẠ NHIÊN THẢO

Đêm trở về
Dòng sông lấp lánh
Lạc vào những vầng mây trắng thiên di
Nghe âm vọng hồng hoang một thuở
Giấc mơ hạ thảo theo tiếng chuông ngân
Bay qua miền cổ tích
Nhặt ký ức ...
Hơi thở lấp đầy trăng .

HNT
(15.02.11)

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

TỨ TUYỆT CHO NGÀY TÌNH NHÂN - HOÀNG LỘC


em là sông dài - và anh, núi lớn

em chảy về đâu

cũng sừng sững thượng nguồn

sông nhón đời lên,

chờ núi anh cúi xuống

giữa đất trời bát ngát nụ hôn...
14-2


HL

CHỜ O - TRẦN DZẠ LỮ


Tặng Một Người…

Chờ O bóng xế trăng lu
Chờ O nỗi nhớ lu bù trong tim
Chờ O tháng lụn năm mềm
Chờ O lóng ngóng hết đêm lại ngày
Chờ khi mây trắng ngừng bay
Sông xưa cạn nước,đá loay hoay mòn…
Chờ O nghiêng cả núi non
Liêu xiêu nhật nguyệt,bồn chồn biển khơi
Chờ như ri mới là người
Yêu thương khác lạ,khác đời phải không ?
Kiếp này tình có hư không
Kiếp sau tui cũng đèo bòng O thôi!

Trần Dzạ Lữ
( tháng 2năm 2011 )

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

XUÂN HUẾ - LÊ NGỌC THUẬN


Cũng là rượu nhưng thời say thế xỉn
Cũng là tình nhưng thương vẹo nhớ xiêu
Cũng là xuân nhưng xuân tàn mộng héo
Ta cười khà trời đất vẫn mênh mông

Mai chậm nở không phải vì nhan sắc
Bởi tại ta ly cạn không có ai
Huế rất lạnh vì ABC thiếu lửa
Cà phê dở ẹt chẳng đợi-chờ-mong

Người đàn ông yêu sông Hương đã về
Và đã đi với cô đơn bùng nổ
Người đàn bà trở lại nội thành
những sợi tóc ướt mèm nhớ ngẩn

Ta lạnh lùng uống với cơn mưa lạc thảo
Những tờ lịch vô tình trôi cho hết trăm năm
Dù thế nào linh chi cũng là nét chấm phá
Trên bức tranh thủy mạc của một đời người

Ta sy rồi hát khúc ca hảo hán
Cùng bàn tay sờ soạn rất tiểu nhân
Thần và quỉ yêu người sao mệt quá
Xuân của mèo thôi thì meo...meo...

Ngựa không có,xe chết máy ta ngồi yên
Im lặng là vàng thành ra giàu có
Giàu rồi không mõ không chuông thiếu bạn bè
Ta lại say vói xuân chiêm bao thầm lặng đêm nay

LNT

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

NHAN SẮC - THƠ ĐÔNG HÀ


Này Lan này Huệ này Hoa

Này là nhan sắc người ta trêu đùa

Tôi xin một chút hương thừa

Đem về đốt lấy lập chùa tu riêng

Tu rằng một chút tình duyên

Cũng đem hương khói qua miền gian truân

Tu rằng một thoáng tình xuân

Cũng đòi lận đận như gần như xa

Này Lan này Huệ này Hoa

Bao giờ nhan sắc cho ta chút tình!


ĐH

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

CHÍNH MÌNH - NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH


Suốt ba mươi năm
anh bảo :
-em phải quên mình
vì chồng con
hơn năm mươi năm ra đời
cuộc sống dạy :
-em phải quên mình
vì mọi người
tóc bạc rồi
anh lại bảo :
-em phải là chính mình
không là mình
chán lắm
anh ơi
em còn mình đâu ?
ba mươi năm
em toàn làm người khác
giờ
tìm mình
ở đâu ?
ôi
chính mình
của bươm bướm
là sâu
chính mình
của giọt sương
là hơi nước
chính mình
của hoa
là nụ
chính mình
của nụ
là cây…
chính mình
của em
là anh đó !


NTAH

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011( KỲ 58)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

581 - Nguyễn Tôn Nhan
“NGƯỜI RẤT DỞ”
Nhà thơ, nhà nghiên cứu Hán học tên thật Nguyễn Hữu Thành sinh 1948 tại Hải Dương – Mất 2011 ở TPHCM (64 tuổi).
Cùng gia đình di cư vào Nam, bắt đầu đi vào giới văn nghệ với tập thơ đầu tay “Thánh ca” năm 1967 có nét sáng tạo riêng với nội dung mang chất triết lý và ngôn ngữ cách điệu mới mẻ. Nhưng do trốn lính nên con đường học vấn, nghề nghiệp dở dang.
Sau 75 trong xã hội mới khó hòa nhập đối với giới văn nghệ sĩ chế độ cũ càng tiếp tục kéo dài quảng đời thất nghiệp lên tới… 20 năm! Đó là “một thời kỳ rất dài tôi làm người rất dở bởi sống mà không mưu sinh được thì rất dở.”
Nhưng cũng nhờ gần nửa đời thất nghiệp đó đã giúp bản thân tự học chữ Hán từ năm 1967, một phần do ảnh hưởng của thân phụ vốn xuất thân từ dòng dõi nho sinh thời đạo Khổng mạt vận. Từ đó trước 75 đã từng tự dịch thơ Đường nhưng chưa có dịp xuất bản, đến sau 75 bắt tay vào nghiên cứu chuyên sâu về Hán học và nền văn hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên chỉ đến thời Đổi mới vào cuối thập niên 80 – cho phép tư nhân tham gia xuất bản, phát hành sách - mới có điều kiện phát huy tối đa sở học đó. Ban đầu từ năm 1989 là một loạt tác phẩm dịch Trung Quốc theo yêu cầu ăn khách thị trường – như truyện kiếm hiệp, các loại “tình sử” – với khoảng 40 cuốn đứng tên khác.
Từ đó mới “lấy ngắn nuôi dài” tập trung đầu tư cho hơn 10 tác phẩm đồ sộ gồm cả nghiên cứu lẫn dịch thuật chính thức đề tên nhà thơ: Nghiên cứu có Từ điển Thành ngữ điển tích Trung Quốc, Từ điển Văn học cổ điển Trung Quốc, Từ điển Danh nhân Trung Quốc, Từ điển Hán Việt Văn ngôn dẫn chứng, Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nho giáo Trung Quốc…; dịch thuật là Hoài Nam Tử, Đại từ điển thơ Đường, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh…
Trong số này nổi bật bộ “Nho giáo Trung Quốc” dày trên 2.000 trang viết ròng rã 2 năm ra mắt năm 2005 được ghi nhận như một đóng góp lớn và táo bạo trong bối cảnh nền văn hóa cộng sản truyền thống chống tư tưởng đạo Khổng. Với tuyên ngôn rõ ràng: “Tôi yêu Nho giáo từ nhỏ và tôi cảm ơn Nho giáo vì đây là nguồn cảm hứng cho lối sống cũng như cách làm việc của tôi trong nhiều năm qua.” (Năm năm sau, chính chế độ cộng sản Trung Quốc đã cho dựng bức tượng Khổng Tử cao gần 10m ngay tại quảng trường Thiên An Môn như một biểu tượng phục hồi giá trị văn hóa đạo Nho).
Bằng cách đó – dung hòa giữa mục tiêu nghiên cứu văn hóa cấp cao với đòi hỏi kiếm sống thực tế -- đã thoát ra được cảnh đời thất nghiệp dài dài của một nghệ sĩ kiêm nhà nghiên cứu bất phùng thời, chưa gạëp thời hoặc gặp thời hơi… muộn: “Nếu không mưu sinh được thì rất dở. Nay viết lách nghiên cứu, dịch sách mà sống được là tốt rồi… Khi có điều kiện viết sách, trước hết tôi xem đây là cơ hội kiếm tiền để tồn tại, để phụ vợ nuôi con nuôi cháu. Và đến bây giờ tôi vẫn giữ quan điểm này.”
Một quan điểm chấp nhận, cách sống “thức thời” của nhiều trí thức, nghệ sĩ chế độ cũ từng bị gạt ra bên lề xã hội mới nên phải tạm bỏ nghề “trường văn trận bút” để chuyển qua làm việc khác – nhiều khi quá trái tay, kể cả lao động chân tay hay buôn bán hàng lậu! – nhằm xoay xở kiếm sống. Bởi vậy bản thân thâm tâm lại hy vọng 3 đứa con không theo nghiệp sách vở, chữ nghĩa, tư tưởng như mình thì “đỡ khổ thân cho chúng”!
Trong thời gian này thỉnh thoảng vẫn làm thơ và còn phát kiến ra thể loại thơ “Lục bát 6 câu” (20 từ) trong nửa đầu thập niên 90 làm thành một tập 229 bài chưa in.
Sự nghiệp cả nghiên cứu lẫn thơ ca cuối đời đang nở hoa – và con cái đều trưởng thành, du học Nhật Bản - thì thình lình một ngày cuối năm trước Tết Tân Mão 2011 đã bị tai nạn giao thông chết rất thương tâm trên đường ghé đến các hiệu sách quen. Ra đi khi vẫn còn ấp ủ “Bộ sách tôi thích nhất chưa ra đời”, trong đó có dự định dịch bộ “Toàn sử Trung Quốc” dày 5.000 trang.
Trước đó chỉ khoảng một tuần đã làm bài thơ “Xuân ban đầu” như mang một điềm báo cũng là mùa xuân cuối cùng của đời mình:
“… bài thơ xuân nào run lẩy bẩy
bến tầm dương say vấy hồn trinh
em ơi khờ dại một mình
và xa dội một tiếng kình gõ mau.

bài thơ xuân quên mất nhau
khờ em đâu nhớ những màu tơ xưa
ồ thơ đưa đẩy đã bưa
sóng xô đời đã kịp vừa biệt tăm

biệt cả tăm lẫn tằm
say đằm vai mỏng mảnh
mưa sài gòn sủi tăm
anh lang thang vô ảnh…”

582 - Phan Thị Thép
HAI CHỒNG LÀ ANH EM LIỆT SĨ
Nông dân sinh khoảng 1941 tại Long An. Sống ở Long An (2011).
Trước 75 ở quê một hôm cùng em gái đi giăng câu ngoài đồng thì ở nhà một quả bom rơi trúng nhà giết chết cả nhà gồm cha mẹ và 4 anh chị em còn lại. Còn lại 2 chị em nương tựa vào nhau làm lụng sống qua ngày.
Lớn lên được một bà mẹ cách mạng sống cùng làng thương cảm mới cưới về làm vợ cho người con trai thứ tám vào năm 1959. Lấy nhau được 4 năm sinh được 2 con thì năm 1963 chồng du kích đánh Mỹ hy sinh.
Bà mẹ chồng thấy con dâu tội nghiệp một mình quả phụ nuôi con mới quyết định đứng ra gả… con dâu cho… người con trai thứ chín – tức em trai kế người chồng liệt sĩ – còn nhằm mục đích “bảo vệ” dòng máu cháu nội ruột thịt khỏi nhận làm cha dượng một ngườøi ngoại tộc. Tuy nhiên hành động vượt lễ giáo táo bạo này cũng phải tuân theo phong tục chờ mãn tang chồng 3 năm mới kết hôn.
Có thêm 2 con nữa với người chồng sau – cũng là em chồng – thì năm 1973 người này cũng lại cũng tử trận trong một trận chống càn ngay trên vùng quê lúa Long An. Chết đúng 10 năm sau cái chết của anh mình cũng là chồng trước vợ mình. Đây cũng là đứa con trai thứ bảy cuối cùng của mẹ xả thân vì nước trong đàn con 8 trai 2 gái.
Bà mẹ chỉ còn biết gạt nước mắt an ủi ngườøi con dâu bất hạnh, tưởng mình đã giúp con dâu tìm quên trong duyên mới ai ngờ chiến tranh càng khắc đậm chồng chất thêm nỗi đau số phận. Bây giờ chỉ còn mẹ phải cưu mang cả 2 đời dâu cháu.
Hiện cô con dâu và bà mẹ chồng “2 đời” này vẫn còn sống thuận thảo cùng nhau nuôi dạy 5 đứa con – cháu 2 dòng máu vẫn chung một mái nhà.

583 - Tôn Lâm
“PHỞ CALI” VỀ NƯỚC
Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1945 tại Bạc Liêu. Sống ở Hà Nội (2011).
Thuộc gia đình khá giả nên từ nhỏ đã được cha mẹ gửi lên Sài Gòn ăn học, đặc biệt có khiếu về sinh ngữ.
Lớn lên bị kêu đi quân dịch và trong thời gian đi lính VNCH khi rảnh rỗi đã tìm giải khuây bằng cách dạy tiếng Anh cho con em gia đình binh sĩ ở đơn vị. Việc làm này được các cố vấn Mỹ chú ý nên một thời gian sau đã vận động giúp chuyển về làm phiên dịch cho Toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Từ đó năm 1974 được sứ quán Mỹ tạo điều kiện cho qua Mỹ học đại học.
Trên đất Mỹ theo học ĐH Chicago ngành hóa học vừa phải làm thêm việc khuân vác, phục vụ khách ở nhà hàng để có thêm chi phí trang trải việc học. Lấy vợ sinh con.
Ra trường vào làm cho một công ty hóa chất vẫn ở Chicago. Sau 8 năm làm dành dụm được một số vốn liền nghỉ công ty để tính đường ra riêng làm ăn. Mua đất xây dựng một khu nhà cho thuê và mở một nhà hàng bán cơm VN trong đó đặc biệt có món phở VN chế biến pa thêm hương vị Mỹ đặt tên “Phở Cali” (lấy theo tên tiểu bang California có đông cư dân VN nhất) rất đắt khách.
Làm ăn ngày càng thành công phát đạt. Năm 1987 nhà hàng được được khách bình chọn nằm trong Top 10 nhà hàng có món ăn ngon nhất Chicago, còn bản thân lọt vào Top 90 doanh nhân thành đạt của thành phố.
Từ đó năm 1988 được cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc UNDP đề nghị trở lại VN tham gia công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Một cuộc trở về gây ấn tượng mạnh trong tận sâu đáy lòng đứa con tha hương: “Tôi đã khóc, nước mắt chảy từng giọt khi cửa máy bay mở ra.” Thế là từ cuộc trở về đó đã tích cực tham gia các hoạt động tư vấn phát triển kinh tế cho VN, ủng hộ Mỹ bỏ cấm vận VN…
Không ngờ những đóng góp đó đã bắt gia đình mình ở Mỹ phải trả giá: Những phe phái chống Cộng hải ngoại tổ chức biểu tình trước nhà rồi còn phóng hỏa đốt nhà (thời còn cấm vận nên cảnh sát Mỹ tỏ ra lơ là không can thiệp!) khiến hai đứa con bị thương nặng khi phải nhảy từ lầu cao xuống đất mới thoát chết. Cả gia đình phải bỏ Chicago chuyển qua lánh nạn ở California.
Đến năm 1992 thấy sống tiếp ở California cũng không ổn (nơi đây còn chống Cộng “khiếp” hơn cả Chicago!) nên quyết định đưa cả nhà về sống ở Hà Nội. Chấp nhận gần như phải bắt tay làm lại cuộc đời một lần nữa.
Bắt đầu hùn vốn xây dựng một khách sạn tại đây song song với việc đứng ra làm cầu nối kêu gọi, vận động bạn bè đồng nghiệp ở Mỹ đầu tư vào VN. Và đặc biệt tái lập nhà hàng bán món ngon đặc biệt mang về từ Mỹ “Phở Cali” – món phở đã theo chân mình ra đi qua Mỹ rồi nay lại quay về cố quận với thương hiệu mới phục vụ cho cả đồng bào lẫn kiều bào trở về -- món phở nóng khói tỏa hương vị cay nồng làm cho “trong lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy ấm cúng”.

584 - Tô Thị Tuyết Thu
VÁI VỌNG NHỮNG LIỆT SĨ KHÔNG XƯƠNG CỐT
Thường dân sinh 1954 tại Kiên Giang. Sống ở Cần Thơ (2009).
Lúc mới 13 tuổi đã trốn nhà gia nhập TNXP làm nhiệm vụ phục vụ tuyến đường C1 đưa vũ khí đạn dược theo đường Trường Sơn vào miền Tây Nam bộ, có đoạn vòng qua Campuchia. Chồng cũng TNXP đã hy sinh để lại một con trai.
Vì bệnh tật ( thương binh 4/4) phải về hưu sớm năm 1993, từ đó với số tiền hơn 4 triệu đồng/tháng của 3 “cuốn sổ xương máu” của gia đình – sổ hưu, sổ thương binh, sổ liệt sĩ - từ năm 1997 bắt đầu cùng một số đồng đội cũ lên đường đi tìm hài cốt đồng đội còn thất lạc trên tuyến đường C1 (có 399 trong tổng số 800 TNXP bỏ mình trên tuyến đường, hơn 80% là nữ ở độ tuổi trung bình 15-16)). Sau hơn 10 năm đã tìm được 189 bộ hài cốt TNXP hy sinh trước đó được xem như “mất tích” trong đó chỉ có 42 bộ xác minh được tên tuổi, còn lại đã bị phân hủy, có khi còn bị thú rừng moi ra ăn!
Ở vậy nuôi con nay đã trưởng thành, tuổi già đã đến nhưng vẫn tiếp tục cuộc hành trình có thể là vô tận như vậy vì “Đồng đội tôi vẫn còn nằm lại ở chiến trường xưa nhiều lắm. Lúc hy sinh có anh chị không một hạt cơm trong bụng, áo quần tơi tả. Xót xa quá, yên lòng sao được. Mình còn sống là phúc phần lớn rồi. Ở đời khó nhất chữ Tình, trọn được chữ đó thì lòng mới thanh thản.”
Từ đó đang có một ước mơ: “Đã mấy năm nay tôi mua vé số. Mong trúng bộn bộn để xây đền thờ những liệt sĩ không còn xương cốt. Có đợt tìm được mộ tập thể nhưng chỉ có 2 người được vào nghĩa trang vì họ còn đủ xương cốt. Số còn lại đi đâu về đâu đây? Xương tàn liệt sĩ lại vô định hoài à? Tụi tui phải gom xương vụn rồi chia làm 10 gói gửi nhờ ở ruộng của một cán bộ hồi trước để hương khói hàng ngày cho bạn mình đỡ tủi phận mà mình cũng được an ủi.”

585 - Tôn Thọ Khương
Ở LẠI ĐỂ ĐƯỢC LÀM NGHỀ TỚI CHẾT
Hoa tiêu cảng biển sinh 1925 tại Long An – Mất 2007 ở TPHCM (83 tuổi).
Trước 75 là thuyền trưởng rồi chuyển sang nghề hoa tiêu chuyên gia hướng dẫn lai dắt tàu lớn cập cảng Sài Gòn.
Sau 75 cả vợ con đều ra nước ngoài – vợ qua Pháp, con qua Úc – nhưng bản thân vẫn ở lại TPHCM làm hoa tiêu tàu thủy như cũ chỉ vì ước nguyện “Được làm nghề đến chết là hạnh phúc.”
Từ đó dần trở thành hoa tiêu cảng biển số 1 miền Nam chuyên hướng dẫn tàu lớn nước ngoài cập bến TPHCM, Vũng Tàu, còn qua cả Campuchia giúp nước bạn đưa tàu lớn vào cảng Kongpong Xom. Đồng thời dạy học trò làm nghề kế thừa được mến mộ tôn xưng là “Cậu Hai Long An”. Dân chế độ cũ được phong Anh hùng Lao động từ năm 1985.
Dù về hưu vẫn tiếp tục theo nghề làm cho công ty dù đã hơn 80 tuổi, cho là “nhờ trời thương”. Năm 2007 mới chịu nghỉ hẳn song chỉ nửa năm sau thì qua đời, nhắm mắt mà con cái không về kịp.

586 - Tống Trọng Hoàng
NƯƠNG THEO GIỌNG HUẾ TÌM MẸ
Lao động sinh 1972 tại Huế. Sống ở Bình Dương (2008).
Tháng 2.1975 mới lên 3 tuổi theo mẹ và 5 anh chị (cha đã mất năm 1973) từ Huế chạy vào Đà Nẵng để tránh nạn chiến tranh khi chiến dịch giải phóng miền Nam khởi phát từ Quảng Trị. Nhưng vào đến ga xe lửa Đà Nẵng trong cảnh hỗn loạn thì bị thất lạc, cả gia đình cất công tìm kiếm (kể cả sau này mẹ về lại Huế bán nhà lấy tiền đi tìm con) đều vô ích.
Thực tế thì bản thân còn quá nhỏ không hiểu chuyện gì đã xảy ra, không nhớ được gì hết chỉ biết lần mò theo người khác trôi giạt rày đây mai đó ăn nhờ ở đậu lưu lạc đến tận đâu đâu may mắn không hiểu sao mới mấy tuổi đầu mà vẫn sống sót được. Rồi được một ngưòi đàn bà góa bán áo quần trong chợ ở Bình Dương thấy tội nghiệp nhận làm con nuôi.
Nhưng được 2 năm thì bà mẹ nuôi mắc bệnh qua đời, thế là lại trở về với kiếp sống bụi đời lang thang vạ vật đầu đường xó chợ.
Sau một thời gian được một đơn vị bộ đội đem về nuôi. Vài năm sau một bộ đội cũ chuyển ngành còn độc thân ghé chơi có cảm tình xin lại về nuôi. Nhưng đến khi chú bộ đội này lấy vợ thì lo chuyện vợ con nên… không nuôi nữa! Một lần nữa lại thành dân mồ côi sống ngoài vòng xã hội thiếu ăn thiếu mặc mấy lần tưởng sắp chết đói chết khát rồi.
Đến 10 tuổi được một gia đình nông dân vẫn ở Bình Dương dắt về làm chăn trâu. Tuy nhiên bị bóc lột tận cùng, bắt làm việc quá sức mà không nuôi ăn đầy đủ, chịu không nổi nên bỏ trốn xin làm phụ lơ xe đò chạy đường Bắc - Nam. Nhưng còn nhỏ sức yếu cũng không làm nổi nên bị chủ xe đuổi việc. Đành chấp nhận quay lại nghề chăn trâu…
Mãi đến năm 12 tuổi may sao mới được một gia đình tử tế công nhân cao su nhận làm con nuôi chăm sóc đầy đủ, yêu thương như con ruột. Từ đó dần dà lớn lên phụ giúp công việc trong gia đình.
Năm 28 tuổi được cha mẹ nuôi cưới vợ cho, một cô gái gốc Thanh Hóa cũng đồng cảnh ngộ lạc mất gia đình từ nhỏ phải tìm đường vào Bình Dương kiếm sống. Chồng vào nghề chạy xe lôi cùng vợ làm lụng nuôi 2 con.
Tuy không còn nhớ được tên tuổi, gốc gác, nhà cửa, cha mẹ anh em mình nhưng vẫn mãi đau đáu trong lòng nỗi nhớ thương gia đình cũ mơ hồ lãng đãng như trong một đám sương mù ký ức. Hàng đêm vẫn thỉnh thoảng nằm ngủ nói mê hoặc khóc tức tưởi không lý do.
Cho đến một ngày nọ vào quán ăn hủ tiếu gặp chủ quán nói giọng Huế như chợt đánh thức cả một mảng tối trí nhớ bừng loé sáng: Giọng Huế “đặc sản” lâu rồi mới nghe lại nhắc nhớ vô vàn kỷ niệm một thời thơ ấu đã xa mờ, mất hút ngày nào. Từ đó như sực tỉnh cơn mê nhận ra rằng ấy là giọng nói quê gốc của mình (còn hiện tại thì đã nói… giọng Nam rồi!).
Liền hỏi thăm chủ quán rồi kể lại cuộc đời lưu lạc mất tích của mình. Từ đó người chủ quán tốt bụng mới tìm cách sắp xếp để đưa người khách đồng hương này về lại Huế một chuyến tìm gia đình thử xem vào đầu năm 2008.
Nhưng về Huế tìm kiếm “nhờ vào giọng Huế” kiểu này chẳng khác gì mò kim đáy bể. Phải qua cả tuần sau mới truy tìm trong mớ ký ức rối rắm hỗn độn đó mới sực nhớ ra một chi tiết về nhà cũ của mình “ở gần một nhà thờ lớn nhất” chính là nhà thờ Phủ Cam bên sông Bến Ngự. Từ đó mới nhờ linh mục cha xứ “rao” tin “con tìm mẹ” cho giáo dân trong khu vực.
Kết quả nhờ đó tìm được mẹ thật - và 5 anh chị em – người mẹ 36 năm nay vẫn tin con còn sống nên nhất quyết không chịu làm bàn thờ con!
Từ Huế đã gọi điện về Bình Dương báo tin cho vợ, tiếng gào lên như người muốn móc tim mình ra: “Anh đã tìm được quê hương rồi, về được quê hương rồi em ơi!”

