Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

HÀNG NGÀN NGƯỜI TRUNG QUỐC LAO ĐỘNG KHÔNG PHÉP Ở CÀ MÂU



Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau cho biết, trên công trình Nhà máy đạm (NMĐ) Cà Mau (Khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau, thuộc xã Khánh An, H.U Minh, Cà Mau) hiện có 1.056 công nhân Trung Quốc lao động không phép. Công trình do Công ty CP Khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàng (Trung Quốc) trúng thầu xây dựng.
>> Lao động nước ngoài tràn ngập Việt Nam
Hết hạn cấp phép vẫn vô tư làm việc
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, lao động người Trung Quốc ở công trình NMĐ Cà Mau làm những công việc thủ công rất đông. Họ xuất cảnh sang VN làm các công việc như xây hồ, khiêng gạch, bẻ sắt…
Chiều ngày 8.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Văn Tiến Thanh, Phó trưởng ban quản lý dự án cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau thừa nhận, hiện công trình NMĐ Cà Mau có 1.056 lao động Trung Quốc không phép, trong đó có 607 lao động đã quá thời hạn cấp phép. Lý giải tình trạng này, ông Thành cho rằng do không tuyển được lao động người VN nên họ sử dụng lao động người Trung Quốc. Thậm chí sử dụng cả lao động không tay nghề đưa từ Trung Quốc sang.
Theo như lời ông Thanh, việc không tuyển lao động VN là do hiệu suất làm việc của lao động VN thấp so với lao động Trung Quốc. Nhà thầu lấy mặt bằng của Trung Quốc trả lương nên người VN không thích vào làm. Hiện lao động thủ công được trả khoảng 100.000 đồng/9 giờ/ngày. Quan trọng hơn là lao động VN không đáp ứng đủ về số lượng cũng như chất lượng mà dự án yêu cầu.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tòng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau cho rằng, lao động người Trung Quốc ở công trình NMĐ Cà Mau, phần đông là lao động phổ thông. Và những việc họ làm, lao động địa phương thừa sức làm. Nhưng không hiểu tại sao lại không tuyển lao động tại chỗ?
Lao động không phép là bình thường (!?)
Khi PV thắc mắc tại sao lại có tình trạng lao động nước ngoài không phép với số lượng khá đông và kéo dài trong thời gian như thế, ông Văn Tiến Thanh lý giải: “Hàng ngàn lao động nước ngoài hoạt động không phép ở VN là chuyện bình thường. Bởi có nhiều ông Tây sang đây làm việc, chắc chắn có ông có tay nghề, có ông không. Việc này đâu có gì đâu, mà dư luận phải la ầm lên?”.
Trái lại, ông Lê Thanh Tòng lo lắng: “Lao động phổ thông rất nhiều, lao động nước ngoài ồ ạt sang là không cần thiết. Trong khi đơn vị sử dụng lao động nói rằng họ thiếu lao động, nhưng họ không hề có động thái nhờ địa phương giúp tìm lao động. Ngày kiểm tra vừa qua (ngày 4.8 - PV) là lần kiểm tra thứ 4 của chúng tôi đối với việc sử dụng lao động nước ngoài ở công trình NMĐ Cà Mau sau ngày khởi công. Nhưng cứ lần kiểm tra sau, thì số lượng vi phạm cao hơn lần trước. Chúng tôi đã 3 lần đề nghị phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quản lý, sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại VN đối với đơn vị này, đồng thời đề nghị Bộ Công an trục xuất về nước 16 đối tượng lao động không phép”.
Để khắc phục trình trạng lao động Trung Quốc không phép ở công trình NMĐ Cà Mau, ông Văn Tiến Thành cho biết: “Ban sẽ làm công văn đính kèm danh sách lao động Trung Quốc cho UBND tỉnh, Sở LĐ-TB-XH, công an xem xét. Mấy ổng làm căng thì cứ trục xuất, nhưng trục xuất đi một người thì phải thế lại một người cho dự án. Việc bổ sung hồ sơ lao động là việc của nhà thầu, họ chây ì, tôi không thể làm thay họ”.
Vào khu “căn cứ” lao động Trung Quốc
Chiều tối cùng ngày, PV Thanh Niên có mặt trong khu “căn cứ” của lao động người Trung Quốc ở công trình NMĐ Cà Mau. Đó là những dãy nhà biệt lập với bên ngoài nhếch nhác, ẩm thấp và bẩn. Nhiều công nhân cởi trần, độc quần đùi chọc ghẹo những nữ thợ nấu ăn. Đặc biệt, những công nhân này, không quên tự thưởng cho mình sau một ngày lao động bằng những chai bia hơi. Thậm chí có công nhân còn giải trí bằng cách xem phim đồi trụy.
Bước chân vào một khu nhà của lao động Trung Quốc, PV không khỏi giật mình khi đập vào mắt là hình ảnh những công nhân trên người đầy những hình xăm.
Theo một số công nhân người bản xứ, thì những công nhân này họ sinh hoạt, ăn uống đều nằm trong khu “căn cứ” tách biệt với bên ngoài. Nhưng tối đến, họ bắt đò sang khu chợ ngang bên kia sông tìm gái “giải sầu”, làm cho khu chợ quê yên bình ngày nào giờ lại náo loạn cả lên.
Giải thích lý do lao động Trung Quốc sống tách biệt với bên ngoài, một cán bộ xã (xin được giấu tên) nói: “Đó là “chiêu” của nhà thầu. Họ đa phần là những lao động phổ thông, cũng “quậy” mát trời nên đưa họ vào ở tách biệt với bên ngoài tránh va chạm với người bản xứ, chính quyền địa phương để ít bị “dòm ngó””.




Gia Bách (TNO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét