Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2011 (KÌ 89)


NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ


891 – Hoàng Công Thức

“ANH LÀ LÍNH ĐA TÌNH”

Nghệ sĩ khiêu vũ sinh 1948 tại Huế. Sống ở Huế (2011).

Thuộc dòng họ Hoàng nổi tiếng ở Quảng Trị (Hoàng Thi Thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường…) nhưng sinh ở Huế khi cha vào đây dạy học.

Từ nhỏ đã có cơ duyên được học khiêu vũ với một bậc thầy nhưng lớn lên không phát triển được năng khiếu đó do đất thần kinh nặng về lễ nghĩa gia giáo không cởi mở với thể loại ôm nhau nhảy múa trình diễn – dance gọi nôm na là “nhảy đầm” - có vẻ gợi tình “lai căng” này!

Năm 1965 bị gọi đi lính trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường về lực lượng thủy quân lục chiến, một trong 3 binh chủng bộ binh loại đặc nhiệm chủ lực của chế độ Sài Gòn (còn nhảy dù và biệt động quân). Trực tiếp chiến đấu làm sĩ quan đơn vị trinh sát.

Chính trong thời gian này có cơ hội phát huy tài năng khiêu vũ của mình qua nhiều dịp về phép Sài Gòn (nơi đặt đại bản doanh binh chủng) gặp lúc Sài Gòn đang rộ lên phong trào tuyên truyền ca ngợi “lính Cộng hòa”. Thể hiện qua hình ảnh được tôn làm thần tượng là ngườøi lính chiến mặc áo rằn ri (quân phục đặc biệt của 3 binh chủng trên) vừa chiến đấu dũng cảm vừa tài hoa bay bướm, vừa anh hùng trận mạc vừa đẹp trai lãng mạn, hát hay nhảy giỏi như qua một loạt ca khúc ăn khách của Trần Thiện Thanh hay qua phong cách biểu diễn của Hùng Cường.

Từ đó trên thực tế lớp sĩ quan này sau chiến trận trở về thành phố thường tìm quên bằng cách đi phòng trà, quán ba, vũ trường vui chơi nhậu nhẹt với các “em gái hậu phương”. Từ đó gắn liền với trào lưu khiêu vũ cặp kè giới vũ nữ (“ca ve”) thành một mốt thời thượng.

Chính nhờ đó mà bản thân – một sĩ quan binh chủng thứ dữ lăn lộn chiến trường thứ thiệt còn trẻ lại độc thân – được rèn “chân nghề” ngày càng điệu nghệ ngon lành hơn. Trở thành một ngôi sao trong làng khiêu vũ người hùng lính Cộng hòa về thành phố.

Nhưng thời vàng son không kéo dài được lâu, năm 1973 bị thương được cho giải ngũ theo cha về dạy học ở quê nhà Quảng Trị. Đành trở lại đời sống, phong thái nhà giáo mẫu mực.

Sau 30.4.1975 bị cho nghỉ dạy phải quay về nhà cha mẹ ở Huế đượïc một thời gian thấy khó sống quá nên tình nguyện đi kinh tế mới ở vùng rừng núi Thừa Thiên – Huế. Tại đây gặp và lấy vợ một cựu thanh niên xung phong Nghệ An.

Đến khi chương trình kinh tế mới phá sản, cả 2 vợ chồng lại lếch thếch kéo nhau về Huế sống nương nhờ nhà cha mẹ. Chồng thất nghiệp, vợ bày hàng buôn bán lẻ vỉa hè.

May sao đến thời Đổi Mới mới tìm được đường sống tưởng không bao giờ ngờ tới được: Nuơng nhờ vào phong trào tập “khiêu vũ thể thao” (lành mạnh!) được cho phép đã mở lớp dạy khiêu vũ tại nhà dần dà trở nên nổi tiếng là vũ sư bậc nhất Huế! Một món quà của số phận từ một phần đời văn nghệ “lính Cộng hòa” may mà còn sống sót.

Nhờ vậy giải quyết được phần nào kế sinh nhai, nuôi con ăn học thành tài trong đó có 3 con gái cũng học nghề cha có tiếng vũ công giỏi đất cố đô thời mở cửa.

Không chỉ dạy mà còn để tâm suy nghĩ nghiên cứu, tổng hợp và chọn lọc những điệu nhảy khiêu vũ thể thao nước ngoài phù hợp với thể hình, cách di chuyển vận động của người VN.

892 - Lê Văn Thưa

CỰU BỘ ĐỘI HẢI QUÂN VỀ LÀNG

Nông dân sinh 1952 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2006).

Năm 1972 vào bộ đội hải quân chiến đấu ở Campuchia và Phú Quốc.

Về hưu về làng làm nông dân.

Năm 2005 sau cơn bão Số 5 tàn phá quê hương mới mày mò từ kinh nghiệm lính hải quân cộng tìm hiểu sách báo, tự học vi tính – cả kỹ thuật photoshop nữa - lên mạng tìm kiếm thông tin giúp bà con chống bão.

Từ đó làm ra một bản đồ chống bão, theo dõi đường đi của các cơn bão rồi nhờ xã thông báo trước cho bà con trong làng và ngư dân đi biển biết mà đề phòng.

Ngoài ra, còn tự làm thêm công trình “đóng gói nước sạch” và khai thác nước sinh hoạt cho cư dân vùng này khi bị lũ lụt..

893 - Madison Nguyen

NỮ PHÓ THỊ TRƯỞNG MỸ

Quan chức Việt kiều Mỹ tên cũ Nguyễn Thị Phương Tú sinh 1975 tại Nha Trang. Sống ở Mỹ (2011).

Năm 1986 theo bố mẹ và 8 anh chị em đến Mỹ.

Thời gian đầu phải theo cha mẹ (không biết tiếng Anh) đi làm lao động chân tay vất vả (hái trái cây thuê) để kiếm sống. Gặp cảnh người Mỹ đối xử kỳ thị xem dân nhập cư như “công dân hạng hai” nên quyết chí đeo đuổi việc học mới mong đổi đời được.

Tốt nghiệp ĐH California ngành lịch sử ra đời lao vào hoạt động xã hội trong cộng động người Việt. Năm 2002 làm giám đốc Trung tâm Cộng đồng người Việt ở TP San Jose.

Từ đó làm cầu nối tham gia hoạt động chính trị với mục đích tìm cách xóa bỏ những thành kiến, mặc cảm phân biệt chủng tộc ở Mỹ mà mình từng chứng kiến trong thời hàn vi đi làm lụng tại các nông trại của dân bản địa: “Tôi muốn tìm hiểu xem tại sao họ (dân Mỹ) làm thế, đối xử với người khác tồi tệ chỉ vì trông người khác khác với mình.”

Năm 2005 đắc cử ủy viên Hội đồng TP San Jose một trung tâm của dân Việt nhập cư (khoảng hơn 100.000 người). Đến cuối năm 2010 được bầu làm phó thị trưởng thành phố này.

Năm 2004 đã có dịp về thăm quê. Đến năm 2011 về lần nữa với tư cách tân phó thị trưởng ủng hộ Việt kiều San Jose về nước tìm cơ hội hợp tác làm ăn.

894 - Mai Hồng Mã

CẢ 3 BỐ CON ĐỀU CHẠY THẬN NHÂN TẠO

Bộ đội về hưu sinh 1934 tại Hà Tây. Sống ở Hà Nội (2011).

Vào Nam chiến đấu, năm 1971 nhân một lần về phép mới lấy vợ cùng quê,

Sau 1975 trở về Hà Nội rồi được điều lên dạy quân sự ở miền núi. Vợ vẫn ở Hà Nội buôn bán qua ngày, sinh được 2 trai 1 gái.

Năm 1998 đã về hưu bỗng nhiên mắc bệnh thận nặng cần chạy thận thường xuyên khiến sau đó phải thuê phòng ở trọ gần bệnh viện Bạch Mai cho tiện việc ra vào chạy thận hàng tuần (nơi đây dần nổi tiếng là “Xóm chạy thận”).

Nhà nghèo nên chồng nằm phòng trọ chờ chạy thận, vợ phải đi bán khoai lang và nước chè kiếm thêm tiền dù bản thân bà cũng mắc đủ thứ bệnh viêm khớp, dạ dày.

Không chỉ thế, ở nhà 2 người con trai cũng bị bệnh giống bố đều phải chạy thận sống ngắc ngoải. Cuối cùng người em mới 27 tuổi đành nhắm mắt xuôi tay trước mà bố đi đứng không nổi không thể về đưa đám con!

Không hiểu cả 3 cha con đau thận như vậy có phải vì di chứng bệnh CĐDC từ thời chiến tranh?

895 - Mai Trung Tĩnh

KẾT THÚC BUỒN CHO “DẠ LAN”

Nhà thơ Việt kiều Mỹ tên thật Nguyễn Thiệu Hùng sinh 1937 tại Hà Nội – Mất ở Mỹ 2002 (65 tuổi).

Di cư 1954 vào Nam, đi lính VNCH.

Trở thành nhà thơ (có bài “Lâu đài tình ái” nổi tiếng qua ca khúc do Trần Thiện Thanh phổ nhạc) cùng lúc lên lon đại úy tâm lý chiến phụ trách “Chương trình Dạ Lan” trên đài phát thanh. Đây là chương trình văn nghệ tuyên truyền kêu gọi Việt Cộng bỏ ngũ chiêu hồi khá hiệu quả.

Đương nhiên sau 30.4.75 đi cải tạo ra Bắc 7 năm. Trở về TPHCM đã làm một số bài thơ giãi bày tâm sự điển hình cho một thế hệ “Ngụy quân” lạc loài ngay trên quê hương sau chiến tranh:

“Đã bảy năm trời ta trở lại

Nhìn xem thành phố ấy ngày xưa.

Đã bảy năm trời ta sống lại

Ngẩn ngơ nghe quá khứ mơ hồ…”

(Sau 7 năm đi cải tạo về Sài Gòn)

Và:

“Thành phố như là vẫn náo động

Xe qua người lại vẫn theo dòng

Sao ta đứng ngẩn người ra mãi

Ừ phải hồn xưa đã diệt vong…”

(Hồn Sài Gòn ở đâu?)

Đến 1995 mới đi H.O qua Mỹ.

Ở Mỹ chưa được bao lâu thì ngã bệnh nặng phải mổ não vẫn không đỡ phải nằm liệt luôn trong viện một thời gian rồi qua đời. Trước khi mất bạn bè đã in gấp cho tập “Thơ Mai Trung Tĩnh” gồm 73 bài.

896 – Mai Văn Huy

“NGƯỜI COI TRỜI BẰNG NỬA CON MẮT”

Doanh nhân sinh tại Đồng Tháp. Sống ở Cần Thơ (2011).

Mới học lớp 3 trường làng đã bỏ đi tham gia cách mạng đánh Mỹ.

Vì thế sau ngày giải phóng được đề bạt làm cán bộ nồng cốt, lấy vợ là em gái phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp. Từ đó năm 1991 được cử làm giám đốc Cty Thương mại và Dầu khí Đồng Tháp.

Với chức vụ mới làm ăn rôm rả lên như diều được lãnh đạo hết lời biểu dương khen ngợi. Bắt đầu nổi tiếng “đại gia đời mới” ăn chơi xài tiền như rác, “coi trời bằng nửa con mắt” (tựa đề cuốn sách viết về vụ án mình là can phạm chính sau này). Lấy vợ bé một người đẹp tiếng tăm có một con riêng (vợ chính đã 2 con).

Nhưng công việc kinh doanh thực chất bên trong toàn là buôn lậu, hối lộ, tham nhũng tùm lum dính dáng đến nhiều quan chức cao cấp trong tỉnh từ bí thư đến chủ tịch ủy ban tỉnh trở xuống!

Vì vậy năm 2002 nội vụ vỡ lở bị bắt giam rồi ra tòa lãnh án chung thân, là án “tổng hợp” 2 án chung thân tội buôn lậu và tham ô cộng án 20 năm tù tội cố ý làm trái và án 15 năm tù tội đưa hối lộ. Nhiều cựu lãnh đạo tỉnh cũng lãnh án dính chùm theo.

Vào tù hết sức tích cực lao động cần cù mong xóa tội: Tự nguyện vẫn đi lao động bình thường thay vì làm đội trưởng được miễn, tình nguyện lao động cả ngày nghỉ lễ hoặc nghỉ cuối tuần… Vợ bé đã bỏ đi lấy chồng khác, chỉ còn vợ chính lo thăm nuôi.

Nhờ “thành tích” lao động đới công chuộc tội, đầu tháng 9.2009 được giảm án cho về sau khi chỉ nằm tù 9 năm 21 ngày.

Lập tức đầu năm 2010 trở thành… giám đốc Cty CP Đầu tư Thương mại Dầu khí Nam sông Hậu hoạt động tại Cần Thơ, một công ty gần giống hệt công ty trước kia đã đưa mình vào tù!

897 - Mẹ Yến

HIẾN RUỘNG LÀM NGHĨA TRANG LIỆT SĨ

Nông dân sinh 1921 tại Long An. Sống ở Tiền Giang (2003).

Theo chồng về quê xã Quơn Long ở Tiền Giang, sinh được 3 con trai.

Chồng tham gia kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, 2 con trai cũng đi du kích và 1 con trai vào bộ đội đánh Mỹ.

Năm 1961 chồng bị chế độ Sài Gòn bắt, vợï phải vừa bôn ba khắp các nhà tù thăm nuôi chồng vừa tiếp tục lo tiếp tế cho con và đồng đội ở chiến khu.

Năm 1968 chồng được thả ra nhưng không bao lâu thì qua đời do hậu quả thương tích bị địch tra tấn hành hạ nhiều năm trời. Tiếp liền đó là tin 3 đứa con trai cũng hy sinh trong 2 năm liền đó! Chỉ để lại một đứa cháu gái nhỏ lủi thủi 2 bà cháu sống với nhau.

Sau 1975, chỉ tìm được hài cốt 2 con trai còn một vẫn mất tích.

Hài cốt đưa về xã không chỉ của 2 con mà cả hàng trăm người con đất Quơn Long, Chợ Gạo nhiều quá mà lúc đó thời mới sau giải phóng nhiều chuyện bề bộn chưa biết giải quyết chôn cất thế nào, ở đâu. Thế là mình tình nguyện hiến khoản ruộng sau nhà làm nghĩa trang liệt sĩ cho con mình và cho cả con em trong vùng nữa. Với lý do đơn giản đây là ruộng dành cho các con trai hòa bình rồi trở về cày cấy nhưng giờ đâu có ai trở về nữa, giờ nhà đâu còn đàn ông nữa để lo ruộng nương cày sâu cuốc bẫm?

Không chỉ thế, mẹ xin làm luôn chân quản trang để tiện việc sớm hôm lo hương khói cho con và đồng đội nó. Lo suốt ngày đêm không quản mưa nắng tuổi tác với đồng lương hồi đó… 10.000 đồng mỗi tháng!

Năm 2003 thấy mẹ già quá rồi, xã khuyên thôi mẹ nghỉ đi nhưng dứt khoát không nghỉ (giấu luôn chìa khóa mở cổng nghĩa trang!), la rằng nếu cần sẽ làm… không công không lương! Và đặt điều kiện chỉ nghỉ khi tìm được di hài đứa con trai út còn lưu lạc nơi đâu đem về đây cho mẹ.

898 - Michael Phan

SỐNG ĐỜI THỰC VẬT MỚI… GẶP CHA!

Công nhân Việt kiều Canada sinh 1972 tại VN. Sống ở Canada (2011).

Cha là lính Mỹ thời chiến tranh đã bỏ về nước từ lâu mà không biết rằng đã để lại hòn máu của mình ở VN.

Con lớn lên cùng vợ con nhập cư vào Canada, làm công nhân một trại nấm ở TP Langley thuộc bang British Columbia.

Năm 2008 trại nấm xảy ra sự cố rò rĩ khí độc làm 3 công nhân gốc Việt thiệt mạng và 2 công nhân Việt kiều khác bị nhiễm độc nặng. Trong đó có mình não bị tổn thương nghiêm trọng hết phương cứu chữa phải chịu nằm một chỗ sống đời thực vật suốt đời.

Oái oăm thay trong thời gian nằm viện đó cô con gái 15 tuổi thông qua Internet đã tìm ra tông tích ông nội mình hiện sống ở bang Texas, Mỹ.

Thế là người cha cựu phi công trực thăng trong chiến tranh VN vội vã bay qua Canada lần đầu tiên gặp đứa con trai lâu nay mình không hề hay biết. Nhưng cha chỉ nhìn thấy mặt con mà con thì chỉ ngước mắt nhìn cha vô hồn!

899 - Miranda Du

NỮ CHÁNH ÁN MỸ

Nữ luật sư Việt kiều Mỹ sinh 1969 tại Cà Mau. Sống ở Mỹ (2011).

Cha là sĩ quan VNCH nên năm 1979 cùng gia đình vượt biên đến Malaysia rồi vào Mỹ một năm sau.

Năm 1991 đậu bằng cử nhân nghệ thuật ở California nhưng sau đó chuyển qua học luật tốt nghiệp tiến sĩ 1994.

Ra trường hành nghề luật sư đồng thời tham gia hoạt động cộng đồng tích cực.

Năm 2011 được Tổng thống B. Obama – theo giới thiệu của Đảng Cộng hòa – đề cử làm thẩm phán liên bang ở TP Las Vegas thuộc bang Nevada. Nhờ thành tích cống hiến “dấn thân trong cộng đồng” thời gian qua đồng thời còn là tấm gương điển hình cho “câu chuyện di dân thành công” theo đánh giá của Tổng thống Mỹ.

Là chánh án liên bang đầu tiên gốc Châu Á tại bang này và là chánh án gốc VN thứ hai trên đất Mỹ (sau chánh án cũng là nữ Jacqueline Nguyen đượïc Quốc hội bổ nhiệm năm 2009 làm chánh án liên bang tại tòa Los Angeles). Với nhiệm vụ hàng đầu tự đặt ra cho mình: “Tôi có lòng tin trong việc bảo vệ những người bị đối xử bất công -- những người gốc Châu Á và những người lao động lớn tuổi.”

900 - Mộng Tuyền

“NỮ HOÀNG SCANDAL” VỀ NƯỚC LÀM TỪ THIỆN

Nghệ sĩ sân khấu Việt kiều Pháp tên thật Kim Loan sinh 1947 tại Cần Thơ. Sống ở VN – Pháp (2011).

Trước 1975 nổi tiếng là nữ nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn vừa ca cải lương vừa hát tân nhạc lẫn thể loại mới tân cổ giao duyên ăn khách thời này, cả trên sân khấu lẫn thu đĩa và còn tham gia đóng phim nữa.

Cũng vì vậy được báo chí săn đuổi đánh bóng tên tuổi qua nhiều tin tức giật gân câu khách, mệnh danh là “Nữ hoàng scandal”!

Nhưng trên thực tế trong đời riêng là một người phụ nữ hiền lành lấy chồng trung tá VNCH năm 1968 được 2 năm thì ly dị rồi ở vậy (không con) lo đi hát lấy tiền nuôi đến 9 người em.

Sau 1975 vẫn ở lại Sài Gòn đi hát, đóng phim tiếp tục. Sau khi Thanh Nga bị ám sát chết, được đưa lên đóng thay các vai chính, vở diễn nổi tiếng của Thanh Nga.

Năm 1980 gặp người bạn học cũ từ Pháp về rồi lấy làm chồng thứ hai, sau đó qua Pháp sống với chồng từ năm 1988. Ở Pháp hầu như bỏ nghiệp diễn viên, thay vào đó cùng chồng mở cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm tại vùng ngoại ô thủ đô Paris.

Suốt thời gian dài 20 năm lưu lạc xứ người lòng vẫn luôn đau đáu nhớ về quê nhà nơi còn em út, con cháu đang vật lộn với cuộc sống khó khăn thời hậu chiến. Vì vậy 20 năm đã không ngưng về thăm đến 31 lần – một kỷ lục!

Năm 2000 lại ly dị vẫn không con.

Bấy giờ mới nghĩ đến việc về nước định cư luôn. Trước mắt năm 2007 đã về ra đĩa CD ca diễn đầu tiên sau bao năm chia tay sự nghiệp nghệ thuật đồng thời tham gia đi biểu diễn từ thiện, nhất là ở các vùng quê Nam bộ ruột thịt vẫn được bà con còn nhớ tới…

(Còn tiếp)

2 nhận xét:

  1. Gửi ông Cao Huy Khanh tác giả "Những số phận kỳ lạ"
    Ông là tác giả của Việt nam hồ sơ hậu chiến 1975- 2011 Những số phận kỳ lạ? Tôi cho rằng ông đã đưa ra một ý tưởng lạ, một sự khám phá mà phải nói đây là một ý tưởng khá hay. Tại sao không? Quả ông là người gạo cội trong làng văn chương và báo chí để viết nên hồ sơ hàng ngàn nhân vật có các cốt chuyện vừa khái quát vừa làm nổi bật điểm đặc trưng của con người đó. Mặc dù tôi mới đọc qua một số nhân vật đã nhận ra điều này.
    Tuy nhiên tôi xin có ý kiến chính tôi cũng là một trong ngàn nhân vật của ông mặc dù chỉ thể hiện ít dòng chữ. Đó là kỳ 89 “Cựu bộ đội Hải quân về làng” Những thông tin này tiếc rằng khá sơ lược lại chưa được chỉnh chu lắm nếu có thể đính chính tôi xin cung cấp chỉnh sửa đôi chút cho đúng hơn, dựa theo bài đã đăng:
    “CỰU BỘ ĐỘI HẢI QUÂN VỀ LÀNG
    Nông dân sinh 1952 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2011)*.
    Năm 1971* vào bộ đội hải quân chiến đấu ở Campuchia và Phú Quốc.
    Về hưu về làng làm nông dân.
    Năm 2005 sau cơn bão Số 5 tàn phá quê hương mới mày mò từ kinh nghiệm lính hải quân tìm hiểu sách báo, tự học vi tính – cả kỹ thuật photoshop nữa - lên mạng tìm kiếm thông tin giúp bà con phòng chống bão.
    Từ đó làm ra một bản “Sơ đồ theo dõi bão”*, sử dụng theo dõi đường đi của các cơn bão. Rồi gửi kiến nghị đến Ủy ban chống lụt bão trung ương*, đồng thời gửi đăng trên báo chí đề nghị sản xuất hàng loạt bán ra cho dân chúng dùng để chủ động theo dỏi mà phòng chống và tránh bão.
    Ngoài ra, còn có sáng kiến “đóng gói nước giếng”* cho vùng lũ lụt và nhiều phát hiện và sáng kiến khác về môi trường đồng thời cũng nhận được nhiều giải thưởng qua nhiều cuộc thi *...”
    Thực ra trong suốt những năm qua tôi đưa ra nhiều giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực các điểm nóng xã hội như: Chống tai nạn ùn tắc giao thông qua nhiều bài viết như: “Bài toán mật độ trong GT đường bộ” từ năm 2006 tôi đã gửi kiến nghị đến đoàn đại biểu Quốc hội và bộ Giao thông vận tải. Rồi nhiều vấn đề về môi trường như “Bê tông hóa tác động đến môi trường”, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu vv…
    Lê văn Thưa

    Trả lờiXóa
  2. HTTV rất cám on những nhận xét và đóng góp chân tình của bạn.Ghi nhận ý kiến của bạn và chỉnh sửa lại khi có điều kiện in thành sách.Thân mến

    Trả lờiXóa