587 - Tracel Anh Đào
CON NUÔI TỔNG THỐNG PHÁP
Thường dân tên thật Dương Anh Đào sinh 1958 tại miền Nam. Sống ở Pháp (2011).
Vượt biên một mình lúc 21 tuổi đến Hong Kong. Sau đó đến năm 1979 được vào Pháp theo đợt nhận nhập cư 3.000 thuyền nhân VN đầu tiên do đích thân nhà văn Jean-Paul Sartre “Ông tổ” triết thuyết hiện sinh – trong chiến tranh chống Mỹ luôn ủng hộ Mặt trận Giải phóng miền Nam song sau 75 phản đối chế độ cộng sản VN gây ra nạn vượt biên – yêu cầu Tổng thống Giscard d’Estaing chuẩn thuận.
Nhưng khi đến sân bay lạ nước lạ cái không biết tiếng Pháp lo quá bật khóc tại chỗ thì ngẫu nhiên được ông Jacques Chirac lúc đó là Thị trưởng Paris – sau này là Tổng thống Pháp 2 nhiệm kỳ 1996 - 2006 – nhìn thấy đến an ủi rồi nhận làm con nuôi đưa về nhà.
Từ đó được vợ chồng Tổng thống Pháp tương lai đặt tên Pháp, nuôi ăn học lớn lên lên ra làm việc và cả việc sau đó giúp đỡ bảo lãnh cho bố mẹ ruột qua Pháp luôn.
Đã trải qua 2 đời chồng, có 3 con trai. Hiện còn tham gia hoạt động xã hội đấu tranh chống nạn kỳ thị dân Châu Á và giúp đỡ giới lao động giúp việc nhà gặp cảnh bất hạnh.

588 - Trang Thế Hy
TỰ NGUYỆN ĐI CHỖ KHÁC CHƠI
Nhà văn tên thật Võ Trọng Cảnh sinh 1924 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2011).
Nhà văn tiến bộ kỳ cựu từ thời Nam bộ kháng chiến, sau 54 ở lại miền Nam hoạt động bí mật trong làng báo làng văn Sài Gòn. Viết ít (chuyên truyện ngắn) nhưng cô đọng rất sâu, giàu chất trí thức.
Năm 1962 bị chế độ cũ bắt giam nên đến 1964 phải vào luôn chiến khu Củ Chi. Tuy nhiên trong quảng thời gian hoạt động trong lòng địch có bị tổ chức nghi ngờ, “hiểu lầm” dù sau này đã được minh oan song vẫn khó xóa được vết thương lòng đối với một người trí thức có lý tưởng, khí tiết.
Có lẽ vì vậy mà sau 75 trở về Sài Gòn với cương vị cán bộ lãnh đạo văn nghệ uy tín đến năm 1992 đã đột ngột rờøi Sài Gòn để tự nguyện “đi chỗ khác chơi” – cách nói tếu táo quen thuộc của dân miền Nam trước 75 - bằng cách rút về ở ẩn tại một làng quê nghèo xứ dừa quê hương với lý do: “Khi nào viết hết được thì nên biết đi chỗ khác chơi, đừng có bẹo hình bẹo dạng trong chốn trường văn trận bút, nhất là đừng để cho những người yêu mến mình phải đọc những câu lếu láo của mình.”
Từ đó ít giao tiếp với mọi người, mãi 15 năm sau mới một lần quay lại Củ Chi. Và cũng ít viết nữa.
Mang chất trí thức Tây học yêu nước (thích Lỗ Tấn, Tagore, Anatole France…) giàu lòng tự trọng lẫn khiêm tốn nên ghét sự giả dối, không thích chạy theo sự đua đòi xô bồ nhưng phù du của thời cuộc mà muốn tách mình ra để giữ sự trong sáng tự khẳng định tư cách như một kẻ sĩ chính trực: “Sự mến mộ của công chúng bạn đọc trước 75 là mến mộ phẩm hạnh chính trị của một nhà văn trong tình hình đất nước bị chia cắt chứ không phải mến mộ tài năng văn chương (của tôi). Tôi cho tự đánh giá như vậy là cầøn thiết để tự răn mình đừng nuôi ảo vọng về tài năng của mình…”
Thêm vào đó là bao kinh nghiệm trải đời thế thái nhân tình cay đắng của một người hoạt động cách mạng nhưng không quen chơi trò chính trị đã tạo nên một phong cách trí thức – nhà văn Nam bộ (khác Sơn Nam chỉ là nhà văn thuần túy) đầy khí tiết, thâm thúy: “Má tôi không muốn đẻ một con cù lần đâu nhưng cuộc sống do những người nhảy cao đá lẹ làm chủ đã biến tôi thành cù lần, biết làm sao?”
Từ đó đưa đến mối hoài nghi về lý tưởng chính trị, sự nghiệp văn chương trót đeo đuổi cả đời đến gần cuối đời mới ngộ ra chân lý nên có ý muốn rút chân ra: “Trong cơn lốc toàn cầu hóa này liệu văn chương vốn không có mệnh đã tự tạo cho mình một cái mệnh hay chưa? Suy nghĩ đầu tiên là: Nếu có, e rằng nó cũng mỏng chứ không dày”!
Năm 2009 cho in tập thơ thứ hai mà tựa đề của nó là “Đắng & Ngọt” đủ rõ để thể hiện tâm trạng từng trải đó, dấu ấn của một người trí thức – nghệ sĩ cách mạng chân chính không bao giờ tự thỏa mãn mà luôn thao thức đặt câu hỏi về bản thân lẫn thế sự.

