Có quá nhiều trăn trở về nền giáo dục (GD) Việt Nam hiện tại. Thế nên một cuộc cải tổ mạnh mẽ để phát triển là mong muốn, khát khao của nhiều người. Trước thực tế này, Báo Thanh Niên mở diễn đàn “Đổi mới căn bản và toàn diện GD” để đón nhận những ý kiến trao đổi.
Mở đầu cho diễn đàn, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã dành cho báo cuộc trao đổi đầy tâm huyết với những góp ý thẳng thắn, có trách nhiệm và luận cứ khoa học về việc cần phải xác định rõ cách làm để chuẩn bị cho cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền GD-ĐT.Xin bà cho biết tầm quan trọng và sự cần thiết phải có một cuộc cải cách về GD trong giai đoạn hiện nay?
Hơn 20 năm qua, Đảng đã nêu ra một loạt quan điểm về GD, phù hợp với yêu cầu và đường lối đổi mới kinh tế - xã hội của Đảng, Đại hội VII khẳng định “GD-ĐT, cùng với khoa học và công nghệ, là quốc sách hàng đầu”. Sau đó đã xác định sứ mạng của GD là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Về đầu tư, Đảng coi đầu tư cho GD là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển, tạo điều kiện để GD đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng nhìn lại, những quan điểm đúng đắn đó mới dừng ở nhận thức ban đầu, chưa được cụ thể hóa và quán triệt đầy đủ trong hành động. Vì vậy, GD chưa thực sự chuyển biến. Tình trạng yếu kém, lạc hậu về GD đang là nỗi bức xúc của cả xã hội và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự yếu kém, lạc hậu trong phát triển kinh tế, xã hội nói chung.
Đến nay, Đại hội XI đã đặt vấn đề: đổi mới căn bản, toàn diện nền GD. Qua đó có thể nói, Đảng đã thấy rõ và chỉ ra sự cấp bách và bức xúc của vấn đề này. Theo tôi, muốn chuyển biến căn bản và toàn diện trước hết là đổi mới về nhận thức, về đánh giá thực trạng, về yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản toàn diện GD, và từ đó có cách làm phù hợp.
Cho đến nay, cách làm của chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ. Nếu không thay đổi về cách làm thì còn xa mới có thể đổi mới căn bản và toàn diện.
Theo bà, vấn đề đầu tiên cần phải xác định như nền móng của đợt đổi mới căn bản, toàn diện này là gì?
|
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, giữa một thế giới đầy biến động, nhiều cơ hội và nhiều thách thức, mỗi người Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam đang đối mặt với những yêu cầu gay gắt về chủ quyền quốc gia, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh… Vậy, sứ mạng và mục tiêu của GD VN trong giai đoạn 10, 15 năm tới là gì? Tất nhiên phải tiếp thu, kế thừa những giá trị đã có nhưng vẫn rất cần nghiên cứu, bổ sung để có sự xác định cụ thể và đầy đủ, phù hợp với hoàn cảnh mới và yêu cầu mới. Chỉ có như vậy mới có căn cứ để hoạch định chiến lược phát triển GD cho một hai thập kỷ tới.
Đối chiếu với thực trạng và những yêu cầu mà đất nước và dân tộc kỳ vọng ở hệ thống GD, tôi thấy điều cốt lõi rất cần phải nhấn mạnh lúc này là “dạy và học làm người - làm người lương thiện và công dân có trách nhiệm”, chứ không thể lấy thi cử và bằng cấp làm cứu cánh. Phải chuyển từ nền GD nặng về truyền thụ kiến thức một cách thụ động, áp đặt sang một nền GD phát triển, lấy tiềm năng của từng con người là chính.
Dĩ nhiên, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhưng nhà trường phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng. Đấy là mục tiêu số 1 của nhà trường, trước hết là nhà trường phổ thông, nền móng của cả hệ thống GD.
Đối với các trường dạy nghề và trường ĐH, dù nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, thì ngay trong nội dung chất lượng đó cũng phải bao hàm yêu cầu bồi dưỡng tư cách làm người. Bởi những phẩm chất như lòng nhân ái, tính trung thực, ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, thái độ hợp tác trong lao động… chính là những yếu tố hết sức cần thiết ở một con người, bất kể làm nghề gì, ở vị thế nào trong xã hội.
Vậy theo bà, cần phải thay đổi cách làm như thế nào để có thể thoát ra khỏi tình trạng chắp vá, thiếu sự tổng thể, đồng bộ… mà bà đã chỉ ra?
Thay đổi căn bản và toàn diện một nền GD là một công trình lớn của quốc gia, không thể một vài năm mà xong. Tình thế rất bức thiết, phải khẩn trương nhưng lại phải căn cơ, bài bản, không thể riêng một mình ngành GD làm nổi.
Trước mắt, theo chúng tôi, trung ương cần bàn và ra nghị quyết, xác định mục tiêu, yêu cầu và những vấn đề trọng tâm cần tập trung để nền GD thực sự đổi mới căn bản và toàn diện. Trong đó, rất quan trọng là quyết định thành lập một tổ chức làm nhiệm vụ xây dựng đề án tổng thể, nêu ra được giải pháp và lộ trình, để trình trung ương và Quốc hội theo quy định của pháp luật. Tổ chức này, có thể là một ủy ban do người đứng đầu Nhà nước làm chủ tịch, cần bao gồm các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và nước ngoài, am hiểu và có kinh nghiệm về GD cũng như các lĩnh vực liên quan đến GD. Đây là kinh nghiệm của các cuộc cải cách GD ở các nước.
Bộ GD-ĐT có vai trò quan trọng trong hoạt động của ủy ban cũng như trong quản lý nhà nước về GD nên Bộ cần chấn chỉnh, kiện toàn, đổi mới thật sự về năng lực và cung cách quản lý. Với cơ quan tham mưu của trung ương về công tác GD, cụ thể là bộ phận khoa giáo, cần được tăng cường để đủ sức và đủ điều kiện giúp trung ương.
Cần có sự nhất trí về vai trò của giáo dục
Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD không chỉ nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực con người mà kết quả sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng đạo đức và văn hóa xã hội. Một công cuộc đổi mới có tầm vóc to lớn như vậy, chắc chắn có rất nhiều khó khăn. Mà khó khăn lớn nhất lúc này là việc chưa có sự nhất trí về vai trò quyết định của GD đối với sự phát triển đất nước và vận mệnh dân tộc, do đó chưa thật sự có quyết tâm tiến hành cải cách GD để đổi mới căn bản và toàn diện. Nếu nhất trí và quyết tâm, chắc chắn chúng ta sẽ làm được và làm thành công.
Bà NGUYỄN THỊ BÌNH
|
Tuệ Nguyễn
(thực hiện)
(thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét