Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

NHỚ ĐỖ TOÀN XƯA - TRẦN TRUNG SÁNG

Là một họa sĩ kiêm nhà điêu khắc thuộc thế hệ đầu tiên của ngành mỹ thuật đất Quảng, không ít những tác phẩm của Đỗ Toàn để lại đã gắn liền với cảnh và người nhiều thập niên qua. Thế nhưng, mấy ai nhớ được: vào ngày đầu tháng 5 hơn mười năm trước , ông đã lặng lẽ ra đi. Vào ngày ấy, chỉ duy nhất một chiếc xe khách ọp ẹp đưa ông cùng người thân về miền quê cũ bên kia phía chân đèo....Suốt thời gian dài, đây là bài báo đầu tiên viết về ông.

Họa sĩ Đỗ Toàn tên thật là Đoàn văn Toàn. Ông sinh năm 1940 tại Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế, Sư phạm mỹ thuật Gia Định. Từ trước 1975, ông là giáo viên hội họa của trường trung học Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Có lẽ chính vì vậy, khi nhắc đến ông, người ta thường gọi là họa sĩ, mặc dù, sự nghiệp của ông để lại phần lớn là các tác phẩm điêu khắc như các tượng chân dung: Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu...và nhiều tượng đài trong khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Nhà điêu khắc Phạm văn Hạng – người bạn thân thiết của Đỗ Toàn đã nhắc về ông: “Là nhà điêu khắc không mấy may mắn với số phận Canh Thìn nhưng Đỗ Toàn vẫn kịp gửi lại hình tượng mẹ Tổ quốc trẻ đẹp, nhân hậu trước Đài kỷ niệm bên sông Hàn Đà Nẵng, tượng đồng Phan Châu trinh giữa sân trường nơi anh từng lên bục giảng cầm viên phấn trắng mà bụi trắng rồi sẽ vương mãi mái tóc anh bềnh bồng. Sắc màu Đỗ Toàn mang vào tác phẩm hội họa còn đó tím Huế, xanh biển và chút xám đơn lẻ trong tâm tưởng loài cây trút lá....”

Cũng như phần lớn thế hệ học trò xuất thân từ trường trung học Phan Châu Trinh trước 1975, dù trực tiếp học ông hay không, chúng tôi cũng đều hết mực ngưỡng mộ phong cách điềm đạm mà lại rất nghệ sĩ của ông. Từ giọng nói đầm ấm đến cách cầm viên phấn trên tay, họa sĩ Đỗ Toàn luôn tạo sức thu hút hấp dẫn, vừa chuẩn mực lại vừa như vượt khỏi khuôn khổ mô phạm, giáo điều. Hình ảnh của ông thời dạy học từng khắc họa trong ký ức của một đồng nghiệp:” Người hoạ sĩ tóc bềnh bồng như tuyết/ Dáng phong sương vẫn vẻ Đỗ Toàn xưa...”(Trần Hoan Trinh).

Vào những ngày đầu thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng, để đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin tuyên truyền, cùng với nhiều họa sĩ chuyên nghiệp và kể cả nghiệp dư, Đỗ Toàn có mặt ở Khu triển lãm văn hóa Quảng Nam Đà Nẵng (sau là Trung tâm Văn hóa triển lãm Đà Nẵng). Ông đã tham gia đóng góp phần lớn trong quá trình thể hiện thi công tượng Bác Hồ và cụm tượng Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ tại đây.
Từ năm 1985 trở về sau, Đỗ Toàn thường về các vùng nông thôn đất Quảng để sáng tác và thi công các tượng đài. Cũng chính vào giai đoạn này, do đời sống tình cảm trải qua những biến động lớn, đầy trắc trở, nên ông làm rất nhiều thơ. Trong đó, Trường ca Rosa của ông có nhiều đoạn được thân hữu yêu chuộng và thường ngâm nga:
"hãy bước vào vườn Tagore đi em
vì trên đời không gì bằng tình yêu và sự chết
tình yêu
tôi dâng cho em tràn đầy
sự chết em hoàn toàn miên viễn trong tôi
Có thể nói
em thiên thể rớt xuống đời tôi
tốc độ siêu nhiên chẳng cần điều chỉnh
lồng ngưc vỡ toang
máu hồng tuôn chảy
Có thể nói
hoa hướng dương bắt đầu nở
em, mặt trời sao cứ ở sau lưng
em, mặt trời động vọng suốt đời tôi
...”
Sau những tháng năm phong trần, lận đận, rồi những ngày tháng bình yên cũng đến với Đỗ Toàn. Ấy là vào thời điểm giữa năm 1999, ông trúng được vài công trình lớn, giải quyết được nhiều khúc mắc khó khăn của gia đình, hầu như buổi sáng nào ông cũng thường đến ngồi tán gẩu với chúng tôi ở một quán cà phê bình dân trên ngã tư cạnh trường Phan Châu Trinh. Bất chợt, một lần thấy vắng ông, mới hay tin vào đêm trước đó, ông đã đột quỵ và liệt bán thân.

Thời gian Đỗ Toàn nằm bệnh, tôi và nhà văn Nguyễn Văn Xuân (bấy giờ vẫn còn rất mạnh khỏe) thường đến thăm ông. Mỗi lần nghe thầy Xuân nói đùa: “ Cha ni cái chi cũng chết hết rồi, chỉ còn một cái... vẫn sống”, dù không còn nói thành lời, nhưng ông vẫn gắng gượng rướn phần còn lại của cơ thể bày tỏ sự vui vẻ hưởng ứng.

Trước lúc Đỗ Toàn vĩnh viễn ra đi, một lần nhóm anh em thân hữu đã thuê một chuyến taxi chạy vòng quanh Đà Nẵng để ông ngắm nhìn những đổi thay của thành phố và kể cả những cảnh quan đầy kỷ niệm có phần đóng góp bàn tay tài hoa của ông như Đài tưởng niệm 2-9, trường trung học Phan Châu Trinh... Và đó là lần cuối cùng người ta thoáng bắt gặp trên môi ông nụ cười mãn nguyện...

http://www.vanchuongviet.org/



Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

CÁI ĐẸP - NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH

Cuối hạ
hạn hán
đầm sen tàn tạ

Còn sót một lá sen tơ
sắp héo

đêm thương lá sen khát
gieo xuống hàng trăm giọt lệ
mời lá sen uống

nhưng lá sen sắp khô cong
thà chết khát
không nỡ uống
những giọt sương
đẹp như
linh hồn vũ trụ
thu nhỏ

kìa sớm mai
một lá sen gục đầu rũ chết
nạm đầy những hạt ngọc trời
rơm rớm
long lanh …

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

THÁNG NĂM ƠI - HẠ NHIÊN THẢO

Tháng năm rực rỡ ánh phượng hồng
Lầu thành còn đó lặng im trông
Anh đi từ độ trời sang hạ
Thoáng gió hương sen đượm má hồng.

Cuối năm chợt nhớ thăm thành cũ
Mưa đã giăng mờ lối phượng rơi
Chiều đông lễ nhạc cung trầm lắng
Liệu có còn ai nhớ tới chăng .

Xuân tới đường tình muôn vạn lối
Có thấy ai về lạc bước chân
Cho em ôn lại mùa thu cũ
Mang chút hương nồng trong mắt trong.

MÙA PHƠI SÂN TRƯỚC - NGUYỄN NGỌC TƯ

Hồi con nít thích đi xe đạp về nhà ngoại bằng con đường xóm cặp mé sông Rạch Rập. Đường đất dầm dãi suốt một mùa mưa, chừng gió chướng thổi về mới ráo tạnh bùn lầy. Đến Chạp thì những chân trâu cũng bị bôi xóa hết, có thể đạp xe thong dong mà thỏa thuê nghiêng ngó.

Mùa Chạp đi bảy cây số không nghe mỏi. Gió chướng khoác lên làng mạc một vẻ mơ màng, đường uốn lượn theo sông, và dòng chảy đó thẳm suốt thoắt ẩn thoắt hiện sau những lùm cây hoang dại. Dọc đường thấy Tết lấp ló khắp nơi, trên sân nhà người, trên những giàn phơi.

Người nhà quê hồi mình con nít toàn người nghèo, sân nhà quê hồi ấy cũng rặt sân đất, nên nhà nào cũng cặm cái giàn trước nhà, suốt sáu tháng mưa sân chìm trong nước cũng có chỗ mà đem phơi củi, hay gối, chiếu. Những ngày hửng nắng trên giàn luôn có thứ gì đó ngóng nắng, khi cám mốc, khi thì mớ bột gạo thừa trong lúc làm bánh, khi thì mớ cơm nguội hay mớ lá dừa khô dùng để nhen lửa, mấy trái đậu bắp già làm giống cho mùa sau… Phơi trên giàn mọi thứ khô mau, vì nắng ngun ngút trên mặt, gió lộng phía lưng. Những nhà có sân rộng người ta còn phơi lúa trên giàn, lúa khô đem vô bồ được mấy hôm đã thấy trên mặt sân săm sắp nước lúa rày đã lấm tấm xanh. Qua nhà nào có trẻ nhỏ gặp những tấm chiếu manh con con nằm uống nắng.

Càng gần về cuối năm giàn phơi càng bận rộn. Dầu dãi oằn mình suốt năm, giờ trên giàn bày ra những món ngon chuẩn bị cho cuộc hội hè. Bánh phồng vừa quết xong, củ kiệu mới trộn đường xong, mứt gừng mới ngào nửa lửa… thứ nào cũng ưa nắng. Nhưng cá khô mới là ưa nắng nhứt hạng, mới cần thứ nắng ròng ròng như thắp lửa, thứ nắng như cháy trên đầu. Mùa Chạp cá làm đìa người ta lớp rọng lớp làm mắm để ăn dần dần cho tới mùa lúa sau, mớ xẻ làm khô ăn Tết. Mùa đìa kéo dài cả tháng nghĩa là lúc nào giàn phơi cũng những con cá nằm nhuộm nắng cho đỏ au da thịt.

Mùa Chạp thể nào cũng gặp người ta ép chuối khô. Chuối xiêm chín cây sẵn ngoài vườn, lột vỏ phơi một nắng, rồi đem ép mỏng. Không như cá khô rủ rê bọn ruồi nhặng đến mức phải đốt nắm nhang cắm nơi đầu gió để xua đuổi chúng, mật chuối tươm ướt rượt chỉ mê dụ quyến rũ lũ ong. Kéo tới dập dìu, lảo đảo bay đậu như say, những con ong sa đà ở giàn phơi cho đến khi những miếng chuối ép mỏng bắt đầu khô quắt, vàng óng như vừa nướng trên than hồng. Chuối phơi đủ nắng có thể ăn tới ra Giêng, mật lặn vào trong vừa ăn vừa tợp miếng trà, hoặc ngào qua với khóm, me… đem dầm nước đá uống cũng ngon thấu trời.

Vậy là nước miếng mình ứa ra, trên từng mét đường về nhà ngoại. Tâm hồn mệt nhoài với những món ăn cực kỳ mời gọi trong sân thiên hạ. Đang thèm tô cơm nguội chan nước dừa ăn với khô lóc nướng thì bỗng nghĩ giờ phải có thịt kho Tàu để ăn với dưa kiệu nhà kia, rồi cái hủ mắm tép dầm nắng sát hàng rào làm mình nhớ nhung chuối chát, khế chua cùng với gừng xắt mịn thì mâm mứt tắc đỏ au đằng kia làm mình lịm chết một cách lim dim như tụi kiến.

Chân rõ ràng không mỏi, nhưng tâm rã rời, cứ chạy theo đeo đuổi miết trên những giàn phơi. Hụt hơi, chới với. Có lần về nhà kêu má Tết này làm những món này này, những món mà mình nhìn thấy mang theo trên suốt chặng đường từ nhà ngoại về. Má cười, người ta có đâu có nghĩa là mình phải có.

Mình dại hơn cả tuổi mười ba, không hiểu câu đó mấy, nên vẫn muốn má bày thật nhiều thứ trên giàn phơi nhà mình, chớ không phải còm nhom chút dưa kiệu, dưa hành, chút chuối khô… Nên Chạp sau mình vẫn nhắc, má lại nói ta đâu cần phải có cái mà người ta có.

Cũng may qua mỗi Chạp mỗi mùa phơi mình mỗi lớn, bài học của người của ta má không nhắc nữa, mình bỗng bâng quơ nhớ. Nhận ra trên giàn cũng phơi những thân phận người. Ngó qua khoảng sân đã rợp những cây mồng gà, vạn thọ biết ai ăn Tết lớn ai chịu đìu hiu, như ngó qua cái sào phơi quần áo biết nhà ai đông nhà ai đơn chiếc, ai khá giả ai nghèo. Nắng gió khiến mọi niềm vui nỗi buồn bày ra như một cuộc diễu hành, không che giấu khách qua đường. Căn chòi của bà già chèo đò hay chở mình qua sông trống mãi, cho đến ngày cuối Chạp bỗng trên đống củi có phơi vài tàu lá chuối, biết tối nay trên sân nhỏ bà sẽ ngồi canh nồi bánh tét đến giao thừa. Mình bỗng nghe nhẹ nhỏm khi nhìn theo bóng nhỏ đưa chiếc đò về bên kia sông.

Chật vật mấy, cuối Chạp cũng có cái đem phơi, đem nhuộm nắng, cũng có bụi bông vạn thọ, và bông trang bông lồng đèn nở rực rỡ trên rào…

NNT

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

THĂM MỘ THÁI NGỌC SAN - NGUYỄN MIÊN THẢO

Đưa em dạo khắp núi đồi
Tiếng chim quyện tiếng em cười trong veo
Em đi mây cũng nhìn theo
Lô xô mộ chí hồn đeo đẳng người

Ở đây lặng ngắt tiếng cười
Có em trời đất đổi dời,thấy chưa

N M T

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2011(KÌ 71)



NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ


711 - Ung Thanh Hải
NOI GƯƠNG THẦY
Nhà giáo sinh tại Phan Thiết. Sống ở TPHCM (2011).
Trước 75 tốt nghiệp đại học ngành hóa học ra đi dạy học một thời gian thì bị kêu đí lính VNCH.

Sau 75 được đi dạy lại ở TPHCM.
Sau đó gia đình bên vợ bảo lãnh cả nhà đi Pháp, đã làm xong thủ tục nhưng cuối cùng quyết định cho vợ và 3 con đi còn mình ở lại sau khi chứng kiến một trường hợp vừa xảy ra làm lay động con tim: Thầy dạy đại học là GS Lê Văn Thới nổi tiếng qua đời mà đây là một ông thầy mình rất kính yêu, người từng học nước ngoài về nước dạy học, sau biến cố 30.4 vẫn tiếp tục ở lại phục vụ học trò.

Từ đó có suy nghĩ “Tôi là đệ tử ruột của thầy nên bị ảnh hưởng về quan niệm sống của thầy khá nhiều. Nên có ý nghĩ mình là người VN thì phải dạy học ở VN, cống hiến cho VN.”

Chấp nhận ở lại thui thủi một mình cặm cụi rèn luyện tay nghề dạy học ngày càng giỏi, được xem là một trong “tứ trụ” dạy hóa cấp phổ thông xuất sắc nhất thành phố. Học sinh tôn xưng là thầy “Hải Ung” trứ danh với nhiêu tuyệt chiêu dạy học trò đậu tốt nghiệp, đậu đại học đạt tỷ lệ cao. Ngoài ra còn hết lòng giúp đỡ học sinh nghèo, còn bỏ tiền túi ra đóng học phí cho các em.

Trời đâu phụ lòng người, năm năm sau khi con cái ở Pháp đã ổn định đời sống, vợ đã quay về sum họp sống đời hạnh phúc vợ chồng già bên các học trò yêu dẫu ra đời rồi vẫn luôn nhớ ơn thầy.

712 - Văn Đắc
HỌA SĨ TRANH… BẸ CHUỐI
Họa sĩ sinh tại Quảng Bình. Sống ở Đồng Hới (2011)).
Là bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ. Và chính từ trên chiến trường rừng núi mới tình cờ tìm thấy một loại nguyên liệu làm tranh độc đáo đầy tính dân tộc là… bẹ chuối chết khô từ vô vàn thân cây chuối bị bom Mỹ đốn ngã rạp tơi tả khắp nơi.

Từ đó trong những quảng nghỉ giữa chiến trận đã tranh thủ dùng bẹ chuối khô ghép lại thành tranh treo trong lán trại đồng đội.

Sau chiến tranh trở về đời thường tiếp tục phát triển thể loại tranh mang dấu ấn riêng này một cách bài bản, khoa học hơn. Trước hết phải lựa chọn số bẹ chuối lớn nhỏ dày mỏng thích hợp đem phơi khô từ đó sợi bẹ chuối “lên nước” thành những sắc màu tinh tế, sau đó cắt xén chúng để ghép lại tạo nên những hình tượng theo ý tác giả. Tất cả được dán lên tấm gỗ ép làm nền đạt độ bền lưu giữ rất cao hơn 30 năm không phai màu.

Nhiều lần đưa ra triển lãm được tặng giải thưởng. Tranh bẹ chuối nay là một sáng tạo “đặc sản” của đất Quảng Bình

Phát hiện sáng tạo từ chiến tranh, có điều lạ là tranh bẹ chuối đặc biệt rất phù hợp với nội dung đó – chiến tranh – khi thể hiện rất sống động những cảnh khói lửa chiến trường dữ dội khốc liệt nhờ tính khô khốc, thô mộc, sần sùi của chất liệu sợi bẹ chuối.

713 - Võ Khắc Lương
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 30
Thương binh sinh tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2007).
Tham gia chiến đấu ở miền Nam, sau 75 còn tiếp tục hành quân trên đất Campuchia rồi bị mất tích.

Ở quê nhà có người yêu – một cựu thanh niên xung phong – vẫn mỏi mòn chờ trông không chịu lấy chồng, nguyện chờ sao cho đủ 3 năm xem như mãn tang mới chịu lấy chồng. Trước ngày đoạn tang đã vào tận đơn vị người yêu ở Cà Mau mong tìm được đôi chút dấu tích, kỷ niệm người yêu.

Bất ngờ sau đó lại nhận được thư… người yêu kể lại sự tình: Trong trận đánh trên đất Campuchia, anh bị mù cả 2 mắt nên đi lạc đơn vị may sao được một gia đình bản xứ cứu giúp cưu mang, một thời gian dài mất trí đi lang thang, cuối cùng tình cờ được một ông thầy lang chữa khỏi khôi phục trí nhớ mới tìm cách liên lạc lại với đơn vị. Nhưng trong thư anh khuyên chị hãy đi lấy chồng vì mình giờ đã tàn phế như người bỏ đi rồi.

Lập tức chị ngược đường về Nam một lần nữa đưa anh về quê sum họp gia đình và… làm lễ cưới. Từ đó một mình người vợ đảm làm vườn đào ao nuôi cá nuôi chồng con cùng 8 người em.

Cuộc sống đang bắt đầu ổn định thì anh bị… tai nạn giao thông nằm viện mấy tháng trời, ra viện sức khoẻ người thương binh mù ngày càng suy giảm…

714 - Võ Ngọc Lan
HẠNH PHÚC THƠ NHẠC HUẾ CUỐI ĐỜI
Nghệ sĩ sinh 1938 tại Huế. Sống ở TPHCM (2011).
Là con gái làng Kim Long, quê hương sản sinh người đẹp nổi tiếng đất thần kinh qua câu thơ của vua triều Nguyễn “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”. Cộng với nhan sắc còn thêm khiếu làm thơ, ca hát từng biểu diễn trên đài phát thanh Huế.

Nhưng kiếp hồng nhan đa truân khi vào Sài Gòn lấy chồng phải gồng gánh nhiệm vụ làm vợ nặng nhọc nuôi 7 con mà chồng lại đèo bòng vợ bé nên không còn thời gian đâu cho thú vui văn nghệ thủa thanh xuân.

Sau 30.4.75 gánh nặng gia đình càng nặng thêm do chồng đi cải tạo, một mình lo hết chuyện nhà nuôi con cái, mẹ ruột, mẹ chồng và cả… vợ bé của chồng! Vẫn cam chịu làm đủ mọi việc thượng vàng hạ cám từ làm đồ mỹ nghệ mây tre lá đến khai hoang khu du lịch và kể cả có khi… đi rừng tìm trầm!

Chồng đi cải tạo về cùng các con lần lượt qua Mỹ. Dùng dằng muốn ở lại không được, cuối cùng cũng phải qua theo năm 1991.

Nhưng trên quê người phút chốc trở thành người… vô dụng do không hòa nhập được với cuộc sống mới, xã hội mới (không lái xe được), đành ở nhà làm một bà nội trợ lủi thủi khác hẳn hồi ở trong nước là một nội tướng một tay vun vén gia đình xây dựng cơ đồ. Có nguy cơ rơi vào trầm cảm.

May mắn sau cùng được cô con gái út hiểu được tâm sự đã dắt mẹ trở về quê hương 2 mẹ con sống với nhau, con gái làm kinh doanh ngành quảng cáo.

Từ đó như cá gặp nước, như hồi sinh hẳn bắt đầu lao vào hoạt động văn nghệ làm thơ (in 2 tập), viết văn (in 1 tập tùy bút), viết nhạc, biểu diễn ca Huế, ra đĩa CD thơ nhạc…

Tất cả đều xoay quay chủ đề quê Huế mến thương – “Mùa trăng Huế” tên tập thơ, “Niệm khúc cho mưa Huế” tên tập văn - : “Tôi đã ngẩng cao đầu đi giữa Huế với cái tâm trong sáng, với lòng yêu thương tha thiết… Mặc dù dòng chảy cuộc đời đưa đẩy nhưng nhờ trời có dịp đi đi về về tôi vẫn luôn gần gũi Huế để yên lòng nghĩ rằng dẫu Huế trải qua lắm phong ba bão táp nhưng tất cả rồi cũng qua đi… Còn đó Huế vẫn mãi nghìn năm…”

715 - Võ Tăng Thường
KIỂU NÀO CŨNG TỒN TẠI ĐƯỢC
Doanh nhân sinh khoảng 1940 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Mỹ (2011).
Đầu những năm 1960 vào Sài Gòn học đại học.
Năm 1966 theo phong trào Phật giá Ấn Quang (do thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo) chống chế độ Thiệu - Kỳ. Từng biểu tình ngồi tuyệt thực trước chùa.Mổ bụng trước VN Quốc Tự chống Thiệu - Kỳ ,đòi Mỹ rút quân về nước

Sau đó bị gọi đi lính sĩ quan Thủ Đức, ra trường đưa về giữ đồn ở Quế Sơn (Quang Nam). Trong thời gian này không ham đánh đấm cũng không muốn ủng hộ chế độ Thiệu Kỳ – không theo phe nào! -- nên bí mật tìm cách liên lạc với phía quân du kích Việt cộng trong vùng thương lượng đôi bên cùng thỏa thuận tránh đối đầu chạm trán nhau sao cho cả 2 cùng có lợi!

Nhờ vậy sau 1975 được “đối tác” Việt cộng cũ xem là thành phần “tiến bộ”, “yêu hòa bình” nên bảo lãnh cho khỏi đi cải tạo.

Lập tức chạy về quê vợ Bến Tre “núp” nhờ ô dù thân nhân nhà vợ toàn dân cộng sản giúp mình an thân trong thời buổi quá rối ren này.

Được một thời gian yên ổn rồi liền dẫn vợ… vượt biên qua Mỹ!

Bắt đầu hành nghề cắt cỏ trên đất Mỹ rồi dần dần nhờ tài khôn ngoan xoay xở nhanh mồm nhanh miệng nhạy bén thị trường dần phất lên thành doanh nhân khá thành đạt.

Về hưu khi con cái đã thành đạt (có con về VN làm ăn) mới quay về VN thường xuyên, chủ yếu là quê hương Huế làm “đại gia” kinh doanh là phụ mà vui chơi em út là chính. Đặc biệt Tết năm nào cũng về làng bên kia phá Tam Giang đón giao thừa…

716 - Võ Thành Sơn
TÌNH CẦU THỦ
Cựu cầu thủ Việt kiều Mỹ sinh tại 1948 Sài Gòn. Sống ở Mỹ (2011).
Thuộc thế hệ cầu thủ bóng đá Miền Nam đang lên vào thời điểm trước Giải phóng 30.4.75, lúc đó là cầu thủ “lính kiểng” của các đội quân đội Tổng Tham mưu, Quân cụ. Cùng Đội tuyển VNCH dựï SEA Games đoạt HCĐ 1971 và HCB 1973. Nổi tiếng là tiền đạo có thể lực sung mãn và sức càn lướt mạnh mẽ với cú tuyệt chiêu “ngã bàn đèn” (tung người lên cao móc bóng qua đầu) dứt điểm cận thành ghi bàn.

Sau 75 tiếp tục thi đấu cho các đội bóng của chế độ mới ở TPHCM gồm đội Quận 5, Công ty Vật tư, Xi măng Hà Tiên, Sở Công nghiệp TPHCM (đội trưởng). Năm 1981 giành ngôi Vua Phá lưới với 15 bàn giải vô địch quốc gia qua mặt cả Cao Cường (đội CLB Quân đội tức Thể Công cũ) cầu thủ miền Bắc số 1 thời đó. Năm sau giải nghệ để năm sau nữa đi Mỹ đoàn tụ gia đình.

Tại Mỹ làm công ty điện tử nhưng vẫn không quên nghiệp bóng đá nên tham gia huấn luyện bóng đá cho thiếu nhi Việt kiều, tổ chức các giải bóng đá nghiệp dư dành cho Việt kiều.

Từ 2003 trở về thăm quê hương, đồng nghiệp cũ, từ đó qua Mỹ vận động quyên góp gửi về giúp đỡ các đồng đội cũ nay về hưu về già gặp khó khăn trong đời sống. Thường xuyên về nước hàng năm tổ chức đóng góp từ thiện cho các cựu cầu thủ miền Nam đồng thời tổ chức các giải bóng đá lão tướng…

Trên sân cỏ một thời nổi tiếng là cầu thủ “dữ dằn”, đá cứng, nóng tính thậm chí có lúc còn bị tai tiếng “bán độ” nhưng bây giờ lại trở thành một hình ảnh con người tình nghĩa nhân ái khác hẳn trong làng bóng đá nước nhà.

717 - Võ Thị Hợi
MỘT ĐỜI THUYỀN CON TỪ CHỐI LÊN BỜ
Ngư dân sinh 1929 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2008).
Cùng chồng sống bằng nghề thuyền nhỏ đánh cá trên thượng nguồn sông Thu Bồn dưới chân Hòn Kẽm.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều tham gia ban đêm bí mật vận chuyển gạo muối cho cách mạng vào vùng chiến khu. Từng bị địch bắt tra tấn dã man nhưng kiên quyết không khai, chấp nhận “chịu đau thì mau về”! Trong 2 cuộc chiến đó chồng và 6 con đều lần lượt bỏ mình ra đi mãi mãi.

Sau 75 còn lại một mình với chiếc thuyền nan rách nát nghèo nàn mái tre nứa cặm cụi chở khách qua sông, kiếm cá vớt củi sống qua ngày. Không hề được hưởng chế độ gì vì mình đơn thân quê mùa thất học mà thủ tục nhiêu khê trước kia chỉ hoạt động ngầm theo kiểu giao kết “miệng” nên hầu như không có giấy tờ gì để làm hồ sơ, nếu có thì cũng theo chồng con mất hết rồi.

Sống cô đơn quạnh quẽ với nỗi niềm tủi phận như vậy nên bao nhiêu năm qua không hề rời đò bước chân lên bờ làm chi, cần mua gì thì nhờ mấy đứa học trò đi học qua đò mua giùm. Hơn nữa cũng không nỡ xa rời dù chỉ giây lát bàn thờ chồng con đặt trên thuyền, “gia tài” quý giá duy nhất của một đời đò con hẩm hiu lận đận.

718 - Võ Thị Kiển
BÀ GIÀ CHỊU CHƠI
Cán bộ về hưu sinh 1934 tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2011).
Nguyên là chiến sĩ trong đội quân tóc dài nổi tiếng ở Bến Tre thời chống Mỹ.

Thời đó, từ năm 1954 vừa chiến đấu vừa tham gia đội múa lân nữ xã Lương Hòa huyện Giồng Trôm – đội “lân tóc dài” – chuyên biểu diễn góp vui trong các dịp lễ lạc, mừng công.

Sau 75 đội lân này được khôi phục hoạt động từ năm 1981, là đội lân nữ duy nhất cả nước – trang phục quân giải phóng miền Nam mặc bà ba đen quấn khăn rằn đội mũ tai bèo - đến nay vẫn tiếp tục tụ tập trình diễn khi có yêu cầu lễ hội trong hoặc ngoài tỉnh.

Nay đã 78 tuổi – được gọi là “Má Năm Kiển” - vẫn giữ chức đội trưởng đội lân 16 người toàn nữ (trẻ nhất cũng đã… 50!) gánh vác nhiệm vụ nặng nhọc nhất diễn viên chính là đội đầu lân hơn 6kg múa quay cuồng cả tiếng đồng hồ!

719 - Võ Thị Kim Lũy
GIA ĐÌNH MẤT TÍCH TỪ CAMPUCHIA
Thường dân sinh 1960 tại Campuchia. Sống ở TPHCM (2009).
Lớn lên ở Campucia nhưng từ nhỏ gia đình đã phân tán do bố mẹ chia tay, cùng năm anh chị em bị phân tán mỗi người một ngả sống nhờ vào bà con họ hàng.