589 - Trần Anh Muôn
CÒN NIỀM HY VỌNG DUY NHẤT CUỐI CÙNG CŨNG MẤT
Nông dân sinh 1950 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2005).
Có 2 anh là liệt sĩ nhưng năm 1968 vẫn tình nguyện đi bộ đội chiến đấu trên chiến trường Miền Nam, 2 lần bị thương.
Sau 75 giải ngũ với di chứng CĐDC kèm 2 mảnh đạn còn nổi u thành cục trên cánh tay.
Sinh 7 con thì 6 đều bị mắc chứng CĐDC trong đó 2 đã chết ngay khi mới ra đời, còn lại 3 thì đủ bệïnh trong người như thiểu năng não, viêm đa khớp, 10 năm mới nói được, không tự mình đi đứng được… Bản thân cũng bệnh thần kinh, sỏi thận, loét dạ dày, viêm đường tiết niệu…
May mắn chỉ có con gái đầu không hiểu sao vẫn lành mạnh bình thường nhưng năm 2005 vừa tốt nghiệp đại học thì lại bị tai nạn ngã xe máy… chết bất đắc kỳ tử!

590 - Trần Anh Hùng
ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH TẦM CỠ QUỐC TẾ LỚN NHẤT
Đạo diễn điện ảnh sinh 1962 tại Đà Nẵng. Sống ở Pháp (2010).
Từ năm 4 tuổi từng được gia đình đưa 2 anh em qua sống và học hành ở Lào để tránh ảnh hưởng cuộc chiến VN bắt đầu khốc liệt. Đến trước 30.4.75 được cha mẹ gọi về di tản qua Pháp.
Ở Pháp ban đầu theo học khoa triết ĐH Sorbonne nhưng đến năm 1983 chuyển qua theo học ngành điện ảnh.
Ra trường bắt đầu làm phim chuyên nghiệp với mảng đề tài chính vẫn là hướng về đất mẹ VN như một hoài niệm khôn nguôi. Đầu tiên là bộ phim ngắn “Thiếu phụ Nam Xương” được đề cử tranh giải Liên hoan Phim Cannes ở Pháp năm 1989. Tiếp đó liên tục về VN thực hiện một loạt phim truyện nhựa “Mùa đu đủ xanh” năm 1993 (đoạt 2 giải Liên hoan Phim Cannes của Pháp, được đề cử tranh giải Oscar Mỹ thể loại phim truyện nước ngoài), “Cyclo” năm 1995 (đoạt một giải Liên hoan Phim Venice của Ý), “Mùa hè chiều thẳng đứng” năm 2000.
Các phim luôn mang phong cách lãng mạn trữ tình có chiều sâu nội tâm được thể hiện qua ngôn ngữ điện ảnh cực kỳ hiện đại, chú trọng hình ảnh rất thơ mộng và đối thoại chắt lọc với nhiều quãng lặng. Luôn có mặt đóng vai chính trong các phim trên là cô vợ Trần Nữ Yên Khê cùng quê Quảng Nam (qua Pháp năm 1971, là Hoa hậu Aùo dài VN ở Pháp năm 1986, vợï chồng đã có 2 con).
Giải thích mối “ảm ảnh VN” này từ một đứa con ra đi rồi trở về : “Tôi muốn giúp mọi người đến thăm VN. VN bây giờ đã thay đổi, biến dạng hoàn toàn. Tôi không thể diễn tả hết được, tôi muốn phim của tôi phản ảnh được điều đó để mọi người có thể nhìn thấy chính xác cái mà thực tế từng xảy đến cho tôi.”
Tuy nhiên dù phim quay hoàn toàn ở VN với nhiều diễn viên nổi tiếng trong nước tham gia nhưng thực tế không phải lúc nào cũng ủng hộ tấm lòng thành đó như trường hợp phim “Cyclo” quay xong ở TPHCM đã bị… cấm chiếu với lý do nội dung có “tính tiêu cực”! Do phim mô tả về thực tế thế giới xã hội đen của thành phố nơi quy tụ những tay anh chị vốn xuất thân từ tầng lớp dân nghèo đô thị không sao vươn lên thoát khỏi số phận bần cùng mới phải đi làm loạn.
Sau loạt phim VN có lẽ xem như đã đủ đó đã chuyển qua làm phim tâm lý pha hình sự Châu Âu với sự tham gia của nhiềøu ngôi sao Hollywood có tính thị trường dễ ăn khách hơn như “Tôi đến cùng cơn mưa” 2009. Năm 2010 hoàn thành phim “Rừng Na Uy” 2010 chuyển thể cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nhật Bản đương đại Haruki Murakami mà VN được dành cho vinh dự một trong những nước công chiếu đầu tiên.
(Còn tiếp)

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

THÁNG GIÊNG - THƠ NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

chạm bờ em cơn khát thiếu nữ ngày đồng trinh
nụ hôn đa mang tận tế bào xé từng mảnh thời gian treo tường
chật vòng tay chật ánh mắt chật hơi thở
sợi tóc nhẹ bay qua cánh đồng cảm xúc
em trôi
tháng giêng đọng lên môi tuổi không còn son rỗi
không mua được thời gian để khỏa lấp
cơn khát anh trong em tình yêu vừa chạm tới
tiếng thở bật lên ngọn thủy triều chực sáng
sóng sánh nước mắt đặt lên tim lời thề đầu tiên trọn vẹn…
ai bán tình yêu để em mua bằng những dại khờ
mặt đất nứt tầng vĩ than hồng khai phóng ngày em
đến từ tim, đi từ tim đắng ngọt phù sa núi rừng mùa phục sinh lá hoa cây cỏ
phía bên kia tháng giêng đã bước qua cầu…
buổi chiều bên song cửa người con gái ngồi dệt tình yêu bằng nước mắt
lóng lánh mùa xuân ngoài kia đã đi qua thời gian, mái tóc nhuộm thêm lần nhung nhớ
cứ rơi, cứ nhặt
nỗi buồn tan trên môi vị mặn của ngày
tháng giêng đầy lộc
phía bờ hạnh phúc sum vầy
hoan ca tiếng cười tháng giêng ai gánh trầu cau qua ngõ
đám cưới trong miền viên thẳm phía mờ xa đoàn tàu đã ra khơi
bật dậy tháng giêng hiền ngoan ngọn cỏ con ươm mầm nhựa sống
những công trình ngăn núi ngăn sông thắp sáng muôn nhà ánh điện
sớm mai chim hót đầu hiên biết tim mình lạc nhịp
cầu may gì trong tháng giêng
khi hò hẹn đã đôi lần cách sông cách bể?
N.T.A.Đ

QUỐC HOA VIỆT NAM


Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

NGHE HOÀI NỖI NHỚ - HẠ NHIÊN THẢO


Ta còn gì để cho anh
Nữa vầng trăng khuyết bên thềm rêu phong
Khung trời mộng giấc mơ tan
Đêm nghiêng đổ giọt rượu vàng nhớ ai...


Không hờn không dỗi anh đâu
Xa anh ngày ấy trái sầu rụng rơi
Nghe hoài nỗi nhớ chơi vơi
Hành trang khóe mắt đôi môi anh cười…

(22.12.10)

HNT

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

XUÂN VỀ - HOÀNG T THIỀU ANH


Xuân về! Thêm nợ thêm nần
Nợ trời nợ đất,nợ vầng trăng xưa
Nợ thời gian với nắng mưa
Vì ta mê mãi bốn mùa rong chơi.

HTTA

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

BÍ ẨN TRẦM HƯƠNG - HOÀNG HẢI VÂN

“Thọ thiên địa chi khí...”(Kỳ 2)
Trầm hương và vòng đeo tay bằng kỳ nam - Ảnh: Tấn Tới
Hương trầm bao hàm đủ 5 vị ngọt mặn chua cay đắng, phát ra hơn 170 mùi thơm có thể phân biệt được. Dùng một dụng cụ xông hương, cho vào một loại trầm thông thường, trong 24 giờ sẽ có 8 đợt phát hương, mỗi đợt là một phức hợp mùi vị với mùi chủ đạo khác nhau…Trầm hương sinh ra từ cây dó (cá biệt cây xương rồng cũng có thể cho ra trầm). Trong thiên nhiên có nhiều loài dó, nhưng theo ông Ưng Viên thì chỉ có cây dó bầu mới cho ra thứ trầm có thể chữa bệnh được.Trên thế giới, trầm tập trung chủ yếu ở 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia, Malaysia, trong đó trầm Việt Nam có dược lý tốt nhất, những nghiên cứu khoa học mới đây về trầm của các nhà khoa học Nhật Bản và Trung Quốc cũng xác nhận trầm Việt Nam có nhiều hoạt chất mà trầm các nơi khác không có.Ông Ưng Viên còn lưu ý: Trầm hương và kỳ nam là khác nhau, không phải kỳ là cái lõi của trầm. Một cây dó có trầm dù lâu năm đến bao nhiêu cũng không nhất thiết có kỳ nam, ngược lại một cây dó có kỳ nam không nhất thiết có trầm bên cạnh. Chúng được tương tác bởi hai loài nấm khác nhau. Kỳ nam hiếm hơn nên mắc tiền hơn, nó quá mắc tiền vì từ lâu nó được con người sở hữu như một “linh vật”, nhưng giá trị chữa bệnh và ứng dụng trong đời sống của kỳ nam thì không bằng trầm.Tại Việt Nam, trầm tốt nhất tập trung ở vùng Phú Yên, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, đây chính là “quê hương” của trầm, loài người phát hiện ra trầm khởi thủy là từ vùng này. Trước đây, từ Việt Nam, trầm được dùng làm cống phẩm đưa sang Trung Quốc. Trong các cống phẩm, trầm hương là thứ quý nhất. Tất nhiên các thầy thuốc giỏi nhất được cống theo để “hướng dẫn cách sử dụng”. Và từ đây, trầm hương đã theo con đường tơ lụa sang Trung Cận Đông, Địa Trung Hải...“Thọ thiên địa chi khí, tẩy vũ trụ chi trược, giáng khí trừ đàm, thiện trị phế phủ, chỉ tả bổ dương, thị là thế thượng trân chi giả...”, đó là đoạn tóm tắt y lý của trầm hương trích trong sách gia truyền của cung đình nhà Nguyễn mà ông Ưng Viên đọc cho tôi nghe, tạm dịch: “Tích tụ khí thiêng của trời đất, tẩy trừ mọi thứ ô uế trong không gian, có tác dụng giáng khí trừ đàm, chữa các bệnh thuộc phế phủ, chữa các bệnh về tiêu hóa, bài tiết, thận và tim mạch (chỉ tả bổ dương - nghĩa rộng), chính là thứ trân quý nhất”.Trầm có thể được sử dụng trong cả ngàn bài thuốc khác nhau, nhưng trước hết hãy nói về “thọ thiên địa chi khí”.Ai cũng biết không phải cây dó bầu nào cũng có thể sinh ra trầm. Trong rừng tự nhiên từ 1.000 đến 1.500 cây mới có một cây có trầm và từ 10.000 đến 20.000 cây có trầm mới có một cây có kỳ nam.Khi cây dó bị một vết thương, vết thương đó phải đọng nước qua một mùa mưa, cây dó mới bắt đầu tiết ra chất nhựa xung quanh vết thương để tự vệ. Người ta thấy nhiều cây dó cho trầm chi chít những mắt trên thân cây, những mắt chi chít đó là vết tích do một loài côn trùng đục vào thân cây, dân gian gọi nó là con bọ xòe.Khi chất nhựa dần dần trở nên đậm đặc, lúc ấy những con kiến sẽ bò vào ăn chất nhựa này. Đó là một loài kiến cao cẳng, màu vàng hoặc màu đen.Chính những con kiến kia mang theo các phân tử trầm hương (một loài nấm) vào “cấy” trong lớp nhựa. Loài nấm này tương tác với các hoạt chất của lớp nhựa, dưới tác động của khí hậu bên ngoài và sự tương tác diễn ra trong một thời gian rất dài mới sinh ra trầm, tương tác càng lâu trầm càng có giá trị. Thông thường, cây dó phải có tuổi thọ hơn 50 năm mới có thể cho ra một thứ trầm có giá trị chữa bệnh.Về giống “kiến cao cẳng” mang phân tử trầm vào cây dó, ông Ưng Viên lưu ý không phải kiến cao cẳng nào cũng làm được điều này. Phải theo dõi rất nhiều năm mới phát hiện ra, chúng không bao giờ làm tổ trên những cây trầm. Đây là giống kiến rất quý về dược liệu, trứng của nó rang lên có thể chữa được chứng méo miệng, cấm khẩu (liệt dây thần kinh số 7, số 21). Trứng của giống kiến này không thiếu trong kho tàng dược liệu của ông Ưng Viên.Tôi hỏi xin ông một tấm hình về những con kiến đó, ông lắc đầu từ chối: “Tuyệt đối không nên đăng ảnh của nó lên trên báo, đăng lên là nó bị người ta tận diệt ngay. Người của tôi đi lấy trứng kiến, mỗi lần lấy không bao giờ quá 1/3 tổ trứng. Lấy tới 1/2 là nó tuyệt chủng rồi”. Ông Viên còn mô tả những đặc tính của loài kiến trên nhưng tôi không dám ghi ra đây vì cũng sợ chúng sẽ bị... tuyệt chủng.Quá trình hình thành trầm hương theo một “cơ chế” tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng thật ra là vô cùng kỳ bí. Cho nên người xưa nói “thọ thiên địa chi khí” là đúng nhất. Con người đã khẳng định hương trầm là “vua của các mùi hương”. Hàng ngàn năm nay trầm được xông trong các cung điện vua chúa, tại các lễ nghi thiêng liêng của các tôn giáo. Nó là “danh hương” trong các nghi lễ tôn giáo.Trong thiên nhiên có rất nhiều thực vật có tinh dầu phát hương ra không gian, nhưng chỉ có trầm là thứ mà nguồn phát ra hương không bao giờ cạn, từ lúc trong rừng núi cho đến khi đem ra chế tác, lưu giữ. Người ta phát hiện các mảnh trầm nằm dưới đáy các giếng cổ Chămpa, qua hàng ngàn năm mà khi lấy lên hương thơm vẫn còn nguyên vẹn. Ngày nay trầm còn được dùng làm chất định hương cho mỹ phẩm, nước hoa Chanel No.5 và các thứ nước hoa nổi tiếng khác trên thế giới không thể không có trầm hương.Hương trầm bao hàm đủ 5 vị ngọt mặn chua cay đắng, phát ra hơn 170 mùi thơm có thể phân biệt được (riêng kỳ nam có ít mùi hơn và không có vị ngọt). Dùng một dụng cụ xông hương, cho vào một loại trầm thông thường, trong 24 giờ sẽ có 8 đợt phát hương, mỗi đợt là một phức hợp mùi vị với mùi chủ đạo khác nhau, thay đổi theo thời gian, khi thì mùi hoa sen, khi thì mùi hoa hồng, khi thì vani, khi thì mùi gỗ thông, khi thì mùi xạ hương... Điều lạ lùng nữa là trong những thời điểm giống nhau mà tại địa điểm khác nhau mùi trầm hương cũng thay đổi.Điều này khoa học chưa đủ khả năng giải thích. Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản đã thử làm khảo cứu phân biệt hương thơm của một số sesquiterpen carboxylic acid trong tinh dầu trầm và nhận thấy có khi chỉ vì vị trí của một dấu nối đôi như hai chất selina-3,11 và selina-4,11 dienal mà mùi hương rất khác nhau, chất thứ nhất có mùi gỗ, mùi hoa hòa với mùi khói, chất kia phảng phất hương bạc hà.Bốn chất đồng phân neopetasan, epineopetasan, dihydro karanon, ngoài vị trí các dấu nối đôi, còn khác nhau ở hướng các nhóm methyl cũng cho ra các mùi khác nhau (dẫn theo tiến sĩ Võ Quang Yến, Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Đà Nẵng 2008). Khoa học chỉ mới biết tới đó, còn vì sao lại có sự “biến tấu” như vậy thì khoa học đành chịu, ở đây vẫn là quá trình “thọ thiên địa chi khí”. (còn tiếp)
H H V