Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

CAO HUY KHANH - VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011( KỲ 58)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

581 - Nguyễn Tôn Nhan
“NGƯỜI RẤT DỞ”
Nhà thơ, nhà nghiên cứu Hán học tên thật Nguyễn Hữu Thành sinh 1948 tại Hải Dương – Mất 2011 ở TPHCM (64 tuổi).
Cùng gia đình di cư vào Nam, bắt đầu đi vào giới văn nghệ với tập thơ đầu tay “Thánh ca” năm 1967 có nét sáng tạo riêng với nội dung mang chất triết lý và ngôn ngữ cách điệu mới mẻ. Nhưng do trốn lính nên con đường học vấn, nghề nghiệp dở dang.
Sau 75 trong xã hội mới khó hòa nhập đối với giới văn nghệ sĩ chế độ cũ càng tiếp tục kéo dài quảng đời thất nghiệp lên tới… 20 năm! Đó là “một thời kỳ rất dài tôi làm người rất dở bởi sống mà không mưu sinh được thì rất dở.”
Nhưng cũng nhờ gần nửa đời thất nghiệp đó đã giúp bản thân tự học chữ Hán từ năm 1967, một phần do ảnh hưởng của thân phụ vốn xuất thân từ dòng dõi nho sinh thời đạo Khổng mạt vận. Từ đó trước 75 đã từng tự dịch thơ Đường nhưng chưa có dịp xuất bản, đến sau 75 bắt tay vào nghiên cứu chuyên sâu về Hán học và nền văn hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên chỉ đến thời Đổi mới vào cuối thập niên 80 – cho phép tư nhân tham gia xuất bản, phát hành sách - mới có điều kiện phát huy tối đa sở học đó. Ban đầu từ năm 1989 là một loạt tác phẩm dịch Trung Quốc theo yêu cầu ăn khách thị trường – như truyện kiếm hiệp, các loại “tình sử” – với khoảng 40 cuốn đứng tên khác.
Từ đó mới “lấy ngắn nuôi dài” tập trung đầu tư cho hơn 10 tác phẩm đồ sộ gồm cả nghiên cứu lẫn dịch thuật chính thức đề tên nhà thơ: Nghiên cứu có Từ điển Thành ngữ điển tích Trung Quốc, Từ điển Văn học cổ điển Trung Quốc, Từ điển Danh nhân Trung Quốc, Từ điển Hán Việt Văn ngôn dẫn chứng, Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nho giáo Trung Quốc…; dịch thuật là Hoài Nam Tử, Đại từ điển thơ Đường, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh…
Trong số này nổi bật bộ “Nho giáo Trung Quốc” dày trên 2.000 trang viết ròng rã 2 năm ra mắt năm 2005 được ghi nhận như một đóng góp lớn và táo bạo trong bối cảnh nền văn hóa cộng sản truyền thống chống tư tưởng đạo Khổng. Với tuyên ngôn rõ ràng: “Tôi yêu Nho giáo từ nhỏ và tôi cảm ơn Nho giáo vì đây là nguồn cảm hứng cho lối sống cũng như cách làm việc của tôi trong nhiều năm qua.” (Năm năm sau, chính chế độ cộng sản Trung Quốc đã cho dựng bức tượng Khổng Tử cao gần 10m ngay tại quảng trường Thiên An Môn như một biểu tượng phục hồi giá trị văn hóa đạo Nho).
Bằng cách đó – dung hòa giữa mục tiêu nghiên cứu văn hóa cấp cao với đòi hỏi kiếm sống thực tế -- đã thoát ra được cảnh đời thất nghiệp dài dài của một nghệ sĩ kiêm nhà nghiên cứu bất phùng thời, chưa gạëp thời hoặc gặp thời hơi… muộn: “Nếu không mưu sinh được thì rất dở. Nay viết lách nghiên cứu, dịch sách mà sống được là tốt rồi… Khi có điều kiện viết sách, trước hết tôi xem đây là cơ hội kiếm tiền để tồn tại, để phụ vợ nuôi con nuôi cháu. Và đến bây giờ tôi vẫn giữ quan điểm này.”
Một quan điểm chấp nhận, cách sống “thức thời” của nhiều trí thức, nghệ sĩ chế độ cũ từng bị gạt ra bên lề xã hội mới nên phải tạm bỏ nghề “trường văn trận bút” để chuyển qua làm việc khác – nhiều khi quá trái tay, kể cả lao động chân tay hay buôn bán hàng lậu! – nhằm xoay xở kiếm sống. Bởi vậy bản thân thâm tâm lại hy vọng 3 đứa con không theo nghiệp sách vở, chữ nghĩa, tư tưởng như mình thì “đỡ khổ thân cho chúng”!
Trong thời gian này thỉnh thoảng vẫn làm thơ và còn phát kiến ra thể loại thơ “Lục bát 6 câu” (20 từ) trong nửa đầu thập niên 90 làm thành một tập 229 bài chưa in.
Sự nghiệp cả nghiên cứu lẫn thơ ca cuối đời đang nở hoa – và con cái đều trưởng thành, du học Nhật Bản - thì thình lình một ngày cuối năm trước Tết Tân Mão 2011 đã bị tai nạn giao thông chết rất thương tâm trên đường ghé đến các hiệu sách quen. Ra đi khi vẫn còn ấp ủ “Bộ sách tôi thích nhất chưa ra đời”, trong đó có dự định dịch bộ “Toàn sử Trung Quốc” dày 5.000 trang.
Trước đó chỉ khoảng một tuần đã làm bài thơ “Xuân ban đầu” như mang một điềm báo cũng là mùa xuân cuối cùng của đời mình:
“… bài thơ xuân nào run lẩy bẩy
bến tầm dương say vấy hồn trinh
em ơi khờ dại một mình
và xa dội một tiếng kình gõ mau.

bài thơ xuân quên mất nhau
khờ em đâu nhớ những màu tơ xưa
ồ thơ đưa đẩy đã bưa
sóng xô đời đã kịp vừa biệt tăm

biệt cả tăm lẫn tằm
say đằm vai mỏng mảnh
mưa sài gòn sủi tăm
anh lang thang vô ảnh…”

582 - Phan Thị Thép
HAI CHỒNG LÀ ANH EM LIỆT SĨ
Nông dân sinh khoảng 1941 tại Long An. Sống ở Long An (2011).
Trước 75 ở quê một hôm cùng em gái đi giăng câu ngoài đồng thì ở nhà một quả bom rơi trúng nhà giết chết cả nhà gồm cha mẹ và 4 anh chị em còn lại. Còn lại 2 chị em nương tựa vào nhau làm lụng sống qua ngày.
Lớn lên được một bà mẹ cách mạng sống cùng làng thương cảm mới cưới về làm vợ cho người con trai thứ tám vào năm 1959. Lấy nhau được 4 năm sinh được 2 con thì năm 1963 chồng du kích đánh Mỹ hy sinh.
Bà mẹ chồng thấy con dâu tội nghiệp một mình quả phụ nuôi con mới quyết định đứng ra gả… con dâu cho… người con trai thứ chín – tức em trai kế người chồng liệt sĩ – còn nhằm mục đích “bảo vệ” dòng máu cháu nội ruột thịt khỏi nhận làm cha dượng một ngườøi ngoại tộc. Tuy nhiên hành động vượt lễ giáo táo bạo này cũng phải tuân theo phong tục chờ mãn tang chồng 3 năm mới kết hôn.
Có thêm 2 con nữa với người chồng sau – cũng là em chồng – thì năm 1973 người này cũng lại cũng tử trận trong một trận chống càn ngay trên vùng quê lúa Long An. Chết đúng 10 năm sau cái chết của anh mình cũng là chồng trước vợ mình. Đây cũng là đứa con trai thứ bảy cuối cùng của mẹ xả thân vì nước trong đàn con 8 trai 2 gái.
Bà mẹ chỉ còn biết gạt nước mắt an ủi ngườøi con dâu bất hạnh, tưởng mình đã giúp con dâu tìm quên trong duyên mới ai ngờ chiến tranh càng khắc đậm chồng chất thêm nỗi đau số phận. Bây giờ chỉ còn mẹ phải cưu mang cả 2 đời dâu cháu.
Hiện cô con dâu và bà mẹ chồng “2 đời” này vẫn còn sống thuận thảo cùng nhau nuôi dạy 5 đứa con – cháu 2 dòng máu vẫn chung một mái nhà.

583 - Tôn Lâm
“PHỞ CALI” VỀ NƯỚC
Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1945 tại Bạc Liêu. Sống ở Hà Nội (2011).
Thuộc gia đình khá giả nên từ nhỏ đã được cha mẹ gửi lên Sài Gòn ăn học, đặc biệt có khiếu về sinh ngữ.
Lớn lên bị kêu đi quân dịch và trong thời gian đi lính VNCH khi rảnh rỗi đã tìm giải khuây bằng cách dạy tiếng Anh cho con em gia đình binh sĩ ở đơn vị. Việc làm này được các cố vấn Mỹ chú ý nên một thời gian sau đã vận động giúp chuyển về làm phiên dịch cho Toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Từ đó năm 1974 được sứ quán Mỹ tạo điều kiện cho qua Mỹ học đại học.
Trên đất Mỹ theo học ĐH Chicago ngành hóa học vừa phải làm thêm việc khuân vác, phục vụ khách ở nhà hàng để có thêm chi phí trang trải việc học. Lấy vợ sinh con.
Ra trường vào làm cho một công ty hóa chất vẫn ở Chicago. Sau 8 năm làm dành dụm được một số vốn liền nghỉ công ty để tính đường ra riêng làm ăn. Mua đất xây dựng một khu nhà cho thuê và mở một nhà hàng bán cơm VN trong đó đặc biệt có món phở VN chế biến pa thêm hương vị Mỹ đặt tên “Phở Cali” (lấy theo tên tiểu bang California có đông cư dân VN nhất) rất đắt khách.
Làm ăn ngày càng thành công phát đạt. Năm 1987 nhà hàng được được khách bình chọn nằm trong Top 10 nhà hàng có món ăn ngon nhất Chicago, còn bản thân lọt vào Top 90 doanh nhân thành đạt của thành phố.
Từ đó năm 1988 được cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc UNDP đề nghị trở lại VN tham gia công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Một cuộc trở về gây ấn tượng mạnh trong tận sâu đáy lòng đứa con tha hương: “Tôi đã khóc, nước mắt chảy từng giọt khi cửa máy bay mở ra.” Thế là từ cuộc trở về đó đã tích cực tham gia các hoạt động tư vấn phát triển kinh tế cho VN, ủng hộ Mỹ bỏ cấm vận VN…
Không ngờ những đóng góp đó đã bắt gia đình mình ở Mỹ phải trả giá: Những phe phái chống Cộng hải ngoại tổ chức biểu tình trước nhà rồi còn phóng hỏa đốt nhà (thời còn cấm vận nên cảnh sát Mỹ tỏ ra lơ là không can thiệp!) khiến hai đứa con bị thương nặng khi phải nhảy từ lầu cao xuống đất mới thoát chết. Cả gia đình phải bỏ Chicago chuyển qua lánh nạn ở California.
Đến năm 1992 thấy sống tiếp ở California cũng không ổn (nơi đây còn chống Cộng “khiếp” hơn cả Chicago!) nên quyết định đưa cả nhà về sống ở Hà Nội. Chấp nhận gần như phải bắt tay làm lại cuộc đời một lần nữa.
Bắt đầu hùn vốn xây dựng một khách sạn tại đây song song với việc đứng ra làm cầu nối kêu gọi, vận động bạn bè đồng nghiệp ở Mỹ đầu tư vào VN. Và đặc biệt tái lập nhà hàng bán món ngon đặc biệt mang về từ Mỹ “Phở Cali” – món phở đã theo chân mình ra đi qua Mỹ rồi nay lại quay về cố quận với thương hiệu mới phục vụ cho cả đồng bào lẫn kiều bào trở về -- món phở nóng khói tỏa hương vị cay nồng làm cho “trong lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy ấm cúng”.

584 - Tô Thị Tuyết Thu
VÁI VỌNG NHỮNG LIỆT SĨ KHÔNG XƯƠNG CỐT
Thường dân sinh 1954 tại Kiên Giang. Sống ở Cần Thơ (2009).
Lúc mới 13 tuổi đã trốn nhà gia nhập TNXP làm nhiệm vụ phục vụ tuyến đường C1 đưa vũ khí đạn dược theo đường Trường Sơn vào miền Tây Nam bộ, có đoạn vòng qua Campuchia. Chồng cũng TNXP đã hy sinh để lại một con trai.
Vì bệnh tật ( thương binh 4/4) phải về hưu sớm năm 1993, từ đó với số tiền hơn 4 triệu đồng/tháng của 3 “cuốn sổ xương máu” của gia đình – sổ hưu, sổ thương binh, sổ liệt sĩ - từ năm 1997 bắt đầu cùng một số đồng đội cũ lên đường đi tìm hài cốt đồng đội còn thất lạc trên tuyến đường C1 (có 399 trong tổng số 800 TNXP bỏ mình trên tuyến đường, hơn 80% là nữ ở độ tuổi trung bình 15-16)). Sau hơn 10 năm đã tìm được 189 bộ hài cốt TNXP hy sinh trước đó được xem như “mất tích” trong đó chỉ có 42 bộ xác minh được tên tuổi, còn lại đã bị phân hủy, có khi còn bị thú rừng moi ra ăn!
Ở vậy nuôi con nay đã trưởng thành, tuổi già đã đến nhưng vẫn tiếp tục cuộc hành trình có thể là vô tận như vậy vì “Đồng đội tôi vẫn còn nằm lại ở chiến trường xưa nhiều lắm. Lúc hy sinh có anh chị không một hạt cơm trong bụng, áo quần tơi tả. Xót xa quá, yên lòng sao được. Mình còn sống là phúc phần lớn rồi. Ở đời khó nhất chữ Tình, trọn được chữ đó thì lòng mới thanh thản.”
Từ đó đang có một ước mơ: “Đã mấy năm nay tôi mua vé số. Mong trúng bộn bộn để xây đền thờ những liệt sĩ không còn xương cốt. Có đợt tìm được mộ tập thể nhưng chỉ có 2 người được vào nghĩa trang vì họ còn đủ xương cốt. Số còn lại đi đâu về đâu đây? Xương tàn liệt sĩ lại vô định hoài à? Tụi tui phải gom xương vụn rồi chia làm 10 gói gửi nhờ ở ruộng của một cán bộ hồi trước để hương khói hàng ngày cho bạn mình đỡ tủi phận mà mình cũng được an ủi.”

585 - Tôn Thọ Khương
Ở LẠI ĐỂ ĐƯỢC LÀM NGHỀ TỚI CHẾT
Hoa tiêu cảng biển sinh 1925 tại Long An – Mất 2007 ở TPHCM (83 tuổi).
Trước 75 là thuyền trưởng rồi chuyển sang nghề hoa tiêu chuyên gia hướng dẫn lai dắt tàu lớn cập cảng Sài Gòn.
Sau 75 cả vợ con đều ra nước ngoài – vợ qua Pháp, con qua Úc – nhưng bản thân vẫn ở lại TPHCM làm hoa tiêu tàu thủy như cũ chỉ vì ước nguyện “Được làm nghề đến chết là hạnh phúc.”
Từ đó dần trở thành hoa tiêu cảng biển số 1 miền Nam chuyên hướng dẫn tàu lớn nước ngoài cập bến TPHCM, Vũng Tàu, còn qua cả Campuchia giúp nước bạn đưa tàu lớn vào cảng Kongpong Xom. Đồng thời dạy học trò làm nghề kế thừa được mến mộ tôn xưng là “Cậu Hai Long An”. Dân chế độ cũ được phong Anh hùng Lao động từ năm 1985.
Dù về hưu vẫn tiếp tục theo nghề làm cho công ty dù đã hơn 80 tuổi, cho là “nhờ trời thương”. Năm 2007 mới chịu nghỉ hẳn song chỉ nửa năm sau thì qua đời, nhắm mắt mà con cái không về kịp.

586 - Tống Trọng Hoàng
NƯƠNG THEO GIỌNG HUẾ TÌM MẸ
Lao động sinh 1972 tại Huế. Sống ở Bình Dương (2008).
Tháng 2.1975 mới lên 3 tuổi theo mẹ và 5 anh chị (cha đã mất năm 1973) từ Huế chạy vào Đà Nẵng để tránh nạn chiến tranh khi chiến dịch giải phóng miền Nam khởi phát từ Quảng Trị. Nhưng vào đến ga xe lửa Đà Nẵng trong cảnh hỗn loạn thì bị thất lạc, cả gia đình cất công tìm kiếm (kể cả sau này mẹ về lại Huế bán nhà lấy tiền đi tìm con) đều vô ích.
Thực tế thì bản thân còn quá nhỏ không hiểu chuyện gì đã xảy ra, không nhớ được gì hết chỉ biết lần mò theo người khác trôi giạt rày đây mai đó ăn nhờ ở đậu lưu lạc đến tận đâu đâu may mắn không hiểu sao mới mấy tuổi đầu mà vẫn sống sót được. Rồi được một ngưòi đàn bà góa bán áo quần trong chợ ở Bình Dương thấy tội nghiệp nhận làm con nuôi.
Nhưng được 2 năm thì bà mẹ nuôi mắc bệnh qua đời, thế là lại trở về với kiếp sống bụi đời lang thang vạ vật đầu đường xó chợ.
Sau một thời gian được một đơn vị bộ đội đem về nuôi. Vài năm sau một bộ đội cũ chuyển ngành còn độc thân ghé chơi có cảm tình xin lại về nuôi. Nhưng đến khi chú bộ đội này lấy vợ thì lo chuyện vợ con nên… không nuôi nữa! Một lần nữa lại thành dân mồ côi sống ngoài vòng xã hội thiếu ăn thiếu mặc mấy lần tưởng sắp chết đói chết khát rồi.
Đến 10 tuổi được một gia đình nông dân vẫn ở Bình Dương dắt về làm chăn trâu. Tuy nhiên bị bóc lột tận cùng, bắt làm việc quá sức mà không nuôi ăn đầy đủ, chịu không nổi nên bỏ trốn xin làm phụ lơ xe đò chạy đường Bắc - Nam. Nhưng còn nhỏ sức yếu cũng không làm nổi nên bị chủ xe đuổi việc. Đành chấp nhận quay lại nghề chăn trâu…
Mãi đến năm 12 tuổi may sao mới được một gia đình tử tế công nhân cao su nhận làm con nuôi chăm sóc đầy đủ, yêu thương như con ruột. Từ đó dần dà lớn lên phụ giúp công việc trong gia đình.
Năm 28 tuổi được cha mẹ nuôi cưới vợ cho, một cô gái gốc Thanh Hóa cũng đồng cảnh ngộ lạc mất gia đình từ nhỏ phải tìm đường vào Bình Dương kiếm sống. Chồng vào nghề chạy xe lôi cùng vợ làm lụng nuôi 2 con.
Tuy không còn nhớ được tên tuổi, gốc gác, nhà cửa, cha mẹ anh em mình nhưng vẫn mãi đau đáu trong lòng nỗi nhớ thương gia đình cũ mơ hồ lãng đãng như trong một đám sương mù ký ức. Hàng đêm vẫn thỉnh thoảng nằm ngủ nói mê hoặc khóc tức tưởi không lý do.