Năm 1970 nhiều biến cố lịch sử xảy ra ở miền Nam VN liên quan đến tình hình chính trị Campuchia đưa đến lệnh Campuchia trục xuất Việt kiều về nước khiến mình phải theo gia đình chú thím lên tàu về Vũng Tàu. Cuộc sống ngày càng khó khăn buộc có khi phải đi ở đợ cho nhà người khác, từ đó cũng mất liên lạc luôn với gia đình chú thím.

Giải phóng 30.4 mở ra một con đường mới gia nhập thanh niên xung phong từ TPHCM, tại đây gặp người chồng hiện nay.

Khi cuộc sống dần tương đối ổn định, bắt đầu đi truy tìm tông tích gia đình mình, từ TPHCM ngược lên tận biên giới Campuchia vẫn không tin tức. Năm 1982 mới tìm được gia đình chú thím.

Và mãi đến năm 2009 nhờ chương trình tìm người mất tích “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV mới tìm lại được anh chị em mình sống ở An Giang sau 39 năm lưu lạc tha phương.

720 - Võ Thị Mỹ Phương
NI CÔ LƯU LẠC
Thường dân buôn bán nhỏ sinh 1968 tại Gia Lai. Sống ở TPHCM (2011).
Sinh ra trong chiến khu với bố mẹ hoạt động cách mạng.

Mới được 3 tuổi thì trong một trận càn bị quân đội chế độ Sài Gòn bắt đi (bố mẹ lúc đó đi công tác vắng mặt) đem về Pleiku chụp ảnh in truyền đơn rải xuống vùng mật khu để kêu gọi bố mẹ ra đầu hàng. Nhưng bố mẹ cắn răng chịu đựng mấùt con chứ kiên quyết không ra đầu hàng nên cuối cùng được một người lính chế độ cũ thương tình đem gửi cho một tịnh xá Phật giáo (dành cho giới nữ tu sĩ) ở Pleiku nuôi dưỡng.

Sau đó lại được chuyển về ở một tịnh xá khác ở Sài Gòn, được cạo đầu cho… đi tu luôn với tên mới là Ngọc Duệ. Nhưng vẫn được cho đi học tốt nghiệp phổ thông rồi đến năm 1997 cho ra ngoài làm con nuôi cho một gia đình làm nghề buôn bán ở TPHCM.

Trong lúc đó sau 75 bố mẹ chạy đôn chạy đáo đi tìm tung tích con khắp nơi không thấy, cứ ngỡ là bị đưa vào các cô nhi viện đâu ngờ đến… cửa chùa!

May sao qua chương trình tìm người thân thất lạc “Như chưa hề có cuộc chia ly” trên VTV3, đã nhận ra mẹ mình qua dấu hiệu “vết sẹo trên đùi phải” do chích thuốc nhiễm trùng hồi nhỏ được thông báo trên đài.

Lời kết của bà mẹ sau 27 năm tìm con: “Tôi tìm được con rồi dù có chết cũng toại nguyện.”

(Còn tiếp)

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

GIỮA RỪNG - ĐỨC PHỖ



Sống giữa rừng nên thương tiếng chim
hót trong veo,vút chẳng chạm đời.
Đâu giống tháng ngày chen đô hội
Đêm nằm thốn nhớ những thiên kim!

Sống với rừng ắt thương tiếng chim
người nguôi xa nhẹ hẩng tấm lòng.
Vướng chút bụi hồng còn tâm vọng
huống hồ đăm lụy bả hư danh.

Người ví vô rừng cho hiu quạnh
một mình sống khổ thấy vui vui.
Mấy đứa mồm thơm lời phủ dụ
Điêu ngoa chơi trội bãi đua tranh.

Ở đây tờ lịch chẳng thèm rơi
ngày rất dài và đêm chơi vơi.
Thời gian đứng sững cờ không gió
bốn bề giãn giãn một thiên cơ.

Đôi khi ngất ngất hương bè bạn
ngồi gõ câu thơ nhịp nhịp bời.
Bất sá cũng buồn khi thất thổ
mắt nhòa men tịnh thấy thương đời.

Sống giữa rừng vui với tiếng chim
rất đỡ thèm giọng ngọt môi êm.
Mai kia thân mục còn chi phận
mấy nhánh tình xin một nhánh em.

NĐP

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

DÙ SAO VẪN CÁM ƠN ĐỜI - PHẠM CAO HOÀNG



dù sao vẫn cám ơn đời
cỏ cây và gió mặt trời và hoa
cám ơn những đám mây xa
đang bay về phía quê nhà chiều nay
cám ơn những sớm heo may
lạnh se sắt lạnh bên này đại dương
cám ơn giọt nắng vô thường
lung linh ở cuối con đường khổ đau

mười năm nước chảy qua cầu
chuyện về đất nước là câu chuyện buồn
mười năm sống kiếp tha phương
thân nơi biển bắc mà hồn biển đông
mười năm thương ruộng nhớ đồng
lòng còn ở lại sao không quay về
mười năm nhớ đất thương quê
bước đi một bước nặng nề đôi chân
mười năm một thoáng phù vân
tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người

dù sao vẫn cám ơn đời
biển xanh và sóng núi đồi và em
cám ơn những sáng êm đềm
khói cà phê quyện bên hiên nhà mình
đứng bên bờ vực tử sinh
vẫn nghe em hát bản tình ca xưa

mười năm như một giấc mơ

P C H

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

CHIA BUỒN

ĐƯỢC TIN
THÂN MẪU NHÀ THƠ THÁI NGỌC SAN
ĐÃ QUA ĐỜI TẠI TRẢNG BOM - ĐỒNG NAI
XIN THÀNH KÍNH CHIA BUỒN CÙNG TANG QUYẾN
CẦU NGUYỆN HƯƠNG HỒN MẸ SỚM VỀ NƯỚC CHÚA

nguyễn tịnh đông - trần vàng sao - cao huy khanh - viêm tịnh - nguyễn miên thảo
lê văn ngăn - chu sơn - phạm tấn hầu - thái nguyên hạnh - lê ngọc thuận
từ hoài tấn - văn viết lộc - nguyễn văn trai - nguyễn đức phổ - cao thoại châu
tân dân - ngụy ngữ - hoàng lộc - trần dzạ lữ - trần vĩnh tựu - bùi ngọc long
dương đình hùng - trần hoài - võ quê - nguyễn duy hiền - hoàng thị thọ
phan hữu lượng - nguyễn xuân hoa - lê văn thuyên - nguyễn kỳ sơn
nguyễn nhiên - đoàn phạm túy linh - lê văn lân - hà thúc quyết
trần thùy mai - lê gành - lê công doanh - nguyễn thị đấu - đông nhật
lưu hồng cúc - hoàng dũng - nguyễn thanh văn - lê khắc cầm
nguyễn quốc thái - trần hồng tâm - đoàn hồng nhật và thân hữu

HAI CON MÈO...

ẢnhSỐ.net ~ Bạn hãy click vào đây để thay đổi kích cỡ ảnh



Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

THAO THỨC DÒNG SÔNG - HOÀNG LỘC

* quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
hoài khanh

không phải dòng sông nào cũng ngủ được đâu em
khi gió bão gào quanh đời dâu bể
ta vẫn lật từng trang buồn quá khứ
để thăm ta và gặp lại những tấm lòng

không dễ gì trôi xa tắp dòng sông
những ghềnh thác cùng bến bồi bến lỡ
và không dễ gì em từng chối bỏ
về một thời em bảo chẳng là em !

ta cũng cần ngồi cuối bến sông im
nghe bèo bọt tan trôi đời mộng mị
cũng mong được ngày xưa rồi sẽ ngủ
để ta thôi khắc khoải một mơ hồ

quá khứ nào cũng có những buồn vui
nên sông không thể không vì nhau mà thao thức ?


HL

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2011(KÌ 70)




NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

701 - Trần Văn Tuyên
“TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM” ĐẦU TIÊN
Luật sư sinh 1913 tại Tuyên Quang – Mất 1976 ở Hà Tây (64 tuổi).
Nhà trí thức và hoạt động chính trị kỳ cựu và là huynh trưởng hướng đạo chống Pháp nhưng theo Quốc dân đảng. Từng là bạn của Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, có tham dự Hội nghị Geneve 1954 chia đôi đất nước.

Sau đó di cư vào Nam vừa làm luật sư vừa tiếp tục hoạt động chính trị với chủ trương trung lập hóa miền Nam chống Mỹ đưa quân vào. Có thời gian được mời làm phó thủ tướng, làm trưởng khối dân biểu Hạ viện đối lập với chính quyền Thiệu – Kỳ, làm thủ lĩnh luật sư đoàn Gòn, Chủ tịch Hội Bảo vệ nhân quyền… Bên cạnh đó còn đi dạy, tham gia viết báo, nghiên cứu ngành luật…
Trong biến cố 30.4.1975 từ chối đề nghị của Mỹ đưa đi di tản: “Tôi không phải người đi làm bồi cho Mỹ. Sinh ở đây thì chết cũng ở đây…. Thà chết trong tay của kẻ thù còn hơn sống yên thân trong sự khinh thường của đồng bào, bạn bè….” Tuy nhiên với các con thì cho tự do chọn lựa đi hay ở.

Kết quả bị bắt đi cải tạo ra Bắc. Trong tù vẫn giữ vững khí tiết kẻ sĩ, chỉ chấp nhận viết tự kiểm ngắn gọn: “Tôi không có tội gì với Tổ quốc và đồng bào của tôi cả. Nếu có tội thì đó là tội chống cộng sản, chống thực dân, chống độc tài và bất công.”

Bệnh già trong cảnh tù tội thiếu thốn khiến chỉ một năm sau thì qua đời song cái chết bị chính quyền giấu nhẹm vì biết ông có uy tín quốc tế nên nếu nước ngoài biết sẽ phê phán.

Năm 1977 được tổ chức Ân xá Quốc tế vinh danh là “Tù nhân lương tâm” – người bị tù tội vì đấu tranh cho quyền con người, tự do dân chủ -- đầu tiên của VN

Đến năm 1978 chính quyền mới chính thức công bố với nước ngoài việc ông mất trong trại giam do bị xuất huyết não.

Cả 7 người con đều đã ra nước ngoài tiếp tục con đường đấu tranh cho lý tưởng tự do dân chủ của cha mình.

702 - Trương Như Tảng
CỰU BỘ TRƯỞNG VƯỢT BIÊN
Luật sư sinh 1923 tại Sài Gòn. Sống ở Pháp (2011).
Trí thức hành nghề luật sư ở Sài Gòn theo khuynh hướng cấp tiến chống Mỹ nên năm 1967 bỏ vào bưng theo Mặt trận Giải phóng miền Nam. Nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam VN.

Sau 1975 về lại Sài Gòn – nay là TPHCM – trong cảnh gia đình ly tán, 2 em trai bị đưa đi cải tạo. Từ đó nhanh chóng nhận ra thực tế không như ý muốn là miền Bắc nắm hết quyền hành thống nhất 2 miền, giải thể Chính phủ CMLTMN. Thất vọng lý tưởng tan vỡ nên đành tìm con đường sớm ly khai.

Năm 1978 theo người anh vợ tổ chức vượt biên đi từ Long Xuyên. Trên đường đi gặp hải tặc Thái Lan, may mà chỉ bị chúng cướp bóc rồi thả cho đi tiếp gặp tàu Liên Hợp Quốc vớt đưa qua trại tỵ nạn Indonesia. Cuối cùng được Pháp cho nhập cư.

Trên đất khách rút vào đời sống ẩn dật ít dính líu gì chuyện chính trị nữa. Chỉ năm 1985 có in cuốn “Hồi ký một Việt cộng” tại Pháp.

703 - Trương Quang Thứ
“NHÀ THƠ ĐỨNG”
Nông dân sinh 1951 tại Nghệ An. Sống ở Nghệ An (2011).
Năm 19 tuổi bị một mảnh bom Mỹ ghim vào chân. Vết thương không trầm trọng song do nhà nghèo không tiền chữa trị đúng mức nên bị nhiễm trùng sinh ra nhiều biến chứng nặng dẫn đến liệt cột sống, lưng không thể cúi xuống, chân yếu bước tập tễnh, đôi khi nằm liệt giường cả tuần.

Để sống còn, rèn luyện ý chí bằng cách tìm đến niềm vui sáng tác văn chương nhờ sẵn có năng khiếu từ thời học phổ thông. Gửi báo các bài viết, thơ văn một số được đăng tải giúp thêm nghị lực phấn đấu vươn lên. May mắn trong một lần nằm viện gặp một cô gái Bắc Ninh sinh lòng cảm mến chấp nhận lấy làm chồng dù gia đình cô phản đối.

Từ đó vợ đi làm hợp tác xã nông nghiệp cả ngày vắng nhà. Chồng ở nhà tự chế ra những đồ dùng, phương tiện phù hợp cho người tàn tật như mình để cố gắng lo việc nội trợ và chăm sóc vườn tược, đến tối rảnh rang mới tiếp tục viết văn làm thơ. Do bị liệt cột sống không thể ngồi được nên khi viết bài phải trong tư thế… nằm hoặc đứng, vì vậy được tặng cho biệt danh “Nhà thơ đứng”!

Đến nay đã in 3 tập thơ riêng, 3 tập in chung không kể nhiều bài đăng báo, được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An từ năm 1992. Ngoài ra còn thêm 3 “tác phẩm” bằng xương bằng thịt đều là con trai học hành tử tế. Tất cả đều là nhờ niềm đam mê văn chương: “Nếu không có văn chương, người tật nguyền như tôi chết lâu rồi. Văn chương đã cứu rỗi đời tôi.”ø

704 - Trương Thanh Thủy
SỐNG “NGHỊCH CHIỀU”
Doanh nhân sinh 1985 tại Đồng Nai. Sống ở TPHCM (2011).
Học trung học ở TPHCM. Năm 17 tuổi theo gia đình qua định cư ở Mỹ. Tại đây học lên đại học ngành vi tính.

Đang học hành bình thường thì xảy ra một “sự cố” trong gia đình khiến 2 mẹ con bị đẩy ra… lề đường với 2 bàn tay trắng, không nhà cửa, tài sản trong tay chỉ vỏn vẹn 100 USD! Cả 2 mẹ con phải bươn chải kiếm sống trong cảnh tứ cố vô thân ngặt nghèo.

Bản thân phải làm đủ thứ nghề lặt vặt, lao động chân tay ngoài giờ học như làm lao công, phục vụ quán ăn, phụ việc trong chợ… Vừa làm vừa học có lúc đuối sức muốn bỏ học luôn.

May thay sau cùng được nhận vào làm nhân viên bán hàng bán thời gian cho Ngân hàng Mỹ một ngân hàng lớn chuyên lo mời chào khách hàng mở tài khoản. Nhờ cần cù chịu khó, thông minh tháo vác dần dần sau 2 năm làm việc trở thành nhân viên bán hàng xuất sắc của toàn hệ thống ngân hàng này. Từ đó được một hãng bảo hiểm mời cộng tác lương cao hơn.

Song song đó vẫn kiên trì theo đuổi việc học, tất cả cần một nghị lực và sức chịu đựng đáng kể là phi thường “chưa ngày nào ngủ hơn 6 tiếng đồng hồ”. Kết cuộc không phụ lòng người, tốt nghiệp đại học năm 2009 ngành kỹ thuật điện toán.

Đến đó thay vì tiếp tục làm nghề tài chính bây giờ đã có bằng đại học càng dễ thăng tiến hơn thì lại quyết định… trở về VN sống luôn!

Sống ở TPHCM đi đi về về Biên Hòa quê nhà tuổi thơ, nơi mình bắt đầu sự nghiệp kinh doanh mở cửa hàng sản xuất và bán… món yaourt đông lạnh, một loại nước uống làm từ sữa, là “yaourt kiểu Mỹ” gần giống như yaourt đặc quen thuộc với người VN.

Kết quả bước đầu thành công, từ đó mở thêm 2 cửa hàng nữa tại TPHCM. Vừa làm bà chủ vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện như thời còn là nữ sinh trường Bùi Thị Xuân ở TPHCM.

Hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống mới phát triển từ cuộc đời một con người đã có một quyết định sống khác người, ngược đời: Ra đi chưa bao lâu – 8 năm - đã vội quay về trong khi có biết bao người ao ước được đi để… đi luôn!

Tự giải thích: “Nước Mỹ cho tôi rất nhiều thứ: Học bổng, cơ hội và kinh nghiệm làm việc, biết cách đối phó với áp lực cuộc sống. Nhưng nước Mỹ cũng lấy đi của tôi nhiều thứ thuộc về tinh thần… Chỉ có ở VN tôi mới có được những thứ thuộc về văn hóa, con người và suy nghĩ của mình cho dù với kinh nghiệm làm việc và bằng cấp tôi dư sức có cuộc sống tốt ở Mỹ… Những hoạt động xã hội, từ thiện tôi có thể tham gia ở bất cứ nơi đâu nhưng làm được điều đó ở VN tôi mới có cảm giác hạnh phúc, thấy được mình thật sự là mình… Tôi sẽ ở đây không đi đâu hết. Ở VN tôi có cơ hội cho riêng mình.”

705 - Trúc Phương
TÀN MẠT VÌ VƯỢT BIÊN
Nhạc sĩ tên thật Nguyễn Thiện Lộc sinh 1933 tại Trà Vinh – Mất 1995 (63 tuổi).
Trước 75 ở miền Nam là một trong những tác giả “Vua nhạc sến” chuyên trị giai điệu bolero ngọt ngào thê thiết tận cùng như “Nửa đêm ngoài phố”, “Tàu đêm năm cũ”, “Ai cho tôi tình yêu”, “Con đường mang tên em”, “Chuyện chúng mình”… Ngoài ra còn mảng nhạc lính cộng hòa vẫn theo phong cách “nhạc vàng”. Đa số đều rất “ăn”với “giọng ca liêu trai” Thanh Thúy.

Sau 1975 quyết chí vượt biên đến cùng nhưng đi nhiều lần đều bị bắt vào tù ra khám liên miên. Khi được trả về thì nhà cửa đã bị tịch thu, gia đình ly tán. Từ đó sống cuộc đời cù bơ cù bất đầu đường xó chợ giống hệt dân bụi đời, ngày lang thang ngơ ngẩn đêm thuê chiếu nằm ngủ bến xe.

Rốt cuộc chết trong tình cảnh thương tâm như vậy.

706 - Trường Sa
NGƯỜI MANG TÊN QUẦN ĐẢO TRANH CHẤP
Nhạc sĩ tên thật Nguyễn Thìn sinh 1940 tại Ninh Bình. Sống ở Mỹ (2011).
Di cư vào Nam 1954 gia nhập hải quân VNCH mang lon thiếu tá từng làm hạm phó tàu tuần duyên mang tên Trường Sa – quần đảo đang trong vòng tranh chấp giữa VN và Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia - nên lấy luôn tên đó làm nghệ danh viết nhạc “làm chơi”.

Tuy vậy nhiều ca khúc trữ tình mượt mà phóng khoáng ngọt ngào – tất cả ít nhiều đều mang hơi hướng, âm hưởng chung quanh đề tài biển cả và đời lính hải quân – rất thành công để lại ấn tượng sâu lắng gắn liền với giọng ca Lê Thu như “Rồi mai tôi đưa em”, “Một mai em đi”, “Xin còn gọi tên nhau”…

Đến biến cố 30.4.1975 đã theo tàu hải quân VNCH qua đến đảo Guam thuộc Mỹ nhưng chờ mãi không thấy tin tức vợ con qua theo nên trực tiếp xin đại diện Liên Hợp Quốc cho mình theo tàu Việt Nam Thương Tín quay về nước (chiếc tàu này cũng đã chạy qua tận Mỹ nhưng nhiều thành viên trên tàu cho là mình bị “cưỡng bách” đi nên làm reo đòi phía Mỹ cho tàu quay đầu về lại VN, ai muốn về thì về còn ai muốn ở lại cứ ở).

Nhưng về nước chưa kịp gặp vợ con thì bị… bắt đi cải tạo! Qua nhiều nơi ở miền Trung từ Nha Trang đến Nghệ Tĩnh rồi quay lại miền Nam. Đến 1984 mới được trả tự do.

Về nhà mới quyết định đi không trở lại nữa – vượt biên năm 1984. Nhưng oái oăm thay lần này đi không lọt mà bị bắt ở Mỹ Tho lãnh thêm án tù 2 năm nữa.

Ra tù đến 1989 tiếp tục vượt biên một mình lần nữa bấy giờ mới thoát được, qua Canada. Vợ và 3 con đến năm 1992 mới qua đoàn tụ.

Trên xứ người đi làm công nhân công ty ô tô và bắt đầu sáng tạc nhạc trở lại sau 15 năm gác bút. Vẫn phong vị nhạc tình cảm cũ cộng thêm nỗi buồn xa xứ, hoài niệm một đời người như trong “Sài Gòn ơi tôi vẫn còn em đó”, “Những mùa thu trên cuộc tình tôi”, “Giấc mơ nghìn trùng”…

Năm 1996 vợ về thăm quê hương không may bị tai nạn qua đời. Chỉ còn biết ngậm ngùi sáng tác bài “Đường chiều một bóng” tưởng niệm người đã thăm nuôi chờ đợi mình 2 lần tù tội.

Nay đã có niềm an ủi tuổi già với người vợ khác cũng đồng cảnh ngộ vượt biên. Năm 2007 ra tuyển tập nhạc 26 bài khoảng một nửa sự nghiệp âm nhạc “tay trái” của mình.

707 – Tuấn Vũ
“VUA NHẠC SẾN” HẢI NGOẠI
Ca sĩ tên thật Nguyễn Văn Tài sinh 1959 tại Phan Thiết. Sống ở Mỹ (2011).
Năm 1979 một mình vượt biên qua Mỹ.
Trên đất Mỹ ban đầu theo nghề đánh cá, sau chuyển qua làm thợ hàn kiếm sống khá vất vả.

Có sẵn năng khiếu ca hát nên tự tập hát, sau may mắn gặp được Nhật Trường cùng đồng hương Phan Thiết (và Giao Linh) giúp đỡ dìu dắt để bắt đầu bước vào con đường ca hát từ năm 1981. Nghệ danh Tuấn Vũ ghép tên 2 người cháu.

Nhanh chóng vươn lên thành ngôi sao chuyên “trị” loại nhạc sến, nhạc vàng trước 75 (đặc biệt ca khúc của Trúc Phương, Châu Kỳ), được tôn là “Phuợng hoàng nhạc sến” ở nước ngoài. Lên đỉnh cao 1985-1990 thu đĩa một bài lãnh 1.000 USD.

Sự nghiệp thành công vang dội nhưng cuộc đời riêng lại gặp thất bại cay đắng. Lấy vợ gốc Hoa được 8 năm có một con trai 4 tuổi thì bị bên vợ gây sức ép đòi bỏ hát để chuyên lo việc kinh doanh cho gia đình vợ, không chấp nhận nên đôi bên chia tay. Mất mát lớn nhất là mất quyền nuôi con, đứa con duy nhất.

Đã vậy còn bị bạn thân lừa tiền bạc thậm chí lấy cả nhà cửa, rồi hãng thu âm cũng quỵt nợ luôn khiến rơi vào cảnh khủng hoảng trầm trọng phải tìm quên trong men rượu, có khi “chơi” cả ma túy tới mức năm 2006 bị bắt gây scandal lớn. Từ đó phải nghỉ hát mấy năm.

Đến năm 2000 được bạn bè, đàn anh an ủi động viên vươn lên trở lại nghề hát vẫn được ủng hộ tuy không còn bằng thời trẻ trung vàng son. Đã tranh đấu đòi được quyền nuôi con nên đời sống tình cảm không còn hụt hẫng, có ý thức trách nhiệm với con và với cả chính bản thân mình.

Năm 2010 mới quay về quê hương thăm mẹ già còn lại đã 90 tuổi. Nhân đó xuất hiện trên sân khấu TPHCM rất được hoan nghênh. Năm sau lại về tiếp tái ngộ khán giả quê nhà.


708 – Vi Huyền Đắc
THÂN TÀN QUY CỐ HƯƠNG
Nhà viết kịch sinh 1894 tại Hải Phòng – Mất 1976 ở Hà Nội (78 tuổi).
Nhà viết kịch tiên phong của làng kịch nước nhà với những tác phẩm thời tiền chiến đã đi vào lịch sử như “Kim tiền”, “Ông Ký Cóp”…

Di cư vào Nam 1954 chỉ viết thêm vở “Thành Cát Tư Hãn” rồi thôi nhưng có tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật chế độ Sài Gòn (làm phó chủ tịch Hội Văn bút VN, nhận giải thưởng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu…).

Sau 30.4.75 do đã lớn tuổi nên không bị đi học tập hay cải tạo. Thêm vào đó được sự bảo lãnh của người con trai thứ bác sĩ quân y (học trò bác sĩ Tôn Thất Tùng) từng phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, lúc đó đang dạy Đại học Y Hà Nội.

Năm 1976 thấy bố sống một mình neo đơn (vợ đã mất, con trai đầu thì bỏ ra nước ngoài rồi) nên mới đưa bố ra Hà Nội.

Nhưng không may trước khi đi ông bị té ngã gãy xương đùi nên ra đến Hà Nội chỉ sống chung với con được một đêm rồi phải vào nằm viện được một tháng thì qua đời.

709 - Võ Đại Tôn
TỪ “CHIẾN SĨ PHỤC QUỐC” ĐẾN… NHÀ THƠ
Thường dân sinh 1936 tại Quảng Nam. Sống ở Uc (2011).
Trước 1975 là đại tá Lực lượng đặc biệt VNCH từng nhảy toán xâm nhập xuống miền Bắc làm công tác tình báo. Năm 1974 chuyển về Sài Gòn làm Bộ Thông tin đồng thời tham gia hoạch địch chiến lược quân sự trong bộ phận thuộc phủ tổng thống.

Sau 75 đương nhiên đi cải tạo. Nhưng chỉ vài năm sau đã tìm cách trốn thoát rồi bí mật đưa cả gia đình vượt biên đến Malaysia, sau đó được Uc nhận vào định cư.

Không chấp nhận sống đời yên ổn, năm 1981 lập lực lượng “phục quốc” quay về nước theo đường bộ âm mưu định chống phá chế độ cộng sản nhưng đã sớm bị bắt ngay biên giới Việt – Lào. Ra tòa lãnh án nặng.

Năm 1991 ở tù được 10 năm 1 tháng 17 ngày (đa số biệt giam) thì được Uc bảo lãnh cho “ân xá” trục xuất về lại Úc.

Từ đó từ bỏ đấu tranh bạo lực, chỉ tập trung đấu tranh chống Cộng bằng các hoạt động đi diễn thuyết, viết sách báo (xuất bản hồi ký 2010). Và đặc biệt in… thơ – bút danh Hoàng Phong Linh - với nhiều tác phẩm như “Hồn ca”, Hành Trình 30 năm”, “Đoản khúc người ra đi” (7 tập)… Chính trong thời gian hơn 10 năm tù, thơ đã góp phần giúp bản thân vượt qua khổ nạn.

710 - Võ Hồng
NHÀ VĂN THEO “PHE” NÀO?
Nhà văn sinh 1921 tại Phú Yên. Sống ở Nha Trang (2011).
Từng tham gia cách mạng thời chống Pháp làm trong ngành giáo dục vùng giải phóng theo cộng sản.

Nhưng sau 1954 ở lại Nha Trang dạy học và viết văn được đánh giá cao mà không bị soi mói gì về hoạt động thời kháng Pháp. Giữ một thái độ chính trị đúng mực không theo phe nào quốc gia hay cộng sản, chỉ viết văn – đa số truyện ngắn – chuyên về tình cảm tâm lý gia đình, xã hội mà tránh đề cập dính dáng đến thời cuộc dù cuộc đời mình từng trải biết bao giai đoạn lịch sử thăng trầm cả dân tộc.

Đến sau 1975, vẫn tiếp tục làm trong ngành giáo dục song việc sáng tác thì hầu như không thấy xuất hiện. Được chế độ mới trân trọng không hiểu có phải vì quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, đã có thái độ “trung lập” dưới chế độ Mỹ - Ngụy hay có giữ mối liên hệ nào đó với cộng sản?

Là nhà văn hiếm hoi ”giữa hai làn nước” mà lại ít bị thời thế chính trị “đụng” tới – dù thời thế đó đầy nghịch lý nghiệt ngã - bởi cách sống và ứng xử khôn khéo trong đời sống riêng. Lẫn qua tác phẩm: Sống trong một chế độ không ưng ý vẫn viết và in tác phẩm, ngược lại sống với chế độ hợp với lý tưởng ngày xưa thì lại giữ thái độ “câm lặng văn chương”! Cũng như ngoài đời là một con người tinh tế nhưng kín đáo đôi khi “khó hiểu”.

Một cách chọn lựa sống và viết khác người, độc đáo giúp mình có thể tồn tại – giống như thu mình lại thầm lặng, khiêm tốn - giữa lòng một thời đại bão tố nhiều xáo động, đổi thay khắc nghiệt tới mức cực đoan quá khích từ những cực đối nghịch khốc liệt.

Cả cuộc đời riêng cũng thế, mất vợ từ khi mới 36 tuổi – kết quả là tác phẩm để đời “Hoài cố nhân” - mà vẫn ở vậy nuôi 2 con thành tài và cho đến nay vẫn chung thủy với nếp nhà cũ hàng chục năm qua từ thời “gà trống nuôi con”.

Năm 2006 từng bị một cơn đột quỵ nhưng may mắn qua khỏi. Để vẫn tiếp tục viết nhờ thư ký riêng chép lại nhưng lại không thấy công bố tác phẩm mới nào!

( Còn tiếp)

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

CHIA BUỒN

ĐƯỢC TIN
CỤ VÕ VIÊN
THÂN PHỤ CÔ GIÁO,NHÀ THƠ VÕ THỊ THANH TRUNG

ĐÃ QUA ĐỜI TẠI HUẾ
XIN CHIA BUỒN CÙNG THANH TRUNG VÀ GIA ĐÌNH
CẦU NGUYỆN HƯƠNG HỒN CỤ SỚM VỀ CÕI PHẬT

nguyễn văn trai,viêm tịnh,nguyễn miên thảo
lê ngọc thuận,văn viết lộc
vợ chồng thiều anh - sơn ,tuyết nhung,hương giang và thân hữu

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

ĐÊM THÁNG NĂM NẰM BỆNH - BÙI NGỌC THÀNH

"Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng"*
Cựa mình thức dậy khát trăng non
Gối cơn mộng nhỏ trên tàng lá
Ngơ ngác lần theo bóng cội nguồn

Nằm bệnh, ngỡ đâu rời thế tục!
Sao màu hoa ấy ngậm ngùi hương?
Sao vầng trăng cũ thơm tơ lụa,
Từng ngọn bình minh trổi dị thường?

Em ạ, rừng thưa, bờ nước cạn
Sen hồng. theo tháng hạ lênh đênh.
Hoa cúc về đâu mùa tưởng nhớ
Chỉ tiếng đàn ngân bước độc hành.

Tháng năm rơi xuống bàn tay gãy
Da thịt thâm bầm cánh phượng khô.
Có phải nhờ lời em khấn nguyện
Nên ta còn sống đến bây giờ?

B N T

*Ca dao

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

BÀI CA THIÊN NGA - NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH

Trên thế gian này
chưa bao giờ
vâng, chưa bao giờ
vợ chồng thiên nga
thề thốt tình yêu
chung thủy

trên mặt hồ này
chưa bao giờ
vâng, chưa bao giờ
một chàng thiên nga
không bơi chung với vợ

trên bầu trời này
chưa bao giờ
vâng, chưa bao giờ
có một chàng thiên nga
vừa góa vợ
lại bay đôi với ả khác

bởi vì
chàng thiên nga cô đơn kia
không bao giờ
vâng, không bao giờ
còn bầu trời
còn mặt đất
còn mặt hồ
còn thế gian
- chàng đã tự tử !

chưa bao giờ
vâng, chưa bao giờ
con người
mang trái tim thiên nga !

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI - NĂM MẶT ĐẶT TÊN

ĐÓN ĐỌC TẬP THƠ
NĂM MẶT ĐẶT TÊN


ĐÔNG HÀ - ĐẶNG NHƯ PHỒN - LÊ TẤN QUỲNH
LÊ VĨNH THÁI - PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

NHÀ XUÂT BẢN THUẬN HÓA
2011

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

GHÉT - TRẦN DZẠ LỮ

Tặng Rất Huế
Ghét anh ghê! Nghĩa là thương quá đỗi
Rứa mà anh không biết ,bỏ qua luôn…
Suốt cả tuần cứ ngơ ngẩn ,bồn chồn
Đêm thao thức để nghe lòng bối rối !

Em lườm ngúyt rứa răng mà không tội
Cũng tội mình chưa thấu đáo yêu thương
Ngó nơi mô cũng chỉ gặp nỗi buồn
Người yêu giận biết làm chi chuộc lỗi ?

Ghét anh ghê! Tại răng không hề nói
Lúc gần kề môi mắt bữa hôm tê ?
Tại anh nhát nên bàn chân bước vội
Nhưng con tim nghiêng ngả lúc em về…

Một ngày giận là như đã nghìn khuya
Biển dậy sóng trong tình yêu em hỉ ?
Em úp mặt vô lòng bàn tay nhỏ
Anh lắc đầu hối hả dắt xe đi…

Ghét anh ghê! Người chi lạ rứa tề
Huế mà chẳng hiểu chi con gái Huế
Anh cũng biết…ui chao khi em dị
Hay xoay lưng, nghiêng nón rất nhu mì…

Hay bứt hoa, bẻ lá dọc đường đi
Hay ngúng nguẩy để hồng thêm đôi má
Anh đã hiểu…chẳng có chi là lạ
Ghét là thương mãnh liệt phải không tề?

T D L
( Sàigòn tháng 5 năm 2011 )

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

VÒNG TAY GIÓ - NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

1- Nhà anh cách phố hơn trăm cây số, tính cả đi và về mất hai tiếng đồng hồ. Nhiều lần chị muốn về thăm quê anh, chỉ đơn giản, là muốn được sống với anh những ngày tuổi trẻ ở đó. Nhưng chị ngại. Vì có quá nhiều điều chị bị ràng buộc mà không phải vì anh.
Chiều đó, cũng như bao chiều khác, anh gọi cho chị, chỉ nói vẻn vẹn “Em thu xếp về quê với anh”. Không để chị kịp trả lời, chừng mười phút sau anh đã phóng xe đến khu tập thể nơi chị ở. Chị gấp vội cái áo khoác màu thiên thanh và cái túi xách nhỏ. Chị về quê anh. Đó là lần đầu tiên chị được về miền quê nơi đã sinh ra anh với bao kỷ niệm êm đềm như chuyện cổ tích. Từ mấy gốc cây vú sữa sau nhà, đến hàng hoa râm bụt, đến hàng hoa hồng đầu ngõ. Quê anh với những cánh đồng trải dài và cứ đến mùa gặt, cái không khí náo nức, phấn khởi của bà con nông dân lại như thay mới cả cuộc đời. Có lũy tre làng bao năm qua là chốn đậu bình yên của những cánh cò trăng muốt. Vốn sinh ra ở thành phố, chị đã rất nhiều lần muốn được đi về những vùng quê, để tìm hiểu cái gốc gác của cha ông một thời cày sâu cuốc bẩm. Chị có tham vọng được nghiên cứu luôn một phần của văn hóa làng quê để bổ sung vào kho kiến thức của mình. Chiếc xe máy của anh chở chị bon bon trên đường quốc lộ, trên dươngd đi, chị dấm dẳng:
- Anh không báo trước cho em chuẩn bị tinh thần gì cả. Đột ngột về quê thế này, em ngại.
- Em nghĩ chi nhiều cho mệt, đơn giản là về quê chơi với anh thôi.
- Sao lại không nghĩ. Anh có người yêu rồi, giờ lại chở một cô khác về quê mà không phải chị ấy. Hỏi sao không có lời qua tiếng lại.
- Thì đã sao. Bạn bè không được về thăm nhà nhau hay sao, không luật pháp nào cấm điều đó cả.
Anh đúng. Chị đã lặng yên. Nhưng chị biết mình đang muốn gì. Trời bắt đầu mưa. Cơn mưa bắt đầu của một đợt áp thấp nhiệt đới. Cảm giác ớn lạnh ập đến vì chị vừa mới chống chọi với một trận ốm. Chị ngồi gần anh hơn. Cảm nhận được hơi ấm từ tấm lưng anh đang lan tỏa vào da thịt chị. Anh không nói gì. Lâu lâu lại vòng tay ra phía sau xem chị thế nào. Gió cứ phần phật quất vào chiếc áo mưa, cả cái mủ bảo hiểm màu đen to cồng kềnh. Vậy mà chị lại thiu thiu ngủ sau lưng anh. Chị không biết lúc đó trong đầu chị nghĩ gì, nhưng chị biết trái tim chị đang hướng về anh, và chị biết anh đang muốn hàn gắn lại những rạn nứt và tổn thương trong tâm hồn chị. Anh từng nói với chị rằng mỗi khi lòng trống vắng, anh đều hình dung khuôn mặt chị. Nhất là đôi mắt. Khi nhìn chị ngủ, anh muốn khuôn mặt ấy thuộc về anh vĩnh viễn. Chị không dám tin nhiều vào điều đó. Chị không dám bước qua ranh giới đó để đến gần anh hơn. Chị bị ám ảnh bởi cuộc sống với hệ lụy đã trở thành quy chiếu đối với mỗi người. Nghề nghiên cứu khảo cổ của chị, cứ tẩn mẩn đi tìm những dấu tích xa xưa mà đôi khi thấy công việc cứ như một người công nhân đầy mẫn cán, nhẫn nhịn, chịu khó. Thế giới của chị nằm sâu trong những trầm tích. Thế giới đó đang dần bị đóng khung. Cũng không biết từ lúc nào trong chị có một khoảng bình yên bên ngoài sự bộn bề của cuộc sống, công việc. Có hôm, các đồng nghiệp cùng cơ quan rủ chị đi ăn tối và cùng nhâm nhi cà phê để tổng kết một đề tài nghiên cứu vừa được ứng dụng thành công. Đó là lần đầu tiên chị gặp anh. Một cách tình cờ. Anh ngồi một mình lặng lẽ một góc quán với một ly cà phê đen, mấy điếu thuốc và chiếc máy tính xách tay. Chị lại vận vào mình những câu hỏi dọc ngang về cuộc sống. Xã hội càng hiện đại, người ta lại ít có thời gian quầy tụ bên gia đình. Nỗi lo cơm áo hàng ngày khiến ai cũng vội vã bươn tới, không nhận ra con đường mình đi có bao nhiêu sỏi đá đang chực sẵn để ghim vào gót chân Asin của mỗi người. Rồi thi thoảng đâu đó, trong những quán cà phê - đọc sách - vào mạng, chị vẫn gặp anh. Những lúc đó, chị luôn giữ khoảng cách với anh, không thân đến độ phải vồn vã chào, nhưng chị biết cách làm cho anh nghĩ tới chị. Nhớ có đôi lần cô Thanh cùng cơ quan rỉ tai chị “Thắng nó chưa gì cả. Làm ở công ty tư vấn xây dựng cùng tòa nhà cơ quan mình. Em “Tia” đi”. Chị cười. Nhiều người quan niệm tình yêu thật đơn giản. Chị thì chị không nghĩ thế. Tình yêu, vốn dĩ đã không ai có thể giải thích đủ đầy khái niệm đó. Có thể, cần hơn là một sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, hai trái tim. Và cần lắm một sự cảm thông chia sẻ tận đáy lòng mới mong giữ trọn được tình yêu đó. Cũng bởi vậy, đã nhiều người đàn ông đến với chị, nhưng, câu trả lời vẫn nằm đâu đó, không đến với chị, hay đúng hơn là chị thấy trừu tượng, chị thấy bên họ mình không bình yên, không dựa dẫm được, dù chỉ một lần thử ghé vai để khóc.
Và rồi anh gõ cửa trái tim chị vào một ngày cuối mùa đông. Thành phố biển gió vẫn rin rít mang cả hơi lạnh của biển khơi phả vào không gian vô tận. Cái lạnh đó làm cho con người cần nhau hơn. Và chị cũng thế. Chị ở yên trong vòng tay anh trước biển.
…Trong quán cà phê Viss, ngày cuối tuần, cô bé chủ quán có đôi mắt đen láy trao cho chị chiếc túi nhỏ trong đó đựng mấy cuốn sách, bảo là có người gửi. Chị đã định không nhận, nhưng rồi phụ nữ vốn tò mò, chị đã nhận với một loạt cái tên được đề cử, vậy mà sai hoàn toàn. Người gửi là anh. Mẫu giấy ghi vẻn vẹn “Hôm rồi thấy cô Thư tìm mấy cuốn sách này bên hiệu sách Ánh Hoàng, nhưng không có. Tôi có người bạn ở Hà Nội, sẵn dịp nhờ họ tìm giúp. Cô Thư cứ giữ đọc nhé, sau này có dịp thuận lợi, nhờ cô Thư kể lại cho tôi nghe. Hoàng.” Thấy chị mỉm cười sau khi gấp mẫu giấy lại, cô bé tóc tém của quán cà phê Viss đánh đuôi mắt, nguýt dài “Chị Thư đã nghe, có đối tượng chiếu tướng rồi”. Rồi cũng không biết tự khi nào, cái hộp thư của chị ở bưu điện trung tâm thành phố, nơi chị đặt để nhận sách, báo, các giao dịch khác của công việc, cứ cuối tuần lại có một bức thư của anh. Những lá thư đó, đôi khi chỉ đơn thuần là những hỏi thăm về sức khỏe. Địa điểm anh gửi thư thay đổi theo thời gian, đó là những nơi anh đến, nơi anh đi qua. Chị đã có một khoảng không gian và một nỗi nhớ mơ hồ dành riêng cho bản thân - hộp thư đặt ở bưu điện trung tâm. Thời đại của công nghệ thông tin, đã ít đi cách giao dịch bằng những cánh thư tay kèm những con tem thân quen một thời. Có lá thư anh viết rằng, chị đừng cười anh, vì chỉ cần ngồi vào máy vi tính, gõ một file và gửi vào hộp thư điện tử là nhanh và gọn nhất. Nhưng anh muốn tự mình viết thư thăm chị, đơn giản, cũng vì thế mà anh có dịp viết thư bằng chiếc bút anh yêu thích, vừa được gần chị hơn, vừa để luyện chữ. Đôi khi anh như trẻ con, thích hỏi chị những điều thuộc thế giới trẻ thơ với những cánh diều, những cuốn sổ lưu bút học trò, và cả những mối tình thời nữ sinh…
Chị có một niềm tin. Chị biết chị đang mong điều gì từ niềm tin đó. Con người lãng mạn trong chị đã có dịp được trỗi dậy sau bao năm sống khép kín lòng mình. Và chị hiểu cuộc sống này không hề viễn tưởng. Chị đã một mình chăm chút cho hạt giống tình yêu anh, chỉ bằng những dòng tin nhắn nhẹ bẫng như một ngọn gió, đủ để mơn man cảm giác của sự khát khao, chờ đợi. Trên góc bàn đặt trong phòng làm việc của chị với ngổn ngang các mẫu hiện vật, những cuốn tài liệu dày cộp bằng tiếng Hán, có một món quà anh tặng mà chị rất nâng niu. Đó là bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch. Mỗi lần chị nhìn vào bức tượng, cảm giác tâm hồn mình được thanh thoát lạ kỳ. Và ước mơ giản dị như bao người con gái khác đã lớn dần trong chị với một nỗi đợi chờ từ anh. Chị bắt đầu nghĩ về một khung cảnh lãng mạn như cùng ngồi với anh trong một đêm trăng đầy viên mãn. Được cùng ngắm trăng và cùng bay theo miền mơ tưởng của những cánh chim giữa tầng không vô tận. Chị ước đôi bàn tay bé nhỏ của mình nằm gọn trong đôi bàn tay rắn chắc của anh, để được tiếp thêm nguồn sức mạnh vô hình mà cuộc sống của chị không thể thiếu. Chị muốn nắm giữ mãi cảm giác bình yên và đầy tin cậy mà anh đã tạo dựng cho chị. Lúc đó, chị có thể đủ can đảm để tựa vào vai anh, nghe nhịp tim anh đan cài, cảm giác được che chở, bao bọc và gắn bó đến vô cùng. Và điều chị khát khao được tan trong nụ hôn của anh, xóa tan mọi nỗi muộn phiền có thể…
- Gần tới nhà anh rồi. Anh giảm tốc độ và nói.
Chị sực tỉnh. Thế mà chị ngủ được trong suốt quãng đường hơn một trăm cây số. Và mơ những điều chưa bao giờ chị mơ. Chừng như anh hiểu tâm trạng của chị. - Không cần ngại gì cả. Em mệt lắm đúng không. Mình nghỉ uống nước ở góc quán đầu xóm đã em nhé. Giờ chắc ba đã nấu cơm đợi chúng mình.
Chị ngỡ ngàng. Cho anh cái quyền được quyết định mọi thứ. Mấy năm quen nhau, anh chưa nói với chị điều gì cả. Mọi điều chị muốn anh nói bằng lời, anh đều lặng im. Cho đến ngày anh dẫn cô bạn gái tên Thao đến nhà và giới thiệu với chị, đó là vợ sắp cưới. Chị không bất ngờ, mà có bất ngờ gì đâu, vì anh chưa nói với chị điều gì cả. Kể cả ba từ mà phụ nữ thường mong đợi và thích được nghe. Chị vẫn băn khoăn vì câu hỏi, rằng giữa hai người khác giới, có thể tồn tại một tình bạn không. Hay người ta vẫn cố viện dẫn cho đúng khái niệm đó để cân bằng. Có người nói, chị như một cái túi không đáy vậy, có thể ngồi hàng giờ để nghe về những kế hoạch trong công việc của anh. Trong đó có cả những dự định rất lớn, cũng có đôi khi là cách để thoát khỏi một mâu thuẫn nhỏ. Chị muốn phá tan những rối rắm trong con người chị. Ngay lúc đó.
- Anh định sẽ thế nào? Giữa em và Thao?
Anh nhìn chị mỉm cười. Thế nào là thế nào. Em muốn anh làm gì bây giờ, khi đưa em về thăm gia đình anh? Mà cụ thể là về thăm ba anh? Cô dâu tương lai không bị bất ngờ gì sao?
Chị đỏ mặt. Anh biết đùa đúng lúc. Anh bình tĩnh mà chị lại run thật sự. Cam kết trong chị bị phá vỡ, đơn giản là vì chị không biết rồi sau câu nói đó, anh có biết mắt chị rơm rớm không?
- Anh đang viết tiểu thuyết bằng người thật việc thật hay sao?
- Anh nói thật. Ngốc ạ.
- Thật là đang mang em ra làm bia đỡ đạn trước ba anh?
- Không. Anh muốn chính thức giới thiệu em với ba.
****
2 - Bẵng đi gần hai mươi năm, chị đã là dâu làng Đồi Chát. Cháu Hoài Ân giờ đã là nữ sinh lớp 10 trường huyện. Cháu Hoài An cũng đã lên lớp sáu. Thi thoảng chị đùa với anh rằng, hồi đó, không hiểu sao chị lại bỏ cả sự nghiệp của mình để đi theo anh về làng Đồi Chát này. Miền quê bình yên mà cửa nhà chị không bao giờ phải khóa. Anh chị cũng dựng được một cơ ngơi tuy không giàu có nhưng mà ấm cúng và đủ đầy. Lâu lâu về thành phố chơi, gặp bạn bè, chị đều tự hào vì lựa chọn đó cách đây hơn 15 năm của mình. Bạn bè, nhiều người hiểu chị, đôi người lại không. Cũng có người cho chị là người cạn nghĩ mới chọn anh mà bỏ đi bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu mối nhà giàu ở phố đang đeo đuổi. Chị lại chứng minh ngược rằng, tình yêu thật sự nó cao hơn thế, nó sáng trong hơn thế, vật chất chỉ là thứ yếu, là điều kiện sống chứ không phải thứ quyết định tất cả. Khi đưa điều đó chia sẻ với anh những khi hai vợ chồng nông nhàn việc nhà, anh lại cười. Đứng trước bất cứ khó khăn, thất bại, hay niềm vui, nỗi buồn nào, anh cũng giữ được nụ cười điềm nhiên như thế. Anh khẳng định với chị là không có gì trên cuộc đời này vĩnh hằng, vật chất trong nhà cũng thế. Không gì mua được sức khỏe. Và không ai thay thế được chị trong anh.
Nhưng hạnh phúc đến với anh chị đã không quá hai mươi năm chung sống hạnh phúc bên anh. Khi đầu mùa mưa năm đó, chị ngã bệnh. Anh đã đưa chị đi chữa trị khắp nơi. Bắt đầu bằng những toa thuốc tây nhẹ, rồi nặng, rồi thuốc ngoại, đủ cả. Bệnh chị không hề thuyên giảm. Gặp ai mách cách chữa trị gì, anh cũng tìm đến tận nơi, hỏi thăm bằng được và đưa chị đến. Đó là những lần đi du lịch mà trong tưởng tượng ngày xưa của chị đã nghĩ tới. Nhưng chị nghĩ khi chị còn tuổi trẻ, còn sắc đẹp và còn bao dự định. Vậy mà, bây giờ những miền đất chị qua, đôi khi, chị chỉ nhìn thấy bầu trời và mây trắng, đôi khi lại chỉ thây một màn mưa. Chị dấu anh khóc tức tưởi. Chị đã mấy lần muốn mình chết đi, thật nhẹ nhàng, chỉ mong anh và các con bình an…

Bây giờ thì chị nằm trên Đồi Chát. Ngôi mộ mới được bao bọc bởi nhiều vòng hoa đủ màu sắc. Tất cả còn mới toanh. Hôm rồi tôi nhận được tin nhắn của cháu Hoài Ân, “Cô có thể giúp ba mẹ cháu được nữa không? Cháu Hoài Ân”. Cái tin nhắn đó làm tôi mấy đêm liền không ngủ. Chuyện của bao người lại là chuyện một người, chuyện của thiên hạ lại trở thành nỗi ám ảnh tận cùng trong trái tim tôi. Buổi chiều hôm sau, tôi đã tìm về vùng quê xứ Chát đó, để thắp hương cho chị - người đàn bà xấu số vừa qua đời. Trong căn nhà nhỏ, bên Đồi Chát, tôi nhìn rất kỹ gương mặt nhân hậu của chị trên di ảnh. Gương mặt mà anh đã rất thương yêu. Gương mặt mà bây giờ cháu Hoài Ân là một phiên bản. Anh ngồi đó, đầu tóc rối và gương mặt hốc hác sau những tháng ngày cùng chị chống chọi với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Thắp vội mấy nén hương trên bàn thờ chị, lòng tôi chùng lại. Hàng loạt những câu hỏi không có câu trả lời cứ thế, gấp gãy, tách rời…sự sống và cái chết, cách nhau có bao xa đâu. Tôi là người biết câu chuyện của anh chị và cũng là người đi tìm lời giải cho cái đáp số của số phận một con người. Cuộc sống đang yên bình thế, chị ngã bệnh. Bao nhiêu tài sản trong gia đình cứ thế không cánh mà bay. Đến một ngày, anh trở thành khánh kiệt. Vợ ốm, con thơ. Anh bắt đầu nhờ vào vận may của lòng nhân ái. Tôi có người bạn, làm việc tại Sài Gòn, gọi tôi bảo rằng làm một mẫu tin về hoàn cảnh chị để đăng báo, mong nhận được lòng hảo tâm của mọi người giúp chị vượt qua cơn ngặt nghèo của số phận. Nhưng chị đã không qua khỏi lưỡi hái của tử thần. Anh gọi cho tôi trong giàn dụa nước mắt “Chị mất rồi em ơi, mất mà anh không kịp nhìn thấy mặt”.
Mặt trời đã lặn. Phía Đồi Chát, hình như trên ngôi mộ chị tôi nhìn thấy một màu cẩm thạch. Cô nhìn thấy những vòng hoa tang trên mộ chị biến thành những cánh chim, bay thành hình mũi tên về phía mặt trời. Như một vòng tay gió…
Tiên Sa, tháng 11/2010
N.T.A.Đ

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

HÁI THUỐC CHO MÌNH - ĐÔNG HÀ

Khi không làm một cơn đau
khi không làm một nát nhàu cả lên
chung tay xây một ngôi đền
chữa dăm ba bệnh tự nhiên như là...

Là hoa thì nở thành hoa
vô duyên lại nở la đà thành yêu
đi ngang gặp buổi chợ chiều
trong cơn đau cũ dám liều một phen

vậy mà cũng gọi thành tên
thuyền quyên ứ hự... thả trên tay người
anh đau một chuyến nghi ngờ
T về hái thuốc ngồi chờ kiếp sau...

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

CHUNG THẤT NHÀ THƠ NGUYỄN TÔN NHAN



TRIEU TU TRUYEN
KHÓC NGUYỄN TÔN NHAN

Cánh cửa mùa xuân chưa kịp hé
Sao vội qua lỡ bước ngoặt đời
Lùi xa hẳn bốn chiều trần thế
Nhan lao vào chiều thứ mấy không gian?

Mắt thơ ngây lấm mịt mù gió bụi
Tóc xanh non quanh quẩn Gia Định Thành
Pha đam mê với chán chường buồn tủi
Viết bài thơ cao ngất đụng trời xanh

Với tình yêu cột chân chạm đất
Vượt bể dâu trụ vững kiếp người
Dắt tay con lên đường thành đạt
Nhan không quên bằng hữu sống cầm hơi…

Những pho sách chất cao hơn tầm vóc
Gửi lại mai sau viên gạch xây nền
Nhan ra đi không vì thôi mơ ước
Phiêu lãng nhiều chân trời cho trọn nghiệp thơ văn


TTT

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

TRIỂN LÃM CỦA NHÓM CỌ


Cuộc hội ngộ của Nhóm Cọ: Trương Thìn, Thân Trọng Minh, Dương Đình Hùng, Hồ Tịnh Tình, Lê Triều Điển, Rừng, Lê Thị Kim, tại Ami Art Gallery, 17 giờ Thứ Bảy, ngày 07.5.2011 ( Khu Du lịch Văn Thánh 40/10 Điện Biên Phủ, P. 22,Q. Bình Thạnh). Thật thân tình và ấm cúng.

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

THÁNG TƯ - NGUYỄN NGỌC TƯ



Bao giờ thì cũng là thứ nắng đỏ quạch quánh đặc như có thể nắm một nắm trong tay. Gió lặng ngắt hoặc có cũng phảng phất chút gì như xa vắng thảng hoặc. Vài trận mưa thập thò hệt đứa trẻ thử rưới ít nước lên chảo lửa ngun ngút rồi đâu lại đó, nắng đỏ hơn, ngằn ngặt đến tận cuối chiều, muốn ăn lan cả vào đêm.

Giữa nắng và nắng và nắng gắt gỏng như nhau, người ta hầu như không được chọn lựa. Cứ chịu trận và chờ đợi thứ gì đó chậm chạm trôi qua. Trên đỉnh mùa khô, trời đất đứng trân trân, không khí phập phồng rịn mồ hôi. Cây cỏ lả đi. Mùa rừng cháy. Mùa giáp hạt. Mùa bới khoai. Trẻ con chân trần đi mượn gạo nhà hàng xóm ngang qua những đám sậy cháy xém, tưởng như da thịt cũng bốc hơi. Người lớn khum khum tay cho đỡ chói ngó về phía chân trời, nơi những núi mây xám một hôm nào đó sẽ đùn lên mang mùa màng tới.

Đặc sản của tháng Tư ngoài nắng còn có... phim tài liệu, cũng hôi hổi, ngun ngút những đạn bom, những vùng trời bùng lên cháy loạn. Hồi nhỏ, không hiểu sao tôi mê loại phim này, trong khi đám con nít cùng xóm hoặc thắc thỏm ngáp vắn dài chờ tới giờ chiếu phim truyện, hoặc ra sân chạy chơi. Thành ra buổi đó chỉ có tôi lọt thỏm cùng người lớn, chẳng hiểu mấy, thấy đánh nhau là khoái, cứ níu tay ba hỏi bữa nay bên mình đánh bên nó tới chỗ nào rồi. Màn ảnh vô tuyến rùng rùng những người những xe, những mũi tên màu đỏ chạy về một nơi nào trên nước Việt gầy gò này mà tôi không hình dung nổi.

Những ngày đó thì chú Năm Thái không thấy qua coi ké ti vi. Cái góc bộ ván ngựa nhà tôi bỗng dưng trống trải, vắng thím Năm hay ngồi ngủ gà gật bên cạnh chồng. Hết tháng Tư, họ mới quay lại, thất thần và nặng trĩu như đã đi đâu xa lắm, mới về.

Những thước phim năm qua năm càng thêm lem nhem. Nhì nhằng như có mưa. Xước như gai táo cào trên da thịt. Tôi gần như thuộc lòng những hình ảnh trên đó, dần dần rút ra kết luận trong mấy cái phim tài liệu tháng tư những người cầm cờ hoa chân thường phải giẫm lên áo xống giày dép nón cối nằm lủ khủ dưới đường… Phát hiện ra phim nào thì cũng hùng hồn hối hả từ giọng người đọc lời bình đến nhạc phim đến nhịp điệu phim… Phát hiện ra chú Năm không qua coi truyền hình vì hồi trước chú theo bên nó, mà trên phim người ta gọi bằng giọng rắn đanh là “địch”, “quân bán nước”, “lũ tay sai”... Chỉ trẻ con nhà chú là nhởn nhơ vô tình, lâu lâu lại ngán ngẩm rên lên, “sao bên nó không chịu thua sớm sớm để hết phim cho rồi, để tụi mình được coi “Biệt động sài gòn”, “Ván bài lật ngửa”. Má tôi ngó đám trẻ khét nắng ngậm ngùi.

Ti vi tháng Tư không cho trẻ con nhà nghèo hồi ấy nhiều lựa chọn, chỉ khác nhau ở chỗ nhiều hay ít, chứ kiểu nào cũng trầy xước.

Giờ tôi đã xem thêm nhiều bộ phim tài liệu nữa về sự kiện tháng Tư, với những cách kể khác, góc nhìn khác. Như thể tôi được ngắm bên phải bên trái bức tượng mà mười mấy năm trước khi còn là đứa trẻ chỉ được nhìn chính diện. Những thước phim của các hãng thông tấn nước ngoài sáng đẹp như mới quay hôm qua, như hôm qua chiến tranh hãy còn đang thở dốc trong cái nắng tháng Tư sôi sùng sục. Ngó vào màn ảnh trong veo nhưng cái cảm giác xây xước vẫn chưa bao giờ tan mất. Cảm giác ai đó và cái gì đó lại bị tháng Tư cào rách, không phải trên mặt, mà sâu ở lòng.

Tôi nhớ người hàng xóm bỗng rời rã vật vờ không bởi vì cái nắng tháng Tư ngun ngút. Nhớ những cái phim trầy trụa được đem ra chiếu đi chiếu lại hồi xưa, nhớ giọng người đọc lời bình, trời ơi, chưa bao giờ chùng xuống.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

THƠ TỪ THÀNH PHỐ EM - ĐỨC PHỔ


Anh cõng nỗi buôn chạy loanh quanh
giữa thành phố vì em anh đến
Ngày đầu năm mặt trời hâm tiết lạnh
như thương tình kẻ mãi lạc mầm xanh!

Hãy xem như một bặn dừng chân
dẫu khi anh đến nhà em kín cổng
Đường vạn nẻo anh ngu ngơ lạ lẫm
tội tấm lòng cơ khổ trót cưu mang...

Muốn bắt chước em làm kẻ bạc tình
ngặt trái tim một bề chung nhất
Giá anh biết trở lòng khi cách biệt
thì cơ cầu trăm chước cũng khoanh tay!

Từ thành phố em sắc áo hương bay
lồng lộng giữa một trời oan trái
Tên đồ tể lắm khi còn nghĩ lại
huống hồ tình ! Nguyên ủy chỉ bao dung

Anh sẽ trở vể bằng chiếc xe không
mà hồn chở biết bao điều không tưởng
Em có tiếc chút tình còn đọng
khi trong nhau tờ mộng đã hoang đường ...

ĐP

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

NHÀ VƯỜN HUẾ TRƯỚC NGUY CƠ TRỞ THÀNH PHẾ TÍCH - ĐÔNG HƯNG

Một ngôi nhà vườn Huế gần trăm năm tuổi đang bị xuống cắp nghiêm trọng

Nhà vườn Huế, tiêu biểu nhất ở phường Kim Long (Thừa Thiên - Huế) đang sở hữu nhiều ngôi nhà vườn quý giá, trong đó có nhiều ngôi nhà hơn trăm năm tuổi được xây dựng dưới triều Nguyễn. Trải qua thời gian, nhiều ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chủ nhân của nhiều nhà vườn không có khả năng trùng tu, sửa chữa ngôi nhà.
Tháng 11/2009, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành quyết định về “Quy định một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế”, song đã hơn một năm thực hiện, quy định này đang rơi vào bế tắc.

Mòn mỏi chờ tiền bảo vệ nhà vườn Huế
Ông Nguyễn Ngọc Trinh, chủ nhân của ngôi nhà vườn hơn trăm năm tuổi ở 46 Phú Mộng, phường Kim Long, TP Huế sau nhiều lần lên UBND phường, rồi đến TP Huế nộp hồ sơ xin hỗ trợ tiền để trùng tu, bảo vệ ngôi nhà vườn của mình đang bị xuống cấp bất thành.
Ông Trinh nói: “Nhà vườn của tôi đã bị xuống cấp, nghe bảo tỉnh hỗ trợ tiền để trùng tu, tui mừng lắm, nhưng rồi đã gần 4 tháng nộp hồ sơ xin hỗ trợ tiền mà chẳng thấy chi cả”.
Tương tự những chủ nhân của nhiều ngôi nhà vườn khác, như hộ ông Nguyễn Văn Trọng (28 Phú Mộng)… có gần trăm năm tuổi hoặc hơn trăm năm cũng đang trông ngóng khoản tiền xin hỗ trợ từ chương trình bảo vệ nhà vườn của tỉnh.
Nhà vườn Huế, tiêu biểu nhất ở phường Kim Long đang sở hữu nhiều ngôi nhà vườn quý giá, trong đó có nhiều ngôi nhà hơn trăm năm tuổi được xây dựng dưới triều Nguyễn. Trải qua thời gian, nhiều ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chủ nhân của nhiều nhà vườn không có khả năng trùng tu, sửa chữa ngôi nhà, trong khi đó giới săn lùng sẵn sàng trả hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng để mua nhà vườn Huế đưa đi nơi khác. Điều này đã làm cho nhà vườn Huế đang “chảy máu”.
Theo UBND phường Kim Long, hơn 5 năm trở lại đây đã có hơn 100 ngôi nhà vườn ở phường này đã bị xóa sổ, bởi nạn thu mua nhà rường cổ và hư hỏng không có khả năng tu sửa.

Bao giờ thực hiện?
Nhằm cứu nguy những giá trị nhà vườn Huế đang dần mai một, năm 2006 UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành quyết định về phê duyệt Đề án bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn năm 2006 – 2010, theo đó tập trung hỗ trợ cho khoảng 150 nhà vườn nằm trong danh sách được phê duyệt.
Tháng 11/2009, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành quyết định về “Quy định một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế”, cụ thể: Khi trùng tu, tôn tạo nhà được hỗ trợ 100% chi phí khảo sát, thiết kế trùng tu; được hỗ trợ 70% kinh phí trùng tu, tôn tạo nhà, nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/nhà. Đối với những hộ gia đình muốn tạo lập vườn sẽ được trợ giúp tiền mua cây giống, nhưng không quá 5 triệu đồng/vườn… Tỉnh này còn thành lập “Quỹ bảo tồn nhà vườn Huế” để chính sách trên thực hiện được thuận lợi hơn. UBND TP Huế đã triển khai kế hoạch thực hiện chính sách bảo vệ nhà vườn Huế, song đến nay, nhiều hộ có nhà vườn đã nộp hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí để trùng tu bảo vệ nhà vườn vẫn bị im lặng từ cơ quan chức năng.
Ông Trần Thanh, Phó trưởng Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế cho biết: “Do một số bộ phận chức năng, như: Hội đồng đánh giá, thẩm định nhà vườn Huế; bộ phận quản lý Quỹ bảo tồn nhà vườn Huế chưa thành lập nên chúng tôi không thể triển khai thực hiện chính sách bảo vệ nhà vườn Huế của tỉnh trong năm 2010”.
Điều đáng nói là chủ nhân của những ngôi nhà vườn nộp hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí lại rơi vào các nhà vườn nằm trong tuyến nhà vườn Phú Mộng, phường Kim Long. Trong khi đó, những ngôi nhà vườn ở nơi khác đang bị xuống cấp nhưng không thể làm hồ sơ xin hỗ trợ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đánh giá: Huế đang lưu giữ hàng trăm nhà vườn, trong đó có hơn 50 ngôi nhà được xem là di sản có một không hai của nhân loại. Kiến trúc nhà vườn phản ánh cho văn minh văn hoá cố đô Huế thế kỷ thứ XIX. Nếu không sớm lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận và hỗ trợ trùng tu, tôn tạo thì kiến trúc độc đáo này có thể bị mất trắng trước sự săn mua nhà cổ đang diễn ra nhộn nhịp.
“Nhà vườn Huế là tài sản quý giá góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế, có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển gắn với quá trình đô thị hóa của Huế. Bởi vậy, gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo nhà vườn Huế là một trong những nội dung quan trọng của việc gìn giữ di sản văn hóa Huế, đây là trách nhiệm, nghĩa vụ không chỉ của chủ nhân các nhà vườn Huế mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, xã hội và chính quyền các cấp” - Nghị Quyết của HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế.

ĐÔNG HƯNG (CAND ONLINE)

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

CAO HUY KHANH - VN HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975-2011(KÌ 69)



NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

691 - Trần Thị Lệ Hà
34 NĂM GIỮ HỒ SƠ QUÂN VỤ CỦA CHỒNG TỬ SĨ
Thường dân Việt kiều Mỹ sinh 1950 tại Cần Thơ. Sống ở Mỹ (2010).
Trước 75 làm công chức ở Sài Gòn, chồng trung úy nhảy dù, mới có con 7 tháng tuổi.
Đêm 29.4.1975 chồng ứng trực tại Bộ Chỉ huy nhảy dù trong trại Hoàng Hoa Thám ở Sài Gòn không may bị địch pháo kích chết ngay trước ngày kết thúc chiến tranh.
Còn lại một mình ôm con thu xếp thuê xe đưa quan tài chồng về quê chồng Rạch Giá làm đám ma tròn bổn phận. Sau đó tránh để bị chính quyền cộng sản mới soi mói nên về quê ngoại Cần Thơ buôn bán lặt vặt sống qua ngày.
Đến năm 1979 cùng mẹ mang con vượt biên. Tàu đến Malaysia không được vào phải tiếp tục lênh đênh qua Indonesia, sau đó một thời gian mới được nhập cư vào Mỹ.
Lấy chồng khác sinh được thêm 2 con, chồng mới gặp trên cùng chuyến tàu vượt biên có sự trùng hợp là cũng quê Rạch Giá và xuất thân từ trường Võ bị Đà Lạt như người chồng quá cố.
Dù đã làm lại cuộc đời ổn định hạnh phúc song qua hàng chục năm cho đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn “hồ sơ quân vụ” của chồng cũ gồm thẻ quân nhân, thẻ bài, chứng chỉ tại ngũ, bằng nhảy dù, thẻ căn cước, tờ khai gia đình trong trại gia binh, thậm chí cả… giấy nghỉ phép của chồng! Là những kỷ vật quý báu vẫn đặt lên bàn thờ khấn vái lễ kỵ giỗ hàng năm.
Một số kỷ vật đó đã được đưa vào Bảo tàng Thuyền nhân VN ở Mỹ mở cửa năm 2009.

692 - Trần Thị Miêng
HƠN 70 TUỔI TÓC ĐEN LẠI
Nông dân sinh 1930 tại Thanh Hóa. Sống ở Thanh Hóa (2004).
Có 2 con trai đi bộ đội vào chiến trường miền Nam.
Sau chiến tranh chỉ một con là thương binh trở về, còn con trai út mất tích trên đường Trường Sơn. Suốt 27 năm trời không tin tức không dấu tích nào giúp tìm con khiến mẹ bạc nhanh mái đầu.
May mắn tình cờ đến năm 2001 một lá thư từ khách đi thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị) gửi về ghi lại danh sách mộ liệt sĩ Thanh Hóa tại đây trong đó có tên con. Mẹ mừng quá tới mức sau một đêm tóc mẹ như…. đen lại!

Dù vậy mãi đến 3 năm sau mẹ mới dành dụm được chút tiền để vào nghĩa trang thăm mộ con.

693 - Trần Thị Thanh Lịch
MỘT NĂM NẰM VIỆN 11 THÁNG
Cựu chiến binh sinh 1949 tại Bình Định. Sống ở Bình Định (2010).
Vào du kích tham gia đánh Mỹ, chống chế độ Ngụy, mấy lần bị địch bắt giam và được tổ chức cho vượt ngục. Có lần bị giam cầm năm 1969 bị tra tấn hành hạ dữ dằn nhất, 3 lần bị cưa cụt chân tới khớp gối.
Sau 75 xuấùt ngũ thương binh nặng, lấy chồng cũng cựu bộ đội.
Nhưng vết thương chiến tranh trên thân thể không bao giờ lành với đủ thứ bệnh động kinh, ngộp thở, suy mạch vành, suy tim, huyết áp cao… Mỗi lần động kinh bất thần kéo dài đến 5 phút mà nếu không quen tưởng như sắp chết đến nơi.
Trở thành khách quen của bệnh viện, gần như suốt năm ra vào như đi chợ, cả Tết cũng ăn tết trong bệnh viện, khi nào nhớ nhà trốn về thăm nhà giống như “đi phép” vậy!
May mà còn có người chồng già chung thủy hết lòng săn sóc, trở thành chuyên gia “chống động kinh” cho vợ mới giúp tránh được nguy hiểm tính mạng.

694 - Trần Thị Vũ
ĐIÊN BỊ MẸ NHỐT 20 NĂM
Cựu thanh niên xung phong sinh tại Hải Dương. Sống ở Hải Dương (2010).
Thời trẻ tham gia thanh niên xung phong bị thương rồi mắc bệnh nặng nên được cho trở về quê.
Sau chiến tranh, vết thương ở đầu biến chứng phát điên suốt ngày đêm cứ lảm nhảm kêu “Có bom”, “Bà con chạy đi” rồi giả tiếng súng nổ “pằng phằng, chíu chíu”!
Trong thời kỳ hậu chiến mới bắt đầu quá nhiều khó khăn, thiếu thốn nên địa phương, bệnh viện không có phương tiện, điều kiện chữa trị đều bó tay không cứu chữa gì được.
Bà mẹ già còn lại một mình nuôi con không còn cách nào khác phải nhốt con gái vào một cái buồng kín, ăn uống lẫn đi vệ sinh tại chỗ. Thậm chí sợ con phá phách trốn ra ngoài nên phải làm thêm hàng rào cắm mảnh ve chai và chêm các bụi tre gai ngăn lại!
Kéo dài 20 năm như thế mãi đến năm 2008 có tờ báo phát hiện đăng bài, lúc đó tỉnh mới ra lệnh bệnh viện đến đưa vào viện tâm thần chăm sóc nuôi nấng.

695 - Trần Thiện Hiệp
CUỐI ĐỜI VỀ NƯỚC LÀM THƠ
Việt kiều Mỹ sinh khoảng 1940 tại Quảng Bình. Sống ở VN (2010).
Sĩ quan hải quân VNCH 15 năm, đóng quân tại Biên Hòa.
Tháng 4.1975 chỉ huy tàu di tản có mặt nhiều tướng tá chế độ cũ cùng gia đình, riêng mình lại bị thất lạc vợ con. Tàu trôi giạt nhiều ngày trên biển, sau mới được chiến hạm VNCH vớt đưa đến Mỹ. Một thời gian dài sau đó mới được đoàn tụ với vợ và 5 con.
Trên xứ người chuyên tâm vào làm ngành nghề xã hội nuôi con, không quan tâm gì nữa đến chuyện thời cuộc chính trị. Thay vào đó lại bắt đầu tìm đến làm quen với thơ, làm khá nhiều như để cởi mở tấc lòng, trút niềm tâm sự tha hương. Năm 1987 xuất bản tập thơ đầu tiên ở Mỹ, tập tiếp theo in tại Canada…
Đến khi con cái trưởng thành ra đời làm việc có cuộc sống ổn định rồi mới quyết định hồi hương ở luôn từ năm 2000.
Từ đó tiếp tục làm thơ dài dài liên tiếp cho ra mắt nhiều tập in trong nước. Song song đó còn kết hợp đi thăm thú các miền đất nước và làm từ thiện đến các miền làng quê xa xôi từ trong Nam ra tới ngoài Bắc.
Càng về sau thơ càng mang phong vị tình cảm nhẹ nhàng phóng khoáng đượm đôi chút chất vị thiền của người đạt đạo thấu tình:
“Mõ chông vẳng tiếng vô thường
Hồng trần nghiệt ngã mà thương mãi đời.
Thơ gieo chén ấm rượu mời
Trăng còn đó cuộc chơi chia người…”

(Nhịp phách phù vân, 2002).

696 - Trần Tiễn Khanh
“TIẾN SĨ BÃO LỤT”
Nhà khoa học Việt kiều Mỹ sinh tại Huế. Sống ở Mỹ (2011).
Học trung học toàn trường Pháp lần lượt ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, đến năm 1970 được học bổng du học Mỹ.
Năm 1978 tốt nghiệp tiến sĩ khí tượng và môi trường, ra trường thành lập công ty chuyên ngành này. Năm 1982 là ngườøi đầu tiên có sáng kiến đưa mô hình dự báo thời tiết lên máy vi tính quảng bá rộng rãi.
Ở nước ngoài nhưng lòng luôn đau đáu nhớ về quê hương miền Trung luôn gặp nạn bão lụt nên từ năm 2001 tận dụng chuyên môn của mình – cùng sự hợp lực của vợcũng là đồng hương Huế từng dạy trường Hàm Nghi – đã lập nên trang web www.baolut.com tập hợp các thông tin thời tiết quốc tế từ nhiều nguồn giá trị để từ đó đưa ra dự báo thời thiết cho đủ 63 tỉnh thành VN mỗi ngày 4 lần cập nhật theo tình hình thay đổi liên tục.
Kèm theo đó viết nhiều bài liên quan chủ đề bão lụt VN trong đó có nhấn mạnh đếùn vấn đề Trung Quốc làm thủy điện gây tác động lên dòng Mekong gây hậu quả xấu cho vùng hạ lưu sông ảnh hưởng đến các nước Đông Dương.
Cung cấp các thông tin trên tất cả đều miễn phí vì xem đây là nhiệm vụ “góp phần bảo vệ sự an toàn cho đồng bào ở quê nhà”.
Song song đó đã vận động bạn bè góp tiền gửi về nước giúp đỡ nạn nhân bão lụt, tổ chức các nhóm bác sĩ thiện nguyện cùng vợ chồng mình trở về tham gia các đợt cứu trợ miền Trung. Còn ấp ủ một số dự án trang bị điện thoại vệ tinh giá rẻ cho dân làm nghề đánh cá đi biển xa, xây dựng mẫu nhà có kết cấu chống bão lụt…
Không chỉ thế, năm 2006 còn công bố phần mềm vi tính có khả năng dịch thuật Hán – Việt cực nhanh – nhanh nhất thế giới – có thể phiên âm và chuyển dịch được hơn 70 triệu từ của 2.372 bộ kinh Phật chỉ trong vòng… 28 tiếng đồng hồ!

697 - Trần Văn Bá
THÙ NHÀ NỢ NƯỚC
Giảng viên đại học Việt kiều Pháp sinh 1945 tại Sa Đéc – Mất 1985 ở TPHCM (41 tuổi).
Thân phụ là Trần Văn Văn nhà hoạt động chính trị Nam bộ kỳ cựu từng tham gia chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật rồi chính phủ Nam kỳ thân Pháp sau đó, sau 1954 làm dân biểu ở miền Nam chủ trương chống Cộng. Vì thế bị cộng sản ám sát chết năm 1966 tại Sài Gòn.
Bởi vậy người con năm 1967 đi du học Pháp với chí hướng tiếp tục con đường tranh đấu của cha. Năm 1971 ra trường làm trợ giảng ĐH Nantes đồng thời tham gia hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên trí thức VN ở Pháp theo đường hướng chống Cộng. Từ năm 1973-1980 làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên VN ở Pháp, bộ phận theo khuynh hướng này.
Không chỉ dừng ở đó, từ 1980 bắt đầu dấn thân vào hành động chống Cộng theo con đường bạo lực nhắm tổ chức đưa quân và vũ khí xâm nhập VN chống phá chính qiuyền cộng sản. Hợp tác với nhóm Việt kiều Pháp của Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy hai lần đưa lực lượng và trang bị vào VN từ đường biển theo ngõ Hà Tiên và Cà Mau với ý đồ kết hợp với nhóm giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài chống đối chế độ gây bạo loạn. Nhưng âm mưu bị dập tắt từ trứng nước, bị chính quyền cộng sản bao vây bắt trọn.
Bị bắt cùng Mai Văn Hạnh cuối năm 1984 ở Cà Mau, ra tòa 1985 lãnh án tử hình. Không chấp nhận ký biên bản tòa nhận tội “phản quốc” và cũng từ chối làm đơn xin ân xá nên bị thi hành án cùng năm (riêng Mai Văn Hạnh làm đơn xin ân xá nên được giảm án rồi nhờ mang quốc tịch Pháp nên sau được chính phủ Pháp can thiệp trả tự do sớm trục xuất qua Pháp).
Bản thân được cộng đồng hải ngoại xem như một tấm gương chiến sĩ trí thức tranh đấu cho quyền tự do dân chủ, được một tổ chức nhân quyền Mỹ truy tặng Huân chương Tự do Truman – Reagan năm 2007, được dựng bia tưởng niệm tại Bỉ, được đặt tên cho một con đường nhỏ ở bang Virginia – Mỹ.

698 - Trần Văn Ca
GIÚP THƯƠNG PHẾ BINH VNCH SỐNG CÒN
Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1952 tại Quảng Nam. Sống ở Mỹ (2011).
Trước 1975 làm thông dịch viên cho đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ, vợ làm y tá.
Đến biến cố 30.4.75 cùng vợ chạy di tản theo tàu qua Mỹ, để lại một con trai mới 2 tuổi gửi nhờ bà chị nuôi giùm.
Trên đất Mỹ, chồng đi làm việc quét dọn trung tâm thương mại về đêm (2 USD/giờ, ăn ngủ tại chỗ) rồi “tiến lên” làm bồi cho nhà hàng ăn Mexico, vợ hành nghề giữ trẻ tại gia. Dần dà nhờ có chí làm ăn vươn lên đã tự học nghề nhà hàng rồi dành dụm tiền bạc đến năm 1981 mua lại nhà hàng mình làm chủ khai thác bán món ăn VN. Sau đó phát triển mua thêm 4 nhà hàng khác nữa kinh doanh đắt khách.
Bao nhiêu năm lưu lạc xứ người tuy lòng vẫn nhớ quê – trong đó còn đứa con bé bỏng ngày nào - song khi ra đi đã thề “còn cộng sản, không về!” nên quyết ngoảnh mặt quay lưng. Tuy nhiên năm 1990 được tin cha bệnh nặng nên đành phải quay về, lần đầu tiên gặp lại đứa con trai nay đã trưởng thành.
Nhưng cũng từ chuyến đi này mới có dịp trực tiếp đối diện với một thực tế xã hội đau lòng là thảm cảnh người tàn tật, khuyết tập vì hậu quả chiến tranh trên đất nước quá nhiều (khoảng hơn 7 triệu người) quá khổ quá thiếu thốn đủ thứ. Từ đó động lòng trắc ẩn thấy mình cần phải làm một cái gì đó để chung tay giúp đỡ đồng bào.
Thế là quay về Mỹ lo thủ tục bảo lãnh con qua đồng thời bắt tay vào việc thành lập Hội Bạn người tàn tật năm 1991 với mục tiêu cung cấp trang thiết bị, phương tiện sinh hoạt cho người tàn tật – khuyết tật như các loại xe lăn, chân tay giả… Đặc biệt đối tượng được chú ý quan tâm là giới thương phế binh chế độ cũ lâu nay không được ai giúp đỡ (riêng giới thương binh chế độ mới đã có chính quyền hiện tại chăm sóc đủ rồi).
Ban đầu phải mua đồ ngoại đưa về nước, sau chuyển qua tự xây dựng cơ sở, xưởng sản xuất các loại phương tiện đó ngay trong nước qua nhiều điểm ở Hà Nội, TPHCM, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn… vừa đỡ tốn tiền vừa phù hợp kích cỡ với người VN hơn. Ngoài ra còn lập trung tâm dạy nghề cho họ. Đã tổ chức đưa 2 đại diện người tàn tật đi Mỹ ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vận động hỗ trợ cho nạn nhân chiến tranh VN.
Năm 1993 còn lập thêm Hội Thiện nguyện y tế – giáo dục nhằm giúp đỡ VN.
Làm được những việc này không hề đơn giản vì phải tự vận động tài chính, phải bán bớt nhà hàng lấy tiền trang trải công việc chung chỉ giữ lại một điểm giao cho vợ phụ trách. Nhưng gay go, đau đầu nhất là đương đầu, đối phó với cả 2 phía -- về chính quyền VN thì nghi ngại “có ý đồ gì?” (có lần còn bị địa phương bắt giam 4 ngày tra vấn!), còn các thế lực chống Cộng hải ngoại thì lên án “phản bội”, “tiếp tay cộng sản”!
Chấp nhận “đi giữa 2 lằn đạn”, đáp lại sòng phẳng: “Tôi không quan tâm đến chính trị, tôi chỉ quan tâm đến đồng bào tôi. Họ cần được giúp đỡ… Không chỉ để hàn gắn vết thương trên cơ thể mà còn giúp họ phục hồi niềm hy vọng sống…”

699 - Trần Văn On
TỪ HÀNG BINH THÀNH ANH HÙNG
Nông dân sinh 1948 tại Tiền Giang. Sống ở Tiền Giang (2011).
Năm 1968 nhập ngũ ở Sài Gòn, được gửi đi Mỹ đào tạo phi công lái máy bay phản lực 18 tháng rồi về phần công ra đơn vị không quân chiến đấu ở Đà Nẵng.
Tháng 3.1975 Đà Nẵng giải phóng, mang lon trung úy đành chấp nhận đầu hàng.
Vào thời điểm này quân cộng sản có chiếm được 6 máy bay phản lực A37 của địch tháo chạy bỏ lại trong sân bay Đà Nẵng và Phan Rang nên muốn tận dụng bay vào không kích Sài Gòn. Nhưng lúc đó chỉ có một mình NguyễnThành Trung sĩ quan phi công VNCH nhưng là “Việt cộng nằm vùng” đã bỏ ra vùng giải phóng là biết điều khiển loại chiến đấu cơ này, phi công miền Bắc hoàn toàn không biết gì.

Sau khi được vận động, bản thân đã chấp nhận tham gia hợp sức cùng NT Trung sửa chữa máy bay hoàn chỉnh rồi bỏ công huấn luyện cho một số phi công miền Bắc được điều vào chuẩn bị cho chiến dịch đánh bom Sài Gòn. Tất cả lập thành “Phi đội Quyết thắng” gồm 5 phi công – 2 Nam kiêm thầy hướng dẫn và 3 Bắc mới huấn luyện cấp tốc – ngày 28.4 bay vào thả bom sân bay Tân Sơn Nhất, chính mình được bố trí bay vị trí quan trọng thứ hai là chót đội bay (NT Trung bay dẫn đầu, vị trí quan trọng nhất). Kết quả chiến dịch thành công trở về an toàn, gây tiếng vang lớn tạo áp lực thêm căng thẳng lên tâm lý chính quyền và quân đội VNCH đưa đến tan rã sau này.
Sau 1975 còn tiếp tục được “trưng dụng” đi đánh Khmer Đỏ trên chiến trường biên giới Tây Nam. Một thời gian sau xin ra quân, dắt vợ con về quê An Giang làm ruộng.
Trở thành nông dân lam lủ nuôi 6 con đời sống rất khó khăn. Vợ phải nghỉ dạy về phụ chồng lo việc đồng áng. Làm ruộng không đủ ăn nên xoay qua nuôi gà thì không may gặp mấy đợt dịch cúm phá sản trắng tay. Sau chuyển qua nuôi heo đỡ hơn chút đỉnh.
Sau chiến công sân bay Tân Sơn Nhất đã được trao tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất nhưng không được hưởng chế độ gì bởi trong quy định thủ tục làm hồ sơ cựu chiến binh không hề có khoản nào đề cập đến trường hợp “anh hùng chiêu hồi”, “anh hùng ngắn ngủi” ngàn năm có một này!

700 - Trần Văn Trà
TƯ LỆNH QUÂN GIẢI PHÓNG THẤT SỦNG
Thượng tướng QĐNDVN tên thật Nguyễn Chấn sinh 1918 tại Quảng Ngãi – Mất 1996 ở Singapore (79 tuổi).
Nguyên Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam, sau 30.4.75 là Chủ tịch UB Quân quản TPHCM trong 7 tháng.
Sau khi thống nhất 2 miền và giải tán Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ 1978-1982.
Tuy nhiên sự kiện thống nhất 2 miền kể trên có lẽ không ít thì nhiều đã không được sự đồng thuận nhất trí cao của một số nhân vật thành viên chính phủ và Mặt trận Giải phóng miền Nam -- trong đó có thể có vị nguyên tư lệnh -- đối với chủ trương của cấp Trung ương miền Bắc,
Có thể vì vậy năm 1982 nổ ra scandal cho in bộ hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” gồm 5 tập trong đó có nêu một số luận điểm trái ngược với quan điểm chính thống lâu nay của Trung ương ở miền Bắc như ai là chủ soái thực sự chiến thắng 30.4 (tướng Võ Nguyên Giáp chứ không phải tướng Văn Tiến Dũng), sai lầm của Bộ Chính trị trong cuộc tổng công kích nổi dậy Mậu Thân 1968…
Lập tức bộ sách bị thu hồi và cấm in tiếp. Riêng bản thân tác giả xem như “hạ tầng công tác” cho về hưu non.
Năm 1986 tham gia thành lập CLB Những người kháng chiến cũ ở TPHCM – cùng Nguyễn Hộ – có xu hướng đấu tranh yêu cầu Đảng thực thi mở rộng tự do dân chủ. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì bị chính quyền trấn áp, giải tán CLB, bắt giam Nguyễn Hộ.
Năm 1992 nhận chức “danh dự” Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN ngồi chơi xơi nước đến ngày mắc bệnh đưa qua Singapore chữa tưởng đã đỡ không ngờ đi thang máy xuống lầu bệnh viện chuẩn bị về nước thì bị sốc tim không cứu kịp.
(Còn tiếp)