c à l ă m c h u y ệ n đ ờ i c u ố i n ă m
CANH CHUA
CÁ ĐỐI-NGỌN RẠCH BÀ TÀU
nước mắm ngon dầm con cá đối
em biểu anh chờ để tối em qua!
(ca dao)
1.
Các lão nông tri điền làng tôi thường nhắc nhở con cháu:
- Người có xương sống, xương sườn. Đất có sông, có rạch. Rạch có ngọn có vàm. Nước khi ròng, khi lớn. Thịnh suy, tùy lúc tùy thời. Thường thì, phò thịnh chớ mấy ai phò suy?Cho nên xét người, xét việc, phải có đầu có đít. Lấy cái tôi, bắt người giống mình là, thua con cá đối(?)
Rồi, sự thế nhì nhằng như cuộc mây mưa đến hồi cụp lạc, sướng đâu chưa rõ lắm, nhưng tôi vẫn thuộc nằm lòng lời ''khuôn vàng thước ngọc''của các lão nông. Lớn lên má cho đi học, biết đánh vần ráp chữ, biết đọc biết viết...ngặt nỗi ''nhảy lỗ trổ'' bỏ qua bước ''khai tâm'', nên cuộc đời lên bờ xuống ruộng. Tôi cằn nhằn má.
Má nói:
- Hổng phải đâu con, tâm tự nó là tâm. Tâm chớ đâu là mương mà khai với mở?
Sợ cái đầu ngu của tôi chưa thông, má phân giải:
- Vả lại, cái ông Khổng Khâu gì đó ở tận bên Tàu, từng dạy môn đệ rằng:''Nhân chi sơ, tính bổn thiện''. Đã là, tính bổn thiện từ hồi mới lọt lòng mẹ, cần chi mở với khai tâm?
Thấy má vui, sẵn trớn tôi hỏi má:
- Người làng mình thường dạy con cháu:''Lấy cái tôi, bắt người giống mình là, thua con cá đối!''. Nói vậy, nghĩa là sao má?
*
Cá đối sống ngọn rạch Bà Tàu là, loại cá đối nước ngọt. Đầu nó dẹt, nhảy cao, bơi nhanh. Mùa lúa ngậm sữa, nó thích bơi sâu vô ruộng để ăn nhụy bông hột lúa rụng, khi đôi môi hột lúa mím chặt ngậm sữa. Tùy môi trường thiên nhiên, cá đối thích hợp vùng nước mặn, lợ, ngọt...Nó tự thích nghi theo vùng nước, chớ không phải vùng nước thích nghi theo nó.
Sông Bảo Định có nhiều rạch. Trong đó, có rạch Bà Tàu. Một người đàn bà người Tàu, theo bước chưn lưu dân khẩn hoang trên sở đất có con rạch. Bà dựng lều lập quán, bắt cầu khỉ qua rạch để lưu dân dễ dàng lui tới mua hàng hóa. Lâu ngày, những bước chưn người làm nên lối mòn và thời gian biến đổi lối mòn thành con đường thì, con rạch, cây cầu...nghiễm nhiên mang tên bà. Đó cũng là, một cách của người Việt bày tỏ tấm lòng tri ân với, những ai có công đóng góp vào cuộc sống cộng đồng. Con cá đối chọn ngọn rạch làm quê hương vì, nó đẻ con vào cuối thu đầu đông, nó cần nguồn thức ăn sau khi đẻ cho nó, cho con;chi bằng chọn chốn dung thân nơi ngọn rạch là, nơi hứng trọn nguồn thức ăn từ cánh đồng mênh mông đổ về.
Trời sinh voi, sinh cỏ. Không sinh cỏ, trời chẳng hưỡn sinh voi. Người không nuôi, không dưỡng cá đối;chỉ hì hụp hám ăn, tận diệt. Thử hỏi, của nào chịu thấu?Cá đối chỉ còn nước, kêu:''Người làm hơn trời!''. Bàn dân thiên hạ, gọi:''Thằng làm hơn trời!''và không quên thêm câu trù ẻo:''Thằng trời đánh, thánh đâm!''. Với cá đối, dù sinh sống ở phương nào, vùng duyên hải nhiệt đới hoặc ôn đới;độ nước nông hay sâu thì, nó cũng sống cùng tập quán thành đàn trên con sông cái rạch do cả đàn chọn lựa. Nó không có ''lãnh chúa'', không có ''đầu đàn'' như các loài cá khác. Nó không có số phận cam chịu bởi, nó chịu mà không cam dù bản năng của nó ''đồng cam cộng khổ"
Khi cuộc đời trải qua ''trầy vi tróc vảy'', tôi mới thấm và hiểu ''cái tôi''đáng ghét, đáng xấu hổ thế nào, trước con cá đối!
2.
Kỳ nghỉ học, hè 1961.
Tôi trở về mái nhà xưa của má, gặp lúc người trong xóm đi đăng cá đối ở ngọn rạch Bà Tàu. Tôi háo hức đi theo. Trước là, phụ hợ mang các ngư cụ đăng;sau là, bắt hôi với mấy đứa bạn cùng trang lứa. Trên đường đi, đoàn người chuyện vãng râm ran, chợt có tiếng ai đó cất lên:''Đờn ông như cái đăng, đờn bà như cái đó'' từ phía sau. Tôi ngoái lại, thì ra thiếm Hai Đực!
Tới ngã ba bờ, tôi đứng lại để hỏi thiếm Hai cho ra lẽ:Tại sao, đờn ông như cái đăng, đờn bà như cái đó?Thiếm Hai cười:
- Đúng là, học trò!
- Học trò đi mò cá sặc, phải hôn?
Chú Sáu Cửng, chọt vô.
Thiếm Hai, nẹt:
- Mắc dịch, anh!Thằng học trò nó không biết, mình chỉ cho nó biết để mai kia mốt nọ, nó nhớ cội nhớ nguồn. Đúng y rằng, tên sao người vậy!
Thiếm, cháu đi chậm rãi. Thiếm nói:
- Bà con xóm mình lấy cây sậy bện chặt thành tấm gọi là tấm đăng, dạo cao áng chừng 2m. Đó, cũng dùng cây sậy bện hình trụ tròn, đường kính khoảng 5 tấc, cao độ 2m và có hom dài chạy theo thân, cá vô được mà ra không được.
Thiếm giải thích thêm:
- Cây sậy xuống nước nó tươi và sống, dùng lâu mục hơn các loại cây khác.
Tôi hỏi:
- Vậy, ngày nào mình đi đăng bắt cá đối cũng được, hả thiếm?
Thiếm đi nhanh, nói nhanh vì, sợ không theo kịp đoàn.
- Mỗi tháng, có 2 con nước kém:Con nước đầu tháng, từ mồng 8 đến mồng 10. Con nước cuối tháng, từ 23 đến 25 âm lịch. Mình đăng lúc con nước đương lớn hoặc con nước vừa nhóm giựt ròng.
Thiếm vội kết thúc câu chuyện, nói chắc như bắp:
- Cái đăng ví cá, cái đó hứng cá. Đờn ông đùa vô, đờn bà cất giữ. Nhưng, gặp phải con đờn bà khoái ăn nem thì, thằng đờn ông mất cả đăng cả đó!
Tôi nghe ba hụt ba trớt, hỏi:
- Thiếm nói cái gì, thiếm Hai?
- Thì, tau nói đờn ông ''ăn chả'' bị vợ túm cổ, chối lên chối xuống, thề bán mạng... mong được vợ tha thứ để trở về nhà. Đờn bà ''ăn nem'', bị chồng bắt tại trận tiền. Vợ dứt khoát không chối
bởi, sẽ bỏ nhà đi luôn!
- Ý, Trời!
Tôi thảng thốt.
*
Những tấm đăng lần lượt nối nhau khép kín ngọn rạch Bà Tàu. Sự sống của cá đối được tính từng mực nước giựt ròng. Tự dưng tôi thương con cá đối. ''Nước mắm ngon dầm con cá đối''. Có phải rằng, cá đối đòi hỏi con người muốn ăn thịt nó thì, dầm nó vào nước mắm ngon!?Nó chọn lựa nơi nó chết?Hay, chính nó mần nên nước mắm dở thành ngon?''Em biểu anh chờ để tối em qua!''. Sao em không chờ mà lại là anh?Đờn ông đói mắt, đờn bà đói tai(?)Cá đối mái luôn giữ vài trò khởi xướng, cá đối đực mần theo. Nó biết chi chế độ ''mẫu hệ'' nhưng, tập quán vốn có từ bản năng, nó ''phụ xướng, phu tùy''. Khác với người chỗ đó.
Tôi ngồi trên bờ rạch nghỉ bông lông. Nước ròng rút nhanh. Từng đàn cá đối từ các khe dừa nước tràn ra lòng ngọn rạch, hình như nó phát hiện điều nguy cấp từ những tấm đăng vững hơn bức tường thành, ngăn chặn dòng nước chảy. Từng đàn cá đối không chọn cách chui đăng trốn. Có lẽ, nó phát hiện bẫy của cái đó. Nó chọn con đường sống bằng sự dũng mãnh, nối nhau quẩy đuôi, quậy nước đục ngầu, cố phá đăng vượt ra sông.
Từng con cá đối mái bụng mang dạ chửa, bơi dạt xa, lấy đà và cố hết sức tung mình lên trời xanh, phóng qua tấm đăng tìm sự sống. Hàng loạt cá đối đực phóng theo cá đối mái. Tôi có cảm giác, mặt nước ngọn rạch Bà Tàu chao dữ dội như đang bị cơn địa chấn!
Nó không thể tưởng, sau bức đăng là những chiếc xuồng ken nối nhau, chực chờ hứng bắt nó.
Sự quỷ quyệt con người do trí khôn tạo ra, khiến cái ác thú tính từ con trổi dậy, che khuất chất người. Tôi từ chối tôi, bỏ ý định tham dự vào cuộc bắt hôi cá đối…
*
- Mấy đứa mần kỹ cá đối mái, khéo dập trứng. Nhớ ướp ngũ vị hương!
Tiếng thiếm Hai từ bếp, nói vọng ra cầu ao.
Chú Sáu Cửng lui cui thổi lửa, lấy than nướng cá. Chú lầm bầm:
- Người mình nghĩ cũng lạ, cái gì nấu nướng thịt cá cũng ướp ngũ vị hương mà, ngũ vị hương là 5 thứ gia vị của anh ba tàu, chớ có phải của mình.
Nói lầm bầm một mình, tưởng không ai nghe. Nào ngờ, lỗ tai thiếm Hai thính hơn lỗ tai nai.
- Sao?Anh Sáu nói sao?Ông bà mình trước mần sao, nay mình bắt chước mần vậy. Tôi hỏi anh, cá không ướp ngũ vị hương thì, ướp cái gì?
Thiếm Sáu sừng cồ, tay hất chéo khăn rằn ôm búi tóc;
Chú Sáu vừa rút bớt củi ra, vừa nói phân bua.
- Ba tàu có ngũ vị hương, người Việt có bát vị mùi!Ướp ngũ vị hương chẳng qua do thói quen, chớ không phân biệt ngon hay dở. Hương có sau mùi. Vì vậy, ông bà mình gọi mùi hương. Xưa nay, có ai gọi ''hương mùi'' bao giờ. Cái mùi ở lại với mình cho đến chết, cái hương sẽ bay đi và nếu có thể, nó cũng chỉ là sự chạnh lòng, luyến nhớ trong hoài niệm.
Thiếm Hai giẫy nẩy như đỉa phải vôi.
- Nghe anh Sáu lý sự, mệt quá!
Sực nhớ, chẳng lẽ mình thua ngang cái thằng cha mắc dịch nầy. Thiếm Hai giở giọng ví:
- Hồi nãy anh Sáu nói, người mình có bửu bối ''bát vị mùi''không xài, lại xài thứ đồ bỏ của anh ba tàu. Đâu anh kể ''bát vị mùi''đó, cho tui nghe thử coi!
Mọi người tạm ngưng mần cá đối, xúm nhau nghe. Có tiếng người xù xì to nhỏ:
- Phen nầy, Sáu Cửng nhảy cà cửng biết tay, bỏ tật xạo xự!
Chú Sáu nói tỉnh bơ:
- Gia vị người Việt có 8 mùi vị: Chua-Chát- Ngọt -Bùi-Mặn-Lạt-Cay-Đắng. Tám mùi vị độc đáo hội tụ trong nồi canh chua thuộc món''quốc hồn quốc túy''của người Việt. Xin lỗi, nói chẳng phải nói ''nổ, tự sướng'', nhân loại thế giới nầy, có nơi nào sánh kịp. Tám mùi vị chứa đựng càn khôn bát quái, nằm trọn trong vòng lưỡng nghi. Cho nên, từ xa xưa 8 mùi vị đó đã làm nên hồn cốt ''văn hóa ẩm thực'' của dân tộc Việt, vững vàng trước phong ba bão táp. Mọi kẻ thù bất kể từ đâu tới, cũng ''thúc thủ quy hàng'' rốt cuộc cuốn cờ:Chạy!Và, gái Việt là người đi mở cõi, là mẹ của mẹ trong thiên hạ bất luận bạn hay thù!
Không đợi mọi người truy hỏi, Chú Sáu nói một lèo:
- Ca dao, tục ngữ...và các loại văn chương truyền miệng khác, đã nuôi dưỡng tâm hồn Việt, tạo cốt cách rất riêng, rất đặc thù Việt. Đó là, Chua:''Vắt chanh bỏ vỏ". Chát:''Ăn muối còn hơn ăn chuối chát!''. Ngọt:''Lời ngọt lọt đến xương!''. Bùi:''Chia ngọt xẻ bùi". Mặn:''Cá không ăn muối cá ươn''. Lạt:''Ăn lạt mới biết thương mèo!''. Cay:''Ngậm cay, nuốt đắng''. Đắng:''Thuốc đắng đã tật''. Tui học lóm được nhiêu đó thì, tui nói nhiêu đó. Cả cái xóm Bà Tàu nghèo mạt hạng, mấy ai biết chữ, trừ cậu học trò. Mình giữ được cái nghĩa không từ cái chữ mà, từ cái truyền miệng
đời nầy, dắt dây qua đời khác.
Đang thao thao bất tuyệt, chú đột ngột túm lại:
- Con cá đối nó chết vì thịt nó ngon. Con người chết vì...
Mọi người nghe chú nuốt nước bọt, rồi nói một câu xanh dờn:
- Chị Hai hỏi nữa, thằng Sáu Cửng sẽ nhảy cà cửng và...cà lăm!
*
Bà con chòm xóm được nghe những điều thú vị mà, trước nay chưa từng nghe. Đồng thời, hả hê khi thưởng thức nồi canh chua cá đối hòa quyện vào 8 vị mùi của gia vị quê hương!
TRẦN BẢO ĐỊNH