Cho đến một ngày nọ vào quán ăn hủ tiếu gặp chủ quán nói giọng Huế như chợt đánh thức cả một mảng tối trí nhớ bừng loé sáng: Giọng Huế “đặc sản” lâu rồi mới nghe lại nhắc nhớ vô vàn kỷ niệm một thời thơ ấu đã xa mờ, mất hút ngày nào. Từ đó như sực tỉnh cơn mê nhận ra rằng ấy là giọng nói quê gốc của mình (còn hiện tại thì đã nói… giọng Nam rồi!).
Liền hỏi thăm chủ quán rồi kể lại cuộc đời lưu lạc mất tích của mình. Từ đó người chủ quán tốt bụng mới tìm cách sắp xếp để đưa người khách đồng hương này về lại Huế một chuyến tìm gia đình thử xem vào đầu năm 2008.
Nhưng về Huế tìm kiếm “nhờ vào giọng Huế” kiểu này chẳng khác gì mò kim đáy bể. Phải qua cả tuần sau mới truy tìm trong mớ ký ức rối rắm hỗn độn đó mới sực nhớ ra một chi tiết về nhà cũ của mình “ở gần một nhà thờ lớn nhất” chính là nhà thờ Phủ Cam bên sông Bến Ngự. Từ đó mới nhờ linh mục cha xứ “rao” tin “con tìm mẹ” cho giáo dân trong khu vực.
Kết quả nhờ đó tìm được mẹ thật - và 5 anh chị em – người mẹ 36 năm nay vẫn tin con còn sống nên nhất quyết không chịu làm bàn thờ con!
Từ Huế đã gọi điện về Bình Dương báo tin cho vợ, tiếng gào lên như người muốn móc tim mình ra: “Anh đã tìm được quê hương rồi, về được quê hương rồi em ơi!”

587 - Tracel Anh Đào
CON NUÔI TỔNG THỐNG PHÁP
Thường dân tên thật Dương Anh Đào sinh 1958 tại miền Nam. Sống ở Pháp (2011).
Vượt biên một mình lúc 21 tuổi đến Hong Kong. Sau đó đến năm 1979 được vào Pháp theo đợt nhận nhập cư 3.000 thuyền nhân VN đầu tiên do đích thân nhà văn Jean-Paul Sartre “Ông tổ” triết thuyết hiện sinh – trong chiến tranh chống Mỹ luôn ủng hộ Mặt trận Giải phóng miền Nam song sau 75 phản đối chế độ cộng sản VN gây ra nạn vượt biên – yêu cầu Tổng thống Giscard d’Estaing chuẩn thuận.
Nhưng khi đến sân bay lạ nước lạ cái không biết tiếng Pháp lo quá bật khóc tại chỗ thì ngẫu nhiên được ông Jacques Chirac lúc đó là Thị trưởng Paris – sau này là Tổng thống Pháp 2 nhiệm kỳ 1996 - 2006 – nhìn thấy đến an ủi rồi nhận làm con nuôi đưa về nhà.
Từ đó được vợ chồng Tổng thống Pháp tương lai đặt tên Pháp, nuôi ăn học lớn lên lên ra làm việc và cả việc sau đó giúp đỡ bảo lãnh cho bố mẹ ruột qua Pháp luôn.
Đã trải qua 2 đời chồng, có 3 con trai. Hiện còn tham gia hoạt động xã hội đấu tranh chống nạn kỳ thị dân Châu Á và giúp đỡ giới lao động giúp việc nhà gặp cảnh bất hạnh.

588 - Trang Thế Hy
TỰ NGUYỆN ĐI CHỖ KHÁC CHƠI
Nhà văn tên thật Võ Trọng Cảnh sinh 1924 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2011).
Nhà văn tiến bộ kỳ cựu từ thời Nam bộ kháng chiến, sau 54 ở lại miền Nam hoạt động bí mật trong làng báo làng văn Sài Gòn. Viết ít (chuyên truyện ngắn) nhưng cô đọng rất sâu, giàu chất trí thức.
Năm 1962 bị chế độ cũ bắt giam nên đến 1964 phải vào luôn chiến khu Củ Chi. Tuy nhiên trong quảng thời gian hoạt động trong lòng địch có bị tổ chức nghi ngờ, “hiểu lầm” dù sau này đã được minh oan song vẫn khó xóa được vết thương lòng đối với một người trí thức có lý tưởng, khí tiết.
Có lẽ vì vậy mà sau 75 trở về Sài Gòn với cương vị cán bộ lãnh đạo văn nghệ uy tín đến năm 1992 đã đột ngột rờøi Sài Gòn để tự nguyện “đi chỗ khác chơi” – cách nói tếu táo quen thuộc của dân miền Nam trước 75 - bằng cách rút về ở ẩn tại một làng quê nghèo xứ dừa quê hương với lý do: “Khi nào viết hết được thì nên biết đi chỗ khác chơi, đừng có bẹo hình bẹo dạng trong chốn trường văn trận bút, nhất là đừng để cho những người yêu mến mình phải đọc những câu lếu láo của mình.”
Từ đó ít giao tiếp với mọi người, mãi 15 năm sau mới một lần quay lại Củ Chi. Và cũng ít viết nữa.
Mang chất trí thức Tây học yêu nước (thích Lỗ Tấn, Tagore, Anatole France…) giàu lòng tự trọng lẫn khiêm tốn nên ghét sự giả dối, không thích chạy theo sự đua đòi xô bồ nhưng phù du của thời cuộc mà muốn tách mình ra để giữ sự trong sáng tự khẳng định tư cách như một kẻ sĩ chính trực: “Sự mến mộ của công chúng bạn đọc trước 75 là mến mộ phẩm hạnh chính trị của một nhà văn trong tình hình đất nước bị chia cắt chứ không phải mến mộ tài năng văn chương (của tôi). Tôi cho tự đánh giá như vậy là cầøn thiết để tự răn mình đừng nuôi ảo vọng về tài năng của mình…”
Thêm vào đó là bao kinh nghiệm trải đời thế thái nhân tình cay đắng của một người hoạt động cách mạng nhưng không quen chơi trò chính trị đã tạo nên một phong cách trí thức – nhà văn Nam bộ (khác Sơn Nam chỉ là nhà văn thuần túy) đầy khí tiết, thâm thúy: “Má tôi không muốn đẻ một con cù lần đâu nhưng cuộc sống do những người nhảy cao đá lẹ làm chủ đã biến tôi thành cù lần, biết làm sao?”
Từ đó đưa đến mối hoài nghi về lý tưởng chính trị, sự nghiệp văn chương trót đeo đuổi cả đời đến gần cuối đời mới ngộ ra chân lý nên có ý muốn rút chân ra: “Trong cơn lốc toàn cầu hóa này liệu văn chương vốn không có mệnh đã tự tạo cho mình một cái mệnh hay chưa? Suy nghĩ đầu tiên là: Nếu có, e rằng nó cũng mỏng chứ không dày”!
Năm 2009 cho in tập thơ thứ hai mà tựa đề của nó là “Đắng & Ngọt” đủ rõ để thể hiện tâm trạng từng trải đó, dấu ấn của một người trí thức – nghệ sĩ cách mạng chân chính không bao giờ tự thỏa mãn mà luôn thao thức đặt câu hỏi về bản thân lẫn thế sự.

589 - Trần Anh Muôn
CÒN NIỀM HY VỌNG DUY NHẤT CUỐI CÙNG CŨNG MẤT
Nông dân sinh 1950 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2005).
Có 2 anh là liệt sĩ nhưng năm 1968 vẫn tình nguyện đi bộ đội chiến đấu trên chiến trường Miền Nam, 2 lần bị thương.
Sau 75 giải ngũ với di chứng CĐDC kèm 2 mảnh đạn còn nổi u thành cục trên cánh tay.
Sinh 7 con thì 6 đều bị mắc chứng CĐDC trong đó 2 đã chết ngay khi mới ra đời, còn lại 3 thì đủ bệïnh trong người như thiểu năng não, viêm đa khớp, 10 năm mới nói được, không tự mình đi đứng được… Bản thân cũng bệnh thần kinh, sỏi thận, loét dạ dày, viêm đường tiết niệu…
May mắn chỉ có con gái đầu không hiểu sao vẫn lành mạnh bình thường nhưng năm 2005 vừa tốt nghiệp đại học thì lại bị tai nạn ngã xe máy… chết bất đắc kỳ tử!

590 - Trần Anh Hùng
ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH TẦM CỠ QUỐC TẾ LỚN NHẤT
Đạo diễn điện ảnh sinh 1962 tại Đà Nẵng. Sống ở Pháp (2010).
Từ năm 4 tuổi từng được gia đình đưa 2 anh em qua sống và học hành ở Lào để tránh ảnh hưởng cuộc chiến VN bắt đầu khốc liệt. Đến trước 30.4.75 được cha mẹ gọi về di tản qua Pháp.
Ở Pháp ban đầu theo học khoa triết ĐH Sorbonne nhưng đến năm 1983 chuyển qua theo học ngành điện ảnh.
Ra trường bắt đầu làm phim chuyên nghiệp với mảng đề tài chính vẫn là hướng về đất mẹ VN như một hoài niệm khôn nguôi. Đầu tiên là bộ phim ngắn “Thiếu phụ Nam Xương” được đề cử tranh giải Liên hoan Phim Cannes ở Pháp năm 1989. Tiếp đó liên tục về VN thực hiện một loạt phim truyện nhựa “Mùa đu đủ xanh” năm 1993 (đoạt 2 giải Liên hoan Phim Cannes của Pháp, được đề cử tranh giải Oscar Mỹ thể loại phim truyện nước ngoài), “Cyclo” năm 1995 (đoạt một giải Liên hoan Phim Venice của Ý), “Mùa hè chiều thẳng đứng” năm 2000.
Các phim luôn mang phong cách lãng mạn trữ tình có chiều sâu nội tâm được thể hiện qua ngôn ngữ điện ảnh cực kỳ hiện đại, chú trọng hình ảnh rất thơ mộng và đối thoại chắt lọc với nhiều quãng lặng. Luôn có mặt đóng vai chính trong các phim trên là cô vợ Trần Nữ Yên Khê cùng quê Quảng Nam (qua Pháp năm 1971, là Hoa hậu Aùo dài VN ở Pháp năm 1986, vợï chồng đã có 2 con).
Giải thích mối “ảm ảnh VN” này từ một đứa con ra đi rồi trở về : “Tôi muốn giúp mọi người đến thăm VN. VN bây giờ đã thay đổi, biến dạng hoàn toàn. Tôi không thể diễn tả hết được, tôi muốn phim của tôi phản ảnh được điều đó để mọi người có thể nhìn thấy chính xác cái mà thực tế từng xảy đến cho tôi.”
Tuy nhiên dù phim quay hoàn toàn ở VN với nhiều diễn viên nổi tiếng trong nước tham gia nhưng thực tế không phải lúc nào cũng ủng hộ tấm lòng thành đó như trường hợp phim “Cyclo” quay xong ở TPHCM đã bị… cấm chiếu với lý do nội dung có “tính tiêu cực”! Do phim mô tả về thực tế thế giới xã hội đen của thành phố nơi quy tụ những tay anh chị vốn xuất thân từ tầng lớp dân nghèo đô thị không sao vươn lên thoát khỏi số phận bần cùng mới phải đi làm loạn.
Sau loạt phim VN có lẽ xem như đã đủ đó đã chuyển qua làm phim tâm lý pha hình sự Châu Âu với sự tham gia của nhiềøu ngôi sao Hollywood có tính thị trường dễ ăn khách hơn như “Tôi đến cùng cơn mưa” 2009. Năm 2010 hoàn thành phim “Rừng Na Uy” 2010 chuyển thể cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nhật Bản đương đại Haruki Murakami mà VN được dành cho vinh dự một trong những nước công chiếu đầu tiên.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét