Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

NGÀY XƯA ĐÃ CHẾT - HOÀNG LỘC

ngày xưa đã chết
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgH-M5XKfBt7yXgLYYnlzoo10cs4FogqChh3q7pXiBJ9JUQVoTR7PEGMOIVNup2SUp_mxE8XvkrCT63sGSCBsg8VISNNFEm8__g5HZt8zSXIDIFMbygYluYrQRSPcoA-svrTrJ57oAZlzI/s400/Bong+hong+1.JPG
ngày xưa mà chết bao giờ
tụng bao kinh vẫn chưa nguôi vong hồn
chết rồi nên cứ hoài thương
ngẩn ngơ cái bóng hồng quần thuở sau

ngày xưa đã chết từ lâu
ngồi nghe không hết những lời tà dương
tình là một chút tàn xương
còn phơi trên nhánh hồn buồn tháng năm

câu thơ làm rối tơ tằm
kéo ra mấy, chỉ đau lòng với nhau
áo em một buổi qua cầu
mà ta cứ phải mây bay một đời

8-2013


hoàng lộc

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

NHẠC SĨ NGUYỄN ÁNH 9 " MỔ XẺ " THANH LAM, ĐÀM VĨNH HƯNG, HÀ HỒ

Với sự am hiểu sâu sắc, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 không ngần ngại ‘mổ xẻ’ các gương mặt đình đám nhất làng nhạc Việt như  Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hà Hồ.



-
 Có thâm niên 60 năm trong nghề, ông đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay?
Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Bây giờ, nhạc để xem nhiều hơn là để nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết làm nghệ thuật. Điều này khiến tôi buồn lắm vì con đường nghệ thuật của mình không có những người chung chí hướng để làm tốt vai trò nghệ sỹ.

So với thế hệ trước như ông, giới ca - nhạc sỹ Việt hiện nay có gì khác biệt đáng nói?

Hồi xưa, người nhạc sỹ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sỹ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác.
Ca sỹ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát.
Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9



Hồi xưa, có những giọng ca còn để tiếng đến bây giờ như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh… nhưng bây giờ những ca sỹ hát giọng tốt đếm trên đầu ngón tay, đã vậy lại bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc.
Tôi nói có lẽ sẽ đụng chạm đến những người học thanh nhạc. Người ca sỹ học thanh nhạc hát phải phát âm cho tròn chữ, và cố gắng đưa giọng mình cho tròn trịa, giọng ngân cao vút… nhưng quá mải lo kỹ thuật nên hát không có cảm xúc!
Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm...

Những ca sỹ được phong hàng diva như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà có bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc?

Thanh Lam, Mỹ Linh giọng hát rất đẹp, cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng kỹ thuật thanh nhạc nên nhiều lúc nhạc cảm không có, tâm hồn bài hát không có. Hồng Nhung hát tốt hơn Mỹ Linh, Mỹ Linh tốt hơn Thanh Lam.
Đơn cử, nghe Thanh Lam hát bài Cô đơn của tôi, tôi buồn lắm! Nó không ra cái cô đơn,không có hồn dù giọng đẹp thiệt! Thanh Lam hát những bài sâu lắng nhiều khi đóng kịch nhiều hơn là hát.
Mà đóng kịch phải như người diễn viên, người ta nhập hồn vào vai diễn đó, ví dụ Kim Cương trong Lá sầu riêng, cô là nhân vật cô gái đau khổ tên Tâm chứ không phải là nghệ sỹ Kim Cương, phải quên Kim Cương đi! Ca sỹ cũng phải hát 'nhập vai' như vậy mới ra ca sỹ.
Trần Thu Hà thì khôn hơn, biết cách lợi dụng kỹ thuật để áp dụng. Nhưng mấy người được như Trần Thu Hà? Người nào cũng phô trương, tôi phải hát giọng cao tới nốt đó tôi mới là ca sỹ, còn hát chưa tới thì chưa phải là ca sỹ. Cái đó là sai lầm tai hại vô cùng và không ai chấp nhận.

Hai nữ ca sỹ đang nổi tiếng nhất trên thị trường hiện nay là Mỹ Tâm và Hồ Ngọc Hà, ông đánh giá tài năng của họ ra sao?

Mỹ Tâm chỉ hát nhạc Pop bình thường thôi, nhưng được cái là sáng sân khấu, xử lý bài hát chính xác. Mỹ Tâm cũng có những ca khúc hát không tới, gặp bài nào hát tới mới hay, như Cây đàn sinh viên, Ước gì...
Mỹ Tâm hát chỉ hợp với tuổi trẻ. Về tính nghệ thuật thì Hồng Nhung, Trần Thu Hà hát xong có để lại ấn tượng, còn Mỹ Tâm chỉ nghe vui mắt, vui tai, nghe qua xong rồi thì thôi, không để lại ấn tượng gì hết.
Mỹ Tâm được cái là may mắn rơi vào đúng thời điểm không có ai cạnh tranh, từ đó nổi tiếng và khi nổi tiếng rồi thì rất khôn khéo đầu tư vào hát, múa, sắc đẹp để giữ vị trí.
Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm
Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm


 Hồ Ngọc Hà hát chỉ nghe chơi thôi! Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm, khều khào không à! Hồ Ngọc Hà đẹp, có vóc dáng sân khấu, chịu khó múa… cái gì cũng đẹp nhưng giọng hát thì lại không được.
Khi diễn tả nội tâm, Hồ Ngọc Hà diễn kịch tính nhưng đóng kịch chứ không thật. Ca sỹ hát phải biến mình thành nhân vật trong ca khúc mới hiểu nỗi đau làm sao. Không lẽ, ngoài đời mình buồn là phải hét, gào thét? Đâu phải vậy!

- Với các giọng ca nam đang nổi tiếng như Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng… ông đánh giá thế nào?

Bằng Kiều cũng giọng tốt như Trần Thu Hà nhưng sau này khoe giọng quá, cố hát lên cao vút để không ai bắt chước được. Thành ra, Bằng Kiều hát bài Buồn ơi chào mi của tôi khiến khán giả ở dưới sững sờ luôn! Tính lại thì hiệu quả sân khấu có nhưng tôi mở băng ra nghe thì phải nghe Tuấn Ngọc hay Xuân Phú, Trọng Bắc hát.
Quang Dũng hát được vài bài của Trịnh Công Sơn chứ không phải là tất cả. Còn Đàm Vĩnh Hưng chỉ được bề nổi vậy thôi, tôi không cho là ca sỹ đúng nghĩa. Tôi chỉ cho Đàm Vĩnh Hưng là một người hát. Đàm Vĩnh Hưng cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu!
Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 không thích Đàm Vĩnh Hưng hát nhạc của ông


Đàm Vĩnh Hưng hát bài Ai đưa em về của tôi, tôi bảo ‘con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm’. Tôi không thích, tôi nói thẳng luôn. Đàm Vĩnh Hưng nói ‘nhưng con thích hát nhạc bố…’, tôi nói ‘nhưng con không nên hát nhạc của bố thì hay hơn’.
Thật ra, giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sỹ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sỹ chính của phòng trà đâu!

Ngoài danh ca Tuấn Ngọc thì những giọng ca nào khiến ông hài lòng nhất?

Giọng nữ thì tôi thích Ngọc Anh, Hồng Nhung, Ánh Tuyết, Trần Thu Hà… Nguyên Thảo nếu tiếp tục hát như ngày xưa thì rất hay. Ngày xưa, Nguyên Thảo hát cho thỏa đam mê còn sau này, bị gò bó vào kỹ thuật như Mỹ Linh để khoe giọng và vô tình giết chết tình cảm.
Vừa rồi làm đĩa than của tôi có 2 bài Nguyên Thảo hát. Cách đây 6 năm, Nguyên Thảo hát Buồn ơi chào mi xuất thần luôn, nhưng giờ Nguyên Thảo để tâm đến kỹ thuật nhiều nên tình cảm không còn, so ra khác hẳn.
Giọng nam thì ngoài Tuấn Ngọc còn có Trọng Bắc, Lê Hiếu… Tuấn Hiệp lúc trước hát tốt, tôi thích nhưng giờ chạy theo hát nhạc vàng bị mất chất.

Nhưng rõ ràng trên thị trường, những giọng ca này không phải nổi tiếng nhất, được khán giả ưu ái nhất. Theo ông vì sao có nghịch lý này?

Nhiều ca sỹ hát hay nhưng chưa nổi được, tại vì bây giờ còn phụ thuộc vào công nghệ lăng xê. Khán giả cũng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh Hàn Quốc nhiều quá, 10 cái clip của Hàn Quốc thì 11 cái có nhảy rồi! Cái đó gọi là âm nhạc giải trí, nghe qua rồi bỏ, khác xa với nghệ thuật.
Tôi thấy giới trẻ bây giờ nghe nhạc vô tội vạ, nghe theo phong trào, chạy theo lai căng ngoại quốc nhiều quá nên không còn bản chất.

Mong có nhiều nghệ sỹ ‘tử tế’ và người nghe ‘tử tế’

Với những đánh giá này, phải chăng gu thưởng thức âm nhạc bây giờ của khán giả quá khác với ông, bởi đơn cử, Đàm Vĩnh Hưng đang được phong là ‘ông hoàng nhạc Việt’?

Không phải! Nếu đem so sánh Tuấn Ngọc với Đàm Vĩnh Hưng, người ta vẫn thích nghe Tuấn Ngọc hát nhiều hơn, đúng không?
Nghe Tuấn Ngọc hát thấy nó khác liền, hát ra là cảm xúc đến với người nghe chứ không phải gắng gượng. Tại vì Tuấn Ngọc đã sống trong bài hát đó, khi hát Tuấn Ngọc để tâm trạng vào bài hát, nói lên tâm trạng của nhiều người. Ví dụ khi mình bị người yêu bỏ, nghe Tuấn Ngọc hát Buồn ơi chào mi, nghe nó đã lắm!
Tuấn Ngọc vẫn là giọng ca số một dù tuổi tác, thời gian làm cho giọng của Tuấn Ngọc không còn được đẹp như ngày xưa nữa, nhưng cái xúc cảm vẫn là Tuấn Ngọc và xúc cảm càng ngày càng sâu hơn.

- Vậy theo ông, thị trường nhạc Việt sẽ đi về đâu?

Đây là vấn đề lớn, cả một thế hệ chứ không phải đơn giản, ăn thua là cách giáo dục của gia đình với con em làm sao. Nếu trong một gia đình chỉ có tối ngày đi kiếm tiền thì tinh thần nghệ thuật của họ chết rồi, bị tiền bạc chi phối hết.
Thành ra, họ cũng không chăm sóc con cái, cứ cho tiền là xong. Họ cũng ỷ lại tiền, đưa con vào trường này trường kia, mặc con muốn làm gì thì làm.
Theo tôi, thị trường nhạc Việt vẫn đang nằm yên. Rồi từ từ, nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Tôi tin tưởng như vậy. Đời tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu của tôi sẽ thấy điều này.

Sau 60 năm cống hiến cho nghệ thuật, điều ông mong muốn nhất là gì?

Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sỹ tử tế và người nghe nhạc tử tế. Tất cả những gì cứ để thử lửa đi, đốt cách mấy thì vàng cũng vẫn là vàng. Mình hãnh diện là người Việt Nam không thua ai hết!

Xin cảm ơn ông!


Theo VTC

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

ĐÊM ĐẦU THU CỦA 4 NHÀ THƠ NỮ HUẾ

              Nhân một chuyến về thăm quê của 3 nhà thơ nữ Huế Hoàng Hương Trang, Ninh Giang Thu Cúc (tp Hồ Chí Minh), Hồng Vinh (Nha Trang),và Tôn Nữ Khuê (Huế) đã kết hợp tổ chức đêm thơ nhạc tại quán Cà phê Tri Âm, Thành Nội Huế.   
              Đến tham dự đêm thơ nhạc có đông đảo nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ và bạn bè thân hữu.Các nhà thơ nữ đã có dịp giao lưu, tâm tình về những tình cảm quê nhà .
              Đêm thơ nhạc đã để lại nhiều cảm xúc và thắm đậm tình yêu Huế.   

Từ trên xuống :Các Nhà thơ Hoàng Hương Trang, Ninh Giang Thu Cúc, Tôn Nữ Khuê và Hồng Vinh           

                   

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

CÁM ƠN EM - HUỲNH NGỌC THƯƠNG

Ở MỘT PHƯƠNG GIÁC NÀO ĐÓ
KHI MẶT TRỜI KHÔNG CÒN QUAY VỀ CHỐN CỦ
ANH MỘT MÌNH LANG THANG NGẮM TỪNG KHÓM CÚC DẠI
VÀ BẮT GẶP BÓNG EM BÊN KHUNG CỬA SỔ
CÓ GIỌNG CƯỜI CHEN LẨN TIẾNG CHUÔNG NHÀ THỜ
NƠI ĐÓ SỰ BÌNH AN VÀ NỔI LO SỢ CHEN NHAU
NHƯ CỤM KHÓI CỐ THOÁT RA TỪ MÁI NHÀ MÙA ĐÔNG
ĐỂ HÒA VÀO CÁNH RỪNG PHONG ĐỎ ỐI
MƯA TUYẾT BẮT ĐẦU RƠI
TRÊN NHỮNG HƠI THỞ DÀI
MỆT MỎI TRẦM LUÂN

Ở MỘT CĂN NHÀ NÀO ĐÓ
LAO XAO TIẾNG ỒN VÀ LY RƯỢU VỞ
BÓNG ĐÊM ĐÃ ĐI QUA NHƯ THẾ NHIỀU LẦN
KÉO THEO KHUÔN MẶT THÂN QUEN CỦA AI ĐÓ
ANH Ố NHÌN MÀ KHÔNG HỀ NHẬN RA
NHƯ ANH ĐÃ TỪNG GỌI TÊN MÌNH
TRONG CƠN THẢN THỐT CỦA MỘT NGÀY HIU QUẠNH
NGỌN GIÓ MÙA ĐÔNG NGỒI TRONG VÒNG TAY
ANH CỐ NGHỈ VỀ EM RỒI BƯỚC ĐI VỘI VẢ
NHƯ NGHỈ VỀ MỘT HƠI ẤM MUỘN MÀNG
ÁNH LỬA CỦA TRÍ NHỚ


Ở MỘT KHÚC SÔNG NÀO ĐÓ
NƠI ANH HOÀI NỆM VỀ MỘT THỜI ĐÃ QUA
NƯỚC KHÔNG HỀ CHẢY ĐI
NHƯ THÁNG NĂM VẪN CÒN ĐỌNG LẠI
TRONG KÝ ỨC RONG RÊU VỤN VỞ
ANH LẮNG NGHE TIẾNG CHIM HÓT VÀO MỘT BUỔI CHIỀU DĨ VÃNG
SÓNG GIÓ RÌ RÀO TRONG TỪNG CỌNG LAU KHÔ
BẢN HỢP XƯỚNG CỦA MÙA ĐÔNG
NƠI ĐÂY ANH ĐÃ TRẢI QUA NHỮNG NGÀY DÀI HẠNH PHÚC
XIN ĐƯỢC CÁM ƠN EM


Ở MỘT CÔNG VIÊN NÀO ĐÓ
NGƯỜI ĐÀN ÔNG KÉO CAO CỔ ÁO GIÓ
TRONG ĐÔI TAY LẠNH CÓNG MÙA ĐÔNG
ĐÃ BẮT GẶP ÁNH LỬA CỦA KHÓI THUỐC
ĐÀN QUẠ ĐEN CŨNG ĐÃ QUAY TRỞ LẠI
CHIA NHAU TỪNG KHẨU PHẦN CỦA KÝ ỨC
VÀ KÊU LÊN NHỮNG ÂM THANH BUỒN BẢ
TẬN CÙNG PHÍA BÊN KIA CON PHỐ
EM CỦA MỘT THỜI BÊN ANH
KHÔNG CÒN NỬA


HUỲNH NGỌC THƯƠNG

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

MIẾU THỜ THẦN CÂU TẠI LÀNG BAO LA, THỪA THIÊN HUẾ - NGÔ THIÊN THU




 
            Dọc theo quốc lộ 1 từ Huế ra đến trung tâm thị xã Tứ Hạ rẽ phải qua cầu Tứ Phú là địa phận xã Quảng Phú. Từ đây ta đi thẳng khoảng chừng vài trăm mét là đến làng nghề đan lát Bao La nổi tiếng. Phía trước làng hiện nay có một miếu thờ chó đá được dân làng thờ cúng từ thời  xưa và gọi tên một cách kính cẩn là ông Thần cẩu. Miếu thờ Thần Cẩu tọa làng giữa làng thuộc xóm Hóp, cao khoảng 1,5 m trên có khắc ba chữ Hán “Thiên Cẩu Thần”. Tượng chó được  tạo hình bằng chất liệu đá khá tinh xảo, to bằng chó thật, ngồi khoan thai, hai chân trước thẳng đứng, hai chân sau đang ở tư thế ngồi  và có thể nhổm dậy nhanh chóng  hành động bảo vệ sự an lành dân làng. Trước tượng có bát nhang hương khói quanh năm.
          
