Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 59)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

591 - Đặng Quí Địch
“ĐỨA CON BỊ TỪ CHỐI” CỦA BÌNH ĐỊNH
Nhà nghiên cứu văn hóa sinh 1938 tại Bình Định. Sống ở Bình Định (2011).
Trước 75 vùa đi dạy học ở Quy Nhơn vừa tranh thủ giờ rảnh nghiên cứu viết lách về các đề tài văn hóa quê nhà Bình Định. Làm rất bài bản nhờ có vốn tự học Hán văn và phương pháp khảo chứng khoa học qua đi điền dã thu thập tư liệu tại chỗ, từ đó đã in 2 tác phẩm “Phong cảnh và sản vật Bình Định” 1969, “Nhân vật Bình Định” 1971.
Nhưng sau 75 có lẽ cũng do tiếng tăm là nhà “Bình Định học” có tiếng ở địa phương mà không có dây mơ rễ má gì với cách mạng nên được cách mạng cho… nghỉ dạy về làm dân lao động tay làm hàm nhai! Thế là đành về quê vợ ở huyện Hoài Nhơn mọ mạy làm ruộng rồi sau dân làng thấy là người có học thất cơ lỡ vận tội nghiệp mới đưa vào làm hợp tác xã sản xuất gạch ngói.
Tuy nhiên vẫn không quên mối đam mê nghiên cứu ngày xưa nên ngày làm lụng vất vả song đêm về dần dà lại tìm cách tiếp tục những công việc tìm hiểu phục hồi và khai phá bao giá trị văn hóa cổ truyền của con người và xứ sở đất võ Bình Định còn dang dở. Để rồi đến năm 1985 mới thầm lặng cầm bút lại viết, dịch những công trình đó một cách “không công”, viết chỉ “để đó” không ai trả tiền mà ngược lại còn phải nhờ vợ con buôn bán hỗ trợ. Bởi trong thâm tâm mình vẫn nghĩ rồi một này nào đó “trời lại sáng”, những việc mình làm rồi sẽ có chỗ dùng thôi.
Đúng như vậy, đến năm 1998 hai cuốn “Đào Duy Từ khảo biện” và “Cố sự Quỳnh Lâm” (dịch) được chính thức xuất bản. Nhưng ở đây có điều oái oăm thay tác phẩm của một người con Bình Định viết về nhân vật lịch sử Bình Định đã được Nhà nước công nhận vậy mà bị nhà xuất bản tỉnh nhà từ chối in với lý do vẫn là “bổn cũ soạn lại” chậm tiến theo chủ nghĩa lý lịch mà thôi. Tuy nhiên quê nhà từ chối thì có tỉnh khác chấp nhận in mà lại là địa phương “cách mạng” lâu năm hơn nhiều (Thanh Hóa). Địa phương “bảo hoàng hơn vua” chê thì in ở các nhà xuất bản… Trung ương!
Từ đó có thêm nguồn động viên, điều kiện vật chất để say mê viết tiếp (viết tay đã quen lâu nay) dù phải một mình ở riêng lụi hụi tự lo cơm nước khỏi làm vướng bận vợ con lo buôn bán. Dù tuổi già thêm bệnh rối loạn tuần hoàn não và thấp khớp, lúc cao điểm bệnh vẫn cố gắng viết được ít nhất 3 trang.
Đến nay tổng cộng đã in 17 cuốn trong đó hơn 3/4 đêu chuyên đề Bình Định gồm dịch di cảo Đào Tấn, di cảo Đào Phan Duân, di cảo văn nhân tiền bối Bình Định, “Chuyện cũ nhà sư Bình Định”… Đều là những công trình quy mô về số lượng như “Văn thi liệu tầm nguyên tự điển” 3.000 trang, “Kinh Thi diễn ca” 2.000 trang, “Chuyện cũ nhà sư Bình Định” 3 tập... Đã hoàn tất và đang khởi công nhiều bộ sách lớn nữa như “Bình Định tam Đào”, Bình Định lưỡng Tấn”, 28 bổn tuồng hát bội Bình Định (dịch), thơ văn Đào Tấn (còn lại)…
Toàn là chuyện Bình Định, nơi mình từng bị “quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”. Chẳng sao, “Ông trời cho mình sống để mình làm cái điều cần làm cho quê mình mà”!

