Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIỀN 1975 - 2011 (KÌ 80)



NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

801 - Đỗ Hữu Vinh
THA THỨ CHO VỢ LẤY MỸ
Cán bộ về hưu sinh 1940 tại Đà Nẵng. Sống ở Đà Nẵng (2002).
Làm thợ may ở Đà Nẵng nhưng bên trong có hoạt động ngầm cho cộng sản. Lấy vợ bán gạo ở chợ sinh được 1 trai 2 gái.

Năm 1965 hoạt động bị lộ nên bỏ trốn vào mật khu để lại vợ con ngoài thành phố.

Vợ bị bắt giam tra hỏi, nhà chồng chẳng những không giúp đỡ gì còn tìm cách xa lánh sợ liên lụy. Vợ khai báo hoàn toàn không biết gì về chồng là Việt Cộng, cảnh sát mật vụ không khai thác được gì nên phải thả ra.

Từ đó để một mình nuôi 3 con, vợ phải xin đi làm tiệm giặt ủi cho lính Mỹ. Tại đây gặp gỡ và sống chung với một trung sĩ Mỹ sinh được một bé gái thì chồng Mỹ về nước không đoái hoài gì. Thế là bây giờ một mình phải nuôi cả 4 con.

Trước ngày giải phóng Đà Nẵng tháng 3.1975 vợ sợ mình có con lai Mỹ sẽ bị cộng sản truy bức nên đem bé gái con lai cho cô nhi viện sau đó được đưa qua Mỹ.

Bấy giờ người chồng đi kháng chiến trở về gặp lại vợ con tuy biết vợ từng lấy Mỹ có con song vẫn rộng lòng bao dung bỏ qua, cho rằng vợ làm vậy cũng là vạn bất đắc dĩ để nuôi con mà thôi dù bên gia đình mình rẻ rúng con dâu là “con đĩ”!

Không chỉ thế, sau này người chồng còn khuyến khích vợ tìm cách liên lạc tìm lại đứa con lai nay đã lưu lạc trên đất Mỹ. Kết quả may mắn năm 1996 nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Việt kiều ở Mỹ đã bắt được liên lạc được với con gái nay làm con nuôi ở Mỹ và năm 1997 em đã trở về gặp lại mẹ ruột ở Đà Nẵng.

802 – Đỗ Kế Giai
“LÀM TRÒN TRÁCH NHIỆM MỘT TƯỚNG LÃNH”
Việt kiều Mỹ nguyên Thiếu tướng VNCH sinh khoảng 1933 tại VN. Sống ở Mỹ (2011).
Là Tư lệnh lực lượng Biệt động quân VNCH vào thời điểm trướùc 30.4.1975.
Trong những ngày cuối cùng của chiến cuộc, được phía Mỹ đề nghị đưa đi di tản song đã từ chối với lý do “không thể bỏ đi lúc này vì còn trách nhiệm một tướng lãnh với binh sĩ, với đồng bào”. Từ đó tuân hành lệnh “buông vũ khí” của Tổng thống Dương Văn Minh, đã bàn giao biệt động quân cho cộng sản để… đi cải tạo 17 năm lâu nhất.

Là một trong 4 vị tướng cuối cùng được trả tự do năm 1992 (cùng thiếu tướng Trần Bá Di, Lê Văn Thân, chuẩn tướng Lê Minh Đảo nay đều ở Mỹ, riêng tướng LV Thân đã qua đời). Ra tù với tư thế ngẩng cao đầu: “Qua 17 năm tù tôi vẫn giữ được tác phong, danh dự. Những người bắt tôi còn đó, họ có thể không thích tôi nhưng họ không có gì để khinh tôi.”

Năm 1993 cùng vợ và 6 con qua Mỹ định cư.

Từ chối viết hồi ký vì “e làm mất lòng nhiều người” bởi quan điểm bộc trực thẳng thắn của mình từng bày tỏ qua việc nhắc lại 2 câu thơ của cổ nhân thay cho lời bình luận về biến cố “mất nước: “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng/ Vong quốc chi đại phu bất khả ngô trí” (Tướng bại trận không thể nói mình mạnh/ Quan mất nước không thể nói mình hay.”).

803 - Đỗ Văn Du
“VŨ KHÍ” CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1952 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Mỹ (2009).
Năm 14 tuổi bị mảnh bom cắt đứt một tay và một chân.
Rơi vào khủng hoảng niềm tin cuộc sống: “Trước mắt tôi chỉ có 3 lựa chọn cho tương lai hoặc là tự tử, đi ăn xin hoặc là phải sống đàng hoàng. Dù không còn lành lặn, tôi vẫn yêu cuộc sống. Chiến tranh với biết bao cái chết đã diễn ra vô nghĩa thì được sống là may mắn lắm rồi. Vậy thì phải sống và phải sống đàng hoàng.”

Từ đó chọn con đường duy nhất vươn lên để sống còn là lao vào học hành quyết “Học để thay đổi cuộc đời”. Kết quả năm 1971 giành được một học bổng qua Mỹ học ngành kiến trúc ngay tại Thủ đô Washington.

Ra trường sau một thời gian hành nghề kiến trúc thì được Hãng Boeing cấp học bổng học ngành công nghệ thông tin mới ra đời. Tốt nghiệp đi làm cho trên 10 công ty CNTT hàng đầu của Mỹ, từng làm giám đốc dự án phần mềm cho một tập đoàn lớn ở Mỹ. Từ đó nghiệm thấy CNTT quả là một phương tiện cực kỳ phù hợp giúp người khuyết tật làm việc, phát huy hết khả năng tiềm tàng.

Năm 1990 lần đầu quay về quê hương chứng kiến đất nước có quá nhiều người khuyết tất hậu quả chiến tranh khiến không thể không nghĩ đến việc giúp đỡ nhưng người đồng cảnh ngộ với mình song thiếu may mắn trong cuộc sống. Vì thế khi quay về Mỹ cùng lúc thực hiện hai công việc theo hướng giúp đỡ NKT trong nước.

Trước hết vận động hỗ trợ VN về mặt y tế, quyên góp các trang thiết bị y tế lẫn thuốc men và đưa các đoàn bác sĩ về thăm và chữa bệnh. Đặc biệt chú trọng giúp đỡ trẻ em bị di chứng CĐDC mắc bệnh hiểm nghèo não úng thủy.

Bên cạnh đó ấp ủ ý định thành lập một công ty chuyên về công nghệ thông tin chỉ dành cho người khuyết tật: “Tôi là người khuyết tật nên tôi hiểu người khuyết tật cần gì. Chỉ có CNTT mới rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa họ với người bình thường. Đây là công cụ tuyệt vời để cho NKT có công ăn việc làm ổn định, có vị thế trong xã hội, được xã hội nể trọng.”

Năm 2003 xin nghỉ việc ở Mỹ để về VN làm việc nhằm thực hiện giấc mơ đem CNTT đến với NKT.

Cuối năm 2006 được sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ đã chính thức thành lập công ty mơ ước đó, một công ty CNTT đầu tiên dành cho NKT ở VN - Cty PWD Soft, công ty phần mềm dành cho NKT đến học nghề rồi làm việc đặt trụ sở tại Hà Nội – với mục tiêu nêu rõ “Đây không phải làm từ thiện mà chỉ nhắm hỗ trợ cho NKT để họ làm việc và hưởng lương bằng chính sức lao động của mình. Hãy thương NKT đúng cách…”

Dự kiến mỗi năm công ty đào tạo miễn phí cho khoảng 50 NKT thành lập trình viên, sẽ mở chi nhánh ở TPHCM…