          Đền thờ hướng ra sông Bồ và dãy núi trùng điệp xa xa. Cổ của tượng chó có đeo một tấm bài mà chúng ta có hình dung nó như là một tín vật của một vị thần được thiên giới  phái xuống trần gian để hoàn thành sứ mệnh. Tượng chó đá này làm ta liên tưởng đến bài viết của tác giả Võ Văn Trung có đề cập đến câu đối về đôi chó bằng gỗ tại chùa Cầu, Hội An như sau:“Thiên cẩu song tinh an cấn thổ/ Tử vi lưỡng tướng định khôn thân” Tạm dịch: Hai sao thiên cẩu trấn an đất cấn/ Hai tướng tử vi định giữ cung khôn. Theo Kinh dịch thì Cấn thổ ( đất Cấn) chỉ hướng Đông Bắc, khôn thân ( cung Khôn) chỉ hướng Tây Nam. Qua câu đối trên, cho ta thấy tín ngưỡng của người xưa thì cặp tượng Linh Cẩu chính là hai vị thần được cử xuống từ trên Trời để canh giữ sự bình yên cho xứ đất này.”
       
         Trong kinh Phật cũng có nói đến địa vị con chó như là một vị thần. Phật nói với vua Đế Thích: “Thần thiên cẩu, thần thổ công, thần quan thái tuế, thần núi, thần cây, thần sông bể, thần nước, thần lửa, thần đói khát, thần mả, thần rắn, thần chú trớ, thần bệnh, thần đường, thần nhà bếp, v.v... Những quỷ thần này nếu được nghe kinh và danh hiệu Bồ Tát thì nhả tà khí, tự ngộ bản không, sớm chứng Bồ Đề.”
         
        Qua nhiều bài viết và tư liệu cổ có liên quan việc thờ chó trong văn hóa Việt Nam chúng ta có thể kết luận rằng: “Chẳng những trước đây mà cả hiện nay, người Việt vẫn có tục thờ chó, vẫn có tín ngưỡng dân gian về chó.Theo đó thì tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức. Một là hình thức chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ trừ tà, cầu phúc. Hai là hình thức đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, phụng thờ. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy hình thức chó đá giữ vai trò canh gác là khá phổ biến ở nông thôn Việt Nam xưa.” (theo Nguyễn Thanh Lợi).
          Như vậy dân làng Bao La thờ chó vừa là vị thần linh bảo vệ dân làng, của cải vừa thờ để trừ tà cầu phúc. Trước đây  trong làng người nào đau yếu lâu ngày không lành, mang tâm bệnh, hoặc trong gia đình, bản thân gặp chuyện rủi ro thường đến cúng vái trước đền thờ thần cẩu.

         Truyền thuyết kể rằng có dạo khắp vùng xảy ra nạn dịch trâu bò. Đêm đêm có một con chó trắng xuất hiện chạy quanh làng Bao La để bảo vệ đàn gia súc. Nó vừa chạy vừa sủa, hai chân trước vờn lên như đang đối diện kẻ thù. Năm đó làng Bao La là không bị dịch bệnh hoành hành. Một câu chuyện khác được ông Võ Văn Thuật, sống gần đền thờ là chứng nhân kể lại rằng vào năm 1952 một người lính Pháp đến ngôi đền nhạo báng Thần Cẩu, xong dùng súng bắn vào tượng  chó đá không ngờ súng toác nòng làm ông này bị thương.
            Thập niên 1980 miếu thờ thần cẩu bị đập phá, tượng chó đá bị trầy xước và gãy làm đôi. Sau một thời gian dân làng  xây miếu mới ở đình làng và rước thần về thờ ở đây. Một điều lưu ý ở đây là mặc dù chúng ta có tin hay không, nhưng người dân Bao La vẫn cho rằng  cái chết của một người dân họ Hoàng khác làng có liên quan đến việc trực tiếp đập phá Thần Cẩu.
          Mãi cho đến mấy năm sau một trí thức ở làng là tiến sĩ ngôn ngữ học Võ Xuân Trang cùng người cháu là Võ Văn Văn đã đứng ra xây lại miếu tu sửa tượng chó đá rồi dời về địa điểm cũ xưa kia (cũng như hiện nay).
          Giai thoại khác không kém phần thú vị về ông Thần Cẩu là câu chuyện về những căn nhà bị cháy ở làng Hạ Lang. Người ta cho rằng những căn nhà này bị cháy do chắn tầm nhìn của ông Thần Cẩu, trong đó có ngôi nhà bị cháy  đến hai lần. Sau này dân làng Hạ Lang phải xây một ngôi đền (trên phần đất Hạ Lang) đối diện với miếu Thần cẩu cách một cánh đồng khoảng chừng ba trăm mét.  Phía trước đền này có một bình phong lớn có chạm hình con hổ trông rất hung dữ để đối lại với “tia mắt lửa” của Thần Cẩu. Miếu con cọp này hiện nay vẫn còn, dân làng quen gọi là miếu bà Vại. Câu chuyện này làm ta liên tưởng đến con chó đá ở làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Dân làng ở đây thờ thần cẩu rất kính cẩn và gọi là quan lớn Hoàng Thạch. “Dân làng vẫn thường kháo nhau rằng, tất cả những nhà nằm chắn hoặc che khuất tầm mắt của ngài đều sẽ gặp vận rủi. Vì vậy, ai có phần đất nằm ngang lối ấy khi xây nhà đều gắng xây tránh ra.“Nhà thờ ở Trại Tụt, xã Thọ An, xây bao nhiêu năm nay không được. Cứ xây lên, có hình có khối, có khi sắp hoàn thành lại… tự nhiên bốc cháy, giờ vẫn bỏ dở dang. Người ta bảo, ấy là do nhà thờ đã chắn tầm nhìn của quan lớn Hoàng Thạch.”(theo KTNN)
         Nhìn chung ở Việt Nam có rất nhiều nơi có tục thờ chó và những con chó này được xem như là một vị thần. Chúng ta có thể thấy được tượng chó đá ở đền Hai Bà Trưng (Hà Tây),  điện Lam Kinh (Thanh Hóa), Hồ Tây (Hà Nội) và ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên ở Thừa Thiên Huế không có nơi nào mà người ta thờ cúng Thần Cẩu trang nghiêm như ở làng Bao La. Đền thờ luôn quyét dọn sạch sẽ; ngày rằm, ba mươi, mùng một, ông từ xóm Hóp đem hoa quả bày cúng (hiện nay ông Thái Văn A đang giữ công việc thờ cúng này). Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên lên danh sách những di tích cần bảo tồn và phát huy hiệu quả  nhằm nhiều mục đích trong đó có thể phát triển theo hướng du lịch vì làng Bao La là làng nghề nổi tiếng.
                                                           
                                                             NGÔ THIEN THU

                                    
                                                                            


Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

BIẾT LẤY CHI NUÔI TÌNH KHÔN LỚN - ĐONG HÀ

BIẾT LẤY CHI NUÔI TÌNH KHÔN LỚN

http://leminhquoc.vn/lmq/images/stories/The-loai-khac/dong-ha-2.jpg
Mình có một tý tình
nuôi hoài không thấy lớn
bữa gặp nhau cảm nóng
bữa xa nhau cảm lạnh
không xa không gần đi cảm người dưng

Biết lấy chi nuôi tình khôn lớn?

Mình nuôi mãi một tý tình
hẹn đúng ba tháng thả ra truông
đường dài ngựa chạy biệt tăm
tình lần đân đứng lại

Mình nuôi mãi tiếp một tý tình
hẹn đúng sáu tháng thả ra sông
sông dài cá lội biệt tăm
tình trôi sông không đặng

Biết lấy chi nuôi tình khôn lớn?

Mình có một tý tình
cuối năm cầm ra ngã ba ngã tư ngã năm đứng lơ ngơ láo ngáo
có chiếc xe hai cầu chạy nháo nhào đâu đâm lại
tình văng tung tóe tứ tung...

Thức mình nuôi tình khôn lớn
ngơ ngác hoài trên tay...


ĐÔNG HÀ

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

THƠ NGUYÊN QUÂN, TRẦM MẶC VIẾT VỀ MẸ NHÂN MÙA VU LAN BÁO HIẾU

MẸ ƠI

Mẹ ơi!
con bây giờ đơn độc quá
muốn được khóc òa như thuở bé thơ
nhưng biết không còn ai ru dỗ
nên nỗi buồn cứ lặn vào tim
Mẹ ơi!
buổi sáng bây giờ thèm nghe tiếng ru hời
khép mắt ngủ bình yên
trong vòng tay ấm áp
đã quá chán cuộc đời bội bạc
với từng đêm dài mất ngủ quầng thâm
Mẹ ơi!
con bây giờ muốn trở về bên mẹ
nghe tiếng quở trách quen
“thằng con hư đốn hoang đàng”
phải cố sống thành người lương thiện
phải yêu thương những kẻ khốn cùng
Mẹ ơi!
bây giờ con là kẻ khốn cùng
đang cạn kiệt từng ngày ý thức sống
trái tim rạn vỡ tả tơi rách nát
chỉ muốn được ngủ thật sâu
trong lòng mẹ…
Mẹ ơi.
NGUYÊN QUÂN


HOA TRẮNG CÀI LÊN ÁO

Vu Lan về
Con nhớ lắm mẹ ơi
Có phải đời người sinh ra để buồn để tủi
Mẹ không còn
Trên áo con người ta cài hoa trắng
Nước mắt lưng tròng
con mất mẹ thật ư ?
Con thơ dại
để tháng ngày lặng lẽ
mẹ đường xa phiên chợ cuối mùa đông
Năm tháng qua đi
đời người ngắn ngủi
Mẹ đi rồi
nghe lạnh buốt chiều sương
Con bơ vơ lạc lõng
xuôi ngược chốn quê người
Xa cố hương ,một thời bên mẹ
Tháng ngày qua thiếu lắm một tình thương
Nghe chim kêu con giật mình sợ sệt
Tiếng côn trùng than khóc ...nảo nuột ghê
Đêm về khuya
nghe trống vắng vô cùng
Nơi phương xa mắt dõi về quê cũ
Mẹ tảo tần ,một nắng hai sương .
Ngày ra đi ,mắt mẹ buồn ngấn lệ
Tiếng còi tàu tiễn biệt mẹ xa con…
Nay Vu Lan lại về
trên áo con cài bông hoa trắng
Mới ngày nào con được đóa hông nhung

TRẦM MẶC

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

BẠN BÈ VỚI HỌA SĨ KIM LONG TRƯỚC KHI NHẬP VIỆN

                Bạn bè thân hữu Họa sĩ Kim Long bàng hoàng khi nghe tin anh  trở về Huế chữa bệnh. Nhưng cũng rất mừng vì khối u thực quản của anh chỉ mới bắt đầu giai đoạn 1. Ngày mai thứ năm,22.8.2013 sẽ thực hiện ca mổ. Mấy hôm nay anh vừa lo những thủ tục ở bệnh viện vừa cùng anh  em văn nghệ sĩ Huế và bạn bè bù khú cà phê cà pháo rất lạc quan yêu đời.
               Dưới đây là những hình ảnh ghi lại tại nhà HS Kim Long đường Ngô Đức Kế, quán cà phê Bình An và quán cà phê tại tạp chí  Sông Hương.

GỬI KIM LONG

Anh đang một mình đi trên đường dây sình tử
Tôi tin anh chắc chắn trở vể
Cuộc đời còn bao điều hạnh phúc
Nhan sắc chờ anh,
Sông Hương chờ anh
Bạn bè chờ anh

Hỡi người bạn tâm hồn khoáng đạt như cánh đồng lộng gió
Hãy hân hoan trở về
Ngày mai
Với những người tình mới
Những nụ hôn đang đợi chờ anh
Chắc chắn anh không bao giờ từ bỏ

Tất cả mọi người đang yêu anh

NGUYỄN MIÊN THẢO



t

NHAM THẠCH XANH - VIÊM TỊNH

 Tặng Lê Thị Xuân Mai

Làm sao ta ôm biển
bằng thời gian đang có
Biển đang đau nỗi đau của biển
Ta đang đau nỗi đau của ta
Hai trủng xoáy
cuốn hai dòng chảy xiết

Lệ là dòng nham thạch
đốt cháy
đời nhau

Viêm Tịnh
Nha Trang 08.06