592 - Mai Thảo
NGƯỜI LANG THANG TRÊN ĐƯỜNG BOLSA
Nhà văn Việt kiều Mỹ tên thật Nguyễn Đăng Quý sinh 1927 tại Nam Định – Mất 1998 ở Mỹ (72 tuổi).
Thời trẻ từng tham gia kháng chiến chống Pháp, bắt đầu bước vào sáng tác văn chương nhưng bị đánh giá “tiểu tư sản” khó hòa nhập được với cộng sản nên năm 1954 di cư vào Nam.
Tại Sài Gòn, được sự hỗ trợ của chính quyền Ngô Đình Diệm và cơ quan viện trợ văn hóa Mỹ đã quy tụ các nhà văn miền Bắc di cư thành lập nhóm Sáng Tạo – còn gồm Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Thái Tuấn, Duy Thanh… - ra tạp chí văn học cổ vũ cho việc xây dưng một nền văn nghệ mới ở miền Nam vừa thoát ly trào lưu Tiền chiến vừa tách biệt chống lại văn hóa cộng sản ở miền Bắc.
Bản thân được xem là một thủ lĩnh nhóm này chuyên viết văn xuôi thể loại tùy bút - bút ký ít nhiều ảnh hưởng phong cách Nguyễn Tuân sáng tác thiên về hình thức ngôn ngữ trau chuốt, chú trọng chữ nghĩa giàu hình ảnh và nhạc điệu với tác phẩm thành tựu nhất vào thời Hậu – Di cư “Đêm giã từ Hà Nội” và “Tháng giêng cỏ non”.
Tuy nhiên ấy là do thời thế đưa lên chứ thật ra tư tưởng lẫn hành văn vẫn nặng chất lãng mạn cổ điển kiểu Tiền chiến thôi, ý thức đổi mới theo hướng nào còn khá mơ hồ. Phong cách sống cũng thế vừa mang chất “kẻ sĩ Bắc hà” vừa ăn chơi phóng túng kiểu văn nghệ sĩ Tiền chiến, một thời đóng đô vũ trường uống rượu Tây cặp kè người đẹp.
Từ đó cái lý tưởng “sáng tạo” nên một nền văn hóa mới “phi cộng sản” cho miền Nam nhanh chóng tan tác, nhất là khi mất sự hỗ trợ tài chính phía sau từ chính quyền hoặc người Mỹ. Dù đã cố gắng vận động xoay xở chuyển từ “Sáng tạo” qua một vài bảng hiệu tạp chí khác – kết hợp với các nhóm văn hóa – chính trị khác -- song cuối cùng đành từ giã giấc mộng văn chương lý tưởng hóa, văn chương đóng góp vào thời cuộc. Chỉ còn làm được việc đóng góp cho lĩnh vực văn chương thuần túy, điển hình như qua nắm tạp chí Văn từ năm 1974.
Bên cạnh đó chuyển qua dần trở thành nhà văn chuyên nghiệp hiếm hoi sống hoàn toàn bằng ngòi bút, viết tiểu thuyết đăng báo hàng ngày kiếm sống. Viết rất nhiều kiểu truyện tình thời thượng thường vay mượn từ phim ảnh hoặc tiểu thuyết nước ngoài, mỗi ngày có thể viết vài ba truyện như vậy cùng lúc.
Nhưng có lẽ thâm tâm vẫn ấp ủ lý tưởng văn nghệ một thời nên khi xảy ra biến cố 30.4.75 đã cùng với 2 nhà văn “Bắc di cư” khác là Thanh Tâm Tuyền và Dương Nghiễm Mậu tuyên bố là văn nghệ sĩ phải gắn bó với quê hương thề không đi di tản.
Tuy nhiên thực tế khắc nghiệt không cho phép như thế khi 2 đồng nghiệp đồng huơng kia phải đi cải tạo, do vậy cuối năm 1977 đã vượt biên đến Malaysia. Chờ đến năm 1979 qua Mỹ.
Ở Mỹ lại tiếp tục sự nghiệp nhà văn chuyên nghiệp sống bằng ngòi bút, viết hồi ký (“Chân dung 15 nhà văn nhà thơ Việt Nam” 1985), giữ mục “Sổ tay” trên báo hải ngoại… Ngoài ra đã làm lại tờ “Văn” từ năm 1982 tồn tại đến năm 2007 được xem là tạp chí văn học sống lâu nhất 26 năm (10 năm cuối giao cho Nguyễn Xuân Hoàng mới qua sau trông nom).
Đặc biệt điều bất ngờ nhất là bấy giờ lại tỏ ra rất thích nói, viết lẫn mê… làm thơ! Và đã cho in tập thơ đầu tiên cũng là duy nhất năm 1989 mang tựa đề “Ta thấy hình ta những miếu đền”.
Chất lượng, giá trị tập thơ thực chất không có gì mới với nội dung vẫn ảnh hưởng chất lãng mạn bay bướm cổ điển, nghệ thuật kiểu văn hoa chơi chữ kiêu sa của dòng văn xuôi tùy bút trước đây. Nhưng qua đó cũng hé lộ cho thấy đôi chút tâm sự đau buồn lặng lẽ của một thế hệ “lưu vong 2 lần” chấp nhận thua cuộc:
“… Ta thấy rèm nhung khép lại rồi
Hạ màn. Thế kỷ hết trò chơi.”
(Ta thấy hình ta những miếu đền)
Và:
“… Đôi lúc những hồn ma thức giấc
Làm gió mưa bão táp trong lòng.
Ngậm ngùi bảo những hồn ma cũ
Huyệt đã chôn rồi, lấp đã xong.”
(Quá khứ)
Những điều đó ngoài đời ít khi nào đề cập tới, ngược lại hễ thấy ai nói chuyện chính trị là than “nghe chán chết đi được!” Thi thoảng chỉ có công nhận sự nghiệp khởi xướng cái mới ngày xưa của mình: “Trong bọn chúng tôi không ai tới đích cả nhưng quan trọng nhất là chúng tôi đã thúc giục mọi người ra đi (hướng về sáng tạo cái mới).”
Trong quãng đời tha hương đất Mỹ còn để lại một giai thoại về “Người đàn ông lang thang trên đường Bolsa” cũng là “Người bị cảnh sát giao thông Mỹ phạt… nhiều nhất”!
Nguyên do cho đến chết vẫn sống độc thân dù trong đời luôn có quan hệ tình cảm với nhiều người đẹp ngôi sao văn nghệ như ca sĩ Hà Thanh, Thái Thanh, diễn viên Kiều Chinh, các nhà văn nữ hải ngoại… Sống một mình buồn nên mỗi buổi sáng từ chỗ ở tại Quận Cam thường đi bộ (theo thói quen ở Sài Gòn xưa hay đi bộ hoặc đi cyclo) trên quảng đường Bolsa dẫn đến khu Phước Lộc Thọ tìm bạn bè. Cứ đi chậm rãi, lửng thửng, lừng khừng như thế với đầu óc như thể để đâu đâu, khi gần đến nơi liền băng đại qua đường bất chấp ô tô chạy vù vù trên đường cao tốc!
Cả cảnh sát Mỹ thấy cũng hoảng hồn phải thổi phạt nhưng phạt liên miên vẫn “bổn cũ soạn lại” lãnh giấy phạt đều đều tới mức cảnh sát trưởng TP Westminster cũng biết tiếng.
Một kỷ lục cười ra nước mắt về nỗi cô đơn của một người con xa xứ.

593 - Nguyễn Thanh Thu
TỪ “TIẾC THƯƠNG” ĐẾN “CỬU LONG ĐƯỢC MÙA”
Nhà điêu khắc Việt kiều Mỹ sinh 1934 tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2011).

Học nghề điêu khắc rồi bị gọi đi lính VNCH vào trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường chuyển về ngành quân nhu rồi cuộc đời đưa đẩy đến công việc làm “quản trang” ở Nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Tại đây đã thực hiện tượng đồng mang tên “Tiếc thương” nổi tiếng dựng năm 1966 trước cổng vào nghĩa trang (ảnh).
Bức tượng trên tượng hình mô phỏng theo một nguyên mẫu người lính dù mà tác giả tình cờ gặp trong quán nước đang ngồi uống rượu thương nhớ đồng đội vừa tử trận. Hình ảnh được tác giả thể hiện qua bức tượng đầy cảm xúc sâu lắng, bi hùng gây xúc động cho bất cứ ai nhìn thấy tới mức từ đó đã thêu dệt biết bao giai thoại “ma” tử sĩ tìm về quanh bức tượng và nghĩa trang này.
Nhưng bản thân tác giả thì vì vậy mà nhiều lần phải mang vạ vào thân sau 75 khi bị bắt đi cải tạo ngoài Bắc (hàm thiếu tá). Bị đánh làm điếc cả 2 tai, bị giam cách ly, thậm chí suýt bị lãnh án tử nữa.
Năm 1983 được trả tự do về Sài Gòn sống với vợ con. Năm 1987 quyết định một mình vượt biên theo đường bộ qua Campuchia, đến Thái Lan rồi Philippines. Đến cuối năm 1989 mới được nhận qua Mỹ.
Trên đất Mỹ tiếp tục làm nghề điêu khắc nhưng không đi đến đâu do không được ai giúp đỡ, hỗ trợ mà công việc, tác phẩm loại này rất tốn tiền.
Năm 2004 quay lại quê hương định tìm cách đưa vợ con (có đến 7 con) qua Mỹ luôn với mình nhưng vợ con lại… không chịu đi vì bấy giờ cuộc sống cũng tạm ổn nhờ sống dựa vào mảnh đất khá lớn do cha mẹ để lại gần trung tâm Sài Gòn, lấy nơi đó mở quán cà phê sống qua ngày, con cái cũng có công ăn việc làm tương đối. Thế nên đành ở… lì, ở liều lại luôn tới đâu hay đó!
Sửa sang lại quán cà phê đặt tên Cà phê Tượng đá làm chỗ gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp cũ. Đồng thời biến khoảnh đất thừa kế nơi đây làm một xưởng điêu khắc cho mình thỏa thích thi thố nghề cũ.
Từ đó đã làm phác thảo hoặc thực hiện khoảng hơn bức tượng nhỏ chờ có điều kiện mới phát triển thành tượng lớn. Trong số này tâm đắc nhất là tượng “Cửu Long được mùa” tượng hình một cô thôn nữ miền Nam tay ôm bó lúa đứng bên trên “9 đầu rồng” phun nước lên ruộng đồng. Một bức tượng với hình thể, ý nghĩa ca ngợi hòa bình hồi sinh khác xa một trời một vực với tượng “Tiếc thương” khóc than chiến tranh chết chóc: “Đây là bức tượng nói về đời sống tươi đẹp của người dân đồng bằng sông Cửu Long, là hoài bão tôi ấp ủ từ lâu rồi. Đó là hình tượng rất VN, nó tượng trưng cho người dân Việt của tất cả mọi thời đại chứ chẳng riêng thời nào. Đó cũng là ước mơ của tất cả người Việt chúng ta”.
Còn “Tiếc thương” nay không biết bị vứt lăn lóc lưu lạc về đâu hay đã… nấu chảy ra lấy đồng rồi (cũng như bức tượng tương tự “Chiến sĩ vô danh” cùng tác giả đặt tại Nghĩa trang Quân đội VNCH cũ ở Gò Vấp)?