804 - Đỗ Văn Yên
“VUA SĂN BẮT CƯỚP” GIÀ NHẤT
Nhân viên bảo vệ sinh 1943 tại miền Bắc. Sống ở Hà Nội (2010).
Bộ đội pháo binh chiến đấu trên chiến trường miền Nam, sau 75 còn chuyển qua đánh giặc tiếp ở Campuchia.
Năm 1995 giải ngũ trở về Hà Nội làm bảo vệ trong Ban Bảo vệ phường Kim Liên, quận Đống Đa. Từ đó nổi tiếng là một khắc tinh của bọn trộm cướp, ăn cắp trong phường qua 15 năm làm nhiệm vụ với thành tích đáng nể hơn 150 lần tóm gọn bọn này từ bọn giật túi xách, dây chuyền, ăn cắp vặt, móc túi đến kẻ có tiền án tiền sự vào tù ra rồi lại tái phạm.

Có lần bị chúng dùng dao đâm trúng bụng đổ máu phải nằm viện nửa tháng nhưng vẫn không nản lòng trước công việc “vác tù và hàng tổng” này vì “Mình vốn là lính có ngán gì mấùy tên này”! Đến 67 tuổi vẫn tiếp tục nhiệm vụ trở thành “lão hiệp sĩ đường phố” duy nhất cả nước.

Làm việc nghĩa dứt khoát không nhận quà cáp đền ơn dù lương thương binh không bao nhiêu. Bù lại, Trời cũng ngó xuống thương tình cho hưởng lộc… trúng vé số độc đắc 2 lần năm 2000 và 2003!

Năm 2000 mua 5 vé số miền Bắc… trúng độc đắc 250 triệu đồng. Nhờ đó mới thực hiện được giấc mơ của người lính già quay lại miền Nam tìm cảnh cũ người xưa một thời lửa đạn rồi ngược ra miền Bắc thăm bao người bạn chiến đấu cùng vào sinh ra tử ngày nào.

Năm 2003 lại… trúng độc đắc 7 vé nữa lãnh 350 triệu đồng! Dùng tiền làm thêm một số “việc công” khác là giúp đỡ các bà vợ liệt sĩ và những đứa con nạn nhân CĐDC với tâm nguyện đơn giản thôi: “Trúng số là mình được ban chút lộc của trời thì phải chia sẻ một tí với người khác chứ!”

805 - Hà Quý Phiến
KIỆN TƯỚNG MỘT CHÂN “ĐÁNH GỘC”
Nông dân sinh 1940 tại Bắc Ninh. Sống ở Bắc Ninh (2010).
Năm 1965 đi bộ đội đưa lên Tây Nguyên gia nhập đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ đường Trường Sơn.
Bị thương hơn chục lần, lần cuối năm 1972 trúng mảnh bom phải cưa một chân trái nên được chuyển ra Bắc điều trị rồi xuất ngũ.
Về quê lấy vợ cô giáo làng năm 1973.
Sau chiến tranh vết thương cũ nơi mõm xương cụt chân trái tái phát lòi ra gây đau nhức phải cưa đi cưa lại đến 5 lần mới lành hẳn.

Bấy giờ còn phải lo nuôi con (5 con) trong hoàn cảnh gia đình thời hậu chiến ở quê nghèo quá khó khăn. Phải chống nạng đi làm đủ các nghề tay chân vẫn không đủ sống.

Bèn ngồi nghĩ tìm ra một nghề “độc chiêu” không ai làm mới mong kiếm sống nổi, đó là “đánh gộc” tức là đốn hay bứng gốc cây cổ thụ rồi chặt ra thồ xe đạp về làng bán làm củi hoặc đổi lấy gạch ngói xây nhà. Làm việc đó không dễ bởi gốc rễ cây cổ thụ ăn sâu dưới lòng đất phải có sức khỏe cực kỳ và búa rìu nhà nghề mới “trục” nó lên được. Vậy mà anh thương binh một chân với dụng cụ thô sơ cuốc xẻng làm được, mà còn làm… gấp 2-3 lần người khác!

Đến khi bao gốc cây cả làng… hết rồi mới xoay qua đạp xe – một chân – đi xa qua cả các tỉnh bạn mua khoai sắn giá rẻ chở về bán lại kiếm lời lấy tiền nuôi con.

Đến khi con cái học hành ra đời trưởng thành rồi, bắt đầu được hưởng nhàn thì quay qua… tập chơi bóng bàn kiên trì luyện ngón độc như “đánh gộc” ngày xưa để tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc từ năm 2003, cả Para Games Đông Nam Á nữa giành hơn 10 huy chương có cả HCV, HCB.

806 - Hải Linh
GIẤC MƠ CA ĐOÀN KHÔNG TRỌN VẸN
Nhạc sĩ Thiên Chúa giáo Việt kiều Mỹ tên thật Trần Văn Linh sinh 1920 tại Ninh Bình – Mất 1988 ở Mỹ (69 tuổi).
Vào dòng tu Thiên Chúa giáo từ năm 11 tuổi. Năm 25 tuổi đã viết ca khúc “Hang Bê Lem” – còn tên “Đêm đông” -- rất nổi tiếng.
Di cư vào Nam 1954 hoạt động âm nhạc Thiên Chúa giáo sôi nổi, phong phú. Vừa sáng tác khoảng 120 ca khúc lẫn trường ca quy mô chia đều cả nhạc đạo lẫn nhạc đời nhằm “tôn vinh Thiên Chúa” và “tán tụng quê hương”.

Nhạc đạo có “Trường ca Ave Maria”, “Nữ vương Hòa bình”… Nhạc đời gồm ca khúc “Đà Lạt trăng mờ”, “Hương quê”, “Tình nước non”, “Tiếng thu”… Và đặc biệt một số trường ca và nhạc kịch phổ thơ tác phẩm cổ điển VN như “Đại tấu khúc Chinh phụ ngâm”, Trường ca Kiều “Cung đàn bạc mệnh”, “Duyên kỳ ngộ” thơ Hàn Mạc Tử…

Ngoài ra còn đi dạy nhạc đại học, viết nhiều sách về nhạc giao hưởng và hợp xướng, dạy 40 lớp ca trưởng đồng thời thành lập và chỉ huy ca đoàn Hồn nước năm 1967 được đánh giá rất cao trong giới nhạc hàn lâm.

Năm 1960 xin ra khỏi dòng tu lập gia đình rồi năm 1961 cả gia đình được qua Mỹ du học. Năm 1970 trở về nước một mình (gia đình vẫn ở lại Mỹ) tiếp tục hoạt động sáng tác và biểu diễn gây nhiều tiếng vang.

Trước 30.4.75 đã định di tản qua Mỹ ở với gia đình nhưng phút chót quyết định ở lại vì lý do “Thiên Chúa kêu gọi”: “Ngày xưa Giáo hội đã đưa tôi đi du học để tôi có được kiến thức như ngày nay, tôi có bổn phận phải trao lại cho người khác. Món nợ này tôi phải trả…”

Nhưng thực tế không dễ gì trả được món nợ đó sau 1975 dưới chế độ mới, tuy bản thân không dính líu hoạt động chính trị nên không bị bắt bớ song tất nhiên bị cấm các hoạt động âm nhạc rút vào ở ẩn dạy nhạc, tập hát ở nhà với tâm sự u uẩn “Tôi tuổi thân cùng tuổi Đức Giáo hoàng. Tuổi thân bạc bẽo lắm, tôi chỉ còn nấp bóng Đức Giáo hoàng để sống được qua ngày nào hay ngày đó thôi.”

Khi tình hình chính trị cởi mở hơn mới được lập nhóm nhạc Quê hương trình diễn trong nội bộ nhà thờ.

Đến 1986 được phép đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Tại đây được giao nhiệm vụ huấn luyện ca trưởng và lập các ca đoàn Việt kiều phục vụ cộng đồng hải ngoại đúng sở trường sở nguyện. Như người gặp cơn khô hạn khát nước lâu nay được hưởng cơn mưa rào ban ân phước, lao vào làm việc với bao tâm huyết với bao dự án ước mơ trong khi bản thân mang sẵn bệnh tim.

Hậu quả bị quá tải suy nhược dẫn đến đột quỵ qua đời chỉ 2 năm sau, khi tâm nguyện chưa thành như mong ước suốt đời dùng âm nhạc phục vụ cả đạo lẫn đời.

807 – Hoàng Thị Hải Lý
NỮ KIỆN TƯỚNG RÀ PHÁ BOM MÌN
Nhân viên phá bom mìn sinh tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2006).
Thủa nhỏ từng nhiều lần chứng kiến người thân, hàng xóm, bạn bè chết và bị thương vì giẫm phải bom mìn còn lại sau chiến tranh kích nổ. Bản thân mình cũng mấy lần suýt chết khi đi khai hoang cuốc đất trồng trọt trên vùng đất “hỏa tuyến” nổi tiếng nhiều bom đạn nhất nước.

Từ đó từ năm 1997 tự mày mò, hỏi han người khác để tìm cách phát hiện nơi nào tình nghi có bom mìn, lựu đạn còn nằm lẩn dưới bờ cỏ hay dưới lòng đất, đánh dấu ghi lại để báo cho người khác biết mà tránh xa.

Năm 2001 tổ chức MAG rà phá bom mìn chiến tranh hợp tác Việt – Mỹ đến vùng này tiến hành công tác “làm sạch” bom mìn trận địa cũ gặp được người nữ hướng dẫn này quá tốt liền nhận ngay vào làm nhân viên sau khi cho học một khóa tập huấn chuyên môn.

Có bài bản rồi càng nhanh chóng trở thành một chuyên gia ngày ngày ngược xuôi giong ruỗi khắp tỉnh Quảng Trị làm nhiệm vụ “cứu” đất cứu người trả lại ruộng đồng cho cây lúa nẩy mầm đơm bông. Kể cả lúc bụng mang dạ chửa gần 9 tháng vẫn mang vác trên người trang thiết bị rà soát bom mìn nặng 7kg bước từng bước chậm trên nền đất sỏi đá dò la dấu vết… tử thần!

808 - Hoàng Thị Ty
DUYÊN MUỘN ĐỜI GÁI THANH NIÊN XUNG PHONG
Nông dân sinh 1953 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2008).
Vào thanh niên xung phong chống Mỹ làm nhiệm vụ mở đường và canh giữ các chốt tiền tiêu trên đường chuyển quân vào Nam ngang qua Nghệ An.

Trong thời điểm máy bay Mỹ bắn phá khốc liệt tuyến đường này, đã may mắn sống sót trong khi 12 nữ đồng đội thuộc “Tiểu đội Truông Bốn” bám trụ tại địa điểm này (thuộc huyện Đô Lương) đã bỏ mình dưới trận mưa bom từ máy bay Mỹ tháng 10.1968. Nhưng phải mang di chứng bị sức ép của bom làm chân tê liệt đi khập khiễng.

Sau chiến tranh trở về quê (cách Truông Bốn 10km) đã 29 tuổi lỡ thời con gái rồi mà nhà lại nghèo khó nên cuối cùng đành chấp nhận lấy chồng tuổi đã gần… 60! Cũng còn hơn bao chị em đồng đội phải chịu cảnh đơn thân gái già suốt đời.

Dù vậy cũng ráng sinh… 6 con, con út ra đời khi bố đã 70! Nên đã nghèo càng khó hơn nuôi con cực nhọc trăm bề bởi vào thời này chưa hề được hưởng chế độ nào dành cho thanh niên xung phong chống Mỹ, lực lượng – khoảng 300.000 người - đã nhanh chóng giải thể sau 1975.

Đến khi có tin sẽ xem xét cho trợ cấp thì giấy tờ mất hết, muốn làm lại phải tốn vài chục ngàn đồng không lấy đâu ra nên đành chịu!

809 - Hoàng Trung Tiếu
NHÀ TƯ VẤN PHÁP LUẬT LỚN TUỔI NHẤT
Cán bộ về hưu tên thật Hoàng Tiêu sinh 1922 tại Lạng Sơn. Sống ở TPHCM (2011).
Tham gia hoạt động chống Pháp ở miền Bắc từ năm mới 17 tuổi.
Bị quân Pháp truy lùng nên phải tìm cách trốn vào Sài Gòn, ban đầu làm công nhân rồi xoay qua sản xuất phấn rôm bán rất chạy.

Khi bùng nổ kháng chiến chống Pháp đã bỏ công việc làm ăn đang phát đạt để tham gia cướp chính quyền ở Gò Vấp. Rồi theo cộng sản rút vào bưng biền Nam bộ tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp.

Chiến đấu bị thương 4 lần nên được cho đi học một khóa quân pháp để chuyển qua ngành tư pháp.

Năm 1954 tập kết ra Bắc được phân công qua làm tòa án.

Năm 1967 được đưa trở lại miền Nam hoạt động được một thời gian thì bị bắt. Đến năm 1973 được trao trả tù binh về chiến khu Lộc Ninh.

Sau 1975 làm việc ở tòa án nhân dân TPHCM. Mãi đến 1988 mới chính thức về hưu.

Trong thời gian trên tận dụng thì giờ rảnh đã soạn khoảng 100 cuốn sách hướng dẫn pháp luật phổ thông cho quảng đại quần chúng tuy chưa hề học trường luật ngày nào (ngoài khóa quân pháp sơ cấp ở chiến khu) song vận dụng kiến thức tự học và nhiều năm làm việc trong ngành tòa án. Sách ký bút danh Hoàng Trung Tiếu ghép họ mình với điển tích tướng Hoàng Trung của Lưu Bị thời Tam quốc già mà hay cười lạc quan yêu đời như bản thân mình!

Về hưu rồi tiếp tục tục phát triển niềm say mê “tư pháp đại chúng” kể trên cộng thêm khai sinh ra nghề “tư vấn pháp luật” miễn phí cho mọi người dân bất cứ ai cần đều có thể đến nhờ giúp đỡ. Đến 88 tuổi vẫn còn làm, trở thành nhà tiên phong tư vấn pháp luật quần chúng lớn tuổi nhất!

810 – Hoàng Văn Húc
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 33
Cán bộ về hưu sinh 1944 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2007).
Bộ đội chiến đấu miền Nam.
Trước 1975 được báo tử về quê, bố mẹ đã nhận tiền tuất. Nhưng đến giữa năm 1975 lại lù lù dẫn xác về, thì ra do nhầm lẫn mất tích rồi kịp tìm về với đơn vị!

Sau đó dòng đời đưa đẩy như thể để trả ơn số phận may mắn đã chuyển ngành qua làm quản trang ở Nghĩa trang Trường Sơn tại Quảng Trị - nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất nước rộng 106 hécta gồm 10.263 mộ thành lập sớm nhất năm 1979 – để làm việc đền ơn đáp nghĩa với các đồng đội kém may mắn thua mình.

Rồi như được người chết đền đáp lại xe duyên cho nên vợ nên chồng với một nữ quản trang tại đây, cả 2 trở thành đôi vợ chồng quản trang vào hàng thâm niên nhất nơi đây.

Về hưu năm 2004 để lại vợ trẻ hơn tiếp tục nhiệm vụ “trả ơn đời”.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét