Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ TRẦN TỪ DUY

NHÀ THƠ , NHÀ BÁO TRẦN TỪ DUY ( ĐÔNG KY RÉT)

ĐÃ TỪ TRẦN VÀO LÚC 9 GIỜ 55 NGÀY 28.10.2015 TẠI SÀI GÒN
LỄ VIẾNG  8 GIỜ NGÀY 29.10.2015 TẠI NHÀ RIÊNG 44 TRẦN VĂN DANH, P 13, QUẬN TÂN BÌNH, SÀI GÒN.
LỄ ĐỘNG QUAN 6 GIỜ  NGÀY 31.10.2015 
AN TÁNG Ở TÂN THÀNH, BÀ RỊA-VŨNG TÀU  

XIN CHIA BUỒN ĐẾN CHỊ BÌNH, CÁC CHÁU VÀ GIA ĐÌNH
CẦU NGUYỆN BẠN THANH THẢN RONG CHƠI CÕI KHÁC

nguyễn miên thảo - viêm tịnh - từ hoài tấn - nguyễn văn trai -phạmchu sa - phù hư - rừng -  lê ký thương - lê thánh thư - đức phổ - nguyên quân - triệu từ truyền - trần vàng sao - phan lệ dung -nguyễn tịnh đông - hạ đình thao - hoàng lộc - uyên hà - phạm ngọc lư- nguyễn nhã tiên - nguyễn vô biên - ba vân - nguyễn văn hải - trần phá nhạc - hoàng thị thiều anh - lê thị ngọc quý - trần dzạ lữ - nguyễn liên châu - ngô đình hài - lê nho quế sơn - hoàng kim oanh - hồng nga và bằng hữu



Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

CHẬP CHỬNG YÊU - HẠ NHIÊN THẢO



Đêm
Mộng mị vuông cửa nhỏ
Khắc khoải giọng chim gọi tình
Giữa cánh rừng nguyên sơ
Giọt sương hanh khô
Sau tất cả mùa hoa bỏ lại
Dòng sông thở dài tiếc nuối
Gió phiêu bồng
Chở nặng chuyện rất xưa

 Em
 Giờ này vẫn đang mơ
Một ảo cảm đời người
Hay những sắc màu bí ẩn về miền vĩnh cửu
Năm ngón tay gầy cô đơn lùa vào mái tóc
Vẽ nỗi buồn trên cát
Vẽ nỗi buồn theo mây
Bước chân đi giật lùi
Trong mê cung trốn tìm quá khứ
Nhặt nhạnh nụ cười thương yêu

Nỗi buồn làm em đau
Cơn khát thèm mất hút
Tự buông mình giữa biển
Cho sóng cả cuộn trôi...

Khái niệm ký ức
Sắc sắc không không
Phủ xám khoảng đời
Đọng vỡ thanh âm phù du
Vỗ cánh vang vọng
Đêm...
Khúc hát mộng trần như

Anh!
Em muốn ngồi thiền
Sát na sinh tử trăng lồng
Không khái niệm dấu -
Chỉ chập chờn dấu +

Ngón tay gầy run run
Biên diễn trò chơi con chữ
Những vần thơ câu văn cũ rích
Rút ruột lòng mình
Đau đáu nhả tơ
Dệt mảng màu vô sắc

Yêu
Yêu không tham lam
Yêu không ích kỷ
Như dòng chảy tâm tư
Như lời ru của mẹ
Như lời ru của cây
Mênh mang trong gió
Mênh mang hương đêm

Không giữ lại trên tay
Không một chút gì
Nơi đi về lặng lẽ
Nơi đi về mù tăm
Vẫn ngữa trắng hai tay không

Khoanh tay nhìn đêm
Khoanh tay nhìn thế kỷ
Nhìn nụ cười tiếng khóc
Chập chững
Yêu

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

MƯA - NGUYỄN MIÊN THẢO

SÀI GÒN ĐANG Ở MÙA MƯA
NGOÀI KIA CŨNG CHUYỂN SANG MÙA GIÓ TÂY
NGÀY XƯA CHỈ CÓ MƯA BAY
SÀI GÒN GIỜ LẠI MƯA NGÀY MƯA ĐÊM

TỪ NGÀY ANH GẶP ĐƯỢC EM
SÀI GÒN VỚI HUẾ MƯA ĐÊM MƯA NGÀY !

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

HEO MAY VÀ BÃO - HOÀNG THỊ THIỀU ANH

Lòng anh cơn bão lớn
Lòng em là heo may
Bão như cơn cuồng nộ
Rơi buốt theo tháng ngày

Tình em như heo may
Suốt mùa yêu thổi mãi
Anh ơi anh có hay
Khẻ thôi a tê dại ...!

HTTA

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

CHUYỆN CON THẰN LẰN - HOÀNG LỘC


rằng ngày xưa lão tỷ phú Thạch Sùng
vì thiếu cái mẻ kho trong một lần đánh cuộc
thua nhẵn gia tài - buồn đời - chết tức

hồn khôn nguôi xin hoá kiếp thằn lằn

để từng đêm đâu đó chỗ em nằm
tiếng chép miệng lão già kia tiếc của
em chắc bật cười : sống đời tỷ phú
thì sắm làm gì một cái mẻ kho ?

anh chẳng giàu đâu, anh chỉ làm thơ
thiếu lắm thứ nên dám nào đánh cuộc
mỗi bước tới – anh dặn mình : bước chót !
mà lối đời cứ chịu những đòn roi

đời tình anh ví đặt trước gương soi
chẳng giống con nào trong mười hai con giáp
tình chắc thắng mà bất ngờ thua ngược
anh ngó đi ngó lại giống thằn lằn

để từng đêm quanh quẩn chỗ em nằm
tiếng chép miệng dồn mấy hồi chậc lưỡi
Thạch Sùng với anh chung cùng cái rủi
lão mất gia tài – anh mất tình em

anh tiếc ngày khôn xiết, tiếc thâm đêm
những chiu chắt một đời không thể giữ
em, vốn liếng của lòng anh tỷ phú
mà chính em đành thiếu cái mẻ kho !...

HOÀNG LỘC
VÀI LỜI:
Tôi rất thích bài này dù thật tình không biết chính xác mình thích chỗ nào!!! Thích cái tiếng chắc lưỡi của anh chàng Thạch Sùng xui rủi trong cuộc tình: "để từng đêm quanh quẩn chỗ em nằm/ tiếng chép miệng dồn mấy hồi chậc lưỡi" hay là thích cái ví von cô nàng chỉ là "cái mẻ kho" so với lòng anh tỷ phú hay thích cái hài-hước-cay-đắng "hồn khôn nguôi xin hóa kiếp thằn lằn".
Bài thơ bắt đầu với giọng kể chuyện xưa, đơn giản, và kết thúc với ví von" chết tức" đi được mà chính em đành thiếu cái mẻ kho!
Phát triển từ câu ca dao – hay từ câu chuyện cổ tích ngụ ngôn – qua dần mấy khổ thơ để khắc họa mình là anh chàng Thạch Sùng thiếu cái-mẻ-kho-em rất thú vị và cay đắng! Nhạc tính của thơ đi từ thong thả (adagio) cứ dồn nén tăng dần kiểu như accelerando sustenuto để dồn người đọc tới cao trào "anh tiếc ngày khôn xiết, tiếc thâm đêm" và tới câu nhạc kết, kết thúc "đành thiếu cái mẻ kho"! Một bản aria cantabile rất tuyệt!
VƯƠNG ĐỨC BÌNH

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

SẸO ĐỘC LẬP, TẬP THƠ VIẾT THEO TRƯỜNG PHÁI " TÂN CON CÓC "... - TRẦN MẠNH HẢO

“SẸO ĐỘC LẬP” TẬP THƠ VIẾT THEO TRƯỜNG PHÁI “TÂN CON CÓC” CỦA PHAN HUYỀN THƯ : DỄ DÃI VÀ NHẠT NHẼO
Trần Mạnh Hảo
Nhà xuất bản “Lao động” cho xuất bản tập thơ của Phan Huyền Thư năm 2014, cuối năm 2015 tập thơ này đã giành được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Ngay sau đó, “Sẹo độc lập” đã bị mạng xã hội tố cáo Phan Huyền Thư đạo thơ của Du Tử Lê và Phan Ngọc Thường Đoan, cũng như mấy năm trước tác giả này đã đạo văn của nhà phê bình Đặng Tiến. Lúc đầu, ông Phạm Xuân Nguyên nhảy ra bênh Phan Huyền Thư nhưng tất cả bằng chứng và sự thật đã chống lại Phạm Xuân Nguyên và tác giả tập thơ. Cuối cùng Phan Huyền Thư đã phải xin lỗi Phan Ngọc Thường Đoan, xin lỗi độc giả vì chuyện hai bài thơ giống nhau như hai giọt nước; tuy nhiên bà Thư tuy bị Hội Nhà văn Hà Nội truất ( thu hồi) giải thưởng, vẫn gân cổ lên cãi bà không mắc tội đạo thơ. Có nghĩa là “vụ án đạo thơ thế kỷ” này chưa dừng lại vì Phan Huyền Thư đang âm mưu làm phù phép nhờ vả hai ba anh nào đó bên hải ngoại tạo bằng chứng giả để tố ngược lại Phan Ngọc Thường Đoan đạo thơ mình !
Chính vì vậy, chúng tôi phải tìm đọc tập thơ “Sẹo độc lập” để xem nó có đích thực là thơ hay không, hay chỉ là những câu nói tầm thường năng xuống dòng viết theo trường phái “Tân con cóc” do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - một ông công an kiêm Phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam làm chủ soái. Chúng tôi xin trích nguyên văn “bài thơ” “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư để xem nó thơ hay không thơ ( vì thơ này xuống dòng liên tù tì nên chúng tôi dùng gạch chéo / để thay cho cơn mưa xuống dòng ) :
“Ngày mười / chin tháng / hai năm nhâm / tý / tôi / được độc lập / với mẹ / bằng sợi dây / rốn / cắt đứt cơ thể / vết / sẹo làm người / vết sẹo / tôi / cái rốn / độc / lập Phan Huyền / …Thơ 19/2/2004”
Cả “bài thơ” là những câu nói tầm thường, không có câu nào là thơ cả, Phan Huyền Thư viết theo lối cực kỳ dễ dãi, nhạt nhẽo, tầm phào theo tiêu chí “Tân con cóc” của chủ soái Nguyễn Quang Thiều. Hèn gì sáng nay, ông chủ soái trường thơ “Tân con cóc” Nguyễn Quang Thiều lên mạng bênh Phan Huyền Thư, lên án Hội nhà văn Hà Nội thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư là sai vì bà này có nhận mình đạo thơ đâu.
Nếu cứ viết phi thơ, viết phứa, viết dễ dãi tào lao chi khươn như Phan Huyền Thư như theo bút pháp “sẹo” trên thì bất cứ ai không cứ kẻ viết bài này, mỗi ngày cũng có thể cho ra hai mươi tập thơ được giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội. Trần Mạnh Hảo xin phóng bút, té nước theo mưa “ Sẹo độc lập” mưa thơ rằng :
“MỦ YÊU” : em/ li dị / tôi / khiến trái / tim tôi / mưng mủ / mủ / yêu / em tội /ác / quân / giết người / có tên / là trinh nữ / quái thai / ơi / từ mủ / yêu / tôi /cô / đơn dứt khoát / thành trần / mạnh / hảo ngọt / mủ / ơi…
Xem ra “Mủ yêu” có cơ hay hơn “ Sẹo độc lập” mất !
Nhìn bìa tập thơ “Sẹo độc lập” đủ biết Phan Huyền Thư không hiểu bản chất thi ca, chưa rành tiếng Việt khi bà Thư chua dưới tên tập thơ dòng chữ : “ Một tập thơ viết để trò truyện với những người bạn”…Xưa nay thơ vốn là lời tâm tình của tác giả với độc giả, là nơi người viết tìm tri âm tri kỷ” sao còn thừa lời trên bìa sách thế này. Giống như chị bán cá ngoài chợ phải viết trên sạp cá của mình rằng đây là cá vì sợ người đi chợ nhầm là con chim hay sao ? Vả, nó là “một tập thơ” dĩ nhiên rồi, có phải hai hay ba tập đâu mà thừa lời rằng “ sẹo độc lập” là một tập thơ, không phải hai tập đâu nhá …
Lại nói tí tẹo về bài “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư : nghĩa là khi bà Thư sinh ra bà bị cắt cuống rốn tạo thành cái sẹo để độc lập với bà cụ Thanh Hoa đã sinh ra bà. Lượng thông tin của thơ này chỉ có thế. Thơ bản chất là ngôn ngữ hình ảnh, hình tượng, là ngôn từ bề sâu, hàm xúc, ngôn từ biểu tượng, hồn nhiên nhưng ngầm chứa triết học. Cái “sẹo” cắt rốn kia sao đã có thể làm đứa con “độc lập” với bà mẹ được. Về nghĩa đen đã sai ( xin lỗi, thơ Phan Huyền Thư không có nghĩa bóng)…Đứa trẻ sinh ra cho tới chết cũng không thể độc lập khi nó còn phụ thuộc vào sữa mẹ, mũi nó phụ thuộc từng giây vào dưỡng khí là bà mẹ bầu trời…Con người là một sinh vật phụ thuộc vào muôn thứ khách quan…Chỉ một vết cắt rốn mà đứa trẻ độc lập được thì độc lập ơi ta chào mi, vì mi chẳng có thật trên đời…
Phan Huyền Thư, kẻ vắt mũi chưa sạch trong thi ca, lẽ nào dám chê bai nền thi ca dân tộc với những đại thi hào như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, với những thi hào như Ôn Như hầu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Đoàn Thị Điểm, Tản Đà, Hàn Mặc tử, Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…lại dám viết những lời phỉ phui, rẻ rúng chê bai nền thi ca dân tộc thế này :
“ Trăm năm quốc ngữ / hay cả ngàn năm Hán Nôm / không tìm ra câu thơ nào viết đủ / cho khổ đau và cay đắng / khi tôi hiểu ra một danh tính : thi nhân…” (trang 25)
Một Lê Đạt mà Phan Huyền Thư coi là thầy, hay nhắc đến ông trong “Sẹo độc lập” cũng có nhiều câu thơ hay, rất “khổ đau và cay đắng”, lẽ nào bà Thư chưa đọc ông này với hai câu thơ thôi : “ Cột đèn rớm điện” và : “ Mẹ già ta ngơ ngác ? Lưng còng đau gậy tre” ?
Cho hay kẻ hậu sinh quen dùng thước vũng trâu đằm đo biển cả cha ông do thiếu học vấn, thiếu tâm hồn thi ca mới dám gần chùa gọi bụt bằng mày tao như thế ?
Thơ Phan Huyền Thư trong “ Sẹo độc lập” không chỉ dễ dãi, nhạt nhẽo mà rất đại ngôn, triết lý vớ vẩn :
“để giới hạn an toàn trong giới hạn / bằng chân lý : bất động / sự bất động của nghệ thuật /là tượng đài hình chiếc cột /đợi tương lai thi hành án / tử hình” ( trang 31 bài “Giới hạn”)
Triết lý dởm này là thế nào hả giời ? Ôi, có thứ chân lý bất động à giời ? Dân gian định nghĩa “ chân lý là cái lý có chân” mà…Chân lý là cái bọn đến gần nó thì nó biến mất, nó sợ thi ca vớ vẩn hành hạ nên chạy mất dép, chỉ có thứ chân lý “ngu tín” mới bất động mà thôi ! Làm sao bà Thư lại bắt nghệ thuật phải tử hình ? Chính vì vậy, nghệ thuật nó sợ vãi mà không dám ở lại cùng thơ Phan Huyền Thư chăng ?
Trong bài “ Chuyến bay” trang 32 : gửi hộp đen báo bão Phan Hoàng ( hèn gì Phan Hoàng bênh bà Thư không đạo thơ đâu), nhiều câu triết lý kinh hãi đến mất ngáp :
“Biết trước những ánh mắt tiễn đưa / Nhọn hoắt màu hả dạ. Một rừng cọc gỗ / Bạch Đằng giang bịt sắt / hoen gỉ đâm vào sự bình thản / Cái mũ của người đội nó / không che được thái độ của họ…”
“Nhọn hoắt màu hả dạ” là sao giời ? Chả lẽ chiều nay tôi ăn canh rau mùng tơi nấu cua hả dạ quá, thì cái hả dạ này cũng nhọn hoắt hay sao ? Chị kia yêu chồng đêm qua sướng lắm, hả dạ lắm chắc cũng do cái nhọn hoắt đâm vào màu hả dạ than ôi ! Hả dạ ơi hả dạ, thi ca kiểu này làm tôi khiếp, bố bảo không dám hả dạ nữa, thơ ơi !
Đọc đến đây, kẻ viết bài này hãi quá, sao lại : “hoan gỉ đâm vào sự bình thản” ? Than ôi, ta chào sự bình thản vì ngươi đã bị sự hoen gỉ xuyên thấu tim …Ai hoen gỉ hay thi ca “ tân con cóc” làm hoen rỉ cả nền thơ ?
Bà Thư chưa tha người đọc khi nổi cơn tam bành triết lý mà đi nói xấu cái mũ thế này thì ai dám đội mũ nữa : “ Cái mũ của người đội nó / Không che nổi thái độ của họ”…Phải chăng cái mũ và người đội nó là hai việc khác nhau, cớ sao đưa thái độ vào để ghét mũ thế này ?
Thơ với chả thẩn !
Những triết lý vớ vẩn như thế này tràn ngập trong “ Sẹo độc lập” :
“ Khóc / chỉ là bài tiết của dục vọng” ( trang 139)
Thơ thẩn như thế, ai cấm lớp trẻ học theo thứ triết lý kinh dị này khi viết :
“ Cười / chỉ là nôn mửa của khoái lạc” hay : “ mếu / chỉ là trung tiện của đớn đau” ?
Viết đến đây, gần như tôi đã bị tẩu hỏa nhập ma vì thứ thơ tào lao tầm phào của Phan Huyền Thư làm choáng váng ? Tôi bắt đầu nghi ngờ mình không biết cách đọc thứ thư “lỗ thủng” này :
“ Kể từ đó . Mọi người thậm chí có thể /làm tình với nhau qua lỗ thủng là tôi” ( Sẹo độc lập trang 45)
Vậy kính xin các nhà văn nhà thơ trong ban giám khảo giải thưởng văn học hội nhà văn Hà Nội lên tiếng để chỉ giáo cho tôi thẩm được thứ thơ xưng là “tôi – lỗ thủng” đang mời mọi người đến làm tình này. Amen !
Sài Gòn ngày 21-10-2015
T.M.H.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

BỊP NHƯ VẬY MỚI ĐÁNG BIP - PHIẾM ĐÀM CỦA TRẦN BẢO ĐỊNH


Ông ta người làng Mỹ Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Học xong lớp ba, nghỉ học phụ mạ lo kiếm miếng ăn từng bữa. Hồi ấy, bà con trong làng ai cũng thích ông. Nhất là, cái giọng đọc truyện tàu mang theo biểu cảm như đào kép đang diễn tuồng tích. Mỗi đêm, mấy bà sồn sồn tụ ở nhà mạ ông, nằm nghe ông đọc truyện:Khi thì, Tiết Nhơn Qúy chinh đông; lúc thì Tiết Nhơn Qúy chinh Tây...Cứ vậy, ngày nầy tháng nọ, bất kể những đêm mưa dầm gió bấc. Cả làng ghiền truyện tàu, ông ngày càng có giá. Nghe đọc truyện là, thú tiêu khiển của dân nghèo nhà quê sau một ngày làm lụn vất vả.
Mạ ông khéo đẻ ra ông, thời gian thúc ông nhổ giò trổ mả. Cao một thước bảy mươi tám, vai u thịt bắp, chắc nuội. Trông mà bắt ham. Mắt to, lòng trắng đen rõ ràng, đôi mắt như lúc nào cũng cười luyến lái. Mấy bà bạn mạ thường đùa, cái thằng nhỏ nầy mai sau mần chết gái(?). Nhân trung rộng mở, gò má đầy nhưng thiếu đặn, mũi dài giống dọc dừa, lông mày rậm, giữa hai lông mày được gọi là ấn đường no vung sẽ có quý nhơn giúp đỡ, ước vọng dễ đạt thành. Môi mỏng, cằm hơi dài khiến người đối diện vừa muốn tránh mà chưn thì lui bước chẳng đành.
Tôi phải viết dong dài về ông vì, đúng như người xưa dạy:Nhìn mặt mà bắt hình dong. Những sắc diện bên ngoài của ông, nó ứng gần như giống cuộc đời ông sau nầy. Lâu dần, ông có tiếng trong làng:Người thuộc làu làu truyện tàu và có giọng đọc đầy uy lực ma mị. Ông nhập tâm truyện tàu, điều suy nghĩ trong đầu ông có khác chi điều suy nghĩ của những kẻ nổi danh ''thuyết khách'' Ngô Khởi, Quản Trọng, Trương Nghi, Tô Tân...kể cả Chung Ly Vô Diệm nữ thuyết khách đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa-có thể nói, không sợ sai-cũng là, nữ thuyết khách đầu tiên của thế giới. Ông luôn nghĩ mình là thuyết khách và nuôi tham vọng tước bá, tước vương. Tham vọng lớn dần theo số tuổi đời của ông.
Khi ông bước vào tuổi mười chín, đôi mươi; người ta thấy ông khi ôm cuốn tự điển Larousse, lúc cặp nách quyển La Naussé của Jean-Paul Sartre ...trà trộn ở giảng đường Đại Học Văn Khoa, Huế. Sau nầy, dân Huế mới té ngữa ra rằng, ông mần mật vụ của Cố Cẩn(1)theo dõi phong trào học sinh-sinh viên Huế.
Tháng 3 năm 1963, tình hình chính trị Triều Ngô rối như canh hẹ và có thề, đi vào ngõ cụt. Cố Cẩn muốn giúp anh mình, nên chọn và giới thiệu ông vào Sài Gòn do Nguyễn Tư Thái tự Thái Đen (Trưởng đoàn công tác đặc biệt) dẫn vào trình diện Tổng thống Diệm. Dưới mắt Cố Cẩn, ông là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Tổng Thống Diệm tin Cố Cẩn và vì, xuất thân Nhà Nho am hiểu truyện tàu nên mê miệng lưỡi kiểu ''thuyết khách tàu'' của ông. Cố vấn Nhu thì ngược lại, nửa tin nửa ngờ. Ông đâu biết rằng, ông đụng phải hòn đá tảng Tây học-tốt nghiệp Cử Nhân Cổ Ngữ, loại xuất sắc- sử dụng tiếng Tây giỏi hơn tiếng mạ đẻ. Một tay tham vọng, một lý thuyết gia ''Cần lao nhân vị'', một trụ cột ''bất khả ly'' của nền Đệ nhất Cộng Hòa...Một cuộc đối đầu ''trí khôn'' giữa Đông và Tây vô tình diễn ra. Tàu và Pháp, ai đè bẹp ai?
Cố vấn Nhu giao ông đi kinh lý 22 tỉnh, thời hạn một tháng, tổng kết báo cáo và hiến kế sách ''Chương trình bình định hóa nông thôn''(2). Mặt khác, Cố vấn Nhu cho người giám sát chặt chẽ ông. Hình tướng bề ngoài không lấp liếm nổi cái thực bên trong, bất quá giỏi lắm là lừa được gái tơ hoặc gái góa, chớ không thể che giấu nổi cặp mắt ''trí thức'' của Cố vấn Nhu. Ông đi kinh lý các tỉnh cùng đoàn tùy tùng chưa tới mười ngày, uống chưa được 20 chai Hennessy XO thì, bị Cố vấn Nhu triệu về bắt giam. Đó là, buổi trưa định mệnh 27.5.1963. Qủy kế của các ''thuyết khách tàu'' bị đè bẹp dưới gót giày ''trí thức Tây''(!?)
*
Trời cứu ông hay ông quá may mắn?Có lẽ, chỉ có Phật, có Chúa mới rõ. Anh em Tổng Thống Diệm và Cố vấn Nhu bị trói thúc ké, bị bắn và bị đâm nhiều nhát dao hận thù, nằm chết co quắp trong lòng xe Thiết vận xa, máu loang ướt cả mặt sàn.
Ông nhếch mép cười, ung dung bước ra khỏi khám đường Chí Hòa trưa ngày 1.11.1963. Buổi chiều cùng ngày, ông trở thành ''chính khách'' chống triều đại Nhà Ngô; những ngày ngồi tù Chí Hòa do ''bịp'' Cố vấn Nhu, giờ là số má ''thành tích'' đương nhiên không tranh cãi! Sáng ngày 2.11.1963, ông ''gài độ''(xin lỗi, có thù lao không thì chẳng biết) nhà báo N. phỏng vấn ông. Tiếng tăm ''người Phật tử kiên cường chống nhà Ngô bị giam cầm.Nếu đảo chánh trễ, ông bị Nhu thủ tiêu(?)''bay chạm vào màn nhĩ người hùng Dương Văn Minh. Đại tướng Minh nhờ thầy H. tìm giúp người vừa trả lời phỏng vấn trên báo T,C sáng nay. Thầy H gặp ông trao đổi, ông bịp rằng:Sẽ gặp Đại tướng sau, giờ còn bao việc phải làm ''nhổ cỏ phải nhổ tận gốc!'', kinh điển tàu đã dạy như vậy. Tôi đương đôn đốc anh em giật sập tượng ''Rồng cái và rồng con''(3)đội lớp Hai Bà Trưng ở công trường Mê Linh. Báo chí Phương Tây và trong nước đua nhau chụp ảnh, viết tin ''hào khí Sai Gòn''lật đổ gia điình trị họ Ngô. Chỗ nào, ông cũng tranh thủ đưa ''cái mặt đẹp trai như tài tử xi-nê'' ra trước ống kính.
Thầy H. trình nội dung trao đổi với ông cho Đại tướng Minh nghe. Và, không quên nhấn mạnh câu:''Nhổ cỏ phải nhộ tận gốc!'' Đại tướng Minh nghe thầy H. trình xong cho lui. Một mình trong căn phòng rộng thênh thang ở Bộ Tổng, Đại tướng Minh chấp hai tay sau đít, đi tới đi lui, đầu cúi xuống như người nhà quê thường nói ''lượm bạc cắc'', miệng tủm tỉm cười đắc ý: Sao lòng nó nghĩ giống ta thế? Rồi, Đại tướng lẩm nhẩm:''Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc!''.Trời giúp ta gặp hiền nhân!
*
Ông ngồi rung đùi, nhịp giò, tay vuốt mấy sợi ''lông tài''mọc trên cái nốt ruồi càm trái. Đại tướng Minh chính thức nhận ông là con nuôi và, còn sáu ngày nữa, Đại tướng đứng ra làm chủ lễ cưới vợ cho ông. ''Trời ơi, đời tôi sao mà đã quá!'' Vợ ông, Dược sĩ L.M đã ''một thời vang bóng'' hoa khôi trường Dược Sài Gòn. Tội nghiệp Thẩm phán LĐK yêu Dược sĩ L.M gần phát điên, đành ngậm ngùi nhìn người yêu bước lên xe hoa với ''người con nuôi Đại tướng''.
Lễ cưới do Đại tướng chủ hôn, đủ mặt bá quan văn võ của Sài Gòn thời đó. Đúng là, ''tài phấn thổ, số tựa thiên kim''. Số thắng tài, xưa nay đầy rẩy trong sử sách kể cả đời thường. Nhiều đêm ông ngồi uống rượu một mình, chiêm nghiệm theo kiểu Ngô Khởi chiêm nghiệm sau khi cắt đầu vợ tạo niềm tin đối với Chúa công: Đại tướng Minh tin ta vì, thần cốt con người Đại tướng là võ biền, chơn chất chớ, gặp tay trí thức ham đọc sách hơn ham ôm vợ, chắc là ông đã đi bán muối.
Thương cánh hoa tràn hương, đầy sắc lấy phải ''thằng chồng'' vừa dốt, vừa nát học đến lớp ba trường làng thì dứt. Được cái mả, được cái giường chiếu hì hục như trâu...Nỗi chán chường và sự lạnh cảm kéo lê thê trong tâm hồn người nữ trí thức...cho đến khi bà nở nhụy khai hoa, đứa con gái đầu lòng ra đời tên ĐP...thì, người cha nuôi của chồng cũng vừa bị Hội Đồng Quân Nhân đuổi đi làm Đại Sứ lưu vong.
Bà buộc ông ra tòa ly dị, ông ràng bà không được tố cáo đời tư của ông. Cả hai đồng thuận ký giao kèo. Chia tay!
*
Bịp trong truyện tàu chỉ bịp được kẻ nào ''nhắm mắt nhắm mũi, cả tin'' và tâm bệnh mê tín. Công bằng mà nói, chẳng cha nội nào ''nhắm mắt nhắm mũi, cả tin''đâu. Bởi, cùng một lò ra. Có điều, sách tàu truyện tàu đều dạy kẻ đi ''thuyết khách'' phải điêu luyện: đút lót (hối lộ) và gái gú (mỹ nhân kế). Không điêu luyện sử dụng hai món tuyệt chiêu đó thì, ở nhà nấu cơm cho vợ tốt hơn là đi ''thuyết khách''. Nói huỵch toẹt, ''thuyết khách'' chính là Bịp!
Lúc mang danh con nuôi Đại tướng, ông lăn xăn đón chính khách nầy, tôn giáo nọ; giúp thăng quan tiến chức một số '' tướng tá cơ hội''. Kết quả thế nào không biết, nhưng phần đông thấy mình chịu ơn với ông. Trong số nầy, có Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Sư trưởng Sư 5 BB đóng ở Lai Khê.
Nghe tướng tá Sài Gòn xì xào, Đại tá Thiệu chần chờ tới giờ thứ 25 mới gật đầu tham gia mần thịt nền Đệ nhất Cộng hòa! Vì sợ Đại tướng nghi ngờ, Đại tá Thiệu đích thân đến diện kiến ông tại tư gia. Cả hai đều ghiền chuyện tàu, mê đàm luận binh thư Tôn Tử...và giống nhau đa nghi. Chỉ khác nhau, Đại tá Thiệu ''mê tín'' dù bản thân ''đạo theo'', còn ông thì không.
Kể từ lần gặp đó, hai tháng sau Đại tá Thiệu mang lon Thiếu tướng. Mỗi lần chạm mặt nhau, ông cười cười và bắt tay Thiếu tướng Thiệu. Hẳn là nhờ ông, Thiếu tướng Thiệu nghĩ vậy.
Sài Gòn sau 1.11.1963, như cái rọ nhốt ''anh hùng hào kiệt tranh bá đồ vương trên đỉnh núi Quyền lực''. Đã xảy ra 10 cuộc ''thư hùng'', 4 đời Chính phủ dân sự(4) từ khi Tổng Thống Diệm và bào đệ Nhu chết. Đến ngày 14.6.1965, Chính phủ Phan Huy Quát giải tán; Quân đội thành lập Uỷ Ban lãnh đạo Quốc gia do Trung tướng Thiệu (Lúc ấy, đã dược thăng Trung tướng) và Thiếu tướng Kỳ
lãnh đạo đến hết tháng 9.1967 chuyển sang nền Đệ nhị Cộng hòa và chấm dứt ngày 30.4.1975.
Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu muốn dùng ông làm ngọn cờ lôi kéo nhân sĩ, trí thức Miền Nam về phía mình và có lẽ, trong thâm tâm Thiệu muốn trả cái ơn cũ đối với ông(?). Chủ tịch Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đồng ý và chỉ đạo thành lập Viện Hàn Lâm khoa học Việt Nam, giao ông làm Viện Trưởng (lâm thời).
Từ đó, trong giới trí thức, học giả biết tới ông có 2 bằng Tiến sĩ ở nước ngoài (chẳng biết có không, thiệt giả) và mỗi khi có dịp gặp ông, hầu như tất cả đều cung cúc vâng, dạ:Một thưa giáo sư, hai thưa giáo sư đối với ông, kể cả các ngài Viện Trưởng Viện Đại Học:Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, Cẩn Thơ...
Với con người trình độ học lực lớp ba, học lóm năm ba miếng võ bịp trong chiêu thức ''mưu ma chước quỷ'' truyện tàu mà, xin lỗi, đã ''hô phong hoán vũ'' khiển một rừng đa đề cổ thụ học từ Âu-Mỹ. Chuyện như đùa, có thật mới đau!
Sau ngày hòa bình, có người hỏi ông mần sao ''lấy vải thưa che mắt thánh'' được?Ông cười ngất, rung rinh cái bụng mỡ: Đâu cần tới vải thưa, bởi đâu có mắt thánh. Chỉ có mắt háo danh, xu nịnh, choáng ngợp ánh hào quang, dù đó là thứ hào quang của đồ nhôm dỏm do ánh sáng mặt trời phản chiếu. Hồi nhỏ ba mạ dặn:Dốt dựa cột mà nghe, mình sử dụng có sáng tạo:Ngậm miệng ăn tiền. Mọi việc, biên bản hội nghị có dàn trợ lý, thư ký lo. Mình chỉ mỗi việc ký tên.
Thì ra là vậy!
*
Sự đời, sông có khúc, người có lúc. Ở người, ''hơn nhau chỉ một chữ thời'' bởi, bôn ba không qua thời vận. Nếu ông biết dừng đúng lúc, ông sẽ là ''thần bịp'' hơn ''thần bài''. Cậu Hai Đạo Dừa nghe ''tiếng tăm lừng lẫy'' về ông, song chưa có dịp diện kiến. Cậu Hai cho người đến thỉnh ông đến Cồn Phụng một chuyến để cỡi mở tấm lòng và bàn chuyện ''Quốc gia đại sự: 7 ngày hòa bình, thống nhất đất nước!?''. Nhiều người nghe lạ tai, hỏi cậu Hai mần sao trong 7 ngày giải quyết được hòa bình, thống nhất đất nước?Cậu Hai khịt khịt mũi, mắt ngó xuống sông Tiền nhìn con nước lớn, rồi nói tỉnh rụi:Cứ việc mời Miền Bắc vô bàn giao là xong, có chi khó?.
Nhiều đêm thao thức, đắn đo. Cuối cùng ông quyết định đi cùng Nguyễn Long Châu xuống gặp cậu Hai. Nói vòng vo Tam quốc suốt ngày, đến gần xế, cậu Hai rũ ông đứng chung liên danh ứng cử Tổng Thống nhiệm kỳ 2 (1971-1976) sẽ diễn ra giữa tháng 9. 1971. Ông nói nửa chơi nửa thiệt, nửa cà tửng nửa nghiêm tức: Thưa cậu, chẳng dám giấu gì cậu, tôi giờ trên răng dưới dái, chỉ có ''khối óc chứa bồ kinh luân'' lấy chi hùn với cậu ra tranh cử?
Cậu Hai phe phẩy phất trần, cười cái miệng móm sọm: Việc ký quỹ 1.000.000 đ (một triệu đồng) tại Tối cao pháp viện(5), việc tìm 40 chữ ký của Dân biểu hoặc Nghị sĩ và 100 chữ ký ủng hộ của các nghị viên Hội đồng tỉnh Cậu lo.
Ông ậm ừ, nhớ câu ''ngậm miệng ăn tiền''. Bởi, ông hiểu tâm địa hơn ai hết, Thiệu ra đòn hư, bày trò chơi dân chủ, chớ đòn thiệt là độc diễn. Dùng những điều kiện ngặt để bắt bí đối thủ. Nguyễn Cao Kỳ còn bỏ chạy, thử hỏi ai ''ba đầu sáu tay'' mà dám đương đầu? Ông rùng mình, khi nghĩ đến cảnh Thiệu thịt ''thằng bạn'' Đại tá hai lần làm Tỉnh trưởng Tỉnh Kiến Hòa, một lần làm Thị Trưởng Đà Nẵng. Có ''Bảo quốc huân chương'' thế mạng và là, Tổng Thư ký Hạ Nghị Viện Trần Ngọc Châu. Ông là cái quái gì, bảo Thiệu nương tay khi theo Đạo Dừa ra tranh cử với Thiệu.
Biết bọn mật vụ Thiệu theo dõi chuyến đi Cồn Phụng, ông chơi bài ''đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn''. Ông xin gặp riêng Thiệu để tường trình, Thiệu im lặng. Sợ quá, ông lặng mất tăm.
*
Dòng đời nghiệt ngã, chỉ có cái chết là bình đẳng nhau. Mạng không giữ được thì, thế gian có cái chi ta giữ được? Tôi viết câu chuyện về ông, bằng những nét chấm phá như tranh thủy mạc của tàu, không nhằm bêu rếu hay có ý thất kính với ông mà, xin thưa ông, nó như là bài học cảnh giác ''Bịp''. Cố nhiên, mỗi thời mỗi khác, chẳng có cái bịp nào giống cái bịp nào. Chuyện cá nhân là vậy, chuyện nhân quần xã hội còn ghê gớm hơn.
Nghe những người cao niên trạc thời ông nói lại, mấy mươi năm nay ông ''ngậm miêng'' không phải để ''ăn tiền''. Ngậm miệng để giấu tông tích, để quên cái thời nông nổi của kẻ bắt chước mưu kế, thủ đoạn của ''thuyết khách tàu''. Ông chơi với chó, rồi bán chó ở miệt Chợ Lớn, như là bán sự trung thành cho thiên hạ, phải không ông?
Tôi không đành viết rõ họ tên ông. Bởi, dẫu gì ông cũng là một con người. Với tôi, bịp như vậy mới đáng bịp!
Thảng như, bạn nào muốn rõ về ông, xin gặp Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo. Hẳn ông, không thể nào quên người ''bạn nhỏ'' đồng hương, Thảo Huế!
TRÀN BẢO ĐỊNH
(1)Ngô Đình Cẩn
(2)Giai đoạn 3(1961-1963) đòn bẩy cho ''Quốc sách Ấp chiến lược''
(3) Bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy.
(4)Chính Phủ dân sự sau cuộc đảo chánh 1.11.1963:
a/ Nguyễn Ngọc Thơ (11.1963-1.1964)
b/ Nguyễn Khánh (1.1964-10.1964)
c/ Trần Văn Hương (10. 1964-1.1965)
d/ Phan Huy Quát (2.1965-6.1965)
(5)Vàng(ròng)thời đểm đó, 7 ngàn đồng 1 lượng.

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Ừ THÌ THÔI ...- HOÀNG THỊ THIỀU ANH


Ừ thì thôi, anh đi...
 Bỏ lại sau lưng bao niềm thương nỗi nhớ. 
Có bao giờ là muôn thuở? 
Tự nghìn trùng níu giữ những nghìn sau? 
Ừ thì thôi, ta không còn của nhau...
 Quá khứ đôi khi chỉ là mảng ký ức nhàu cũ.
 Kỷ niệm hôm qua bỗng dưng ùa về trong ủ rũ
 Lắng xuống đời bất chợt, sóng gió cũng chênh vênh!
 Ừ thì thôi...ta không thể ở bên
 Bởi mệnh trời ko cho mình duyên cớ! 
Có chia ly có khổ đau hay cách trở 
Cũng chỉ vì ....tình ta quá đậm sâu! 
( Thơ của những ngày xưa rất xưa....)

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

HÀ NỘI, NHỮNG NGÀY KHÓ QUÊN - TẠP BÚT TRẦN DZẠ LỮ


Có 3 “động lực “ khi nghe  những bài hát: Hà Nội Phố của Phú Quang ( phổ thơ Phan Vũ  ) Hà Nội Mùa Thu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội của Trần Quang Lộc phổ thơ Tô Như Châu để tôi luôn náo nức về miền
đất ngàn năm văn vật ấy.Phải làm một chuyến Bắc du.Tôi và Người Dưng thống nhất như thế.Khi mua vé của VietJet, Người Dưng khoe với cô em gái chợ Đào.
Cô ấy kêu  mua dùm vé để hai vợ chồng đi cùng chuyến.Trước ngày bay, trời SG mưa như trút.Em gái chợ Đào lo lắng:” Người Dưng ơi! Nghe Hà Nôi mưa to những  ngày mình sắp ra.”Sự lo lắng của KM kéo theo Người Dưng nên nàng phập phồng không ngủ được.Tôi cũng lo nhưng cố trấn an hai người:”Không răng mô ! “
 Sự háo hức lấn lướt  nên chúng tôi bình tâm…
15.9.2015
Qua đêm, trời SG hửng nắng.Vậy là trời thương chúng tôi.Chuyến bay VJ  152 dự kiến cất cánh tại phi trường TSN lúc 10 giờ 30 nhưng chúng tôi phải  chờ đến 11 giờ 30 mới thực sự bắt đầu.
Lên máy bay rồi vợ chồng em gái chợ Đào mới yên tâm.Người Dưng thì khoái nhìn mây trắng la đà.Qua cửa kính, chỉ thấy toàn mây và mây.Những lọn mây tuyệt đẹp như hôn phối với trời xanh..Hèn gì ngày xưa tôi mê đọc cuốn đời Phi Công của Toàn Phong…Tiếc là mình không cao ráo để trở thành một phi công thứ thiệt như ước mơ.Nhìn những chàng trai cô gái tiếp viên hiện hữu.Tôi nghĩ: Máy bay chính là
 Nhà bởi thời gian ở trên không nhiều hơn là mặt đất.Hai giờ bay rồi cũng trôi qua,phi trường Nội Bài hiện ra rõ mồn một.Tôi rưng rưng vì sắp chạm vào Hà Nội như chạm vào trái tim tình nhân.Như vướng vít hương Kiều thơm trong tâm tưởng ngày nào…Tôi sắp nhận mặt: Cây Cơm Nguội vàng.Cây Bàng lá đỏ  và đường Cổ Ngư xưa mà tôi từng liên tưởng và thú vị.Xuống máy bay, chúng tôi đã được tài xế của khách Sạn đón về bởi có hợp đồng từ trước nên chẳng ngại ngùng...   Qua  mấy chục cây số đi dọc đê Yên Phụ , hơn 2  giờ chiều chúng tôi nhận phòng, tắm rửa,
, nghỉ ngơi.Hẹn nhau 4 giờ chiều đi bộ ra hồ Hoàn kiếm  cảm nhận chiều đầu thu.
Chính xác hồ Gươm đẹp lạ lùng bởi có tháp rùa và cây ven hồ thả tóc lung linh...Người Dưng chỉ cho tôi xem cây nào là cây Si, cây nào là cây Sấu.Cây nào
là cây Lộc Vừng.Mải  mê chụp ảnh, ghi hình vì vậy chúng tôi đi hết vòng bờ hồ
hồi nào không hay.Qua đền Ngọc Sơn  gặp lúc  không mở cửa đón khách nên chẳng qua được cầu Thê Húc.Nhưng đứng bên này nhìn ngắm không thôi cũng mãn nhãn cái màu đỏ của cầu hất ngược lên trời..Em gái miền Nam cứ trầm trồ mùa thu Hà Nội.Đức ông chồng thì mải mê nghe điện thoại từ công ty để chỉ đạo,sắp
 xếp công việc…thấy mà thương.Cậu ấy hiền khô.Tôi mừng cho em gái KM..Loanh quanh mãi đến 21 giờ chúng tôi lại về lại khách sạn nghỉ đêm.
16.9.2015
Chương trình ngày hôm nay là chúng tôi thuê một chiếc taxi đi hồ Tây và thăm Văn Miếu, chùa Một Cột.Qua hồ Tây mênh mông.Ghé chùa Trấn Quốc,Người Dưng và em gái chợ Đào tranh nhau chụp ảnh.Tôi và em trai lặng lẽ quan sát từng ni tấc của phủ Tây Hồ.Đúng là Hà Nội có nhiều hồ trong phố.Nhiều cây xanh ven đường nên
phố rất hữu tình.Sự bon chen, tranh sống không lộ diện như SG.Quê gốc Người Dưng là Hà Đông, lại là phật tử thuần thành nên nàng rất thành thục và nghiêm túc trong việc chiêm bái chùa chiền.
Đi vòng hết hồ Tây, chùa Trấn Quốc chúng tôi ghé thăm chùa Một Cột.Nghe danh này hơn nửa thế kỷ giờ tôi mới tận” mục sở thị’ Khách du lịch ngoại quốc và ngườii trong nước  tham quan, lễ bái rất đông.Chùa chỉ một cột ,nho nhỏ nhưng nét đan
thanh thật lạ lùng.Bao quanh chùa là hồ nước long lanh.Những  cây Bàng , cây Sấu chính là tàn lọng  nên thơ nhất cho bóng mát quanh năm.
    Rời chùa Một Cột , chúng tôi ghé  qua Văn Miếu-Quốc Tử Giám.Bạn bè thường kháo nhau đi Hà nội mà không qua Văn Miếu,không ghé Hạ Long, chưa về Bắc Ninh là một thiếu sót không nhỏ. Chỉ mấy mươi phút di chuyển là xe đã đỗ trước Văn Miếu.Ước lượng khoáng mấy mẫu Tây.Khu Văn Miếu ngói nâu rêu phong .Nơi đây ngày xưa các sĩ tử đi thi, đỗ Trạng là đây. Lòng chúng tôi tự dưng nghe bồi hồi mà nhớ câu thơ của Nguyễn Đình Liên:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ? “
Nhìn bia đá nơi đây, tôi nghĩ sĩ tử vẫn quanh quất đấy thôi.Vào đền thờ đức Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử… tôi vái lạy.
Chính nhờ triết thuyết của các ngài mà lớp người như thế hệ chúng tôi biết nhân, biết đức, biết trước biết sau là vậy.Đối nhân xử thế bằng sự chân thành, hiếu nghĩa, không ngoa ngôn, độc ác..
Tôi thật xúc động khi ngắm nhìn vẻ cổ kính của  Văn Miếu. Người Dưng nói nhỏ bên tai tôi:” Trước đây người ta còn cho sờ đầu Rùa  vào mỗi mùa thi nữa đó” Tôi nói với nàng:” Vào đây mình chỉ nên nhìn bằng mắt và hồn chứ không nên động tay động chân”. Nàng nói :”Em kể cho vui vậy thôi.Chứ  không nên thế là đúng rồi!”
Sau khi tham quan,chúng tôi mua một ít đồ lưu niệm.Mười hai giờ trưa, taxi lại đưa chúng tôi đến một quán ăn ngon nhất Thủ Đô.Nói là ngon nhất nhưng khi ẩm thực  tôi thấy cũng khá thôi  chứ không phải câu:”Danh bất hư truyền.” Buổi chiều , sau giấc ngủ ngắn, chúng tôi lại lang thang tìm quán ăn trên phố cổ. Phở gà ở đường Lương Văn  Can thật đúng hương vị xứ Bắc với nước dùng đặc trưng....
Phố Cổ ở đây với những con đường ngăn ngắn nối liền nhau với biết bao khúc cua, quẹo phải trái, chỉ cần đi vài chục mét là có thể qua một con phố khác.Chúng tôi cùng nhau tìm kiếm thêm hương vị một món đặc sản ngoài này, đó là món chả cá Lã Vọng nổi tiếng và phở gà ở đường Lương Văn Can…..Xâm xẩm tối, lại rủ nhau thong thả ra bờ hồ, ghé cà phê Lục Thủy nhâm nhi cà phê.Quán cà phê này thuộc hạng sang và nằm bên hồ Hoàn Kiếm nên khách cũng khá đông. Ngồi đây sực nhớ NLC ra dự  ngày Lục Bát.Com nên tôi gọi.Hơn 30 phút sau  C đi taxi tới.Thế là” Tha hương ngộ cố tri” .Chuyệnđời, chuyện văn thơ chúng tôi “xả” rôm rả.Tôi hỏi: C ra HN nhiều lần chưa. C trả lời:" trước đây em ra HN như đi chợ vì cơ quan chủ quản ngoài này.'
Hết chầu cà phê tôi kêu :Tính Tiền,Cô bé phục vụ ngớ ra.Người  Dưng liếng thoắng: Chắc họ xài từ khác, không như SG. Khi hiểu ra, cô bé cười thú vị:'Chú kêu là thanh toán cháu mới hiểu.'Thì ra là thanh toán.Tôi nghe như từ giang hồ  xử nhau mà “ớn lạnh”. Nhớ hồi chiều cậu taxi cũng dùng từ lạ tai: "vất” lắm.Vất là vất vã mà ngoài này bỏ bớt chữ vã.
 Chia tay C, chúng tôi hỏi đường ra phố Bàng Bông.C nói cứ đi dọc Lý Thái Tổ rẽ trái là gặp Hàng Bông.Đi” mút chỉ cà tha” vẫn chưa hết phố Hàng Bông.Thì ra con đường này dài nhất phố cổ.Hàng Bông nhưng nào thấy bông đâu..Đi mỏi mòn lại gặp Phố có tên Cấm Chỉ.Nghe đâu ,ngày xưa có một vị tể tướng ra đây ăn uống, đụng phải thức ăn ngộ độc nên  Cấm Chỉ.Từ đó có tên Cấm Chỉ. Phố Cấm chỉ bây giờ cũng là phố cơ man hàng quán ăn uống.Chắc là phố dành cho Tây Ba Lô và dân ăn nhậu.Lơ ngơ quay về ks nhìn đồng hồ thì gần 22 giờ đêm...
17.9.2015
Ngày thứ 3 của hành trình Bắc du, chúng tôi lại thuê bao một taxi đi thăm làng lụa Vạn Phước( Hà Đông cũ ) và gốm sứ Bát Tràng.Xe đi dọc con đê sông Hồng dài
mút mắt. Đê sông Hồng là con đê mới nên không có dáng vẻ cổ kính rêu phong như đê Yên Phụ.Ngót nghét gần 2 tiếng đồng  chúng tôi đến làng lụa Hà Đông. Cổng chào có tên Vạn Phước.Tản bộ vào làng, tôi chợt nhớ bài thơ Áo Lụa Hà Đông của thi sĩ Nguyên Sa:
Nắng SaiGon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…
Bài thơ được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc rất hồn vía.Trong lúc tôi đang thả hồn vào cõi mênh mang của thơ nhạc thì  em gái chợ Đào và Ngươi Dưng a vào làng như một cơn gió.Họ lia máy hình và đi tìm lụa.Làng lụa Vạn Phước không bao
bao la như  mình tưởng tượng.Nó nhỏ  nhoi bởi những dọc dài bán quần áo, khăn
choàng bằng lụa đủ loại từ mỏng tới dày, dài, ngắn...Đi hết mấy vòng, em gái chợ Đào mua được 3 bộ bà ba bằng lụa thêu hoa văn màu nâu sẩm.Em ấy vận vào người hí hửng , tươi mươi như trẻ thơ mới được mẹ cho quà.
Còn Người Dưng cũng sắm được 2 áo sơ mi  hoa văn màu trắng và màu nâu đen cùng 2 chiếc khăn quàng duyên dáng. Ở làng lụa hơn một tiếng đồng hồ thì chúng tôi từ giã để qua làng gốm sứ Bát Tràng. Cũng vẫn là làng nho nhỏ xinh xinh, người  ta tiếp tục nghề truyền thống của bao đời nay. Thời gian chính là thủ phạm làm thay đổi con người. Làng nghề này không  qui mô như gốm sứ ở Bình Dương. Tại đây, chúng tôi gặp một cơn mưa lớn .Nước lênh láng  ngập những gian hàng bán gốm sứ...vợ chồng em gái chợ Đào mất tăm….Tôi và Người Dưng cùng nhau đứng trú mưa hơn nửa tiếng đồng hồ.Sau đó tôi liên lạc bằng điện thoại  mới gặp lại vợ chồng KM. Em ấy ôm một mớ gốm sứ lỉnh kỉnh cười tươi. đắc ý.Chào gốm sứ Bát Tràng, chiếc taxi chở
 chúng tôi quay lại phố cổ quá trưa. Bụng đói, may nhờ tài xế là người địa phương rất hiểu ý khách,  đưa chúng tôi vào quán cơm có tên Mỹ Hải.
.Vào quán Mỹ Hải ăn những món ăn không có gì gọi là cao lương mỹ vị. Chỉ là gà luộc, canh cải bẹ xanh nhưng sao thấy ngon lạ ngon lùng. Chắc là ở đây nấu hợp khẩu vị với Saigon. Nhất là cơm trắng có mùi thơm lá dứa, lại không nhão, không khô .Nhất định lần sau ra  HN phải kiếm quán cơm này...
    Buổi tối, sau khi cơm nước xong,chúng tôi kêu 2 chiếc xích lô để đi dạo 36 phố cổ..Xe qua phố Hàng Trống, không có Trống.Tới phố Hàng Rươi chẳng thấy bán Rươi. Rồi phố Hàng Khoai cũng tuyệt không có mặt hàng như phố đã có tên. .Chiếc xích lô đưa chúng tôi thong thả qua phố Hàng Buồm, cũng không hề có mặt hàng này nữa..Tên cũ vẫn còn nhưng bây giờ người ta bán đủ thứ trên trời dưới biển...
Anh xích lô chở tôi và Người Dưng vừa đạp vừa nói về lai lịch những con phố. Xe phía sau vợ chồng KM  bấm máy lia lịa vì lần đầu ra phố cổ.Tới Hàng Bồ,anh xích lô nói vọng: “cô chú ngồi yên trên xe , đưa ipad tớ chụp hình cho.”Tôi tức cười, nếu hai người ngồi trên xe và anh ta bấm máy thì ai giữ thắng xích lô? Người Dưng nhanh nhẩu bước xuống chớp mấy cái liền.Hình ghi rõ tôi ngồi một bên, vẫn chừa chỗ một bên.Ai cũng hiểu hình này là đi một cặp. Đi vòng vòng cũng không sao hết 36 phố.
Ngày xưa ,đọc tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân tả phở Bắc nghe bắt thèm.Nay chúng tôi cũng kiếm được một chỗ  để ăn phở Gà  ngon tuyệt ở phố  Lương Văn Can và chả cá Lã Vọng ở Hàng Cân .Mấy ngày ở ks Hàng Trống , tôi không thể nào quên tiếng leng keng leng keng  thu gom rác( người ta gọi đó là nét văn hóa rác ) và 3 giờ chiều tiếng rao” Tào Phớ” ( tức là đậu hủ chén) của người Tàu già.
18.9.2015
Chương trình dự kiến của ngày hôm qua là tham quan Hạ Long nhưng thấy trời  âm u nên  đành hẹn lại chuyến đi sau.Suốt đêm mưa dầm, chúng tôi không ngủ được vì lo máy bay delay, nhưng may thay trời ngớt mưa. 7 giờ 30 chúng tôi lên xe ra phi trường Nội Bài. Vào làm thủ tục  cũng nghe thông báo  giờ bay chậm hơn giờ dự kiến hơn một tiếng rưỡi.Vậy là đợi như lúc đi ở phi trường Tân Sôn Nhất.11 giờ 45, khi máy bay số hiệu VJ 157  sắp cất cánh thì nghe tin mưa gió đùng đùng ,cây ngả đổ, đường kẹt xe.Hú vía, nếu chúng tôi đi trễ thì không biết thế nào…
    Về Hà Nội chỉ gần 3 ngày thì có thấm tháp gì, ít nhất là một tuần mới “mục sở thị “ được nhiều điều của Thăng Long xưa.Nhưng, 3 ngày ấy cũng ghi dấu trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên.Hà Nội.Hà Nội  ơi! Hẹn tao ngộ cùng người để  ghé Hạ Long  xem hang Sửng Sốt. Về Bắc Ninh nghe  giọng nói ngọt ngào của kiều nhi
 mà“rớt khăn rớt nón”, liêu xiêu tấc lòng…
Trên máy bay, lúc sắp xuống  phi trường TSN, tôi ngheNgười Dưng thì thầm bên tai:

HẸN THÊM LẦN HÀ NỘI
Vì đã hẹn nên em sẽ đến
Phố Hàng Bồ thong thả mưa đêm
Câu Quan Họ...người ơi, người ở...
Bên Hàng Dầu tìm kiếm hài tiên(*)

Chiều Hồ Tây rộng như lòng mắt
Đi một vòng tìm mãi Cổ Ngư
''Ta còn em...mùi hương hoa sữa...''(**)
Thăm thẳm rồi, như chửa vào thu

Vội vã hẹn Hạ Long bát ngát
Sửng Sốt(***)người, hay sửng sốt riêng?
Đêm Cát Bà mơ hồ em thấy
Phố Hàng Mành lay động bên hiên!

Tình chưa vội nên tình thong thả
Như thu chưa nhuộm đỏ lá bàng
Ta cứ hẹn thêm lần Hà Nội
Cùng chiều vàng nhặt dấu thời gian...
T.G

(*)Phố Hàng Dầu, hiện nay chuyên bán giày dép các loại
(**) Nhạc Phú Quang
(***)Động Sửng Sốt, hang động nổi tiếng ở Vịnh Hạ Long

Tôi cũng sửng sốt vì Người Dưng cảm xúc nhanh nhạy và hình thành bài thơ quá hay.
“Cảm ơn em đã cho nghe bài thơ  hay khi hẹn thêm lần Hà Nội’  Vẫn nụ cười kiêu bạc muôn thuở ấy, nàng nói: “Cảm xúc khi về lại quê Cha  đất Tổ mà anh”
Vâng, Hà Nội chỉ ở mấy ngày.Nhưng khi chia tay, lại trùng trùng thương  nhớ

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

MỘNG - VÔ BIÊN

Mộng
Đêm rụng xuống 
Đêm êm êm
Gió qua thềm 
Trang sách củ

Lòng như ngỡ 
Thuở hoa xưa
Hồn đong đưa
Cười vang nắng

Con thuyền trắng
Giấy học trò
Xếp nho nhỏ
Bài tình thơ

Hồn mộng mơ
Miền cổ tich
Đêm từ tịch
Ai ngồi im

Gió qua thềm 
Lay cỏi mộng . .

Cố Quận - một mùa thu xa lắc . 
VB