Với tác giả nó hầu như chỉ còn trong hoài niệm, còn lưu lại mô hình trong bộ sưu tập của mình mà thôi: “Người nghệ sĩ chỉ sáng tạo một lần, lần thứ hai không thể làm như lần thứ nhất. Nhưng nó sống được trong lòng mọi người thì tự nó còn mãi. Tôi tự hào vì nó nhưng dựng lại là một điều chẳng hay ho gì. Nó sống trong lòng mọi người là đủ.”
Thực tế thì hiện còn một tác phẩm ít ai biết cùng tác giả nay vẫn còn được phép tồn tại hiên ngang giữa trời là tượng An Dương Vương ở ngả 6 Chợï Lớn – TPHCM.

594 - Trần Bồng Sơn
NHÀ TIÊN PHONG TÌNH DỤC HỌC
Bác sĩ tên thật Nguyễn Tấn Trung sinh 1941 tại Quảng Nam – Mất 2004 ởi TPHCM (64 tuổi).
Tốt nghiệp ĐH Y Sài Gòn trước 75, đi theo con đường của bậc thầy khả kính cố GS Ngô Gia Hy đều chấp nhận ở lại đất nước đóng góp trong lĩnh vực của mình.
Đặc biệt chuyên tâm nghiên cứu, khai phá và tìm mọi cách phổ biến kiến thức về ngành tình dục học từ những năm 80 dù bấy giờ ấy còn là một đề tài “cấm kỵ” ở trong nước. Bởi quan điểm lạc hậu phi khoa học của chế độ mới xem đây là vấn đề đi ngược truyền thống đạo đức dân tộc, một quan điểm tự mâu thuẫn bởi ấy chính là luân lý đạo Nho mà chế độ cộng sản từ lâu đã bài xích triệt để.
Vì thế nhà bác sĩ tình dục học đầu tiên thời này phải làm công việc mở đường một cách âm thầm bằng cách tham gia viết “lách” qua chữ nghĩa với giọng điệu, giọng văn bình dân hài hước hóa giúp người đọc làm quen dần đồng thời né cán bộ kiểm duyệt. Một công việc thầm lặng ít ai biết cũng ít ai dám công khai cổ xúy song đã đặt những viên đá lót đường cho đến thập niên 90 vấn đề mới dần dần được chấp nhận.
Đáng tiếc vào lúc chứng kiến công sức mình đã thành công thì ông đã vội ra đi chưa kịp được hưởng thành quả công việc mình làm. Trớ trêu thay là bác sĩ song bản thân lại đột ngột qua đời vì bệnh xuất huyết não không chút đề phòng ngay trước mắt vợ vốn cũng là một… bác sĩ!

595 - Trần Canh
“ÔNG GIÀ HÂM” LÀNG CHUÔNG
Thợ thủ công sinh khoảng 1940 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2009).
Trở về từ cuộc chiến với thương tật 2/4 mất một chân.
Trở lại với cuộc sống nông dân tại làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vốn nổi tiếng một thời về nghề làm nón quai thao cổ truyền nay đang bị đe dọa thất truyền. Từ đó mơ ước phục hồi nghề này vì danh dự quê nhà đồng thời cũng là một cách phát triển kinh tế cho thôn làng thời đổi mới hội nhập.
Năm 1998 bắt đầu vào cuộc làm 2 chiếc nón khổng lồ (đường kính 2m) theo đơn đặt hàng của khách nước ngoài đem đi triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ quốc tế ở Czech và Đức. Làm rất gian nan vì nay khó kiếm ra mẫu cũ, phải dựa vào trí nhớ bổ sung trong khi mình thì tàn tật chống nạng gỗ. Lại chưa bao giờ… làm kiểu nón này cả khiến làm không quen bị kim, tre nứa đâm trầy xước cả tay do kích cỡ nón quá lớn phải treo lên trần nhà mà làm! Vì vậy bị gọi là “Ông già hâm”.
Rồi cũng hoàn thành sau 20 ngày đêm vất vả một mình, từ đó có được “thương hiệu” mới cho nón làng Chuông: “Đời lính đánh giặc khó khó vậy mà còn làm được thì có gì không làm được?”. Vì công việc này mà từ chối đi nghỉ dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Bắc Ninh.
Bù lại sau đó lớp trẻ bắt đầu theo học để cho ra đời chiếc nón kỷ lục có đường kính 3,6m đưa ra triển lãm nhân Hội nghị APEC tại Hà Nội năm 2003. Hiện trung bình mỗi ngày lớp trẻ làng Chuông làm được 7.000 chiếc nón quai thao cổ truyền bán trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài. Đạt nguyện vọng “Cả thế giới bây giờ đã biết đến làng Chuông rồi…”
Còn trích tiền làm nón ra ủng hộ làng xây nhà trẻ, giúp đỡ học sinh nghèo trong vùng…

596 - Trần Duy Tung
“TÔI VỀ THĂM LẠI MỘ TÔI”
Cán bộ về hưu sinh 1950 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2007).
Bộ đội dịa phương trong chiến tranh chống Mỹ ở Tam Kỳ bị bom đánh sập công sự chiến đấu tưởng đã vùi chết cùng 2 đồng đội nhưng khi tỉnh lại thấy mình còn sống đã tự cào bới đất đá để thoát ra.
Sau 75 là thương binh còn mảnh bom dính trong đầu phải xuất ngũ chuyển ra Đà Nẵng làm Hội Nông dân. Năm 1979 tìm về lại địa điểm công sự nơi mình suýt chết thì không tìm ra dấu tích thi thể 2 đồng đội cũ nữa.
Năm 1992 về hưu về sống ở quê vợ Bình Định nhưng lòng vẫn không yên vì “món nợ đồng đội”. Vì thế năm 2003 quyết định đem vợ con trở lại quê cũ Tam Kỳ sống để lo trả món nợ tình nghĩa này. Tự tay tôn tạo lại ngôi mộ cũ và lo liệu việc hương khói tưởng niệm dù chỉ là mộ rỗng không còn xác ai.
Mỗi lần đi thăm mộ đều làm một bài thơ. Nhưng những bài thơ đó “không dám đọc về đêm vì cứ đọc là khóc không ngủ được và sợ vợ con biết trằn trọc theo…” Những bài thơ như:
“ Tôi về thăm lại mộ tôi
Nằm trên đỉnh núi cuối Dương Đá Bầu.
Bên hòn đá cũ sẫm màu
Dưới hầm công sự mình đào năm xưa…”

597 - Trần Đình Ninh
CỨU NGƯỜI, NGƯỜI CỨU
Lao động nghèo sinh 1946 tại Quảng Ngãi. Sống ở TPHCM (2007).
Sĩ quan quân đội Sài Gòn cũ vào năm 1972 trên chiến trường Quảng Nam được lệnh thủ tiêu 3 tù binh Việt Cộng nhưng đã tìm cách tha họ, dẫn vào một căn lều vắng nơi bìa rừng rồi dặn “Vì tình người với nhau tôi phải cứu các anh. Các anh cứ nằm đây, tối tìm cách… thoát thân…”
Sau 75 đi học tập ở Quảng Nam được một năm thì bất ngờ cả ba tù binh cũ kể trên (2 cán bộ, 1 bộ đội) bỏ nhiều tháng trời lặn lội đi dò la tông tích ân nhân cũ khắp nơi mới tìm được anh cám ơn và làm đơn bảo lãnh ra trại sớm. Từ đó cả ba kết nghĩa như anh em một nhà khởi từ một “tấn tuồng bi hùng kịch trong thời chiến”.
Hiện hành nghề xe ôm nhưng “Hiện tại tôi cảm thấy vui sướng vô cùng. Tâm hồn tôi rất thanh thản, sự thanh thản tâm hồn nằm trong thể xác của một con người có một thời súng đạn trong tay…”

598 - Trần Đình Trường
TRÙM KHÁCH SẠN MỸ
Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1932 tại Hà Tĩnh. Sống ở Mỹ (2011).

Trước 75 là chủ đội tàu biển lớn nhất miền Nam, làm giàu nhờ chuyên chở vũ khí, trang bị cho quân đội Mỹ vào miền Nam đánh cộng sản.
Đến biến cố 30.4.75 đã cùng vợ con (1 con trai, 2 con gái) di tản qua Mỹ. Trong cuộc biến động lịch sử này tự nhận đã dùng đội tàu biển 24 chiếc của mình để chở người di tản – cả dân Việt lẫn Mỹ – qua Mỹ, đến hơn 8.500 người. Tuy nhiên sau đó có người phản bác nói thực sự không phải như vậy mà ông chỉ nhân đó đem theo cả một “núi” vàng qua Mỹ!
Trên đất Mỹ chuyển qua kinh doanh khách sạn tại New York và nhanh chóng trở thành một trùm khách sạn tên tuổi, chuyên mua những khách sạn cũ xuống cấp giá rẻ để tân trang lại phát triển cả một chuỗi khách sạn. Còn xây một trung tâm thương mại VN tại Philadelphia. Trở thành một trong số ít Việt kiều giàu nhất Mỹ với tài sản ước tính khoảng hơn 1 tỉ USD.
Nhưng trong việc làm ăn này cũng từng mắc tai tiếng là sử dụng khách sạn để chứa chấp tệ nạn xã hội như bọn buôn ma túy, gái mại dâm. Từ đó thỉnh thoảng lại bị cảnh sát nhòm ngó, kiểm tra, thậm chí còn đưa ra tòa nữa. Dù vậy ra tòa lần nào cũng thoát nạn, có lần bị tuyên án 20 ngày tù song kháng án được chấp nhận vô tội. Lý lẽ biện minh là do mình có cho một số dân nghèo không nơi cư trú ở khách sạn không lấy tiền nên bị hiểu lầm, rằng mình bị cảnh sát Mỹ kỳ thị chủng tộc…
Năm 2001 sau vụ khủng bố 11.9 đã tặng Hội Chữ thập đỏ Mỹ 2 triệu USD đồng thời còn cho các tình nguyện viên làm công tác dọn dẹp đống đổ nát 2 tòa tháp bị máy bay khủng bố đâm sập ở khách sạn miễn phí. Những khi người Việt tụ tập về New York họp hành, gặp mặt hội hè đều sẵn lòng tiếp đón, hỗ trợ. Năm 2004 được nhận giải thưởng vinh danh trong cộng đồng Việt kiều Mỹ.
Bí quyết thành công trong sự nghiệp kinh doanh từ VN đến Mỹ: “Tất cả chỉ tập trung vào 2 chữ cố gắng. Cố gắng làm việc thì tất yếu dẫn tới thành công. Tầng lớp nào, nghề nghệp nào cũng vậy thôi. Vừa cố gắng làm việc vừa học hỏi tiến bộ…” Áp dụng thực tế với nhà tỉ phú Việt kiều này ấy còn là sự khôn ngoan, nhạy bén biết “nhập gia tùy tục” đặc biệt là phải nắm luật (Mỹ) để có thể “lách” luật.

599 - Trần Độ
58 TUỔI ĐẢNG BỊ KHAI TRỪ!
Cựu cán bộ lãnh đạo cao cấp tên thật Tạ Ngọc Phách sinh 1923 tại Thái Bình – Mất ở Hà Nội 2008 (86 tuổi).
Một nhân vật văn võ toàn tài hàm trung tướng quân đội kèm nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội, hội viên Hội Nhà văn VN.
Trong chiến tranh chống Mỹ từng bị thương trên đường phố Chợ Lớn trong chiến dịch Mậu thân 1968 quân cộng sản đánh vào tận trung tâm Sài Gòn. Sau 75 trong thời Đổi mới được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tin dùng trong vai trò lãnh đạo ngành tư tưởng văn hóa.
Tuy nhiên sau thời Nguyễn Văn Linh -- Hậu Đổi mới – dần dần bị thất sủng, bị các thế lực bảo thủ đánh rớt khỏi vũ đài chính trị. Nhưng vẫn kiên trì theo đuổi con đường đổi mới tới cùng, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ, nhất là trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng: “Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp…”
Thái độ, lập trường chống đối nội bộ ngày càng quyết liệt không thỏa hiệp nên cuối cùng năm 1999 bị khai trừ Đảng (đưa về giao quyền khai trừ cho chi bộ… phường, nơi sinh hoạt cán bộ về hưu!) dù lúc đó đã 58 tuổi Đảng vào hàng đảng viên công thần kỳ cựu nhất còn sống.
Mất vì bệnh già, để lại cuốn “Hồi ký Trần Độ”.

600 - Trần Hữu Kham
DỊCH GIẢ MÙ
Dịch giả sinh tại Sài Gòn. Sống ở TPHCM (2006).
Quê gốc Quảng Trị, bố theo kháng chiến chống Pháp bị bắt đi đày biệt xứ nên các mẹ con phải bỏ quê vào Sài Gòn.
Lớn lên học ĐH Nông Lâm Súc Sài Gòn nhưng lên năm thứ ba do tham gia chống Mỹ – Thiệu nên bị bắt đưa ra tòa xử lưu đày Côn Đảo.
Sau Giải phóng trở về TPHCM làm công tác chính quyền rồi công tác Đoàn. Nhưng vẫn còn nguyện vọng tiếp tục theo đuổi việc học còn dở dang nên năm 1979 xin nghỉ làm để vừa học lại ĐH Nông Lâm Súc vừa theo học thêm tiếng Anh ở ĐH Khoa học Nhân văn.
Năm 1983 chuẩn bị tốt nghiệp ĐH Nông Lâm Súc thì bị… mù một mắt do di chứng bệnh tật bị tra tấn hành hạ thời tù đày cộng thêm sau này học hành quá sức.
Dù vậy vẫn gắng gượng đi dạy tiếng Anh cho trường mù ở TPHCM song đến năm 1993 thì mù luôn mắt còn lại cùng lúc phát bệnh khớp nặng buộc phải nghỉ dạy.
Nhưng vẫn không bỏ cuộc buông xuôi cho số phận mà nhờ vốn liếng sinh ngữ mới học sau này nên nằm nhà tìm cách “cứu” mình là tập dịch truyện cổ tích nước ngoài bằng phương pháp sau: Tập đánh vi tính với phần mềm đặc biệt dành cho người mù, sau đó nhờ vợ đọc nguyên bản tác phẩm truyện cổ vào băng ghi âm rồi phát lại để nghe, tiếp đó mới dịch rồi mày mò đánh trên máy vi tính. Một “Paven VN” khác nữa!
Kết quả từ năm 2003 đã xuất bản được 20 tập truyện cổ dành cho thiếu nhi – nguồn động lực để sống và chiến đấu trên một mặt trận mới: “Tôi không còn đôi mắt để nhìn thấy ánh sáng nhưng có một thứ ánh sáng tuyệt đẹp mà tôi cảm nhận rất rõ rệt là ánh sáng của tri thức từ kho báu bất tận của nhân loại khi ta dành toàn bộ niềm đam mê cho công việc khám phá nó. Tôi không hề cảm thấy mình là người khuyết tật bởi vì lúc nào mình cũng nhìn ra vẻ đẹp hoàn hảo của đời sống.”
Chẳng những thế còn… tạ ơn đời nữa: “Hiểu biết là con đường ngắn nhất để nhận ra giá trị bản thân mình. Hiểu biết cũng giúp ta biết cảm ơn cuộc đời mỗi ngày ta đang sống dù phải trải qua bao khó khăn mất mát…”
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét